20.02.2017

Từ vô tình đến... 'vô đạo đức'

„Cho dù đời xưa hay đời nay, văn hóa sống của con người vẫn coi trọng chữ thật thà, chữ chân thành là…. đầu bảng. Nếu không, rất có thể, từ vô tình đến... 'vô đạo đức' cách nhau chỉ một bánh xe… taxi.

Từ vô tình đến... 'vô đạo đức'

Em Trần Chí Kiên bị taxi va phải, gây chấn thương gãy xương đùi và 2 giáo viên của trường, cô Cô Nhung (trái) và cô Tú trao đổi với PV về sự việc.

Có một vụ việc xảy ra ở trường tiểu học Nam Trung Yên tuần qua khiến cả xã hội ồn ào bàn luận và bất bình. Bởi lẽ, câu chuyện tưởng đơn giản này bỗng trở thành quá phức tạp. Tại thời điểm này, ngày 18.2, cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận cụ thể. Nhưng thông điệp vô tình - phản ứng của người liên đới khi xảy ra vụ việc, ở đây là hiệu trưởng nhà trường, bà Tạ Thị Bích Ngọc đã phản chiếu một sự thật đáng buồn: đạo đức của người làm giáo dục đang đứng ở đâu trong đạo đức xã hội?


Vụ việc chỉ có thế này: Em Trần Chí Kiên học sinh lớp 2 của trường, trong giờ ra chơi đã bị một chiếc taxi có chở bà hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc, cùng một cô giáo đi vào trường. Không may, em Kiên bị taxi va phải, gây chấn thương gãy xương đùi, phải đưa đi bệnh viện bó bột.

Chuyện tưởng chẳng có gì mà ầm ĩ thế, nếu sự thật của câu chuyện này sớm sáng tỏ. Người viết bài tin rằng, cha mẹ em Kiên, dù có xót xa con mình, cũng vẫn chấp nhận sự xin lỗi từ phía nhà trường và của người lái xe taxi. Trong đời sống giáo dục của một nhà trường, trẻ em vốn hiếu động, nên những rủi ro đều có thể xảy ra. Chiếc taxi vì vô tình va phải em bé. Bà hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc - người ngồi trên xe - có thể vô tình không biết đã xảy ra sự việc.

Bà Tạ Thị Bích Ngọc, hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên
Nhưng để xảy ra tai nạn giao thông ngay trong sân trường, và lại đi xe vào đúng giờ ra chơi, khi con trẻ nô đùa, là điều tối kị, khó chấp nhận, thì dù muốn hay không, trước tiên bà hiệu trưởng phải có lời xin lỗi gia đình học sinh. Từ việc bà đã cho xe đi vào sân trường, ảnh hưởng đến “quyền được chơi” của trẻ, đến việc xảy ra vụ tai nạn cho trò trong địa bàn bà quản lý. Lỗi gây ra tai nạn của người lái xe taxi đến đâu, sẽ do cơ quan chức năng điều tra, kết luận và xử lý, tùy thương tật em bé nặng hay nhẹ. Đó mới là cách hành xử đàng hoàng, sòng phẳng, có văn hóa và tự trọng của một nhà giáo, một nhà quản lý giáo dục.

Thế nhưng vụ việc bỗng trở thành phức tạp rối tung, rối mù, cho đến tận thời điểm này, nếu không có hàng loạt sự ứng xử và xử lý mang tính đối phó “cả vú lấp miệng em”, thậm chí dối trá từ phía bà hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc.

Tỷ như sử dụng quyền lãnh đạo, và nhân danh tổ chức, phát phiếu thăm dò để 100% giáo viên và học sinh nhà trường xác nhận “không có xe ô tô nào vào sân trường thời điểm xảy ra vụ việc học sinh Kiên bị gãy xương đùi”. Rằng, việc gãy chân là do em chạy nhảy và tự ngã.

Còn về tính chân thực của con số 100% phiếu thăm dò của giáo viên, người viết cho rằng, trong giờ giải lao, mỗi giáo viên cho đến các em học sinh đều có việc của họ. Thế cho nên con số 100% có chứng minh “không nhìn thấy” cũng chẳng có ý nghĩa gì, chẳng nói lên lẽ phải thuộc về bà hiệu trưởng. Theo như cô giáo Trần Thị Thu Nhung, giáo viên chủ nhiệm của em Kiên, thì nhà trường cho biết là khảo sát về an toàn và an ninh trường học phục vụ cho việc thanh tra tháng 03 của Phòng GD & ĐT, chứ không hề nói khảo sát vụ việc em Kiên bị gãy chân.

Cô giáo Trần Thị Thu Nhung cho biết, cô không hề tư vấn cho ban giám hiệu nhà trường việc làm phiếu khảo sát học sinh về vụ tai nạn như lời hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc (VietNamNet, ngày 17.2). Như vậy, trong hai người, phải có một người không trung thực.

Sự phủ nhận tới 6 điểm “Báo cáo cần xem xét”, mà tác giả là bà hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc, gửi các cơ quan báo chí ngày 13.2, của anh Trần Chí Dũng, bố của học sinh Kiên, khi anh cho rằng, “Báo cáo của hiệu trưởng là dối trá” (VietNamNet, ngày 17.2). Nhất là việc bà Tạ Thị Bích Ngọc bịa đặt cho rằng gia đình anh có sáng kiến “mong muốn cô giáo chủ nhiệm và nhà trường khảo sát tìm nguyên nhân cháu Kiên ngã để gia đình có hướng điều trị phù hợp”.

Mọi chứng cứ của những người trong cuộc liên quan vụ việc, có vẻ đều như chống lại bà Tạ Thị Bích Ngọc?

Và giữa lúc vụ việc ồn ào kiểu “sư nói sư phải vãi nói vãi hay”, dư luận trên các trang mạng xã hội đưa ra một vụ việc cách đây hơn chục năm, liên quan đến bà này. Đó là vụ việc bà Tạ Thị Bích Ngọc, khi còn là hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Khả Trạc (Quận Cầu Giấy - Hà Nội) đã để xảy ra nhiều sai phạm, trong đó có việc lập quỹ đen tại trường bằng việc bớt khẩu phần ăn hàng ngày của 400 học sinh bán trú (Dân Trí, 28.12.2006).

Người viết bài đặt câu hỏi, phải chăng “phẩm chất” dối trá ở đây là có … hệ thống?

Đáng chú ý nữa, giữa lúc thông tin còn rối tung, chưa rõ thực hư, một số cô giáo như cô Trần Thị Thu Nhung, Nguyễn Thị Thanh Tú lên tiếng khẳng định các cô không tham gia vào việc khảo sát. Một số nội dung trong “Báo cáo cần xem xét” gửi các cơ quan báo chí là không đúng. Các cô  còn cho biết, từ lâu, trong trường đã có “những việc không đoàn kết”, hình thành những nhóm thầy cô giáo “theo cô hiệu trưởng” và nhóm “không theo cô hiệu trưởng”. Từ khi xảy ra vụ việc, chưa có cuộc gặp nào giữa ban giám hiệu với toàn thể giáo viên, mà ban giám hiệu chỉ gặp những người “thân thiết”. Và mới đây, 18 giáo viên nhà trường đã gửi thư đến các cơ quan chức năng nêu ra 4 điểm, phủ nhận những thông tin trong “Báo cáo cần xem xét”.  

Còn theo Một Thế Giới ngày 17.2, đã xuất hiện tâm thư xin giữ hiệu trưởng ở lại trường sau vụ học sinh gãy chân, với những ngôn từ tha thiết: “Những việc làm của đồng chí Ngọc vì nhà trường, vì học sinh không giấy bút nào kể hết... Thiết nghĩ đánh giá đạo đức, nhân cách một con người phải trải qua một quá trình lâu dài chứ không thể căn cứ vào một việc khi chưa có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền...”.

Xin được miễn bình về hiện tượng “tâm thư”. Nhưng liệu tâm thư này có dây mơ rễ má gì với những nhóm “theo cô hiệu trưởng”?

Được biết, mới đây, Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã trao đổi với Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố sớm kết luận, xử lý nghiêm khắc nếu có sai phạm (VietNamNet, 18.2).

Một hiệu trưởng nhà trường, mới chỉ một vụ việc không may xảy ra, đã lập tức sử dụng quyền hành, lợi dụng tổ chức để giành … phần thắng về mình trước một đứa học trò trẻ nít, mới 7-8 tuổi đang gặp rủi ro. Không hiểu lương tâm, và con tim của bà hiệu trưởng này đặt ở đâu?

Một tập thể nhà trường do bà hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc lãnh đạo, với những phẩm cách “hổng” và “hỏng” như vậy, sẽ đi về đâu?

Có câu của người xưa: Khôn ngoan chẳng lọ thật thà!
Còn câu của đời nay: Chân thành là khôn ngoan có đẳng cấp!

Cho dù đời xưa hay đời nay, văn hóa sống của con người vẫn coi trọng chữ thật thà, chữ chân thành là…. đầu bảng. Nếu không, rất có thể, từ vô tình đến... 'vô đạo đức' cách nhau chỉ một bánh xe… taxi.

Kỳ Duyên
(Một Thế Giới)