Nhóm
phóng viên tường trình từ VN (RFA)
Sau một cơn mưa lớn. AFP photo
Trận mưa chiều Thứ Hai tuần này đã làm cho thành phố
Sài Gòn tê liệt vì nước dâng cao, hầu hết cư dân Sài Gòn phải sống trong một trận
lụt bất đắc dĩ. Đáng sợ hơn là sự bất đắc dĩ này sẽ còn kéo dài chưa biết đến
bao giờ. Bởi theo giới khoa học, thành phố Sài Gòn đang bị lún do qui hoạch thiếu
khoa học và thành phố này đã tự biến mình thành một ao tù sau sau hàng loạt qui
hoạch kể từ năm 1975 đến nay.
Người dân Sài Gòn nói gì?
Một người dân Sài Gòn tên Vĩnh, hiện sống tại quận
Gò Vấp, chia sẻ: “Sau năm 1975, quy hoạch lộn
xộn. Rồi những cái ống nước
bê tông rộng cả 1.2 mét, đưa nước ra sông, giờ đào lên thay bằng ống nhựa. Quy hoạch không nghĩ đến thoát nước thành phố. Như sân bay
Tân Sân Nhất chẳng hạn, họ xây sân gôn bao quanh rồi che mất ống cống nước,
cũng ngập thôi. Giờ những người quy hoạch, mở mang thành phố toàn là bằng giả,
kỹ sư dởm, thi công dởm, chứ đâu nghĩ đến việc kết hợp. Như hồi xưa trước khi xây dựng thì phải
có sự kết hợp xây dựng, điện nước mới xây dựng. Nhưng giờ xây thì xây thôi, xây
xong nhiều khi điện mất, nước ứ. Ổng xây thì
xây để lấy tiền thôi!”
Ông Vĩnh nói thêm là ông và gia đình đã có bốn đời sống
ở Sài Gòn, chưa bao giờ ông chịu cảnh ngập lụt như trận lụt hôm Thứ Hai vừa
qua. Trong khi đó, nói một cách nghiêm túc thì trước năm 1975, Sài Gòn cũng
kinh qua nhiều trận mưa rất khủng khiếp nhưng tình trạng ngập lụt thì không có.
Bởi lúc đó, mỗi quận đều có một vài ao đầm rất lớn, ví dụ như Đầm Sen ở Tân
Bình, ao rau muống ở Bàu Cát, ao đá ở quận 12, ao hầm đá ở Thủ Đức… và rất nhiều
ao hồ không tên khác đã giúp cho Sài Gòn thoát nước trong tình trạng ngập cục bộ.
Hơn nữa, nhà cửa lúc đó cũng qui hoạch không lộn xộn,
các con đường vẫn còn rộng thoáng, cây cối nhiều… Nhìn chung, Sài Gòn trước năm
1975 không bị rơi vào tình trạng tổ kiến. Giải thích chuyện tổ kiến, ông Vĩnh
nói rằng hầu hết các qui hoạch xây dựng sau này đều rơi vào tình trạng tổ kiến.
Nghĩa là chọn những mảnh đất có kết cấu địa tầng học kém và xây lên bên trên một
khối kiến trúc đồ sộ, không tính đến hướng gió và đường thoát nước. Cuối cùng,
khi có mưa, mọi căn nhà, mọi công trình trở thành các con đập và đường sá trở
thành các con sông, người bơi lõm ngõm trên sông phố như kiến gặp lụt.
Ông Vĩnh cho rằng nhà cầm
quyền đã đối xử quá tệ với Sài Gòn và điều này sẽ mang lại hệ lụy khó mà lường
trước được.
Không nhận xét nặng nề như ông Vĩnh, nhà thơ Đỗ Trung Quân, hiện đang sống tại Sài
Gòn, đưa ra nhận xét:
“Về nguyên nhân thực sự thì mình cũng không rành.
Người ta không biết vì sao ngập lụt đến kinh hoàng vậy. Tôi nghĩ do xây dựng
cũng một phần. Như cái túi chứa nước để thoát nước trước đây của Sài Gòn giờ
thành Phú Mỹ Hưng, cũng là một nguyên do.
Ở Sài Gòn cũng có thông tin là một số
nơi xây dựng không có cống thoát nước. Nhưng đó là thông tin mình tiếp nhận còn
nguyên do thực sự thì tôi cũng chưa thể nói là gì. Hài hước thì mình chỉ biết
nói Sơn Tinh thua rồi, Thủy Tinh chiếm trọn toàn bộ thành hồ rồi. Nói về tình
trạng ngập lụt thì chúng ta thấy trong mấy ngày vừa qua rồi. Đời sống của người
dân nếu như thế này rõ ràng bị xáo trộn.
Ngập thế này thì làm sao
không xáo trộn được, làm sao yên tâm đi đâu được, ở nhà còn không yên tâm chứ đừng
nói là đi làm, nếu trời mưa thế này. Nó làm xáo trộn xã hội đấy, nó là xáo trộn
đời sống bình thường của người dân, lý ra không phải đối phó với việc bình thường
thế này. Với tư cách là một người dân, tôi hoàn toàn bất an, rất bất an, mọi thứ
xáo trộn hết.”
Ông chia sẻ thêm, có thể nói rằng, sau trận ngập lũ
chiều Thứ Hai tuần này, mọi thứ trở nên thay đổi hoàn toàn, chẳng ai còn dám tự
hào Sài Gòn là một hòn ngọc viễn đông hoặc Sài Gòn là thành phố đầu tàu nữa. Bởi
theo nhà thơ, con người cần ăn, mặc ở cho ổn định, bình an thì mới dám nói đến
chuyện khác. Đằng này, mọi thứ bị xáo động, chỗ ăn, chỗ ở ngập ngụa, công việc
đi lại cũng bị rối rắm thì mọi chuyện có thể bị ngưng trệ xâu chuỗi.
Giới kiến trúc sư nói gì?
Một kiến trúc
sư làm việc tại Sở Qui hoạch – Kiến
trúc thành phố Sài Gòn, không muốn nêu tên, chia sẻ:
"Trước
1975 thì đã có sẵn hết rồi, tất cả các hệ thống, kiến trúc Sài Gòn được vẽ ra tới
Củ Chi, Bình Dương, Bình Phước hết chứ. Có bản vẽ tổng thể hết, rồi sau đó người
ta xây dựng từng phần một. Bây giờ người ta làm ẩu, đâu có bản vẽ, người ta đâu
tìm ra được bản vẽ thời Pháp đó được. Không có bản tổng thể chung, thì cái đường
nước nó không tính được lưu lượng nước.
Cái đường ống cống chính và phụ, có nơi
nước đi ngược. Như một số khu vực tư nhân kiếm được theo phe nhóm thì họ xây dựng
cống to để hút khách, cuối cùng, chính những đường ống này đẩy ngược nước lại.
Chứ người ta phải có một ống cống chính từ trên cao xuống thấp rồi những ống cống
phụ khác của thành phố nhập chung vào đó, giống như lưới điện vậy. Nhưng giờ đường
cống chính của Sài Gòn không có, ngoài kênh Nhiêu Lộc, tuy nhiên kênh này thì
chỗ thoát được, chỗ không, nó đâu thoát được đâu.”
Bởi trước năm 1975, các qui hoạch của chính quyền cũ
đã nhắm đến hướng Tây và Tây Bắc lệch về hướng Biên Hòa và xem phía Đông, Đông
Nam là đầm thoát nước. Dự tính vài trăm năm nữa, khi địa tầng ở khu vực Đông và
Đông Nam đủ ổn định thì lúc đó mới qui hoạch lệch về phía này. Nhưng nhà cầm
quyền Cộng sản Việt Nam đã không chọn theo hướng này. Kể từ khi khu đô thị Phú
Mỹ Hưng hoàn thành, ông đã nhìn thấy chuyện này nhưng ông không thể nói với ai
và có nói thì cũng chẳng ai tin. Và chuyện Sài Gòn bị
ngập lụt nặng như đang thấy chỉ mới là chuyện khởi đầu.
Bởi khí hậu đang biến đổi mạnh, mưa Sài
Gòn trong những năm tới có thể dữ dội hơn. Trong khi đó thành phố Sài Gòn đang
trên đà sụt lún và xây dựng thì quá lủng củng, mọi con
phố đều trở thành con sông nghẹt. Như vậy, theo vị kiến trúc sư này, người dân
Sài Gòn cần chuẩn bị tâm lý sống chung với mưa ngập khi mùa mưa tới. Đây là
chuyện không thể tránh. Và cho dù nhà cầm quyền có qui hoạch, có điều chỉnh tốn
kém bao nhiêu nữa cũng khó mà vớt vát chuyện này được. Bởi cái sai là cái sai của
cả con đập, mà cái điều chỉnh thì giống như dùng một nùi giẻ nhét vào lỗ mối
trên thân đập. Việc này sẽ chẳng đi đến đâu!
Ông cho rằng chuyện cứu Sài
Gòn khỏi tình trạng ngập lụt hiện tại là chuyện vô cùng khó, thậm chí là chuyện
bất khả thể. Bởi vì người ta không thể đập bỏ các qui hoạch phía Đông và
Đông Nam của thành phố này.