„Trên Internet và trên báo chí, cả các chuyên gia lẫn dân chúng
cùng khẳng định bản chất của những dự án
“khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn” là bán lãnh thổ
nhưng rất ít người dám đặt vấn để về trách nhiệm của Bộ Quốc Phòng – nơi chịu
trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ.“
Quân đội CSVN chống lưng cho việc bán lãnh thổ
Hai
tàu ngoại quốc đang chờ nhận cát ở Phú Quốc. Một trong hai là tàu của Trung
cộng. (Hình: Tuổi Trẻ)
Dù cát là nền của
lãnh thổ nhưng quân đội CSVN vẫn trương bảng, che chắn cho một số doanh nghiệp
móc ruột lãnh thổ bán cho ngoại quốc.
Không phải tổ quốc, cát mới… trên hết
Trong thập niên
vừa qua, bất kể các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực tại Việt Nam liên tục nhắc
nhở rằng, cát không chỉ là khoáng sản hay vật liệu xây dựng mà còn là nền móng
lãnh thổ, chính quyền Việt Nam vẫn làm ngơ, để mặc giới hữu trách từ trung ương
đến địa phương thi nhau cấp giấy phép hoặc “thỏa thuận miệng” cho một số doanh
nghiệp thi nhau khai thác cát.
Ngoài việc móc
cát từ lòng sông, suối, giới hữu trách tại Việt Nam tiến thêm một bước, cho
phép móc cát ở khu vực ven biển để xuất cảng dưới chiêu bài “khai thông, nạo
vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn.”
Hậu quả đến ngay
lập tức, sạt lở ở sông, suối, bờ biển xảy ra khắp nơi, không thể ngăn chặn.
Trong vài năm gần đây, mỗi năm, riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã mất
năm cây số vuông mặt đất do sạt lở tại sông rạch và bờ biển. Với tốc độ sạt lở
như hiện nay, sau vài thập niên nữa, Cà Mau sẽ biến mất.
Nếu có thống kê
toàn diện về diện tích mặt đất bị sạt lở trên toàn Việt Nam, chắc chắn con số
đó sẽ làm nhiều người biến sắc.
Khai thác cát
không chỉ khiến lãnh thổ bị thu hẹp mà còn hủy hoại tài sản và hủy diệt sinh kế
của dân chúng ở những khu vực bị giới hữu trách gật đầu cho một số doanh nghiệp
móc cát. Ðó cũng là lý do dẫn tới hàng trăm cuộc biểu tình, một số biến thành bạo
động suốt từ ngoài Bắc vào tới trong Nam.
Hồi đầu tháng
này tờ Tuổi Trẻ công bố loạt bài điều tra về “khai thông, nạo vét luồng lạch, tận
thu cát nhiễm mặn” để xuất cảng sang Singapore.
Từ 1960,
Singapore liên tục mua cát ở khắp nơi trên thế giới để mở rộng lãnh thổ. Ðến
nay, diện tích lãnh thổ của Singapore đã tăng thêm 24%. Phần lớn cát giúp
Singapore mở rộng lãnh thổ đến từ Việt Nam.
Theo
các số liệu do Tổng Cục Hải Quan Việt Nam thống kê, từ 2007 đến 2016, Việt Nam
đã xuất cảng 67 triệu mét khối cát.
Trong giai đoạn
từ 2007 đến 2009, cát xuất cảng chủ yếu được móc từ lòng các con sông ở khu vực
đồng bằng sông Cửu Long với khối lượng khoảng 24 triệu mét khối.
Do bị các chuyên
gia và dân chúng phản ứng kịch liệt, cuối năm 2009, chính phủ Việt Nam cấm xuất
cảng cát. Ðến năm 2013, Bộ Xây Dựng Việt Nam tìm ra một con đường mới để tiếp tục
móc cát mang đi bán: Giao cho một số doanh nghiệp tự bỏ tiền “khai thông, nạo
vét luồng lạch” rồi được “tận thu, xuất cảng” cái gọi là “cát nhiễm mặn” để
trang trải chi phí. Bộ Xây Dựng Việt Nam gọi con đường mới này là “xã hội hóa
hoạt động bảo đảm hàng hải”!
Dẫn đầu “xã hội
hóa hoạt động bảo đảm hàng hải” là Bộ Quốc Phòng Việt Nam. Kế đó là chính quyền
11 tỉnh ven biển: Kiên Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình
Ðịnh, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh. Các chủ đầu tư bao gồm Bộ Quốc Phòng và chính quyền 11 tỉnh
đã trình 40 dự án, nhằm móc khoảng 250 triệu khối cát từ lòng biển để xuất cảng.
Từ
2013 đến cuối năm 2016, Việt Nam tiếp tục xuất cảng 43 triệu khối cát nhiễm mặn
sang Singapore.
Theo điều tra của
tờ Tuổi Trẻ, trên các hợp đồng xuất cảng, giá bán cát chỉ từ 80 cents đến 1.3
đô-la/khối. Trong khi giá bán trên thực tế là hơn 4 đô-la/khối. Nói cách khác,
Việt Nam không chỉ mất tài nguyên, lãnh thổ rỗng ruột mà chẳng thu được bao
nhiêu từ thuế xuất cảng cát bởi trên giấy tờ, giá bán cát xuất cảng quá thấp.
Ðiểm đáng chú ý
là các dự án “khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu
cát nhiễm mặn” để xuất cảng sang Singapore với khối lượng lớn đều thuộc về Bộ
Quốc Phòng Việt Nam bởi bộ này đang làm chủ nhiều quân cảng.
Lãnh thổ, nhân tâm không bằng lợi ích cá nhân và nhóm
Tàu chở cát Phú Quốc đang chờ đổ cát xuống đảo Tekong
của Singapore. (Hình: Tuổi Trẻ)
Hiện nay, dự án
“khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn” duy nhất tại khu vực đồng
bằng sông Cửu Long là dự án do Vùng 5 Hải Quân làm chủ đầu tư. Bất kể chính quyền
tỉnh Kiên Giang phản đối việc móc cát quanh đảo Phú Quốc xuất cảng sang
Singapore trong khi các công trình xây dựng trên đảo Phú Quốc phải chở cát từ đất
liền ra, từ đầu năm đến nay, các tàu chở cát của ngoại quốc vẫn đến Phú Quốc thả
neo, nhận cát rồi nhổ neo, chở đi hàng triệu mét khối cát!
Ngoài Vùng 5 Hải
Quân, Vùng 4 Hải Quân cũng là chủ đầu tư một dự án “khai thông, nạo vét luồng lạch,
tận thu cát nhiễm mặn” ở Cam Ranh, Khánh Hòa.
Tháng Tư năm
2015, dân chúng thị xã Cam Ranh từng đổ ra quốc lộ 1 biểu tình phản đối việc
“khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn” ở đầm Thủy Triều khiến
tôm, cá nuôi tại các ao quanh đầm chết sạch trong khi việc bồi thường và hỗ trợ
di dời thì lại không thỏa đáng. Cuộc biểu tình khiến quốc lộ 1 bị nghẽn ba
ngày.
Chuyện “khai
thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn” ở đầm Thủy Triều tạm ngưng một
thời gian, đến Tháng Chín năm 2015, khi dự án “khai thông, nạo vét luồng lạch,
tận thu cát nhiễm mặn” khởi động trở lại, xung đột đã bùng lên giữa các tàu mà
Vùng 4 Hải Quân cử đi theo để bảo vệ những sà lan móc cát.
Lúc đó, có hai
trong số 60 ghe, xuồng của dân chúng phường Cam Phúc Bắc tham gia ngăn chặn việc
“khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn” ở đầm Thủy Triều bị đâm
chìm. Hàng chục người bị bắt, bị phạt tù vì “gây rối trật tự công cộng,” cản trở
việc thực hiện một… “dự án quốc phòng”!
Sau loạt bài điều
tra do tờ Tuổi Trẻ thực hiện, thủ tướng Việt Nam tuyên bố sẽ triệu tập một cuộc
họp để thảo luận về xuất cảng cát. Nhiều người tin rằng sẽ có một số viên chức
bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng không ai tin rằng trong số những viên chức
đó sẽ có các viên chức của Bộ Quốc Phòng Việt Nam.
Cho đến nay, Bộ
Quốc Phòng và Bộ Công An Việt Nam vẫn là những lãnh địa bất khả xâm phạm.
Trên Internet và trên báo chí, cả các
chuyên gia lẫn dân chúng cùng khẳng định bản
chất của những dự án “khai thông, nạo vét
luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn” là bán lãnh thổ nhưng rất ít người
dám đặt vấn để về trách nhiệm của Bộ Quốc Phòng – nơi chịu trách nhiệm bảo vệ
lãnh thổ.
Ðã có vài người nêu thắc mắc, khi toàn bộ hệ thống
công quyền Việt Nam không kiểm soát được chuyện hết sức đơn giản là giá xuất cảng
cát, khiến công quỹ mất ít nhất 75% thuế xuất cảng/tổng lượng cát xuất cảng thì
lấy gì bảo đảm không có khối cát nào được móc từ lòng bờ biển Việt Nam để trao
cho Trung cộng bồi đắp hàng chục đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, nhằm hỗ trợ
yêu sách của Trung cộng về chủ quyền tại Biển Ðông (?).
Những thắc mắc kiểu này sẽ không có ai điều tra, trả
lời vì chúng dính đến Bộ Quốc Phòng Việt Nam.
Nếu Bộ Quốc Phòng Việt Nam không thích
thì không ai dám hỏi giống như chưa bao giờ có ai dám hỏi về
trách nhiệm của các viên chức lãnh đạo Bộ Quốc Phòng khi hàng loạt căn cứ quân
sự trở thành kho chứa hàng hóa nhập cảng lậu.
Tương tự, nếu Bộ Quốc Phòng
Việt Nam không muốn thì ngay cả các viên chức lãnh đạo đảng và chính phủ Việt
Nam cũng không dám yêu cầu, giống như Bộ Quốc Phòng Việt Nam vẫn thản
nhiên giữ 157 hecta đất cạnh phi trương Tân Sơn Nhất để cho thuê làm sân golf
18 lỗ. Cuối cùng do phi trường Tân Sơn Nhất quá tải mà không thể mở rộng, chính
quyền Việt Nam phải đi vay 18.7 tỉ đô-la để xây dựng một phi trường quốc tế mới
ở Long Thành, Ðồng Nai. (G.Ð)
Người
Việt