27.12.2016

Đòi hỏi chuyện minh bạch với Hà Nội liệu có phải là chuyện không tưởng?

Đòi hỏi chuyện minh bạch với Hà Nội liệu có phải là chuyện không tưởng?

Trần Phong Vũ

Quốc tế & nhu cầu minh bạch trong vụ Formosa
Chuyện đòi hỏi phải minh bạch trong vụ xâm hại môi trường biển do Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa ở Hà Tĩnh gây ra không còn giới hạn trong công luận Việt Nam mà đã trở thành vấn đề quốc tế. Hôm mồng 07-12-2016, sau Đài Loan cộng đồng thế giới đã chính thức lên tiếng về vấn nạn này.

Trong số những vấn đề nhà cầm quyền Hà Nội cần minh bạch gồm có.

Thứ nhất, đời hỏi nhà cầm quyền Việt Nam và công ty Formosa phải công bố mọi chi tiết liên quan tới thỏa thuận bồi thường 500 triệu đô la Mỹ giữa Hà Nội và Formosa từng được loan báo công khai trong cuộc họp báo nhận tội của công ty này hôm 30-6-2016.

– Thứ hai, cộng đồng quốc tế cũng yêu sách chính quyền Việt Nam cung cấp chi tiết kế hoạch bồi thường cho các nạn nhân bị thiệt hại do ảnh hưởng vụ công ty Formosa xả thải hóa chất độc hại xuống Vũng Áng hồi tháng 4-2016.

– Ngoài ra, họ cũng đòi phải minh bạch hóa các biện pháp khoa học –bao gồm các chi tiết về nhân sự, phương tiện và ngân sách- nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu tối đa những thiệt hại cho hàng trăm ngàn ngư dân và những thành phần sống bám vào biển, bao gồm gia đình họ, cùng những di hại có thể xảy ra cho các thế hệ tương lai do thảm họa môi trường biển.


Được biết những đòi hỏi trên đây được ghi trong bản kiến nghị có chữ ký của nhiều tổ chức bảo vệ môi trường gồm quý vị giáo sư, các nhà khoa học, luật gia quốc tế. Kiến nghị này hiện đang được loan truyền rộng rãi trên mạng. Nhóm bảo vệ môi trường Green Trees Việt Nam là một trong các tổ chức ký tên trong bản kiến nghị vừa nói. Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn, thành viên của nhóm nói với phái viên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) rằng: minh bạch là vấn đề lớn và quan trọng bậc nhất trong toàn bộ thảm họa môi trường được xem là chưa từng có từ trước tới nay ở Việt Nam.

Riêng với người dân Việt Nam –đặc biệt những nạn nhân trực tiếp- những bí ẩn vì sao nhà cầm quyền Hà Nội vẫn ôm chân Formosa không đáp ứng yêu cầu trục xuất vĩnh viễn kẻ tội phạm cũng cần được công khai bạch hóa.

Thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra ở Vũng Áng, Hà Tĩnh tính đến nay đã trên 9 tháng, nhưng điều kỳ lạ vẫn không có thông tin chính thức rõ ràng nào từ các cơ quan chức năng cho người dân biết cụ thể mức độ an toàn của mỗi khu vực biển địa phương ra sao. Luật sư Trần Vũ Hải, một trong những đại diện pháp lý cho các nạn nhân vụ ô nhiễm môi trường Formosa, cho rằng việc không công khai những thông tin liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân là một điều tai hại.

Ngoài các dữ liệu khoa học, cơ quan hữu trách của Việt Nam còn bị lên án về việc thiếu minh bạch trong việc công bố các chứng cứ, thông tin liên quan đến Formosa, làm dấy lên nghi ngờ về việc chính quyền “đi đêm” với thủ phạm gây ra ô nhiễm.

Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn nói:
“Tuyên bố về con số 53 hay 58 sai phạm gì đó của Formosa mà ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho là căn cứ để luận tội Formosa và để ép Formosa nhận tội, nhưng cho đến nay vẫn chưa biết sai phạm đó bao gồm những sai phạm gì”.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) là gì:

 Transparency International viết tắt TI là một phong trào toàn cầu của xã hội dân sự hoạt động nhằm chống lại tệ trạng tham nhũng. Tổ chức này được luật sư Peter Eigen, một cựu giám đốc ngân hàng thế giới cho Đông Phi, và những người cùng ý tưởng thành lập. Trụ sở của TI đặt ở thủ đô Berlin, Đức.  Ngoài Đức, TI còn có chi nhánh tại hơn 100 quốc gia khác. Ở Việt Nam, cơ quan đầu mối quốc gia của TI là tổ chức Hướng tới Minh bạch là một công ty tư vấn phi lợi nhuận Việt Nam được thành lập năm 2008 với mục tiêu góp phần vào việc phòng chống tham nhũng. Do hoàn cảnh khắc nghiệt lâu nay, trên thực tế tổ chức này ở trong nước vẫn chỉ có danh nhưng không có thực. Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, đòi hỏi sự minh bạch ở Việt Nam, người ta nói nhiều tới danh tính bà Lê Hiền Đức, tên thật Phạm Thị Mỹ Dung. Năm nay bà 84 tuổi từng theo đảng cộng sản từ năm 13, đầu thập niên 40, nhưng bất bình trước tình trạng tham nhũng trong nội bộ giới cầm quyền ngày càng tệ, bà công khai đứng về phía nhân dân đòi hỏi sự minh bạch, Đo đó cuối năm 2007 bà đã được trao giải minh bạch thế giới. 

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) vừa công bố Chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2015 xếp hạng mức độ tham nhũng ở 168 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam đứng thứ 112 trong danh sách này, tăng 7 bậc so với năm 2014. Tuy vậy so sánh trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn bị xếp vào nhóm tham nhũng nhiều.

Khi các đại biểu cái gọi là Quốc Hội nhập cuộc?

Sau gần 7 tháng im lặng, theo tin đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), hôm 02-11 vừa qua, tại diễn đàn cái gọi là Quốc Hội VN, ĐB Trần Công Thuật Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Quảng Bình cho biết đến nay vẫn chưa thấy ai đứng ra để nhận trách nhiệm về vấn đề xả thải của Formosa; cũng chưa chỉ ra ai là người chịu trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước đối với vấn đề Formosa mà theo tin tức có 58 lỗi kỹ thuật, biểu hiện của sự gian dối. Ông cho rằng vụ Formosa không thể bỏ qua, cần phải bạch hóa mọi chi tiết chưa sáng tỏ.   
       
Vẫn theo ĐB Trần Công Thuật, hành động xả thải của Formosa là hành vi hủy hoại môi trường, gây ảnh hưởng toàn diện, phạm vi rộng và nghiêm trọng đến sự sống của biển miền Trung, đến phát triển kinh tế – xã hội, đời sống của người dân và an ninh trật tự xã hội.

Ông nói: “Những vấn đề Formosa nhất định phải làm rõ, minh bạch, nghiêm túc. Chúng ta không xem xét xử lý một cách rõ ràng thì ai sẽ trả lời?”

Ông nêu lên câu hỏi đồng thời phản ánh ý nguyện của cử tri đối với tương lai Formosa: “Những vi phạm trong việc chôn lấp chất thải vừa rồi có được gọi là tái phạm không? Cử tri mong muốn nếu chưa làm rõ vấn đề, chưa khắc phục được vi phạm thì kiên quyết chưa cho Formosa vào hoạt động”.
Đề cập đến vấn đề bồi thường, ông Thuật cho biết, sự cố môi trường biển tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch, khiến doanh nghiệp điêu đứng, thiệt hại rất lớn. Do đó, cần có giải pháp để cứu giúp các doanh nghiệp du lịch đang có nguy cơ bị phá sản.

Trong dịp này, dẫn Báo cáo Chính phủ nêu năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính chưa nghiêm, ĐB Nguyễn Văn Học thuộc tỉnh Phú Yên nêu câu hỏi: vì sao tình trạng này lại tồn tại dai dẳng như vậy. Chính phủ cần chỉ đạo thanh tra, kiểm tra để xác định bản chất vấn đề và xử lý nghiêm sai phạm để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên. Ông nhấn mạnh: “Chính phủ có chấn chỉnh được thực trạng này hay không và khi nào sẽ khắc phục được yếu kém này – đây là vấn đề mà cử tri và Quốc hội mong muốn có câu trả lời”.

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, muốn xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển thì phải ngăn chặn “lợi ích nhóm”, ngăn chặn lợi ích cục bộ ngay từ khi khởi xướng và xây dựng chính sách. Cùng với đó là ban hành bộ tiêu chí đánh giá cán bộ theo từng hành vi thực thi công vụ; có cơ chế khảo khóa, sát hạch định kỳ hàng năm để sàng lọc cán bộ, công chức. Chính phủ cần khởi xướng “văn hóa từ chức” để những ai thấy mình “tài hèn, đức mọn” tự nguyện nhường chỗ cho bậc hiền tài.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đề nghị ban hành quy trình xử lý kỷ luật ngắn gọn, thông thoáng, nghiêm minh. Chấm dứt ngay tình trạng cán bộ vi phạm rõ ràng mà cả năm không xử lý được. Đồng thời mạnh tay kể cả đuổi việc một số trường hợp vi phạm để răn đe, giáo dục làm gương cho mọi người. Làm như vậy sẽ nâng cao được chỉ số lòng tin, làm yên lòng người dân và doanh nghiệp.

Những lời tuyên bố trên có giá trị gì?

Khi nghe ĐB Nguyễn Hữu Cầu đòi chấm dứt tình trạng cán bộ vi phạm rõ ràng mà cả năm không xử lý được, người dân nghĩ ngay tới chỉ thị 15 của đảng cấm hành pháp không được động tới những viên chức có thẻ đảng mà không khỏi chán ngán.

Trong khi ấy nhìn vào sự im lặng gần như tuyệt đối của cả bộ máy cầm quyền lẫn những ông bà được đảng chọn vào ngồi làm vì trong cái cơ chế gọi là Quốc hội rồi đối chiếu với diễn biến vụ phá hoại môi trường biển của Formosa trong gần một năm qua, người ta dễ dàng nhận ra những kiểu nói trên đây chỉ là chuyện đầu môi, chót lưỡi. Trên thực tế nó không có một chút giá trị thực tiễn nào. Nó cũng tương tự như cách nói mơ hồ của nhân vật cầm đầu Bộ Tài Nguyên/Môi Trường sau đây.

Giải trình về những vấn đề liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, sau hàng loạt sự cố về môi trường, Chính phủ nhận thấy, môi trường đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa. Chính vì vậy cần xác lập vị trí mới trong vấn đề môi trường. Theo đó, nếu như trước đây môi trường thường đi sau phát triển thì giờ đây phải đi trước và đi ngay vào trong quá trình đó. Hôm 13/12, báo chí Việt Nam đưa tin Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị 4 tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng bởi vụ ô nhiễm phải tiếp tục quan trắc nước biển và công khai hóa kết quả.

Toàn những lời nói sáo rỗng, vuốt đuôi, tô vẽ chuyện ngày mai… trong khi biến cố cá chết, biển chết, hàng trăm ngàn ngư dân lâm cảnh khốn cùng, nghề nghiệp bị phá sản, thất nghiệp, không công ăn việc làm khiến cho cả triệu thân nhân, vợ con, gia đình họ lâm cảnh bần hàn, trong khi nhiều địa phương, ngay cả các nạn nhân ở Kỳ Anh, nơi trực tiếp nhận chịu chất độc do Formosa xả thải xuống Vũng Áng chưa hề nhận được một đồng trợ cấp. Ấy vậy mà ông ta cón dám trơ trẽn tuyên bố:

“Thời gian tới cần biện pháp quyết liệt, rất nghiêm túc trong việc thực hiện nghiêm pháp luật môi trường cũng như thực hiện đồng bộ các giải pháp như đánh giá tác động môi trường. Đồng thời sắp tới bộ sẽ nghiên cứu đề xuất sửa Luật Bảo vệ môi trường, sửa Luật Đầu tư và Doanh nghiệp trong đánh giá tác động môi trường, giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường”.

Chưa hết, theo tin của đài Á Châu Tự do dẫn nguồn báo Thanh Niên, hôm Thứ Tư 21-12, ông Trương Hòa Bình nhân danh tư cách Phó thủ tướng hướng dẫn phái đoàn tới chúc mừng lễ Giáng Sinh Tổng Giám mục Sài Gòn Bùi Văn Đọc[1]. Dịp này ông đã mạnh miệng tuyên bố biển miền Trung đến bây giờ có thể nói đã sạch (!?)

Người dân tự hỏi: căn cứ vào những công trình thử nghiệm khoa học nào để ông Bình có thể khơi khơi tuyên bố như trên? Ông nghĩ sao về sự kiện chỉ vài ngày trước Bộ trưởng Bộ TN & MT Trần Hồng Hà vừa ra chỉ thị phải tiếp tục quan trắc nước biển và công khai hóa kết quả. Đối chiếu với những nhận định của các ĐB Quốc hội được phái viên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ thuật lại trong đoạn trên, rõ ràng là giữa cơ quan lập pháp và hành pháp -kể cả trong nội bộ những tay đầu sỏ trong hệ thống cai trị của Hà Nội- đã có những mâu thuẫn khó có thể giải thích hay biện minh.

Và như thế người ta có quyền hoài nghi chuyện nêu vấn đề minh bạch đối với đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Nói trắng ra, mọi nỗ lực vận động minh bạch hóa vụ Formosa xâm hại mội trường biển chỉ là chuyện không tưởng mà thôi.

Trong điều kiện bi đát như thế, nương theo sự đồng tình của công luận các quốc gia trên thế giới, trong đó phải kể tới Đài Loan mà thủ phạm Formosa là công dân của đảo quốc này, toàn thể đồng bào, từ Bắc chí Nam, phải nhất tề đứng dậy để tự đinh đoạt lấy vận mệnh của chính mình và cũng là của đất nước. Đây là giải pháp duy nhất, là con đường độc đạo chúng ta có thể chọn để tự cứu trong hoàn cảnh cay nghiệt hiện nay.

Một ngày áp Lễ Giáng Sinh 2016
______

[1] Người ta chưa quên hôm 30-4 vừa qua, ba tuần sau thảm họa cá chết hàng loạt phơi trắng trên một chiều dài hơn 200 cây số dọc theo bãi biển bốn tỉnh miền Trung, giữa lúc dư luận đồng bào trong và ngoài nước đang sục sôi căm phẫn khi hay tin công ty Formosa là thủ phạm gây nên thảm họa này, TGM Đọc đã công bố một bản thông báo trong đó có đoạn: “…trong lúc này, xin quý cha và anh chị em giáo dân khi diễn tả những lo lắng và bức xúc của mình, tránh những hành động quá khích, dẫn tới xung đột, ảnh hướng tới sản xuất, giao thông, vi phạm pháp luật” (Người viết tô đậm).
Dư luận người Công Giáo khi ấy đã tỏ ra hết sức bất bình về lời kêu gọi này. 

Cá nhân chúng tôi cũng đã viết một bài nhận định về nội dung bản thông báo. Sau đó dù ông đã lên tiếng bào chữa nhưng người ta không thể không nghĩ rằng ông đã vô tình hay cố ý bênh vực nhà nước. Trường hợp ông Trương Hòa Bình dẫn cả một phái đoàn chính phủ tới chúc mừng TGM Độc nhân lễ Giáng Sinh năm nay gợi nhớ tới dịp ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc kiêm Phó thủ tương tới thăm Hôi Nghị thường niên của HĐGMVN cách nay ít lâu và đã trao tặng TGM họ Bùi một món quà giá trị càng khiến dư luận thêm nghi ngờ.

Khi ông Bình chọn thời điểm diện kiến TGM Sài Gòn để tuyên bố “biển đã sạch” hẳn không ngoài mục đích triệt tiêu những nỗ lực của hàng giáo sĩ và giáo dân Giáo phận Vinh trong việc tố giác những chuyện thiếu minh bạch của Hà Nội chung quanh vụ Formosa. Từ việc mở cửa cho công ty này vào khai thác một vùng đất rộng lớn tại một địa điểm xung yếu trong một thời gian dài tới 70 năm cho tới những bí ẩn, mờ ám trong nỗ lực nghiên cứu mức độ độc hại của các hóa chất do Formosa xả xuống Vũng Áng cùng những khuất tất chung quanh việc sử dụng ngân khoản nửa tỷ Mỹ Kim mà nhà cầm quyền Hà Nội ngửa tay nhận của Formosa…