„Bên cạnh việc « chống » những sai lầm trong đường lối và
chính sách lãnh đạo và những hậu quả của các sai lầm đó, cần đặt lên hàng đầu mục
tiêu « xây dựng » một hệ
thống chính trị có khả năng giải quyết các vấn đề của đất nước.“
Hình thành các đảng chính trị chuyên nghiệp: một đòi hỏi của thực tế
Việt Nam hiện nay
Nguyễn
Thị Từ Huy
Đa
đảng ở Mỹ, vẫn có đảng Cộng sản và đảng Xã hội. Nguồn ảnh: Apushcanvas Pbworks
Cuộc đấu tranh ở Việt Nam, cho đến lúc này, thiên về
hướng chống lại những bất cập và yếu kém của hệ thống điều hành đất nước và xã
hội; một số cá nhân và tổ chức nói rõ là chống lại chế độ độc đảng, nguyên nhân
của các bất cập. Như đã có lần nói, điều này là hết sức cần thiết, và luôn luôn
cần thiết.
Giờ đây, có lẽ đã đến lúc cần có sự thay đổi mang
tính chất bước ngoặt trong tư duy của những người tranh đấu ở Việt Nam. Bên cạnh việc « chống » những sai lầm trong đường
lối và chính sách lãnh đạo và những hậu quả của các sai lầm đó, cần đặt lên
hàng đầu mục tiêu « xây dựng »
một hệ thống chính trị có khả năng giải quyết các vấn đề của đất nước.
Gần đây, nhiều người, thậm chí có cả những đảng viên
đảng cộng sản vốn từng giữ những chức vụ cao cấp trong đảng như ông Vũ Ngọc
Hoàng, đã nói đến khả năng sụp đổ của chế độ. Mặc dù cá nhân tôi, dựa trên các
phân tích của mình, không có sự lạc quan về viễn cảnh thay đổi chế độ trong
tương lai gần, nhưng tôi thấy các lý lẽ và bằng chứng (của những người đưa ra dự
báo về khả năng sụp đổ của chế độ độc đảng) là đúng và có sức thuyết phục. Sức
thuyết phục của các lý lẽ đó càng được củng cố khi mà người dân (định nghĩa về
« người dân » của tôi là : những người không đứng trong hàng ngũ
lãnh đạo thì đều được gọi là « dân », dù đó là trí thức, sinh viên, học
sinh, công nhân, nông dân, thương gia, tiểu thương,hay các tầng lớp khác trong
xã hội) càng ngày càng cung cấp nhiều bằng chứng về ý thức đạo lý của họ, về
khát vọng sống và khả năng vượt qua nỗi sợ của họ.
Cũng vì thế mà chúng ta phải đối diện với câu hỏi
này : nếu, vào một ngày nào đó, những cảnh báo về
sự sụp đổ của chế độ trở thành hiện thực, thì lúc đó chúng ta sẽ phải làm như
thế nào, chúng ta sẽ làm gì để có thể thay thế một chế độ độc tài bằng một chế
độ dân chủ, chứ không lặp lại bi kịch lịch sử mà hiện nay chúng ta đang
nếm trải : thay
thế độc tài phong kiến bằng độc tài cộng sản ?
Hoặc đặt câu hỏi theo một cách khác : nếu giả sử chế độ này sụp đổ, chúng ta sẽ phải làm những gì
cụ thể để khắc phục các hậu quả của nó ? Và kiến tạo một xã hội tương lai
như thế nào ?
Câu hỏi này, các cá nhân không trả lời được. Các tổ
chức xã hội dân sự cũng không trả lời được.
Vậy ai có thể trả lời câu hỏi ấy ? Đó chỉ có thể
là các đảng chính trị chuyên nghiệp.
Chỉ có các đảng chính trị chuyên nghiệp, với các
chương trình hành động, ngắn hạn cũng như dài hạn, mới có thể đưa ra các đáp án
cho việc giải quyết các hậu quả hiện nay và kiến tạo một Việt Nam dân chủ.
Từ lâu nhiều người đã nhìn thấy vai trò của các đảng
phái chính trị ngoài cộng sản đối với vận mệnh quốc gia. Trong đó có ông Lê
Trung Tĩnh, người đã viết một bài để nêu lên sự cần thiết của các tổ chức lãnh
đạo và chính trị mới ở Việt Nam, đăng
trên trang BBC Việt ngữ, ngày 10/1/2016. Tôi rất đồng ý với cách đặt vấn
đề của Lê Trung Tĩnh, mà tôi trích lại
nguyên văn ở đây :
« Những người đấu tranh cho dân chủ Việt Nam
nên nhận lấy trách nhiệm cũng như tên gọi của những nhà hoạt động chính trị, và
tiến đến thành lập những đảng phái chính trị cho Việt Nam. Bằng cách đó, họ một
mặt đấu tranh cho dân chủ, một mặt tập hợp được sự ủng hộ của người dân vì đã
cho người dân cơ hội thấy rõ những lựa chọn chính trị trong tương lai. Ngoài ra
việc tự tin nhận trách nhiệm như những người lãnh đạo hay hoạt động chính trị
cho họ một tiếng nói đối lập rõ ràng, những kinh nghiệm tổ chức quý giá, và
giúp họ phê phán hay tìm cách giải quyết vấn đề của Việt Nam khi được bầu chọn
thành những lãnh đạo trong tương lai. »
Vấn đề là ở Việt Nam hiện nay không có một
đảng chính trị chuyên nghiệp nào ngoài đảng cộng sản,
mặc dầu Hiến pháp là luật pháp không hề (và không thể) cấm việc thành lập đảng.
Có tồn tại một số đảng, nhưng hoàn toàn không chuyên nghiệp, và người ta cũng không
biết mục tiêu chính trị và chương trình chính trị của các đảng ấy là gì.
Nhiều người lo lắng rằng khi chế độ này sụp đổ Việt
Nam sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn. Những người này không phải là không có lý của
họ, bởi vì họ không hình dung được xã hội sẽ như thế nào, và liệu có xuất hiện
một hình thái độc tài khác hay không.
Những lo lắng này sẽ được giải toả khi ở Việt Nam
hình thành được một số đảng, hoặc ít nhất là một đảng chính trị chuyên nghiệp đối
lập với đảng cộng sản ; những đảng có khả năng đưa ra một mô hình xã hội ổn
định hơn, phát triển hơn, và các quyền con người được đảm bảo hơn xã hội hiện
nay. Thực ra chỉ số tối thiểu để đo một chế độ xem nó
có dân chủ hay không chính là ở chỗ trong chế độ ấy phải có sự hiện diện của
các đảng chính trị đối lập. Như truyền thống phương Tây là các đảng cánh
tả và các đảng cánh hữu. Thậm chí ở Việt Nam thời thuộc địa cũng đã có vô số đảng,
mặc dù lúc đó không thể nói là Việt Nam có chế độ dân chủ.
Khi có các đảng chính trị mới ra đời ở Việt Nam, thiết
tưởng tất cả chúng ta đã hiểu rằng chúng ta cần tham gia và ủng hộ các đảng đó,
dĩ nhiên, với điều kiện là các đảng ấy phải thuyết phục được chúng ta bằng mục
đích chính trị và chương trình chính trị của họ.
Mục đích chính trị và chương trình hành động là những
gì làm nên định nghĩa về một đảng chính trị.
Dĩ nhiên, nếu một đảng chính trị mới mà lấy việc chống
đảng cộng sản làm mục đích chính trị của mình thì đảng ấy khó lòng thu phục người
dân, bởi vì người dân sẽ e sợ rằng đảng ấy chống cộng sản để rồi lại lập ra một
chính thể khác mà về mức độ độc tài vẫn có thể y chang như chính thể cộng sản.
Việc đưa ra một mô hình xã hội và những chương trình
hành động cụ thể để xây dựng nên mô hình xã hội ấy là một điều không đơn giản,
đòi hỏi phải có những chính trị gia chuyên nghiệp được đào tạo (hoặc tự đào tạo)
để có khả năng làm chính trị một cách chuyên nghiệp trong bối cảnh của thế giới
đương đại.
Sự
tồn tại và phát triển của Việt Nam đòi hỏi hai điều:
thứ nhất, phải hình thành được một tầng lớp chính trị
gia chuyên nghiệp như đã nói trên đây ; và thứ hai, người dân phải ủng hộ những người ấy khi họ xuất hiện,
hoặc là chọn lấy một trong số các gương mặt đã xuất hiện và ủng hộ họ để đưa họ
vào vị thế của một chính trị gia chuyên nghiệp (điều mà người Miến điện đã làm
khi tạo ra chính trị gia Aung San Suu Kyi). Cả hai điều kiện ấy đều thiết yếu
như nhau.