Cựu tổng biên tập Lao Động 'hối tiếc vì làm công cụ của Đảng'
Ben Ngô (BBC Tiếng Việt)
Image
copyright UYENNGUYEN.NET Image caption Ông Tống Văn Công tuyên bố từ bỏ Đảng
năm 2014
Cựu tổng biên tập Lao Động
trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt nhân cuốn hồi ký 'Đến già mới chợt tỉnh - Từ theo cộng đến chống cộng' của ông vừa
được phát hành tại Mỹ.
Nhà báo Tống Văn Công, cựu
tổng biên tập Lao Động (1989 - 1994), từng được biết đến với những bài phản biện
trên báo lề trái và 'thư góp ý với Đảng' và từng bị tờ Quân đội Nhân dân có bài
công kích năm 2013.
Năm 2014, ông tuyên bố từ
bỏ Đảng và nay hiện đang định cư tại Hoa Kỳ.
BBC: Thông
điệp mà ông muốn chuyển tải qua cuốn hồi ký vừa được Người Việt Books ấn hành
tháng 11/2016?
Tống Văn Công: Tôi muốn góp một phần nhỏ vào cuộc đấu tranh của người dân,
trong đó có nhiều đồng chí cũ của tôi đòi dân chủ hóa đất nước, thực hiện các
quyền dân sự và chính trị, tự do ngôn luận, tự do lập hội,nhà nước pháp quyền với
tam quyền phân lập.
Chúng tôi dễ thống nhất với nhau rằng: Cản ngại
chính là những người lãnh đạo Đảng cộng sản hiện nay. Cuối đời nhìn lại, tôi nhận
ra trách nhiệm của chính mình đã góp phần xây dựng nên lực lượng cản ngại này:
Đó là di sản của chính chúng tôi!
Tôi dùng người mà chỉ dựa vào vào năng lực và nhiệt
tâm của người đó đối với tờ báo, không phân biệt anh em ở chế độ cũ và người bị
tù cải tạo.nhà báo Tống Văn Công
Những điều gì thôi thúc
ông từ tuyên bố từ bỏ Đảng năm 2014 đến cuốn hồi ký phát hành năm 2016?
Luật sư Lưu Nguyên Đạt cho rằng "Quyết định bỏ
Đảng của Tống Văn Công không quyết liệt, không sáng sủa như qua lời phát biểu của
Lê Hiếu Đằng. Nó không đanh thép bằng lập trường thô bạo của một Dương Thu
Hương".
Sở dĩ như vậy là vì tôi nghĩ rằng mình không thể
phát ngôn như một kẻ vô can.
Khi nhận ra chế độ Đảng trị đưa tới hai hiểm
họa cho đất nước là tham nhũng và lệ thuộc ngoại bang, tôi đã mạnh dạn góp ý
xây dựng, kiên trì góp ý xây dựng, chỉ đến khi không thể xây dựng được nữa, tôi
mới tuyên bố từ bỏ Đảng.
Mục đích của việc từ bỏ Đảng đúng như nhà báo Hồ Ngọc
Nhuận nhận định:"Nó đóng góp cho dân chủ hóa đất nước". Quyển hồi ký
này tiếp tục thực hiện mục đích đó.
Trong cuộc đời làm báo,
làm tổng biên tập tại Việt Nam, ông hối tiếc nhất điều gì và ngược lại điều gì
khiến ông cảm thấy hãnh diện nhất?
"Hối tiếc nhất điều gì" ư? Đó là
tự nguyện làm công cụ của Đảng chứ không phải thực hiện quyền tự do báo chí, tự
do ngôn luận của nhân dân.
Còn hãnh diện? Từ này quá cao đối với tôi. Nhưng
cũng xin trả lời thế này: Tôi đã cùng anh em báo Lao Động đưa tờ báo từ chỗ chỉ
bán cho Công đoàn mua bằng tiền nhà nước, đến chỗ đưa ra bán ở các sạp báo cả
nước với số lượng cao nhất so với các tờ báo trung ương hồi đó.
Tôi nghĩ, cũng đáng "hãnh
diện" khi bị cho nghỉ hưu với các lý do mà Ủy viên Bộ chính trị Phạm
Thế Duyệt cho tôi biết: "Tổ chức bộ máy nhân sự làm cho cơ quan an ninh
không yên tâm".
Đó là do tôi dùng người mà
chỉ dựa vào vào năng lực và nhiệt tâm của người đó đối với tờ báo, không phân
biệt anh em ở chế độ cũ và người bị tù cải tạo.
Từ khi tôi làm tổng biên tập có nhiều loạt bài khiến
Bộ Chính trị lo lắng. Thậm chí có lần trong một tháng, tờ báo của tôi có bài
phê bình bốn bộ trưởng.
Image
copyright NGUOI-VIET Image caption Cuốn hồi ký của ông Tống Văn Công vừa được
Người Việt Books ấn hành tháng 11/2016
Nhìn tình hình báo chí
trong nước với một loạt Tổng biên tập bị cách chức, báo bị Bộ Thông tin - Truyền
thông Việt Nam xử phạt, ông có bình luận gì?
Tình trạng này phản ánh sự khủng hoảng của
thể chế và mâu thuẫn giữa các phe phái trong Đảng cầm quyền.
Theo đánh giá của ông thì
đến bao giờ Việt Nam mới có tự do báo chí?
Ông Frederich Douglass, một nhà đấu tranh cho quyền
bình đẳng giữa các dân tộc có nói: "Trong các quyền con người, quyền biểu
tỏ ý kiến là nỗi kinh hoàng của các hôn quân, bạo chúa, là thứ quyền mà chúng
phải ra tay triệt hạ đầu tiên."
Do đó tự do báo chí chỉ được
thực hiện trong một thể chế dân chủ như Tổng thống Obama nói:" Một
chính phủ lấn lướt báo chí, một chính quyền không phải đối mặt với giới truyền
thông cương trực và mạnh mẽ không phải là sự lựa chọn của nước Mỹ."
Thách thức lớn nhất đối với
những người đang tâm huyết với nghề báo tại Việt Nam là gì?
Là không có quyền tự do báo chí. Báo chí
phải viết theo chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Đảng cộng sản.
Năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố
"Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức".
Dù Việt Nam có báo chí tư nhân nhưng nếu vẫn bị Ban
Tuyên huấn chỉ đạo thì vẫn không có tự do báo chí.
Cách đây hơn 150 năm, ông Rober Lowe, một chính
khách người Anh cho rằng: "Chúng ta nhất định phải nói lên sự thật, đúng
như chúng ta nhìn thấy, không sợ mọi hậu quả nhất định không cung cấp chỗ ẩn
náu thuận tiện cho những hành vi bất công hay áp chế mà phải lập tức giao chúng
cho sự phán xét của thế giới".
Câu nói đó vẫn đang thách thức lương tâm và năng lực
các nhà báo Việt Nam.
Ông đã phải trả những cái
giá nào trong cuộc đời làm báo của mình ở Việt Nam?
Xin trích mấy câu trong Hồi ký Không tên của nhà báo
Lý Quý Chung, tổng thư ký tòa soạn báo Lao Động cho câu hỏi này: "Con đường
phát triển độc đáo của tờ báo - một tờ báo mang tính đột phá về nghề nghiệp ở
thời điểm đó - bị khựng lại giữa lúc đầy phấn khởi. Anh được cho về hưu vào cái
lúc anh thành đạt nhất trong sự nghiệp báo chí của mình."
Cái giá phải trả còn vượt xa ngoài bản
thân tôi. Hơn 20 anh em nhà báo tài năng cùng bỏ việc như Lý
Quý Chung, họa sĩ Chóe, cây bút phiếm luận nổi tiếng Ba Thợ tiện (Hoàng Thoại
Châu), cây bút điều tra nổi tiếng Lưu Trọng Văn...
Đến già mới chợt tỉnh – Từ theo Cộng đến chống Cộng
Cao
Trí
Về tác giả Tống Văn Công: Được
xem như một trong những nhà báo lão thành của nền “báo chí cách mạng”, ông Tống
Văn Công đã trở thành “kẻ thù” của đảng chỉ vì nhìn ra chân tướng chế độ và mạnh
mẽ lên tiếng đòi hỏi cải cách dân chủ. Ông bị quy chụp là “phần tử chống đảng điên
cuồng”, chỉ vì ông bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa. Ông Tống Văn Công vừa cho
ra mắt quyển hồi ký “Đến già mới chợt tỉnh – Từ theo cộng đến chống cộng”. Ông
thuật lại đời làm báo của mình. Ông cũng nhắc lại nhiều chuyện oái oăm khác
trong chế độ mà ông từng phục vụ và từng tung hô để rồi nhận ra rằng chế độ ấy
chỉ được dựng lên bằng dối trá. Dưới đây
là vài trích đoạn trong hồi ký trên.
Kỳ 1: Tôn Đức Thắng, Phạm
văn Đồng và vụ án đường Barbier
Năm 1949 anh Lê Văn Chánh (hiện nay là Phó Chủ tịch
Hội Đông y Việt Nam) bạn đồng hương của tôi được kết nạp vào Đảng, sau đó được
học một khóa chính trị, chương trình học gồm có: Chủ nghĩa xã hội khoa học; Cách
mạng dân chủ mới; Lịch sử Đảng. Trong giáo trình lịch sử Đảng, có một bài về tổ
chức tiền thân của Đảng là Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Chủ tịch
Kỳ ủy của tổ chức này (cấp lãnh đạo Nam Kỳ) là Tôn Đức Thắng.
Năm 1928 ông Tôn Đức Thắng chủ trì “tòa án cách mạng”
xử tử hội viên Lê Văn Phát (người xã Mỹ Chánh, Ba Tri, Bến Tre) về tội yêu đương.
Các hội viên thực hiện bản án bằng cách bóp cổ Lê Văn Phát đến chết, rồi đổ xăng
đốt để không thể nhận diện. Anh Chánh và tôi vô cùng kinh ngạc, rồi tự an ủi “đó
là một thời ấu trĩ đã qua”. Hàng chục năm sau, nhà thơ Hoàng Hưng trong dịp đi
Pháp về kể, anh được đọc quyển hồi ký “Passion, Betrayal and Revolution in
Colonial Saigon” của bà Nguyễn Trung Nguyệt, một trong bốn người thực hiện bản án
nói trên kể lại chuyện xưa. (Ba người kia là Trần Trương, Ngô Thiêm, Nguyễn Văn
Thinh bị tòa án Pháp xử tử, bà Nguyệt là phụ nữ nên được hạ mức án xuống tù
chung thân, đày ra Côn Đảo).
Mãi gần đây tôi mới biết hồi ấy Tuần báo Phụ Nữ Tân
văn (trụ sở ở số 42 đường Catinat, trước năm 1975 là đường Tự Do, nay là Đồng
Khởi) số 14, xuất bản ngày Một tháng 8 năm 1929 đã có bài tường thuật như sau: “Trong đêm mùng 8 rạng ngày 9 tháng 12 năm
1928 xảy ra vụ giết người quá tàn bạo và dã man tại căn nhà số 5, đường Barbier
mà hung thủ là những người trong Phân bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội ở
Nam Kỳ. Nạn nhơn là Lê Văn Phát, bí danh là Mỹ, Lang, bị đồng chí kết án tử hình
vì tội phản bội theo điều lệ của đảng: Lê văn Phát ve vãn người chị em của chúng
ta là Thị Nhứt”. Và tội phản bội theo điều lệ đảng được các đồng chí của Phát
giải thích: “Phát không gạt bỏ tình riêng
để toàn tâm toàn ý phục vụ cách mạng”. Ba đồng chí trẻ tuổi hơn hết trong tổ
chức của Phát (23, 24, và 26 tuổi) thi hành bản án đã được tòa án cách mạng phán
quyết.
Tôn Đức Thắng, 40 tuổi chủ trì tòa án vì ông là Chủ
tịch Kỳ bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Tòa án Pháp xử Tôn Đức Thắng 20 năm
khổ sai. Phạm Văn Đồng 10 năm cấm cố vì “đồng ý bản án tử hình” nói trên. Bốn tên
ra tay giết người, bị xử tử hình là Trần Trương, Ngô Thiêm, Nguyễn văn Thinh, cô
Nguyễn Trung Nguyệt bị đày ra Côn Đảo.” Sau này các giáo trình Lịch sử Đảng viết
lại vụ án đường Barbier: Bác Tôn bị thực dân Pháp gán vào tội chủ mưu giết người
trong vụ ám sát một người hợp tác với chính quyền thuộc địa Nam Kỳ tên là Phát.
Họ cho rằng, các đồng chí của ông thực hiện vụ giết người ở đường Barbier. Nhờ
một đồng chí trẻ đứng ra nhận mình là chủ mưu và nhờ sự vận động của một số nhân
sĩ trí thức như bà Trần Thị Cừu, đốc học Nguyễn Văn Bá, luật sư Trịnh Đình Thảo,
nên ông chỉ bị chính quyền thuộc địa tuyên án 20 năm chung thân khổ sai, đày ra
Côn Đảo.
Lịch sử Đảng cho rằng trước đó cụ Tôn bị bắt lính năm
1914 và bị đưa sang Pháp, sung vào hải quân phục vụ cuộc Chiến tranh Thế giới
Thứ nhất. Khi Cách mạng Tháng 10 Nga nổ ra, Pháp đưa hạm đội đi đàn áp. Cụ Tôn đã
làm binh biến kéo cờ đỏ trên thiết giáp hạm ở Hắc Hải. Sau đó Cụ về nước thành
lập Công hội đỏ ở Xưởng Ba Son năm 1920. Năm 1925, Cụ Tôn lãnh đạo cuộc đình công
ở Xưởng Ba Son giam chân chiến hạm Pháp khiến chúng không kịp đi tham gia đàn áp
cách mạng Trung Quốc. Về các sự kiện nói trên, giáo sư sử học Christoph Giebel
của Đại học Washington tác giả quyển sách “Tiền bối tưởng tượng của những nhà cộng
sản Việt Nam: Tôn Đức Thắng và chính trị của lịch sử và ký ức” (Imagined
Ancestries of Vietnamese Communism: Ton Duc Thang and the Politics of History
and Memory) đã cho rằng: “Không có bằng
chứng cho thấy ngay từ thời rất trẻ, thậm chí trước cả thời thế chiến thứ nhất,
ông Tôn đã hoạt động rất tích cực trong các tổ chức cách mạng tại Sài Gòn. Ông
Tôn không bị bắt lính mà được tuyển mộ. Và ông Tôn Đức Thắng không có mặt trên
bất kỳ con tàu nào của Pháp liên quan vụ binh biến ở Hắc Hải. Bộ máy tuyên truyền
đã dùng hình ảnh ông Tôn cắm cờ trên con tàu ở Hắc Hải để kết nối cách mạng Việt
Nam với Cách mạng tháng Mười Nga.” Theo Giebel, “cuộc đình công ở Ba Son không phải là đình công chính trị với mục đích
chống đế quốc, và cũng không giam chân được chiến hạm Pháp trên đường sang
Trung Hoa.”
…….
Kỳ 2: “Cụ Hồ bày ra Đảng Dân Chủ với Đảng Xã Hội để
dụ khị mấy thằng trí thức đang lớ ngớ, gom vào hai cái đảng này để tiện việc quản
lý, giáo dục đó thôi!”
Ngày Chủ nhật, tôi thường từ Cầu Diễn đi bộ ra Cầu
Giấy rồi lên tàu điện ra Hà Nội tìm mua sách báo. Do không có nhiều tiền, tôi vào
hiệu sách báo xem vài tờ báo rồi mua một quyển sách, sau đó tới cửa hàng sách báo
khác, cũng lặp lại như thế. Tôi đã đọc theo cách đó tất cả các số báo Trăm Hoa
và Nhân Văn Giai phẩm mà không phải bỏ tiền mua. Một hôm, vừa rời hàng sách bước
ra đường thì tôi gặp bác hai Trần Trung Trực, nguyên Phó ty giáo dục Bến tre thời
chống Pháp. Thấy tôi mặc quân phục bác rất vui: “Tao không ngờ ốm yếu như mày mà vẫn còn ở bộ đội. Mấy thằng con tao
chuyển ngành hết rồi!”. Bác đâu ngờ tôi chỉ là chú lính gánh gạch, trộn vữa,
học xây nhà! Bác đưa tôi đến Sở Giáo dục Hà Nội cơ quan của bác hiện nay, để bác
cháu tâm tình. Bác nói bác đang là bí thư chi bộ, tôi hỏi: “Là bí thư chi bộ Đảng Dân Chủ hở bác Hai”?
Bác xua tay: “Bậy
mày! Bí thư chi bộ Đảng Lao động chứ, tức là Cộng sản chứ”. Tôi nhắc lại
chuyện bác giải thích với tôi về Đảng Dân Chủ hay hơn Đảng Cộng Sản ở chỗ ôn hòa,
đi chậm mà chắc. Bác cười lớn: “Hồi đó
tao có biết gì đâu. Sau này thằng Hiếu con tao làm con rể bác Năm Hưỡn trưởng
ty, ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre! Là thông gia với nhau, bác Năm không
ngại nói thẳng cho tao biết: Đảng Dân Chủ là do Bác Hồ thành lập để thu nạp những
anh trí thức lơ tơ mơ, tạch tạch xè (những từ nói lóng để chỉ thành phần tiểu
tư sản mà Đảng cộng sản cho là có quan điểm, lập trường bấp bênh cần phải kèm cặp,
giáo dục không ngừng) mới tham gia cách mạng, còn e ngại cộng sản. Người trí thức
vô đảng Dân Chủ thì coi như đã chịu đi theo con đường của Đảng cộng sản rồi. Bác
Năm đứng ra giới thiệu tao vào Đảng cộng sản”.
Tôi hỏi thăm hai người con “mác xít” của bác. Bác
cho là mình rất bất hạnh khi có đứa con thứ hai là Trần Trung Tín hư đốn. Tín rời
bộ đội làm diễn viên điện ảnh, nhưng thích làm thơ. Bất ngờ có người cùng cơ
quan phát hiện anh có những câu thơ: “Trái
tim tôi không phải quả táo Tàu. Không thể dùng dao cắt chia ba phần to nhỏ”
và “Chân lý không thể bị hành hình. Cái đẹp
không thể vùi chôn”. Tín bị đưa ra chi bộ kiểm điểm. Người ta cho rằng anh
công kích Tố Hữu, cũng tức là chống lại quan điểm văn nghệ của Đảng. Trần Trung
Tín khẳng định mình hoàn toàn đúng.
Trước sự o ép liên tục của chi bộ, Tín xé thẻ Đảng vứt
vào sọt rác, rồi định tìm đến cái chết. Trong giây phút tuyệt vọng, may thay
anh bắt gặp niềm yêu say hội họa. Hội họa đã cứu sống anh. Anh ngồi vẽ suốt ngày
bằng mực Cửu Long trên giấy báo Nhân Dân. Lúc ấy bác hai Trực và cả tôi nữa chỉ
biết tin vào Đảng. Ông không thể ngờ con trai mình được họa sĩ Bùi Xuân Phái
coi là “một thiên tài bẩm sinh”. (Bùi Xuân Phái cũng là người không được Đảng
coi trọng). Sau khi bác Hai Trực qua đời, tranh của Trần Trung Tín được triển lãm
ở nhiều quốc gia có nền mỹ thuật cao như Pháp, Mỹ, Anh, Nhật, Thái, Singapore…
Tờ báo có uy tín The Independent đánh giá: “Trần
Trung Tín là họa sĩ vĩ đại nhất của Việt Nam” và báo Time nhận xét tranh của
Trần Trung Tín “bi thiết với màu sắc rực
rỡ”.
Sau lần gặp bác Hai Trực, trong một dịp họp đồng
hương tôi được gặp anh Lê Nguyên, ủy viên Ban chấp hành Đảng Dân chủ tỉnh Bến
Tre thời chống Pháp. Năm 1945 anh thi tú tài xong thì Cách mạng Tháng Tám, rồi
kháng chiến bùng nổ. Anh rời Sài Gòn về Bến Tre, lập tức được mời vào Đảng Dân
Chủ, ít lâu trở thành cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh của Đảng này. Tập kết ra Bắc anh
bắt đầu làm báo. Tôi hỏi, có phải anh làm báo Độc Lập do ông Nguyễn Việt Nam
nguyên Ủy viên Ban thường vụ Kỳ ủy Đảng Dân Chủ ở Nam Bộ đang là tổng biên tập.
Anh cười, rỉ tai tôi: “Cậu không biết Đảng
Dân chủ chỉ là cái đảng dỏm à? Cụ Hồ bày ra Đảng Dân Chủ với Đảng Xã Hội để dụ
khị mấy thằng trí thức đang lớ ngớ, gom vào hai cái đảng này để tiện việc quản
lý, giáo dục đó thôi! Sau khi biết rõ như vậy, mình đã làm đơn xin ra Đảng Dân
Chủ, rồi cố gắng “phấn đấu” và đã được kết nạp vô Đảng Lao Động hơn ba năm rồi”.
Chuyện của bác Hai Trực và anh Lê Nguyên làm tôi bùi
ngùi nhớ cô giáo Thiệp đảng viên Dân Chủ ở trường trung học Huỳnh Phan Hộ tôi học
thời chống Pháp. Thời ấy, các đảng viên Dân Chủ như bác Hai Trực rất tự hào về
sự khác nhau – không muốn nói là ưu việt – của đảng mình so với Đảng Cộng Sản.
Do đó những đảng viên cộng sản trẻ, đặc biệt là những đoàn viên thanh niên “cảm
tình” Đảng cộng sản luôn muốn tỏ “lập trường cách mạng vô sản” đã coi Đảng Dân
Chủ như là một bọn thù địch! Những buổi cô giáo Thiệp giảng bài, bọn học sinh
chúng tôi bỏ học gần một phần ba, còn hai phần ba có mặt thì trò chuyện râm
ran.
Năm 1965, tôi được tin cô giáo Thiệp bị bắt đã từ chối
ly khai cộng sản, chấp nhận vào chuồng cọp ở Côn Đảo. Trong khi đó thày Triết bí
thư chi bộ Đảng cộng sản của trường Nguyễn Công Mỹ lên đài Sài Gòn tuyên bố ly
khai cộng sản! Năm 1981, tôi được bầu vào Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh khóa
2. Trước khi biểu quyết những nghị quyết có thể phiếu bị phân tán, các đảng viên
cộng sản được Đảng đoàn ở Hội đồng Nhân dân mời họp riêng để “quan triệt sự chỉ
đạo của Thành ủy”. Ông Nguyễn Việt Nam chủ tịch Hội đồng Nhân dân là bí thư Đảng
đoàn Đảng cộng sản, người mà thời chống Pháp đã được công khai là Ủy viên Thường
vụ Đảng Dân chủ ở Nam Bộ, sau khi tập kết ra Bắc làm Tổng biên tập báo Độc lập
cùa Đảng Dân Chủ Việt Nam. Dù đã biết nhiều sự thật, nhưng tôi không khỏi ngạc
nhiên khi ông Nguyễn Việt Nam công khai nhân danh bí thư Đảng đoàn của Đảng Cộng
Sản trong Hội đồng Nhân dân, chỉ đạo các đại biểu là đảng viên việc bỏ phiếu
theo nghị quyết của Đảng! Đảng Dân Chủ “hữu danh vô thực” ngay khi thành lập. Đảng
Xã Hội cũng thế. Phải trong tình trạng bối rối, sợ hãi đến mất khôn (Liên xô, Đông
Âu xụp đổ), ông Nguyễn Văn Linh mới quyết định buộc họ phải “hoàn thành nhiệm vụ”.
…………
Kỳ 3: Vụ phong thánh 117
Chân Phước tử đạo Việt Nam
Ngày 22–6–1987 Giáo Hoàng Gioan – Phao lô II chủ trì
cuộc họp tại Roma (Italia) quyết định phong Hiển thánh cho 117 Á thánh chết vì đạo
ở Việt Nam từ 1625 đến 1861 và ấn định năm sau, ngày 19–6–1988 sẽ tổ chức lễ
phong thánh tại Roma. Ngày 12–10–1987 Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam gửi công
văn cho Ủy ban Nhân dân và Ban Tôn giáo các tỉnh, thành, đặc khu cả nước, nhận định:
“Quyết định của Vatican là một việc làm có
dụng ý chính trị xấu và xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam, kích động tâm lý
cuồng tín “tử vì đạo” trong một bộ phận giáo dân và giáo sĩ Việt Nam; gây chia
rẽ giáo, lương; làm tổn hại đoàn kết dân tộc của nhân dân ta, nhất là trong
giai đoạn hiện nay khi Đảng và Nhà nước ta đang ra sức thực hiện đúng đắn chính
sách tôn giáo, tăng cường đoàn kết toàn dân vượt qua mọi thử thách, khó khăn,
xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội
chủ nghĩa.”
“Trước tình hình
đó, ngày 18–9–1987, thừa lệnh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Ban Tôn giáo của Chính
phủ đã triệu tập các giám mục trong Ủy ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam
để vạch rõ tính nghiêm trọng của sự kiện nói trên, nghiêm khắc phê phán việc làm
sai trái này của một số giám mục trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, của Vatican
và bàn biện pháp xử lý tình hình phức tạp có lý có tình”. Sau đó nhiều cuộc
hội thảo được tổ chức khắp cả nước, nhiều cây bút sắc bén nhất của chế độ như
Trần Bạch Đằng, Nguyễn Khắc Viện… viết bài theo quan điểm nói trên.
Bài viết của ông Nguyễn Khắc Viện có tựa đề “Chết vì đạo, chết cho ai”? Mở đầu ông
cho rằng “Tôi vẫn cảnh giác cao độ với những
mưu đồ xuất phát từ phương Tây mong lợi dụng đạo Ky tô để phá hoại công cuộc xây
dựng chủ nghĩa xã hội nước ta.” Ông cho rằng không thể biết chính xác tất cả
những người được nêu tên đã chết trong hoàn cảnh nào, họa chăng tư liệu còn lại
cho biết rõ trường hợp một vài người. Ông nhấn mạnh hai sự kiện: – Một là chuyện
giám mục Adran đưa Hoàng tử Cảnh bái yết vua Pháp Louis 16 năm 1787, với kế hoạch
tấn công Đà Nẵng. – Hai là chuyện người Công Giáo đã giúp Pháp tiêu diệt phong
trào Văn Thân (Văn Thân có khẩu hiệu “bình Tây sát tả”, có nghĩa là dẹp tây, diệt
đạo).
Nguyễn Khắc Viện nhận định Lễ Phong Thánh sẽ gây ra:
“Rồi nhiều người trên thế giới, đặc biệt
trong giáo dân, đâm ra thương hại cho Giáo hội Việt Nam đang sống trong cảnh bị
áp bức, rồi một số người Việt Nam ngoại đạo, một số cán bộ sẵn có định kiến lại
thốt lên: Đã bảo mà, tin sao được bên đạo, bao giờ họ cũng hướng về phương Tây.
Rõ ràng việc phong thánh này là một đòn hiểm đối với khối đoàn kết dân tộc của
chúng ta.” Thật là “thần hồn nát thần tính”, Đảng cộng sản Việt Nam cứ nghĩ
là các thế lực thù địch lúc nào cũng đang âm mưu đánh phá mình, phong thánh chắc
phải là đòn hiểm(!)
Thực ra tất cả 117 vị tử đạo không có người nào bị
giết vì dính líu với thực dân Pháp, họ chỉ bị giết vì là “tả đạo”, trái với đạo
Nho mà triều đình nhà Nguyễn tôn thờ. Các vị đều có lý lịch rõ ràng về quê quán,
chức sắc, ngày bị giết, hình thức bị giết (xử trảm, xử giảo, hay chết trong tù).
Những người công giáo chân chính có nhiều bài viết cho rằng chuyện phong thánh
là việc riêng của giáo hội và việc này hoàn toàn đúng đắn bởi mục đích tôn vinh
những giáo dân dám từ chối đạp lên thập giá, chịu chết vì đạo Chúa. Các Linh mục
Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Ngô văn Ân, Thanh Lãng có những bài viết, tham luận
bác bỏ những lập luận không đúng sự thật lịch sử. Đặc biệt hai ông Chân Tín,
Nguyễn Ngọc Lan đã từng hoạt động chống chiến tranh, chống sự hiện diện của quân
đội Mỹ tại miền Nam, đòi trả tự do cho tù chính trị, những người bị giam ở Côn Đảo,
do đó họ đã bị chế độ miền Nam cho là thân cộng.
Sau 1975, hai ông được nhà nước cộng sản mời tục bản
Đối Diện với tên mới là Đứng Dậy, nhưng chẳng bao lâu đã bị đóng cửa. Giờ đây với
việc bảo vệ vụ Phong thánh, hai ông bị nhà nước cộng sản cho là phá bỉnh, đã dùng
biện pháp “bịt mồm”, rồi một người bị quản chế tại gia, một người được mời rời
khỏi xứ đạo, an trí ở Cần Giờ. Bài “Nói
chuyện Tử đạo với ông Nguyễn Khắc Viện” của linh mục Nguyễn Ngọc Lan (Bài
có gửi cho báo Công Giáo Và Dân Tộc do linh mục Trương Bá Cần làm Tổng biên tập
nhưng không được đăng) có đoạn: “… Ông muốn
dạy dỗ chúng tôi, những người công giáo Việt Nam ‘nên nghĩ thế nào’ về việc
phong 117 vị thánh liên hệ trực tiếp và trước tiên đến chúng tôi. Đó là quyền của
ông, quyền hiểu theo nghĩa tự do chủ nghĩa (libéralisme) tạm gọi là của thế giới
tư bản. Còn nếu “quyền” được hiểu với một chút màu sắc đạo đức nào đó thì thưa ông,
tại sao ông không tự đặt cho mình một số câu hỏi tương tự như: Bài của ông là bài
thứ mấy viết về vấn đề này? Ông có thể tính bằng đầu ngón tay thì phải…” Tại
sao chỉ có giám mục Bùi Tuần có tiếng nói về vấn đề này trên tờ Công Giáo Và Dân
Tộc? Các giám mục Việt Nam khác ở đâu? Các người Công Giáo khác ở đâu? Họ không
biết nghĩ thế nào cả sao? Họ không biết viết thành câu cú những điều họ nghĩ
sao?
Tại sao mấy trang góp ý của linh mục Chân Tín một
người quen thuộc với cả báo chí trong nước và ngoài nước không hề được đăng trên
báo Công Giáo Và Dân Tộc, khi mà những trang góp ý ấy đã được đọc lên trong buổi
họp của Mặt Trận Tổ Quốc ở quận 3 chiều ngày 18 tháng 1 năm 1988 và đã được giới
Công Giáo chú ý đến nhiều? Tại sao ngay cả trong tập “Tài liệu tham khảo” về “Việc
phong thánh các Chân phúc tử đạo Việt Nam” do Văn phòng Ủy ban Đoàn kết Công giáo
yêu nước Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh in ronéo tháng 2 – 1988 trong phần II dành
cho “một số bài viết liên quan đến việc phong thánh” người ta đăng 9 bài viết ở
Việt Nam, trong số đó có bài của ông, hai bài của linh mục Thiện Cẩm ba bài của
giám mục Bùi Tuần, nhưng vẫn không có bài của Chân Tín để rộng đường dư luận?
Chúng ta đang sống ở thời nào đây? Thời Staline hay thời Gorbatchev? Thời báo
Etudes Vietnamiennes của ông ngày trước hay thời tờ Đoàn Kết của Việt kiều ta bây
giờ ở Pháp”?
Nguyễn Ngọc Lan phê bình cái tựa đề “Chết vì đạo, chết cho ai” là “lớn lối”. Ông
Lan hỏi, giả sử “học giả nào đó viết mấy
chữ ‘chết vì nước chết cho ai’ trên tấm bia liệt sĩ thì liệu có tờ báo nào vô ý
thức, thiếu tự trọng đến mức có thể đăng lên một cái tựa đề như vậy? Còn nội
dung bài thì cũn cỡn mà lại lạc đề, bởi vì 117 vị tử đạo không có ai bị giết bởi
phong trào Văn Thân cả!” Linh mục Chân Tín kể: Ông bị ông đại tá Nguyễn văn
Tòng giám đốc Sở Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh chất vấn vì sao báo nước ngoài đăng
bài tham luận của ông ở Mặt Trận Tổ Quốc? Linh mục Chân Tín đáp: “Lẽ ra đó là điều tôi hỏi ông chứ không phải ông
hỏi tôi! Bởi vì sau khi đọc xong, tôi nộp bản tham luận cho các ông”. Ông
giám đốc Sở Văn hóa Nguyễn Văn Tòng đe dọa nếu gửi bài viết sai trái chủ trương
chính sách của nhà nước ta ra nước ngoài thì có thể bị trừng trị. Chân Tín bảo
mình đã bị chế độ Sài Gòn đe dọa như vậy nhiều rồi, nhưng mình đâu có ngán, lúc
nào cũng vẫn hành động theo hai câu thơ Nguyễn Trãi: “Ung dung ta nói điều ta nghĩ, Cúi ngửa theo người quyết chẳng theo”
Giám đốc Tòng nói, chính quyền Sài Gòn bắt ông là vinh dự cho ông, còn đây là
nhà nước cách mạng bắt ông thì đó là ô nhục cho ông. Linh mục Chân Tín đáp: “Tôi thấy không có gì khác nhau cả, đều là
quyền lực chống lại con người dám nói thẳng nói thật đó thôi”.
Tháng 5 năm 1990, linh mục Chân Tín bị trục xuất khỏi
nội thành, lưu đày ra Cần Giờ. Linh mục Nguyễn Ngọc Lan đã xuất tu và lập gia đình
với bà Thanh Vân biên tập viên tờ Tin Quận 5. Ông Lan bị quản chế tại gia, bà
Thanh Vân bị buộc thôi việc. Ông Lan qua đời năm 2007. Linh mục Chân Tín mãn hạn
lưu đày trở về Dòng Chúa Cứu Thế năm 1993. Năm 2006 ông chủ trương tờ báo chui “Tự
do ngôn luận” đòi quyền tự do căn bản cho người dân Việt Nam. Linh mục Chân Tín
từ trần ngày 1 tháng 12 năm 2012. Cái “định kiến” mà ông Viện nêu ra vẫn còn
cho tới hôm nay. Nguồn gốc của nó từ đâu? Vì quan điểm “tôn giáo là thuốc phiện
của dân nghèo”, hay là vì “Công Giáo là đạo giáo được người Pháp ưu đãi”?
Trong quyển sách “Nghiên cứu văn hóa và con người Việt
Nam hiện nay” của giáo sư, tiến sĩ Dương Phú Hiệp chủ biên, Nhà xuất bản Chính
trị Quốc gia năm 2010 nhận định: “Trong
giai đoạn hiện nay, những thế lực chống đối trong và ngoài nước chưa từ bỏ việc
lợi dụng tôn giáo để làm mất ổn định chính trị, gây hoang mang chia rẽ khối đại
đoàn kết dân tộc. Vì vậy cần giải quyết vấn đề tôn giáo dưới góc độ văn hóa và
phải xem giáo dục tôn giáo là vấn đề quan trọng.”
Thật ra chẳng có thế lực trong ngoài nước nào gây
chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc cả. Xin nêu một chuyện xảy ra ở Nhà thờ Thuận
Phát, phường Tân Kiểng, quận 7, nơi tôi cư ngụ nhiều năm. Sau 30 tháng 4 năm
1975, chính quyền Cách mạng yêu cầu nhà thờ giao 3 phòng họp trong khuôn viên của
Nhà thờ. Từ đó, 3 phòng này được dùng để hội họp dân phố. Mấy năm gần đây, Nhà
thờ Thuận Phát gửi đơn lên Quận ủy và Ủy ban Nhân dân quận 7 xin được trả lại 3
phòng họp này để sinh hoạt tôn giáo. Quận ủy chủ trương không trả lại. Đảng viên
lão thành Lê Ngọc Tưởng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Quân ủy Nhà Bè (thời 1975
– 1980, vùng đất này thuộc quận 7 còn nằm trong Nhà Bè) gửi thư góp ý: Quận ủy
nên đồng ý cho Ủy ban Nhân dân quận 7 trả 3 phòng họp lại cho Nhà thờ Thuận Phát
dùng làm nơi sinh hoạt hội họp giáo dân. Ông Tưởng viết: “Giáo dân cũng là công dân, Đảng có trách nhiệm giúp họ có nơi hội họp,
học tập. Làm được như vậy giáo dân sẽ gắn bó với chế độ do Đảng lãnh đạo”. Ông
Tưởng không được những người kế nhiệm mình cầm quyền sau 40 năm (lúc ông cầm
quyền, họ còn là những đứa trẻ, được ông đưa vô nhà trường xã hội chủ nghĩa) trả
lời.
Họ phái một đại úy công an đến nhà ông Tưởng chất vấn:
“Tại sao ông khuyến khích giáo dân ở giáo
xứ Thuận Phát vùng dậy đòi phải trả 3 phòng họp”? Hội bảo vệ quyền tự do tôn
giáo, trong báo cáo tổng kết tình hình Tự do Tôn giáo ở Việt Nam năm 2015 nhận
xét: “Cả năm 2015 các cơ quan thuộc chính phủ Việt Nam đã có 50 vụ vi phạm quyền
tự do tôn giáo. Các Giáo hội đều bị Nhà nước khống chế, lũng đoạn và xâm nhập.
Các quyền tự do tôn giáo chính yếu đều bị cấm cản: – Mọi tôn giáo không được độc
lập trong việc tổ chức nội bộ. Nhà cầm quyền tìm cách kiểm soát và ảnh hưởng lên
việc chiêu sinh, huấn luyện, tấn phong, bổ nhiệm và thuyên chuyển hàng ngũ chức
sắc lãnh đạo. – Mọi tôn giáo không được tự do trong sinh hoạt phụng thờ. Các
sinh hoạt này chỉ được thực hiện trong những nơi thừa tự đã được nhà nước công
nhận. Các lễ nghi hay lễ hội lớn đều phải xin phép nhà cầm quyền.
– Mọi tôn giáo không được truyền bá giáo lý bên
ngoài các cơ sở của mình ra xã hội, qua các phương tiện truyền thông đại chúng,
lên mạng thông tin toàn cầu.
– Mọi tôn giáo không được góp phần giáo dục giới trẻ
qua hệ thống giáo dục từ tiểu học đến đại học. Hiện thời các giáo hội chỉ được
mở trường mẫu giáo, nhưng vẫn dưới sự kiểm soát đủ mặt của chế độ.
– Mọi tôn giáo không được có tín đồ giữ các chức vụ
cao trong bộ máy cai trị (quốc hội và chính quyền), trong hàng ngũ công an,
quân đội cũng như trong hệ thống giáo dục. – Mọi tôn giáo đều bị chính quyền tước
đoạt đất đai và cơ sở thừa tự trước đó, nhưng không được trả lại. Hiện nay các
giáo hội đều không có sở hữu đất đai và không dễ dàng mở rộng cơ sở.
……….
Kỳ 4: hầu Ban tuyên huấn
Làm báo trong chế độ xã hội chủ nghĩa ngán nhất là
phải hầu Ban tuyên huấn. Lâu nay khi bàn về tự do báo chí, người ta thường cho
rằng vấn đề chủ yếu là được phép ra báo tư nhân. Không đúng! Sau tháng 4 năm
1975, Đảng cộng sản đã từng cho phép Tin Sáng và Đứng Dậy (Đối Diện của Chân Tín
Nguyễn Ngọc Lan trước 1975) tái xuất bản. Nhưng cả hai tờ báo này hoàn toàn không
có quyền tự do ngôn luân, tự do báo chí. Bởi vì hàng tuần họ phải đến nghe đại
diện Ban Tuyên huấn của Đảng chỉ đạo: Việc nào được phép nói, và nói to hay nói
nhỏ; việc nào tuyệt đối không được đụng tới, không được nói bóng nói gió. Đó là
biện pháp “siêu kiểm duyệt”. Vậy mà cuối cùng Đảng vẫn không yên tâm, đã cho họ
“hoàn thành nhiệm vụ”.
Do đó, tự do báo chí trước hết là không bị Đảng cầm quyền
chỉ đạo. Suốt đời “làm báo cách mạng” tôi phải chịu sự chỉ đạo và nhiều lần phải
đi “hầu ban tuyên huấn”. Xin kể vài chuyện. Báo Xuân năm 1990, Hội Nhà báo tổ
chức chấm giải báo đẹp có thưởng.
Báo Lao Động được giải B, không có giải A. Ban tổ chức
cho biết lẽ ra Lao Động được giải A, nhưng vì đăng quảng cáo ở trang bìa, dù là
bìa phụ, làm mất tính trang nghiêm nên bị hạ xuống giải B. Tôi nói, nếu vì lý
do đó thì tôi không nhận giải, vì không chấp nhận cái gọi là mất tính trang
nghiêm ở đây. Sau chuyện này, phó ban Tuyên huấn Hữu Thọ đưa ra góp ý trong cuộc
họp đầu năm, lấy báo Nhân Dân để so sánh, coi đăng quảng cáo như dấu hiệu chạy
theo thương mại.
Khi lên Trưởng ban Tuyên huấn, Hữu Thọ nhiều lần góp
ý với tôi là nên đưa hai mục “Nói hay đừng” do Ba Thợ Tiện viết và “Tranh biếm
liên hoàn” của Chóe ở trang nhất vào bên trong, với lý do là “phải giữ cho trang nhất một không khí trang
nghiêm”. Tôi trả lời ông, bạn đọc cần nghiêm túc, chính xác, bổ ích chứ không
cần trang nghiêm. Sau vụ tố cáo âm mưu diễn biến hòa bình, tôi bị cho về hưu, Hữu
Thọ lại nhắc nhở Tổng biên tập Phạm Huy Hoàn điều này, hai mục trên được đưa vào
trong cho tới nay. Năm 1992 nhà báo Lưu Trọng Văn đặt câu hỏi với nhạc sĩ Trần
Kiết Tường rằng “bài hát ‘Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người’ ông sáng tác trong hoàn
cảnh nào?”.
Nhạc sĩ Trần Kiết Tường trả lời: “Sở dĩ sáng tác được bài này là nhờ tôi ở ngoài
Đảng.” Đọc câu này tổng thư ký tòa soạn Lý Quý Chung và phó tổng biên tập Hồng
Đăng đều ngạc nhiên và thích thú, nhưng lại sợ bị quy “quan điểm, lập trường” nên
chờ tôi đọc và yêu cầu, nếu tổng biên tập đồng ý thì xin cho một chữ ký dưới
hai chữ “đã duyệt”. Đọc câu trả lời của nhạc sĩ Trần Kiết Tường tôi nhớ ngay đến
chuyện Ban giám khảo văn nghệ Nam Bộ thời chống Pháp do ông Hà Huy Giáp phó bí
thư kiêm Trưởng ban tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam phê phán bài “Tiểu đoàn
307” của Nguyễn Hữu Trí đảng viên, đại đội phó, trưởng ban quân nhạc khu 8 là một
bài hát lai căng cả nhạc và lời.
Ý kiến phê bình vô lý đó đã khiến Nguyễn Hữu Trí rời
bỏ quân ngũ về ở ẩn tại Cần Thơ quê nhà, còn Nguyễn Bính thì ra bờ sông ven Huyện
Sử, mở quán bán sách báo. Ở vùng mỏ Quảng Ninh năm 1967,tại cuộc triển lãm
tranh của các họa sĩ trong tỉnh, ông Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy đã to tiếng
phê bình một bức tranh vẽ cây cổ thụ cành lá quấn quýt xum xuê:
“Tác giả bức tranh này không quán triệt nhiệm
vụ phát triển ngành than, nền kinh tế chủ yếu của tỉnh nhà. Nếu trồng toàn những
cây có cành lá uốn éo cong queo thế này thì làm sao có gỗ ngay thẳng để chống lò?
Tất cả các mỏ hầm lò chắc chắn phải ngừng khai thác?”. Ý kiến trên đã được tờ báo
địa phương in chữ đậm và tác giả của nó được suy tôn là “vị Các– mác của tỉnh
nhà!”. Nhà văn Sơn Nam, người đã từng được Ban giám khảo do Hà Huy Giáp lãnh
đạo chấm giải nhất những tác phẩm “Bên rừng Cù lao Dung” và “Tây đầu đỏ”, nhưng
sau 20 năm “sống trong lòng địch” đã bị “tự diễn biến” cho nên nhiều lần “nói
lén” với tôi: “Ông Công này, bao giờ còn
dưới sự lãnh đạo của Đảng các ông thì không thể có tác phẩm ‘ra hồn’ được đâu”.
Do đó, tôi quyết định phải công bố ý kiến của Trần
Kiết Tường. Quả nhiên báo in bài này vừa phát hành đã bị Bộ Văn hóa Thông tin
phê bình trong Bản thông báo hằng tuần, tiếp theo là Ban Tư tưởng– Văn hóa chất
vấn trong cuộc họp với các Tổng biên tập do Trưởng ban Trần Trọng Tân chủ
trì. Trả lời câu hỏi tại sao lại cho đăng “ý kiến oái oăm này”, tôi đáp: Theo
tôi được biết, bản nhạc này vừa ra đời đã bị Tố Hữu phê bình là ủy mị không thể
hiện đúng đắn tình cảm lành mạnh của nhân dân anh hùng ca ngợi lãnh tụ anh minh
của mình. Trước nguy cơ bản nhạc sắp bị cấm, một số người đã đưa nó vào đêm nhạc
giải trí của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ Hồ nghe bài hát ca tụng mình, đã rưng
rưng xúc động. Một lúc sau, Cụ hỏi “chú nào
là tác giả bài hát này?”. Câu hỏi ấy đã cứu bài hát khỏi bị bức tử và sau đó
được xuất hiện trên các sân khấu ca nhạc nhiều hơn hẳn so với các bài ca ngợi Cụ
Hồ trước kia. Tôi đã trả lời chất vấn của Ban văn hóa Tư tưởng rằng, đăng ý kiến
trung thực của nhạc sĩ Trần Kiết Tường tác giả bài hát là để ngăn chặn những
người lãnh đạo bảo thủ dùng quyền lực giết chết sự sáng tạo của nghệ sĩ đã từng
xảy ra nhiều lần.
Tôi kể từ bài “Tiểu đoàn 307” thời chống Pháp đến tiểu
thuyết “Vào đời” của Hà Minh Tuân, tiểu thuyết “Mùa hoa giẻ” của Văn Linh, thơ “Trò
chuyện với Thúy Kiều” của Lý Phương Liên… đã bị bức tử ở thời xã hội chủ nghĩa.
Ông Trần Trọng Tân im lặng hồi lâu rồi nói: “Tuy vậy những ý kiến này chỉ nên trao đổi trong nội bộ, chưa nên phổ biến
trên truyền thông đại chúng gây những suy diễn không có lợi cho sự lãnh đạo của
Đảng ta trên mặt trận văn hóa văn nghệ vốn rất phức tạp đã từng xẩy ra Nhân văn
Giai phẩm”. Sau đó ông chuyển sang vấn đề khác. Năm 1991 trong vòng một tháng
báo Lao Động có 4 bài phê bình 4 vị Bộ trưởng (Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Song lem
nhem giành nhà cửa; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm không nghiêm túc
thực hiện sắc lệnh đổi mới ngân hàng; Bộ trưởng Lâm nghiệp Phan Xuân Đợt phá rừng
mà không trồng rừng bù lại; Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải chậm xây dựng nhà
máy điện).
Tôi được Ban Tư tưởng Văn hóa mời riêng để góp ý. Lúc
này ông Trần Trọng Tân đã vào Sài Gòn làm Phó bí thư Thành ủy. Ông Hữu Thọ lên
Trưởng ban. Tôi nói, tất cả các bài báo đều rất chính xác. Nếu các Bộ trưởng không
đồng ý thì xin cứ gửi bài phản biện, chúng tôi sẽ trả lời đúng quy định của pháp
luật. Trưởng ban Hữu Thọ cười đáp: “Hôm
nay Ban không mời Tổng Biên tập Tống Văn Công mà mời đảng viên Tống Văn Công,
cho nên chúng ta không nói chuyện pháp luật mà chỉ nói về ý thức trách nhiệm của
đảng viên đối với Chính phủ do Đảng mình lãnh đạo”. Tôi nói, dù chỉ xét về
trách nhiệm đảng viên cũng vẫn phải căn cứ theo luật pháp chứ anh. Hữu Thọ cười,
rồi thân tình nói bỗ bã theo kiểu bạn bè: “Tao
hỏi mày, một Chính phủ mà chỉ trong một tháng bị mày phê phán te tua tới bốn vị
Bộ trưởng thì còn đâu uy tín với trong, ngoài nước?” Tôi đáp, nếu Chính phủ
chân thành tiếp thu phê bình và có cách sửa chữa tốt thì uy tín không hề giảm mà
càng tăng cao, và quan trọng hơn là đất nước phát triển, nhân dân được lợi.
Trong số báo 96–97–98 năm 2012 báo Lao Động tôi có kể lại câu chuyện trên.
Trong dịp gặp nhau ở Hà Nội, Hữu Thọ vui vẻ nói “Tao có đọc bài mày chửi tao. Thù dai thế!”
Cao
Trí
Một khi nạn bưng bít thông tin bị
phá bỏ thì các chế độ độc tài sẽ tan rã”, Václav Havel (1) nói như thế khi cùng những người có chung chí
hướng thành lập "Hiến Chương 77”nhằm tranh đấu cho việc loại bỏ chế độ cộng
sản tại Tiệp Khắc.
|
Đã sống và bản thân đã trải nghiệm cái xã hội cộng sản
toàn trị trên quê hương, Václav Havel nhìn thấu bộ mặt của chế độ đã hủy hoại xã
hội, làm mọi người – không trừ một ai, từ giới lãnh đạo chóp bu cho đến từng
người dân - đều "sống dối trá”. Havel vạch trần mâu thuẫn đặc thù của chế độ:
mâu thuẫn giữa nhu cầu tự nhiên của con người có bản chất sống động và chân thực
đối chọi với quy định phi tự nhiên, chết cứng và dối trá của hệ thống toàn trị.
Theo ông, trong chế độ toàn trị, từng cá nhân bị đánh bật khỏi sinh hoạt truyền
thống như gia đình, bạn bè, hội đoàn, tôn giáo... để chịu đựng sự áp đặt của bộ
máy đảng, nhà nước và các đoàn thể bù nhìn.
Hậu quả là "dối trá lên ngôi”. Người ta nghĩ một
đàng nói một nẻo.
Với niềm tin mãnh liệt rằng con người đáng được sống
thật với bản chất của mình và đời sống dân sự phải được hồi phục, Václav Havel
kêu gọi mọi người thoát khỏi nỗi sợ hãi, bắt đầu từ việc giải phóng đời sống khỏi
sự dối trá đang bao trùm. Ông thúc giục mọi người đừng nói, đừng làm những điều
họ không tin tưởng, mà hãy nói và hãy làm những gì tin là đúng. Nghĩa là hãy sống
thật. Và cương quyết không dự vào trò hề là các sinh hoạt lố bịch lừa mị dân của
chế độ.
Chế độ cộng sản toàn trị Tiệp Khắc trước khi sụp đổ
năm 1989 và chế độ toàn trị tại Việt Nam kéo dài đến nay có cùng khuôn mẫu: là
con đẻ của hệ thống cộng sản toàn trị Liên Xô. Và những suy nghĩ của Václav
Havel cũng là của người Việt.
Điển hình của lối suy nghĩ đó là tác giả cuốn sách này,
ông Tống Văn Công.
Ông Tống Văn Công chỉ bắt đầu nhận ra bộ mặt
"không tính người” của cộng sản Hà Nội khi thông tin bùng nổ trên
Internet.
Nhiều sự thật xẩy ra khiến Tống Văn Công xét lại lý
tưởng mà ông muốn thực hiện trong gần cả cuộc đời. Ông tâm sự: "Năm
1990 phong trào dân chủ nổi lên mạnh mẽ ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và
Liên Xô. Ở trong nước, Trần Xuân Bách đòi đổi mới chính trị, văn nghệ sĩ đòi tự
do tư tưởng và sáng tác. Nguyễn Văn Linh dùng mọi thủ đoạn nhằm bảo vệ sự độc
quyền của Đảng cộng sản: Đi Thành Đô cầu hòa với địch, cách chức Trần Xuân Bách,
chỉ đạo việc cách chức nhà văn Nguyên Ngọc, giữa hội trường Ba Đình dịp mừng ngày
Quốc khánh năm 1990, công khai gọi 'con Dương Thu Hương chống Đảng, thằng Nguyễn
Quang Sáng hư hỏng'” . Trước cách hành xử của Nguyễn Văn Linh, Tống Văn Công
mượn hai câu thơ của Nguyễn Duy để nói lên nỗi ngao ngán của mình: "Ta
nhờn nhợn cái há mồm vĩ nhân tôm cá. Khạc đủ nghề thằng nọ con kia”.
Václav Havel kêu gọi mọi người "hãy làm những gì
mình tin là đúng". Tống Văn Công trước khi "bước qua lời nguyền"
vào lúc tuyên thệ gia nhập Đảng cộng sản, đã không dám hành xử đúng với những
gì ông muốn.
Ông viết trong hồi ký là từng sống một thời vô luân để
hai chữ "liên quan" đè lên cơm áo. Và chỉ trích chính mình "sau
khi anh Trần Xuân Bách bị kỷ luật, tôi còn tiếp tục làm tổng biên tập báo Lao Động
ba năm nữa, nhưng không đến thăm anh một lần nào"!
Chẳng riêng ông, nhiều người khác cũng thế: "Nhiều
người nhờ Trần Xuân Bách mà leo lên quyền cao chức trọng, nhưng sau khi ông bị
kỷ luật, suốt bao năm có anh nào dám đến thăm ông thày cũ của họ đâu"!
Tống Văn Công buồn bã kết luận: "cũng đừng trách họ hèn, bởi chúng ta
phải sống 'một thời vô luân' mà”!
Trong diễn văn đọc khi nhậm chức Tổng thống Tiệp Khắc,
Václav Havel tin tưởng đất nước ông rồi ra sẽ có dân chủ tự do, nhưng điều ông
lo lắng là phải nhiều thế hệ nữa dân tộc ông mới hồi phục được niềm tin lẫn
nhau vì mọi người đã triền miên sống hai mặt dối trá với nhau dưới thời chế độ
toàn trị.
Tại Việt Nam xã hội chủ nghĩa, "dối trá lên
ngôi" thấy rất rõ qua câu chuyện "Con Trăn Thần" Tống Văn Công kể
lại:
"Báo Lao Động giữa năm 1963 có đăng bài của
thông tín viên Tất Biểu ở nhà máy bơm Hải Dương đưa tin anh Lê Văn Hạng công nhân
nhà máy trong khi đi nghỉ phép đến miền Tây Nghệ An đã bắn hạ một con trăn lớn
chưa từng thấy. Tin này được nhiều bạn đọc gửi thư hỏi thêm chi tiết. Tòa soạn
liền cử phóng viên Trần Thanh Bình tới gặp Lê Văn Hạng. Nghe anh này thuật lại
câu chuyện quá hấp dẫn, anh Bình gợi ý anh Tất Biểu viết lại từ mẩu tin ngắn thành
một bài ký sự dài đăng nguyên một trang báo. Anh Tất Biểu viết bài có tựa đề ‘Con
Trăn Thần'. Bài viết kể: Trước khi anh Hạng tới đây, nhân dân vô cùng hoảng sợ,
bởi con trăn đã bắt đi hai con bò, hai cháu bé. Khi anh Hạng tìm gặp được nó,
con trăn vùng dậy, cất đầu lên cao quá các ngọn cây cổ thụ, mồm phun phì phì,
nước bọt tuôn xuống như mưa. Anh Hạng phải luồn lách lựa thế để nã đạn đúng vào
mồm con trăn liên tục 16 phát, nó mới ngã vật làm gãy bao nhiêu cây cối. Dân làng
được tin đưa hai con trâu cổ tới giúp anh Hạng kéo con trăn về làng. Người ta đo
con trăn dài gần 30 thước, thân nó to bằng cái vành bánh xe đạp. Họa sĩ Minh Tần
minh họa trông giống như cảnh Thạch Sanh chém con chằn tinh.
"Số báo đăng bài này gây tiếng vang
lớn trong và ngoài nước. Nhân dân Nhật báo Bắc Kinh dịch bài và đổi tựa đề là
'Dũng sĩ diệt mãng xà vương' kèm theo bức tranh minh họa cho câu chuyện thần kỳ.
Nhà thơ Tố Hữu, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Đảng nói với hội nghị Tuyên huấn
- Báo chí về niềm tự hào dân tộc đã có một công nhân bình thường nhưng hành động
phi thường, là 'Thạch Sanh thời đại , 'Thạch Sanh cộng sản'. Hồ Chủ tịch mau chóng
tặng thưởng cho Lê Văn Hạng 'Huy hiệu Bác Hồ'. Ban thi đua khen thưởng Trung
ương làm thủ tục xét thưởng huân chương lao động hạng nhất…
"Giữa lúc cả nước đang náo nức vui
mừng thì bỗng có một tin chấn động: Các nhà khoa học Ba Lan cho rằng con trăn
khổng lồ xuất hiện ở Việt Nam nếu là có thật thì nó đánh đổ các học thuyết về cổ
sinh vật học đang được giảng dạy hằng trăm năm nay. Họ đề nghị Nhà nước Ba Lan
mua bộ xương này với giá tương đương một nhà máy lớn. Trước mắt, họ xin Nhà nước
Việt Nam cho họ được tới khảo sát bộ xương con trăn thần và khu rừng nơi anh Hạng
tìm thấy con trăn và bắn chết nó. Họ phán đoán, khu rừng này phải là rừng nguyên
sinh và rất có thể ở đó còn có nhiều động vật khổng lồ của thời tiền sử!
"Tin này như một tiếng sét làm tỉnh
cơn mê. Hồ Chủ tịch chỉ thị phải nhanh chóng xác minh sự thật. Ban Tuyên huấn
Trung ương yêu cầu báo Lao Đông trong thời gian sớm nhất phải có báo cáo chính
xác.
"...Trong lúc ban biên tập báo Lao
Động cho phóng viên xuống nhà máy bơm Hải Dương tìm hiểu thực hư thì một cộng
tác viên tờ báo là kỹ sư nông nghiệp của Bộ Nông trường, nhân đến tòa báo gửi
bài cộng tác đã vui chuyện kể rằng chính anh ta được chứng kiến lúc anh Hạng
đưa con trăn thần về nông trường. Anh nói, rất tiếc là bài báo của Tất Biểu
không kể những chi tiết không thể nào quên như: Khi hai con trâu kéo con trăn về
tới đoạn dốc hơi cao ở khúc quanh vào văn phòng nông trường thì một con trâu bị
đứt ruột, ngã khuỵu. Từ văn phòng gần đó, năm sáu cô nhân viên hiếu kỳ chạy ra
xem. Vừa nhìn thấy đầu con trăn khổng lồ há mồm thè lưỡi, các cô hốt hoảng nháo
nhào ù té chạy, một cô yếu tim ngất xỉu.
"Anh kỹ sư đã làm cho Ban biên tập
báo Lao Động như sắp chết đuối vớ được cọc. Anh Nguyễn Anh Tài đề nghị anh kỹ
sư làm cố vấn cho đoàn báo Lao Động vào rừng Nghệ An thẩm tra vụ trăn thần. Đang
vui chuyện, hóm hỉnh bỗng anh lặng lẽ, trầm tư, nói rất lấy làm tiếc, vì công
việc đang chồng chất, không thể sắp xếp để cùng đi với đoàn.
"…Anh kỹ sư ngồi lặng mấy giây, rồi
hai vai run lên, đầu gục xuống, vừa nức nở khóc, vừa nói không ra lời: 'Tôi...
tôi cứ tưởng mọi việc đúng như trong bài báo là ... tôi theo đó rồi thêm thắt
cho vui câu chuyện... Tôi xin lỗi... rất là là xin...lỗi…'!
Kết luận câu chuyện "Con Trăn Thần”, Tống Văn Công
viết:"Không chỉ báo Lao Động mà các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước
đều muốn câu chuyện "Thạch Sanh cộng sản” quên dần trong im lặng, bởi nó
phơi bày sự dốt nát, háo danh và cẩu thả của cả hệ thống chính trị và khoa học
của chế độ”.
Tống Văn Công bừng tỉnh huyễn mộng với cộng sản nhờ
vào thông tin bùng nổ trong thời đại Internet, nhưng không phải người cộng sản
nào cũng nhận ra bộ mặt thật của chế độ toàn trị, cho dù hàng ngày biết bao thực
tế ê chề diễn ra chung quanh. Điển hình là chính thân phụ ông Công, người đảng
viên vào đảng cộng sản từ năm 1930, từng tham gia chín năm chống Pháp.
Ông Công thuật lại nội dung một buổi trò chuyện giữa
hai cha con sau năm 1975, cha ông nói: "Tao vẫn tin rằng chỉ có chủ nghĩa
cộng sản mới triệt để giải phóng được cho loài người, nhưng mà bọn đảng viên ở
quận Ba Tri này tao thấy đem thằng nào ra bắn cũng đáng tội hết, mày à”! Một
người bạn ông Công ngồi nghe chuyện giữa hai cha con ông Công, bình luận:
"Chưa
nói tới cái chủ nghĩa cộng sản, ngay cái chủ nghĩa xã hội cũng còn quá xa! Nói
chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới triệt để giải phóng loài người (!) Nhưng ai thực
hiện nó đây? Các đảng viên thực hiện mới có mấy năm đã be bét, đến nỗi đem thằng
nào ra bắn cũng được. Vậy chẳng lẽ việc trọng đại này phải nhường cho bọn cựu đại
địa chủ và tư bản hay sao”?
Sau mấy chục năm hết lòng tận tụy với Đảng cộng sản,
vào tuổi hoàng hôn của đời người, Tống Văn Công dứt khoát vất bỏ cái "vòng
kim cô” ông tự quàng lên đầu từ thủa còn là một thanh niên bỏ quê hương miền
Nam tập kết ra Bắc năm 1954.
Ngày 25 tháng Hai năm 2014, ông gởi "Lời Chia Tay Đảng Cộng Sản Việt Nam”. Ông
nhận được nhiều ý kiến đóng góp, trong đó có nhà văn Thái Bá Tân làm một bài thơ
tặng ông với những câu: "… Trót đưa lên bàn thờ. Muốn hạ xuống cũng khó.
Làm thế nào bây giờ? Một người vì lý tưởng. Hy sinh cả cuộc đời. Đến già mới chợt
tỉnh. Đau, không nói nên lời. Con cháu những người ấy. Dẫu giỏi và thông minh.
Cũng khó lòng hiểu hết. Cái đau cha ông mình”.
Về phần ông, Tống Văn Công dặn mình chớ nói năng như
một kẻ vô can và phải tự biết mình "ngu lâu”, là "tội đồ”.
Ông viết: "Lúc nghe ông Nguyễn Văn Thiệu nói 'đừng nghe cộng sản nói, hãy
nhìn cộng sản làm', tôi cho rằng, nói như ông Thiệu chẳng thuyết phục được ai!
Cho đến khi trải nghiệm chính sách của Đảng cộng sản qua các thời kỳ, đối chiếu
thông tin nhiều chiều, mới xác nhận câu nói của ông Thiệu là có cơ sở”
Rõ ràng Hồi ký Tống Văn Công không nhằm biện minh
cho sự "ngu lâu” của tác giả mà chỉ để cho thấy việc nhận ra chân lý trong
giai đoạn lịch sử vừa qua của nước ta thật không dễ! Ông đau đớn tâm sự: "Trải
qua 56 năm hoạt động trong Đảng, nay nghiệm lại, thức tỉnh, ngấm được nỗi đau lầm
lạc vào con đường lịch sử, buộc dân tộc vào tròng độc tài đảng trị che giấu sau
chiếc mặt nạ tự do, dân chủ”.
Và Tống Văn Công kết luận cuốn hồi ký bằng câu nói của
Boris Yeltsin, một đảng viên cộng sản lão thành Nga và cũng là tổng thống đầu
tiên của Liên Bang Nga sau chế độ Liên Xô: "Cộng sản không thể sửa chữa mà
phải dứt khoát vất bỏ".
Nhà xuất bản Người Việt
Tháng Mười, 2016
Đinh
Quang Anh Thái
(1) Nhà văn Václav Havel là kịch tác gia
từng bị chế độ cầm tù và là tổng thống đầu tiên của Tiệp Khắc sau khi chế độ cộng
sản sụp đổ.