21.10.2016

TPP, canh bạc cuối cùng của Đảng - Việt Văn

“…Mỹ bảo phải tôn trọng môi trường mới được hưởng quyền lợi của hiệp định TPP…

Hà Nội cậy thiên triều, nên có vẻ khinh bạc TPP, không có thiện chí dọn sạch môi trường và tôn trọng luật lao động.”

TPP, canh bạc cuối cùng của Đảng

Việt Văn, từ Washington

Ba tháng sau khi cá bắt đầu chết hàng loạt tại bờ biển miền Trung, Hà Nội miễn cưỡng công bố lý do biển nhiễm độc, diễn màn bi hài kịch “khuyên” dân tha thứ cho Formosa, nhận số tiền bồi thường bèo bọt 500 triệu USD, nhưng lại giảm thuế hơn số tiền Formosa bồi thường. Chính quyền không đá động gì tới việc khắc phục chất độc trong biển, từ chối mọi sự giúp đỡ của Mỹ và Liên Hiệp Quốc. Formosa vẫn tiếp tục xả độc để đồng bào miền Trung sống trong điêu đứng!

Bên kia bờ Thái Bình Dương, chính quyền Obama đã trả lời thỉnh nguyện của hơn 140 ngàn chữ ký của người dân Việt Nam, sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam giải quyết thảm họa biển chết. Họ nhắc đến hiệp định xuyên Thái Bình Dương – Trans-Pacific Partnership (TPP) – đòi hỏi các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, phải bảo vệ môi trường.

Như thế Mỹ bảo phải tôn trọng môi trường mới được hưởng quyền lợi của hiệp định TPP, còn Việt Nam tuy biết rõ những ràng buộc của TPP lại cứ lờ cho biển chết dù rất muốn vào TPP để cứu kinh tế, kiếm tiền trả lương công an, và để giảm thuế cho Formosa! Chính quyền Việt Nam đang chơi trò gì?
Đã có nhiều bài viết về TPP, bài này thử phân tích vì sao chính quyền Việt Nam vẫn không đuổi Formosa, không dọn sạch môi trường để tuân hành luật môi trường của TPP, TPP có lợi gì cho đất nước.

1) Tóm tắt TPP

Bộ luật TPP dài gần 6000 trang, bao gồm 30 chương với nội dung chính là giảm thuế/rào cản thương mại, thỏa thuận về đầu tư đem lại lợi ích kinh tế và tăng trưởng xã hội.

Môi trườngquyền lợi người lao động là hai vấn đề 90 triệu người Việt Nam quan tâm, vì cả nước đang điêu đứng với thảm họa biển chết. Chương 20 trong TPP, bắt buộc các nước bảo vệ môi trường theo pháp luật của nước mình và không được phá môi trường vì lợi ích nhất thời để làm ăn. Chương 19 đòi các nước tôn trọng quyền lập công đoàn độc lập, hội họp, thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em.

Các chính sách về môi trường và lao động phải minh bạch, tạo cơ hội cho người dân đóng góp, có nghĩa là dân có quyền biểu tình, quyền tự do báo chí, tự do hội họp.

Người dân biểu tình, phản đối Formosa. Ảnh: internet

2) Đảng bênh Formosa, không dọn sạch môi trường theo yêu cầu TPP. Lý do:

a) Đảng cộng sản bị áp lực của tên “bạn vàng” Trung cộng.

Bốn tỉnh miền Trung là vùng chiến lược, mất là mất nước. Formosa chưa hoạt động đã thải số lượng độc rất lớn, giết biển miền Trung. Dân vì đói không thể ra khơi để giữ biển, họ phải dời đi nơi khác kiếm sống. Trung cộng sẽ cho dân Tàu tràn vào thế chỗ, mất nước! Tháng 8, 2016 cộng sản Hà Nội, vốn bưng bít giấu giếm, bất ngờ họp báo công bố lý do biển chết, với hai mục đích. Trước là tránh chảy máu kinh tế do dân chúng hoang mang về thảm họa biển, sau là vỗ về các lãnh chúa quân đội, công an đang nắm trong tay cơ sở kinh doanh, tài sản bất động sản khổng lồ từ Đà Nẵng vào Nam, và Bắc Hà Tĩnh: chất độc chỉ nằm trong biển miền Trung mà thôi, cứ yên tâm đừng đảo chánh! Không biết họp báo có giúp gì không, nhưng nội bộ của đảng ngày càng rối ren. Đảng viên cao cấp bắn giết nhau tại Yên Bái, tướng Lê Xuân Duy chết bí mật tại quân khu II, Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài. Phe giáo điều trâu cột Nguyễn Phú Trọng thân Tàu tuy nắm trung ương đảng, nhưng lại thừa hưởng ngân khố trống rỗng, đang mở chiến dịch diệt phe trâu ăn của Nguyễn Tiến Dũng, Đinh La Thăng.

Về kinh tế, Hà Nội tin ông bạn vàng Trung cộng đang sắp xếp hiệp định thương mại Đối Tác Toàn Diện Khu Vực (Regional Comprehensive Economic Partnership viết tắt là RCEP), giữa Việt Nam, các nước khác trong khối ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn độ, Úc và New Zealand. RCEP không đòi tiêu chuẩn môi trường, lao động như TPP. Hiệp định RCEP không có lợi cho Việt Nam. Doanh nghiệp trong nước sẽ bị hàng của Trung cộng tràn vào giết chết, còn hàng Việt Nam xuất khẩu như giày dép, dệt may, máy móc nhỏ khó cạnh tranh với hàng Trung cộng vì hàng giống nhau và kỹ thuật Trung cộng cao hơn. Trong khi ở hiệp định TPP, Mỹ gạt không cho Trung cộng vào để giúp Việt Nam gần như độc quyền xuất khẩu hàng may mặc.

Theo gương của Venezuela, Hà Nội muốn dựa vào Trung cộng để tiến lên xã hội chủ nghĩa. Dân Venezuela phải bới rác tìm đồ ăn vì kinh tế sụp đổ, còn gã khổng lồ Trung cộng đang bị ngập nợ đến 260% GDP, và bong bóng địa ốc sắp vỡ. Khi truyền thông Bloomberg phỏng vấn về Trung cộng, Tỉ phú George Soros trả lời: Kinh Tế Trung cộng sẽ gãy cánh, không thể tránh được. Tôi không có đoán, tôi đang nhìn thấy nó (A hard landing is practically unavoidable, I’m not expecting it, I’m observing it).

b) Hà Nội lì không chịu dọn sạch biển và môi trường, có thể họ nghĩ kinh tế Việt Nam yếu nhất trong tất cả thành viên của TPP, nên Mỹ có thể sẽ phớt lờ. Mỹ cần Việt Nam làm đồng minh trong chính sách xoay trục, nên TT Obama đã dễ dãi cho Việt Nam vào TPP, trước cả đồng minh Phi Luật Tân và Hàn Quốc.

c) Ngày bầu cử tổng thống Mỹ sắp đến, ứng cử viên Hillary Clinton đang dẫn đầu Donald Trump. Nếu bà Clinton đắc cử tổng thống, và đảng Dân Chủ kiểm soát quốc hội, đường vào TPP của Việt Nam sẽ khá cam go. Vì bộ luật TPP quá lớn và cồng kềnh, phe bảo thủ hay cấp tiến Mỹ đều chỉ trích, rất khó thông qua TPP mà không có tái đàm phán để sửa lại. Cho dù TPP được quốc hội mới thông qua, Hà Nội rất khó chơi khăm đi phá môi trường, đàn áp lao động, vì hành pháp Mỹ do đảng Dân Chủ cầm quyền sẽ tận tình bênh vực quyền lợi công nhân Mỹ. Các nghiệp đoàn Mỹ chính là đồng minh của các phong trào xã hội dân chủ tại Việt Nam. Họ sẽ không làm ngơ để công nhân Mỹ mất việc hay cắt lương, vì không chịu nổi hàng hóa Việt Nam quá rẻ do tàn phá môi trường, và các chủ xí nghiệp trả lương chết đói cho công nhân Việt Nam.

Một điểm yếu của TPP đang bị các chính khách Mỹ chỉ trích là cơ chế “Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước” gọi tắt là ISDS. Các công đoàn Mỹ vì không phải nhà đầu tư, muốn kiện Việt Nam tàn phá môi trường/lao động, họ phải kiện tại tòa án Việt Nam, hoặc phải nhờ hành pháp Mỹ đưa Việt Nam ra trọng tài quốc tế để xử theo luật TPP. Đây không phải là vấn đề nếu bà Clinton đắc cử. Hành pháp Mỹ sẽ tận tình giám sát các vi phạm môi trường và lao động.

d) Một sơ hở trong TPP: Mỹ cho Việt Nam thời hạn năm năm kể từ ngày vào TPP để tuân hành luật lao động. Thí dụ nếu TPP có hiệu lực vào tháng 1, 2018, thì đến 2023 Hà Nội mới phải cho công đoàn độc lập hoạt động tự do. Năm năm là thời gian khá dài, một khi các tập đoàn Mỹ đã bỏ tiền đầu tư vào Việt Nam, e rằng hành pháp Mỹ không còn tha thiết rà lại xem Việt Nam có tôn trọng luật hay không để trừng phạt. Vì thế điều kiện cho công đoàn độc lập có thể chỉ là lời hứa bừa của Hà Nội để được vào TPP.

3) Khủng hoảng kinh tế sẽ dẫn tới thay đổi chính trị

Đảng cộng sản Việt Nam vâng lời Trung cộng làm chết biển, đầu độc 90 triệu người dân, đưa đất nước đến bờ vực thẳm. Hà Nội cậy thiên triều, nên có vẻ khinh bạc TPP, không có thiện chí dọn sạch môi trường và tôn trọng luật lao động. Đây là canh bạc tự diệt vì đảng sẽ giết đảng.

Từ năm 2011-2013, giá nhà đất đã lao dốc không phanh, nhiều nơi giá rớt tới 30-50% mà vẫn không có người mua. Nhờ hứa hẹn của miếng bánh TPP, sau 2014 hiện tượng thổi giá đã quay trở lại làm giá bất động sản tăng nhẹ. Giá nhà tăng chỉ là ảo. Người giàu tìm cách ra đi khỏi nước. Có ai dại bỏ ba triệu đô để mua nhà giống nhà Mr. Đàm Vĩnh Hưng tại Sài Gòn? Trời mưa nước thối tràn vô, trời nắng thì phải ngửi mùi thối của rác rưởi. Ăn gì cũng bị đau ruột, phải sống với bệnh tật. Kinh tế của nước lớn Trung cộng đang lung lay, bong bóng địa ốc đã quá căng, nay mai nổ sẽ kéo theo suy sụp kinh tế toàn cầu. TPP là miếng bánh nhỏ không vãn hồi được tình hình bi đát như Đảng cầu khấn, vì Mỹ và toàn cầu bị ảnh hưởng kinh tế Trung cộng sẽ cắt bớt mua sắm.

Sự an nguy của chế độ dính chùm với thị trường bất động sản. Nhà cửa là phần tài sản lớn nhất, chiếm đến 75% tổng số tài sản, của một gia đình tại Việt Nam và Trung cộng so với 28% tại Mỹ (xem hình). Tất cả trứng để chung một giỏ nên rất nguy hiểm. Kinh tế biển và bất động sản chiếm gần 80% GDP, biển chết sẽ kéo theo nguy cơ vỡ bong bóng địa ốc. Rất nhiều người, kể cả công an, bộ đội sẽ trắng tay, và căm thù chế độ.

Sự giàu có của các hộ gia đình TC về nhà ở. Nguồn: china.org.cn

Theo ước tính của ngân hàng Thế Giới, nợ công của Việt Nam đã vượt xa 117 tỉ USD. Nếu Việt Nam vỡ nợ, chính quyền sẽ không còn tiền để trả lương cho công an, công chức, dư luận viên. Guồng máy hệ thống an ninh khổng lồ, nhưng đa số theo đảng vì kinh tế chứ không vi lý tưởng. Linh mục Phan Văn Lợi, nhà tranh đấu dân chủ xã hội cho biết, nhà ngài bao giờ cũng có 4 ông an ninh theo dõi. Ngày họ xin lỗi cha Lợi để về chạy xe ôm nuôi vợ con sẽ chẳng còn xa

4) Người Việt phải làm gì để tự cứu

Đất nước bi đát. 90 triệu người Việt trong đó có công an bộ đội phải sống với thảm họa biển, thiên/nhân tai, thực phẩm độc, bệnh tật. Muốn khỏi diệt vong, mỗi gia đình phải tự vệ lấy bằng cách bất hợp tác với chính quyền. Ai có thể ra nước ngoài, hãy tìm cách đi nhanh, bán nhà, chuyển tiền ra nước ngoài.

Đồng bào còn lại trong nước hãy rút hết tiền trong ngân hàng, mua vàng và ngoại tệ. Chính quyền đã quá nợ nần sẽ cho in tiền để trả nợ, giữ tiền đồng sẽ mất trắng. Hãy khoan mua nhà, vì nhà đang mắc, đợi sau năm 2020 khi mật ước Thành Đô rõ ràng, và đợi bong bóng địa ốc xì hơi, mua nhà sẽ rẻ hơn nhiều. Không đóng thuế. 

Các doanh nghiệp nếu thiếu thuế hãy tạm đóng cửa, khai phá sản, rồi mở doanh nghiệp tên mới. 

Hãy yêu cầu các lãnh đạo các tôn giáo của mình đứng lên lãnh đạo mọi người xuống đường chung sức với giáo phận Vinh. Tất cả hãy chung sức cứu trợ đồng bào miền Trung.

Đồng bào ở Mỹ, hãy bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton và các ứng cử viên đảng Dân Chủ. Đồng bào ở nước ngoài đừng về Việt Nam du lịch để dính bệnh tật, đừng gởi tiền về Việt Nam.

Người Việt không vô cảm, đầy lòng yêu nước thương nòi. Nếu đã hỗ trợ 16 tỉ cho MC Phan Anh cứu trợ đồng bào miền Trung, hãy cùng nhau bất hợp tác dân sự, để buộc chính quyền độc tài, bán nước, thay đổi thể chế.
______
Tham khảo:


2. Nguyễn Vạn Phú. (2015). Vì sao chính khách Mỹ phản đối TPP?