31.10.2016

Hoa Kỳ sẽ dựa vào Việt Nam để đẩy lùi Trung cộng trên Biển Đông - Gideon Rachman

„Đối diện với những bước lùi này tại Đông Nam Á, Hoa Kỳ sẽ phải đi tìm những cơ hội ngoại giao và chiến lược khác. Một quốc gia có vẻ như liên tục tìm cách đẩy lùi bá quyền Trung cộng trong vùng là Việt Nam.“

Hoa Kỳ sẽ dựa vào Việt Nam để đẩy lùi Trung cộng trên Biển Đông

Gideon Rachman (Financial Times)
Hoàng Thuyên lược dịch

Gọng kìm của Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương đang lơi lỏng dần

Trong lúc bà Hillary Clinton và ông Donald Trump đang rốt ráo chạy đua trong những tuần lễ chót trước cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, thì ở phía bên kia quả địa cầu, Hoa Kỳ gặp phải một bước thụt lùi chiến lược khá quan trọng.


Bước thụt lùi đó là quyết định của Phi Luật Tân đổi bên trong cuộc tranh giành quyền lực giữa Hoa Kỳ và Trung cộng. Trong chuyến thăm Bắc Kinh tuần rồi, tổng thống Phi Rodrigo Duterte tuyên bố “chia tay” với Hoa Kỳ và bắt đầu một quan hệ đặc biệt mới với Trung cộng. Trong lúc có mặt tại Bắc Kinh, ông Duterte tuyên bố một câu lạ lùng: “Có ba chúng ta chống lại thế giới – Trung cộng, Phi Luật Tân và Nga. Đó là cách duy nhất.”

Ông Duterte thường có khuynh hướng tuyên bố sảng. Sau khi nhậm chức tổng thống được ít lâu, ông gây xôn xao dư luận khi gọi tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama là “con của con đĩ”. Ông ta còn cho biết là dự tính sẽ chấm dứt hợp tác quân sự với Hoa Kỳ. Các chuyến tuần tra chung trên biển sẽ chấm dứt, cũng nhữ các công tác chung chống khủng bố tại đảo Mindanao. Một số chiến lược gia Hoa Kỳ lo ngại là tương lai Phi có thể trở thành căn cứ cho hải quân Trung cộng.

Đặc biệt là đối với bà Clinton sẽ hiểu tầm quan trọng của những biến chuyển này. Lúc còn điều hành bộ ngoại giao, chủ điểm của bà là nỗ lực củng cố địa vị của Hoa Kỳ tại Châu Á và Thái Bình Dương. Chính bà Clinton tuyên bố năm 2010 là Hoa Kỳ có “lợi ích quốc gia” trong việc tự do hải hành tại biển Đông. Tuyên bố này đã làm Trung cộng bực tức.

Trong một bài nói chuyện với công ty tài chính Goldman Sachs năm 2013, bà Clinton bày tỏ mối lo ngại là những tuyên nhận trên mặt biển của Trung cộng sẽ cho họ khả năng bóp nghẹt đường giao thông trên biển và các quốc gia ven Biển Đông. Mối lo ngại này gia tăng theo các chương trình xây đảo nhân tạo của Trung cộng trong vùng tranh chấp.

Phi Luật Tân đóng vai trò then chốt trong nỗ lực pháp lý và chiến lược của Hoa Kỳ để làm lơi ra gọng kìm của Trung cộng trên biển Đông. Một số tranh chấp căng thẳng nhất trên biển – như việc tranh giành quyền sở hữu của bãi cạn Scarborough – đưa đến đụng độ giữa Trung cộng và Phi Luật Tân. Chính Phi Luật Tân đã khởi đơn kiện Trung cộng và thắng kiện hồi tháng Bảy. Phán quyết của Tòa trọng tài đóng vai trò quan trọng đối với lập luận của Washington là tranh chấp với Trung cộng không phải là một cuộc tranh giành quyền lực mà là một nỗ lực để bảo vệ trật tự pháp lý quốc tế vì quyền lợi của tất cả.

Trên bình diện chiến lược thuần túy, Phi Luật Tân đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực đối nghịch với các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo. Hồi đầu năm nay, Manila và Washington đồng ý gia tăng sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ trong năm căn cứ trên lãnh thổ Phi Luật Tân, kể cả căn cứ không quân trên đảo Palawan, rất gần với vùng Trường Sa. Thỏa thuận Mỹ-Phi đó có lẽ giờ đây sẽ bị hủy bỏ. Tính rộng hơn, lập luận của Hoa Kỳ là phải “đương đầu với Trung cộng” sẽ yếu đi khi mà hàng xóm của Trung cộng không còn lo lắng gì về tranh chấp lãnh thổ nữa. 

Một số chiến lược gia Hoa Kỳ thì không mấy lo lắng vì tính khí kỳ quặc của ông Duterte. Họ cho rằng, trên đường dài, Phi Lật Tân sẽ nhận ra lại lợi ích chiến lược khi có được sự bảo vệ của Hoa Kỳ. Tuy nhiên cũng có thể hướng đi của ông Duterte phản ảnh xu hướng chung của Đông Nam Á.

Năm tới, Phi Luật Tân sẽ chủ tọa ASEAN. Cùng lúc đó hai đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ trong vùng là Thái Lan và Mã Lai cũng bắt đầu nghiêng ngã về phía Trung cộng. Vụ quân đội đảo chánh tại Thái Lan năm 2014 đã khiến cho quan hệ Mỹ-Thái đi xuống khi các tướng lãnh Thái Lan lờ đi lời kêu gọi trở về dân chủ của Hoa Kỳ. Trong năm 2015, Thái Lan tuyên bố mua tàu ngầm Trung cộng. Najib Razak, thủ tướng Mã Lai, cũng xoay sang Bắc Kinh tìm sự trợ giúp trong lúc ông tìm cách chống đỡ cuộc điều tra tham nhũng của phương Tây.

Đối diện với những bước lùi này tại Đông Nam Á, Hoa Kỳ sẽ phải đi tìm những cơ hội ngoại giao và chiến lược khác. Một quốc gia có vẻ như liên tục tìm cách đẩy lùi bá quyền Trung cộng trong vùng là Việt Nam. Trong tháng này, USS Frank Cable và USS John S McCain là hai chiến hạm Hoa Kỳ đầu tiên ghé thăm căn cứ hải quân Việt Nam tại Vịnh Cam Ranh kể từ sau năm 1975.

Vào lúc cao điểm của cuộc chiến Việt Nam, Vịnh Cam Ranh là một căn cứ quan trọng cho cả hải quân và không quân Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống Bắc Việt. Đây là một trớ trêu của lịch sử và là chỉ dấu cho thấy sự trổi dậy của Trung cộng làm thay đổi Châu Á, khiến cho Việt Nam mời quân đội Hoa Kỳ trở lại Vịnh Cam Ranh - lần này trong tư cách đồng minh, chứ không phải kẻ thù.

Gideon Rachman

Hoàng Thuyên lược dịch

Nguồn: Financial Times