10.12.2016

Chuyên gia: Việt Nam sẽ hoan nghênh dự luật Mỹ trừng phạt Trung cộng

Chuyên gia: Việt Nam sẽ hoan nghênh dự luật Mỹ trừng phạt Trung cộng

An Tôn (VOA)

Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio nói những hàng động hung hăng của Trung cộng ở Biển Đông không có tính chính danh, đe dọa an ninh khu vực và thương mại của Mỹ.

Một số báo Mỹ đưa tin Thượng nghị sĩ Marco Rubio hôm 6/12 đã đề xuất một dự luật đặt ra những hạn chế đối với các cá nhân hoặc pháp nhân tiếp tay cho hành vi hung hăng của Trung cộng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Một chuyên gia ở Hà Nội cho rằng Việt Nam sẽ hoan nghênh dự luật này.
Dự luật của vị thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đại diện bang Florida có tên “Đạo luật Trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông”.


Các biện pháp trừng phạt được đề xuất bao gồm cấm visa Mỹ đối với các cá nhân, pháp nhân Trung cộng nào đóng góp cho các công trình đe dọa đến hòa bình trong khu vực, thực hiện trừng phạt các pháp nhân hưởng lợi từ các hoạt động trong trường hợp Trung cộng có hành động quân sự hung hăng, yêu cầu lập phúc trình về những người liên quan đến các hành động có thể bị trừng phạt, và hạn chế viện trợ nước ngoài đối với những nước công nhận chủ quyền của Trung cộng ở các vùng biển này.

Diễn dịch một cách khái quát, dự luật sẽ nhắm mục tiêu vào nhiều đối tượng, từ nhân viên tuần duyên và hải quân Trung cộng, cho đến các công ty xây dựng và đội ngũ ngư dân thực hiện việc tuần tra trá hình ở vùng biển xa xôi cách bờ biển Trung cộng.

Ông Rubio nói những hàng động hung hăng của Trung cộng ở Biển Đông không có tính chính danh, đe dọa an ninh khu vực và thương mại của Mỹ. Ông nói không thể để an ninh của các đồng minh của Mỹ trong khu vực và các quyền lợi kinh tế của Mỹ bị ảnh hưởng vì những vi phạm các chuẩn mực quốc tế của Trung cộng giữa lúc nước này theo đuổi mộng bá chủ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Vị thượng nghị sĩ Mỹ từng tranh cử tổng thống nhấn mạnh: “Các hành động bất chính của Bắc Kinh ở các vùng biển này phải chấm dứt, và những biện pháp trừng phạt được đề xuất trong dự luật này sẽ buộc những kẻ vi phạm phải chịu trách nhiệm, và như vậy sẽ có tác dụng răn đe với những kẻ khác”.

Thượng nghị sĩ Rubio nói thêm rằng: “Phù hợp với luật quốc tế, không nên cho phép Trung cộng can thiệp theo bất cứ cách nào với tàu thuyền, máy bay dân sự hay quân sự của tất cả các nước tự do sử dụng vùng biển và vùng trời ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”.

Từ Hà Nội, Tiến sĩ Trần Công Trục nói với VOA việc một thượng nghị sĩ Mỹ đề xuất một dự luật như vậy là “nên có, nên làm”.

Vị cựu Trưởng ban Biên giới Chính phủ của Việt Nam chỉ ra rằng hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung cộng ở Biển Đông đã bị nhiều nước coi là gây hủy hoại môi trường và là “một tội ác đối với nhân loại”. Ông nói thêm nếu Trung cộng dùng các đảo đó để cản trở tự do đi lại trên tuyến thương mại huyết mạch, đó sẽ là một vi phạm lớn đối với Công ước Luật Biển và các luật khác.

Tiến sĩ Trục cho rằng nếu dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua, Việt Nam sẽ hoan nghênh:

Nếu mà cái bộ luật của ông thượng nghị sĩ đặt ra những việc liên quan đó, rõ ràng đây là những tiếng nói hết sức có giá trị để bảo vệ lấy sự đúng đắn, thượng tôn pháp luật, và trừng trị những kẻ mà có thể đã có những hành động gây nguy hiểm cho loài người. Cái điều này tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi sẽ hoan nghênh thôi. Nó là đóng góp chung cho cuộc sống, môi trường sống của nhân loại và đảm bảo cho nền hòa bình, an ninh khu vực, của nhân loại và lợi ích kinh tế chung của mọi người thì rõ ràng không có lý gì không hoan nghênh cả. Nếu như điều đó biến thành hiện thực, thì đó là sự đóng góp rất lớn cho nhân loại”.

Vị chuyên gia với kinh nghiệm 30 năm làm việc cho Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam nhận định Trung cộng sẽ phản ứng với dự luật vì nước này “đương nhiên tìm mọi cách để phản đối” các động thái “trái với ý đồ, trái với tính toán” của họ. Mặc dù vậy, ông Trục cho rằng khi Mỹ, Việt Nam và các nước có động thái “vì lợi ích chung, thượng tôn pháp luật” họ “không có gì phải quan ngại”. Theo ông, Mỹ và các nước cũng cần kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ những động thái như vậy.

Bonnie Glaser, một nhà phân tích chính sách đối ngoại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, cũng cho rằng dự luật của ông Rubio là đáng hoan nghênh. Bà nói với tờ Foreign Policy rằng dự luật này nhắc nhở rằng Mỹ có nhiều công cụ có thể sử dụng để gây ảnh hưởng đến chính sách của Trung cộng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Bà nói ngay cả khi dự luật không được thông qua, nó vẫn có tác dụng gợi ý với chính quyền mới của Mỹ rằng các tiếp cận nhắm mục tiêu vào các cá nhân và công ty dính líu đến hoạt động quân sự, xây dựng và bồi đắp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông sẽ có ích cho việc Mỹ đóng vai trò chủ đạo trong vấn đề này và khôi phục mức độ đáng tin cậy của Mỹ.