07.01.2017

Phù sa độc

Phù sa độc

RFA
Phù sa độc, một khái niệm mới thời thủy điện lên ngôi.  RFA photo

Câu chuyện lũ lụt tại miền Trung lẽ ra đã khép lại và đã có quá nhiều thông tin về nó. Tuy nhiên, dường như hậu quả do lũ lụt để lại vẫn chưa hề lắng xuống, từ chuyện lương thực của người miền Trung bị ảnh hưởng, mùa màng hư hại cho đến dịch bệnh… tất cả các vấn đề này vẫn còn hoành hành. Và một vấn đề khá mới mẻ sau lũ lụt miền Trung, đó là chuyện phù sa độc.

Hết mong lụt về!
Một nông dân tên Hiên, ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, chia sẻ: "Phù sa thì năm ni nó độc quá, chẳng còn như mọi năm là làm tốt tươi ruộng đồng. Năm ni nó về hình như các công ty nó thải cái chất xả gì vào sông đó nên làm cho da ngứa ngáy, khó chịu lắm, làm cho da mình mẫn cảm và tấy đỏ hết. Cây cỏ, lúa cũng chết nữa thì người làm sao mà dám lội bùn!”.


Ông Hiên chia sẻ thêm là với người nông dân, phù sa là thuốc bổ cho ruộng đồng và mùa màng, không có thứ gì làm vệ sinh cho lòng sông hay ruộng đồng tốt hơn nước lụt. Chính vì tác dụng rất đáng quí của nước lụt mà hầu như với bất kì người nông dân nào, lụt có ý nghĩa rất lớn. Và trong nhiều năm liền, kể từ khi thủy điện đầu nguồn các tỉnh miền Trung hoạt động ruộng đồng thiếu vắng những trận lụt mang phù sa về làm màu mỡ cho đất và giảm lượng sâu bọ, mùa khô thì nắng hạn, thiếu nước trầm trọng, mùa mưa thì không có lụt nhỏ và vừa như trước đây.

Và cũng khác nhiều năm trước đây, từ năm năm trở lại, hầu như mỗi khi có lụt là người nông dân miền Trung trở nên tan hoang, lũ lụt càn quét đi mọi thứ từ mùa màng đến nhà cửa, tài sản và cả mạng người. Dòng nước chảy xiết, dữ tợn và dâng cao một cách bất thường không những phá hoại mọi thứ mà còn để lại hậu quả độc hại.

Ông Hiên nói rằng chưa bao giờ ông lại thấy hiện tượng phù sa độc nặng nề như năm nay. Nghĩa là thay vì phù sa do nước lũ mang về làm cho ruộng đồng tươi tốt, cây cối sum suê thì phù sa của các trận lụt trong mùa mưa năm qua đã làm cho cây cỏ bị khô héo, mọi thứ cây trong vườn đều rụng lá, chết dần chết mòn. Điều này dễ nhận biết nhất với người nông dân trồng hoa và cây cảnh. Hầu như chưa có năm nào mà lụt làm cho các vườn mai, vườn cúc chết trơ gốc nhiều như năm nay.

Ông Hiên than thở với chúng tôi là bùn non năm nay mang theo quá nhiều chất thải, rác rưởi và chất hóa học do các công ty thải ra nên mức độ gây ngứa và lở loét của nó cao một cách khác thường. Một nông dân quen chân lấm tay bùn như ông không dễ gì bị nấm móng và lở loét chỉ vì lội bùn non hai ngày. Thế nhưng sau trận lụt, đi làm đồng, dọn cỏ chuẩn bị cày bừa cho ruộng chưa đầy một buổi, tay chân ông bị ngứa ngáy và nổi mẩn đỏ, cứ nơi nào dính bùn non thì nơi nó nổi mẩn đỏ, ngứa râm ran. Và không riêng gì ông Hiên, những người trong gia đình ông và các nông dân khác, ai bước xuống ruộng cũng bị ngứa và lở loét.

Theo một cán bộ thú y tên Sinh ở Hương Khê, Hà Tĩnh, một tỉnh Bắc Miền Trung Việt Nam cho biết thì trâu bò, lợn gà ở Hương Khê cũng bị hiện tượng tiêu chảy, giảm cân và lở loét sau khi kiếm ăn trên các bãi cỏ vừa bị lũ cuốn qua. Điều này chứng tỏ phù sa năm nay quá độc và nguy cơ mất mùa, vật nuôi bị chết vì bệnh sẽ còn kéo dài, kinh tế người nông dân bị ảnh hưởng không nhỏ một chút nào.

Nghiệt nỗi, ngoài những phần quà cứu trợ của các nhà từ thiện, về phía thủy điện vẫn chưa có động thái nào cho thấy họ hối lỗi về điều này và họ vẫn hoạt động bình thường, vẫn hưởng một cái Tết thắng lợi với quà cáp và tiền thưởng không nhỏ. Theo chỗ ông Sinh biết thì tiền thưởng Tết của ngành điện lực ở Hà Tĩnh năm nay khá cao. Như vậy, người nông dân thì đau khổ, thiếu thốn và thiếu cả không khí Tết, điều này khiến ông Sinh cảm thấy bị tổn thương vì trót làm người dân trong một tỉnh có quá nhiều tai ương đến từ biển, từ núi rừng, từ hệ thống quản lý.

Ông Sinh cho biết: “Cái nguồn thu của công nhân viên nhà nước, có vai có vế mới có tiền, còn lài, dân tròn (dân đen) thì không có thu nhập gì, cả năm trúng được chừng 40 triệu tiền bán cây, xong rồi thì không có khoản nào khác. Nhưng cũng không phải nhà nào cũng có được điều đó, có một số gia đình có thôi. Phần lớn thì đi làm thuê tứ xứ, vào Nam làm thuê là chính. Năm nay dù đã tháng Chạp nhưng chưa thấy Tết gì cả. Dường như Tết là của ai chứ không phải của mình. Mọi năm thì Noel xong thì xuống giống, năm nay đến giữa tháng Chạp rồi mà chỉ mới bắt đầu gieo sạ thôi!”.

Bốn bề trùng vây
Bùn non tràn ngập mọi nơi ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. RFA photo

Tình trạng người nông dân bị vây bùa bốn bề, cái đói, nỗi đau mất mát và thiệt hại vẫn chưa nguôi, Tết đang đến sát bên lưng mà vẫn chưa có gì để lo sắm Tết, thậm chí không khí tang tóc vẫn còn quanh quất đâu đó trong các gia đình có người thân thiệt mạng bị lũ cuốn… Một người nông dân ở huyện Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, tên Vĩnh, chia sẻ: Giờ hiện tại thì dân mình họ đang sạ, cũng có đám chưa gieo, hiện tại thì khắc phục dần dần. Trâu bò thì thiệt hại vì cỏ không có, rơm bị lụt ngấm nó thối nên không có cho trâu bò ăn, bệnh tật cũng nhiều. Hiện nay chỉ lo cặm cụi mùa màng chứ chưa ai dám nghĩ tới Tết cả!”.

Theo ông Vĩnh, tình trạng làm trễ mùa vụ, nguy cơ thiếu lương thực vào thời điểm giáp hạt và khắc phục hậu quả lâu dài, thậm chí chưa kịp khắc phục thì phải nhận chịu tiếp những trận xả lũ của năm tới có vẻ như đang hiện rõ dần trước mắt người nông dân Ba Đồn, Quảng Bình. Vì hiện tại, chỉ còn ngót nghét hai mươi ngày nữa đã là Tết, mà mọi chuyện vẫn còn dang dở. Nhiều gia đình vẫn chưa khắc phục hết hậu quả lũ lụt, nhiều ngôi nhà bị sập vẫn chưa xây dựng lại được vì không có tiền.

Mọi năm, hiện nay bà con nông dân trồng rau, củ, quả đã chuẩn bị thu hoạch vụ Tết, thậm chí đang thu hoạch vụ Tết sớm để bán ra các tỉnh phía Bắc nhưng năm nay thì mọi chuyện ngược lại. Rau củ quả từ phía Bắc đưa vào bán cho người dân miền Trung với giá cao ngất, một bó rau muống có giá 15 ngàn đồng, tương đương với 1,5 ký gạo hạng ngon. Và các loại củ quả cũng đắt tỉ lệ, có nhiều loại rau muống mua được một bó phải tốn đến 3 ký gạo. 

Nhưng đáng sợ nhất là hầu hết nguồn rau đều nhập từ Trung cộng.
Bởi với kinh nghiệm lâu năm của một nông dân chuyên trồng rau, ông Vĩnh dễ dàng nhận ra đâu là rau Trung cộng, đâu là rau trồng trên cánh đồng Việt Nam. Điểm dễ nhận biết nhất là rau củ quả Trung cộng được bơm thuốc bảo dưỡng nên để rất lâu vẫn không hư hỏng. Rau do nông dân Việt Nam trồng không có đặc tính này, chỉ cần để qua hai ngày thì hoặc là khô héo, hoặc là úng nhũn.

Hơn nữa, Tết sắp về, người nông dân vừa không có nguồn thu nhập, mùa màng còn dang dở, vừa thiếu lương thực lại vừa phải còng lưng để mua thực phẩm độc hại của Trung cộng. Mọi chuyện đều là mối nguy khó nói!


RFA Tường trình từ Việt Nam