„Những cuộc chiến không súng đạn, mà là cuộc chiến được quyết định
bằng thông tin, trong sự đấu tranh gay gắt của cái gọi là sự thật và dối trá,
điều tử tế và cái xấu xa, của lề trái và lề phải, và cuối cùng là sự đấu tranh
của sự sống và cái chết, giữa con người với con người,…“
CUỘC CHIẾN
ÂM THẦM
Đến thời điểm
này, mỗi ngày trôi qua với mỗi chúng ta là một cuộc
chiến, không phải bởi những vũ trang, mà bởi rất nhiều mặt trong một sự
âm thầm nhưng đầy hiển hiện.
Cuộc chiến của sự thật và dối trá.
Đến
giờ người ta thừa hiểu, sự thật, dù thế nào cũng đã bị pha loãng bởi một luồng
chất cổ tích nào đó, hoặc được xâu chuỗi vào với nhau như một kịch bản mà ở đó phần của sự thật thì được tô đậm và phần kết
dính thì quả thực gần như hoàn hảo. Khi người ta cảnh báo nạn trẻ bị bắt cóc và
mua bán nội tạng, người ta cũng lại quay ngoắt đổ tại do lỗi đánh máy khi dư luận
quan tâm, mà thực dân họ đã biết từ lâu. Sập hầm mỏ khai thác vàng chết gần hai
chục người thì người ta công bố một phần mười con số đó. Tham nhũng thành quốc
nạn, nhưng người ta lại bảo mười năm không phát hiện ai tham nhũng.
Sự thật được công bố qua một lăng kính
tán sắc bảy màu đẹp đẽ. Sự thật ẩn nấp trong cái chổi của VTV
khi ám hại người nông dân trồng rau, nhưng người ta kể lể và tuyên chiến rất
quyết liệt như một sự thật khủng khiếp với sự giả tạo của chính mình. Điều ước
thứ bảy, về một chuyện tình của đôi trai gái mù loà đã lấy bao nước mắt của
khán giả cũng chìm khuất và được logic với nhau như một câu chuyện đời thường
hoàn toàn có thật. Người ta nghe
một nửa, hiểu một phần tư và kể gấp đôi. Tôi đã từng nghe và đọc được
câu này trôi nổi đâu đó về tính cách con người xứ Việt Nam. Sự thật,
người ta phải cố sức gạn lọc trong muôn vàn chiếc áo
khoác dối trá được khuếch trương, đeo bám và phủ lên, mới mong có được một phần
của sự thật.
Cuộc chiến của điều tử tế
và cái xấu xa.
Cái xấu thì nói không hết. Cái tử tế thì
bị mổ xẻ đến nát như tương, thêm thắt, xây dựng, đủ trò để
tìm kiếm một sự hoàn hảo của điều tử tế. Nào là chuyện người ta cho ông già uống
nước mà chưa mở nắp chai. Người ta dắt cụ già qua đường mà ống kính chờ sẵn.
Người đi đường đổ xe hàng chở nặng mà đã có người đợi trước mà đỡ hộ cho họ.
Người ta xây nên những câu chuyện cổ tích ở Người xây tổ ấm. Người ta tìm sự tử
tế trong câu chuyện tài xế xe khách Phan Văn Bắc bằng đủ cách tường thuật. Cái
tử tế hiếm đến nỗi ba ngày trôi qua vẫn chưa hết bàn tán, chưa hết những cái
tít giật nóng. Và còn trao giải, cúp vô lăng vàng cho người tử tế làm điều tử tế,
mà đến giờ người ta biết đó không phải là sự chủ động.
Nhưng dù ở góc cạnh nào, đó là điều tử tế và thực sự
là đáng để người ta tôn vinh anh về một hành động nghĩa hiệp, dũng cảm và tốt đẹp.
Cái xấu ở đây, trong một phần sự thật được vội vàng mô tả mà người ta chưa tìm
hiểu hết, đó là những ngòi bút rất bén hơi nhưng gọn gàng trong việc tách rẽ sự
thật. Sự thêm bớt, cải cách sự thật, đều không mang lại hệ quả tốt đẹp, dù nó
được lấy ra từ một điều tốt đẹp.
Hậu quả đầu tiên đó là sự mất niềm tin
vào những điều mà người ta thấy, người ta nghe và người ta biết qua báo chí.
Đó chính là mũi dao khoét sâu thêm vào niềm tin vốn yếu ớt dành cho những cuộc
tin thiếu trí tuệ, sự chuyên nghiệp và cái tâm của một nhà báo chân chính.
Cái xấu xa, bao phủ nhiều đến nỗi, để
mưu cầu sự tử tế, người ta phải ra đứng đường tìm kiếm hoặc lên báo chí, mạng
xã hội kêu gọi lòng tốt về một sự tương trợ, bảo hộ hay giúp đỡ
nào đó dành cho những mảnh đời bất hạnh, hai bé sơ sinh dính liền cần mổ, ba đứa
trẻ mất cha mẹ cần được ăn học, đứa bé bị bệnh tim cần tiền cấp cứu.
Cái xấu xa, là sự ăn cướp trắng trợn
của những người dân cùng khổ bởi những khoản đóng góp kinh hoàng và phi lý.
Cái xấu xa, là những đứa trẻ đến
trường qua sông, mái trường lụp xụp hoặc thậm chí ngồi
ngoài bãi cỏ trống với cái bảng xanh mốc, lởm chởm, gồ ghề.
Cái xấu xa, là những tên quan tham
không bị phát hiện và xử tội, mà có khi tìm ra người ta ban cho
những ân huệ về những bài học lớn hay rút kinh nghiệm thực sự sâu sắc nào đó.
Cái xấu xa, là người ta làm ăn bất
chấp, đầu độc dân tộc mình mà không kể hậu quả của nó.
Cái xấu xa, là người ta mổ nhầm
chân, tay, cắt nhầm bộ phận người mà rồi còn thách thức nạn
nhân hoặc phủi bỏ trách nhiệm của mình.
Cái xấu xa, là người ta bàng quan
với xã hội, chấp nhận theo guồng quay đó, cúi đầu trước cái ác,
cho con cái học trong nền giáo dục của xã hội ấy mà thày cô cũng là sản phẩm của
cái xã hội méo mó ấy mà lại còn có thể chạy chọt, hay kể cả người ngay thẳng
cũng phải lảng tránh dạy những điều đúng đắn nhất để chỉ dạy chúng những cách
ít rủi ro nhất.
Cái xấu xa, là ngay cả điều tử tế
mà người ta cũng còn nghi ngờ.
Cuộc chiến của sự sống và
cái chết.
Sự sống mong manh, không chỉ riêng với quan chức,
người dân, mà là bất cứ ai ở trên mảnh đất này. Khi
cái xấu xa được trang bị bằng sự dối trá, thì đương nhiên cái chết luôn cận kề
với bất kỳ một người nào. Thực phẩm bẩn, các đồ uống nhiễm độc, không
khí ô nhiễm nặng nề, nguồn nước từ biển đến sông hồ đều là nơi tồn chứa những
nguồn nguy hiểm cao độ. Không phải bây giờ người ta mới hoảng hốt lên vì Việt
Nam đứng đầu thế giới về tỷ lệ người mắc ung thư, một năm đến hơn 200.000 ca mới.
Mới hai năm nay, người ta đã điểm mặt những cái tên như Duy Nhân, Trần Lập, Hán
Văn Tình (bác Quềnh trong Đất và Người) và mới nhất là Minh Thuận.
Các bạn nên nhớ rằng đó là những người trong giới
showbiz luôn được để mắt và soi xét kỹ lưỡng nên được nêu tên khi có sự cố nào
đó. Vậy thử hỏi bao nhiêu người khác đã và đang chết một cách thầm lặng ở các
vùng quê, miền xa trên tổ quốc này.
Người ta chết vì bệnh tật. Người ta
chết vì tai nạn giao thông, mỗi năm thống kê khoảng 10.000
người, nhưng con số của Liên Hiệp Quốc lên tới gấp đôi con số đó. Mà cũng đúng
khi ông Phó thủ tướng vừa khẳng định, mỗi bộ, ngành báo cáo một con số thì biết
lập chính sách kinh tế vĩ mô kiểu gì (?).
Người ta chết vì ra biển khơi đánh cá
mưu sinh,
mỗi năm cũng ngót nghét gần 5.000 người bỏ mạng trên vùng biển quê hương mình.
Người ta chết vì bị bắt giam mà
không may sau vài ngày bất động thành cái xác thâm tím, trầy bầm, tụ máu.
Người ta chết vì dũng cảm đứng ra chống
lại cái ác, cái xấu xa, mà đặc biệt là có quyền lực, điều ấy
đã được ông Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt khẳng định rất
thẳng thắn và trong sự bất lực thực sự của cả một hệ thống đã trở nên lỗi và
tha hoá quyền bính chính trị.
Những cuộc chiến không súng đạn, mà là cuộc
chiến được quyết định bằng thông tin, trong sự đấu tranh gay gắt của cái gọi là
sự thật và dối trá, điều tử tế và cái xấu xa, của lề trái và lề phải, và cuối
cùng là sự đấu tranh của sự sống và cái chết, giữa con người với con người, nhưng
trong số đó là những con quỷ hiện diện trong những nụ cười và hình hài rất đỗi
con người.