19.04.2017

BÀN VỀ PHƯƠNG PHÁP BẢO VỆ ĐẤT ĐAI Ở VIỆT NAM? - Phạm Lê Vương Các

„Tập đoàn kinh tế nào khi triển khai dự án đầu tư cũng có những mắc xích là “khâu yếu nhất”. Nó thường nằm ở việc huy động vốn để triển khai dự án, sản phẩm của nó cần phải bán trên thị trường, nó không thể tồn tại một mình nếu không có đối tác v.v.. Nếu bẻ gãy được một một mắc xích của dự án, ngăn chặn dự án không triển khai được thì sẽ ngăn chặn được quá trình cướp đất.“

BÀN VỀ PHƯƠNG PHÁP BẢO VỆ ĐẤT ĐAI Ở VIỆT NAM?

Người dân Dương Nội lập bàn thờ và dàn hỏa tự thiêu để chống lại lực lượng công quyền, trong một vụ cưỡng chế đất đai vài năm trước. Ảnh: internet

Trong các vụ thu hồi đất đai cho mục đích phát triển kinh tế-xã hội, luôn có nhiều nhóm lợi ích tham gia, mỗi nhóm sẽ đóng một vai trò khác nhau để tạo nên một quy trìnhcướp đất hợp pháp”.


Không khó để nhận ra, nhóm lợi ích mạnh nhất trong tất cả các nhóm luôn là “nhóm quan chức” vì họ nắm luật pháp, có công cụ trấn áp, có nhà tù, và hệ thống tuyên truyền.

Khi quan sát quá trình đấu tranh bảo vệ đất đai tại VN, tôi nhận thấy các nạn nhân hay chọn hướng “đánh” vào nhóm quan chức chính quyền như khiếu nại, khởi kiện về quyết định thu hồi đất. Thực tế là con đường đấu tranh pháp lý theo hướng này rất ít khi mang lại thành công, vì các “chỉ đạo chính trị” tác động khá rõ ràng vào các phán quyết của quan tòa. Bế tắc bằng con đường đấu tranh pháp lý, nạn nhân không còn con đường nào khác ngoài việc cầm vũ khí, nổi dậy chống trả lại chính quyền.

Việc xác định sai đối tượng tấn công ngay từ đầu, chọn nhóm mạnh nhất, thay vì chọn nhóm yếu hơn để đánh thường dẫn đến thất bại. Và thực tế tại VN đã cho thấy, khi nạn nhân đánh vào nhóm lợi ích là quan chức chính quyền đã dẫn đến một hậu quả rất đáng buồn. Nạn nhân không những không bảo vệ được mảnh đất của mình, mà chính họ (và đôi khi là cả một gia đình) lại trở thành nạn nhân của sự trừng phạt khác. Rất nhiều người đã trở thành “nạn nhân kép”, vì ngoài việc mất đất họ còn phải chịu thêm án tù về tội “chống người thi hành công vụ” hoặc “gây rối trật tự công cộng”.

Sao không đánh vào nhóm lợi ích khác, dễ đánh hơn và ít mang lại rủi ro, chẳng hạn như đánh vào nhóm lợi ích là các tập đoàn kinh tế đang làm chủ đầu tư dự án? Khi soi vào nhóm lợi ích là các tập đoàn kinh tế, ta thấy đây là một thực thể rất rõ ràng, rất dễ nhận diện – và vốn dĩ các tập đoàn kinh tế không thể miễn nhiễm với sự trừng phạt của cộng đồng xã hội như nhóm lợi ích là các quan chức đương quyền.

Tập đoàn kinh tế nào khi triển khai dự án đầu tư cũng có những mắc xích là “khâu yếu nhất”. Nó thường nằm ở việc huy động vốn để triển khai dự án, sản phẩm của nó cần phải bán trên thị trường, nó không thể tồn tại một mình nếu không có đối tác v.v.. Nếu bẻ gãy được một một mắc xích của dự án, ngăn chặn dự án không triển khai được thì sẽ ngăn chặn được quá trình cướp đất.

Ví dụ tập đoàn A cấu kết với quan chức chính quyền để thu hồi đất với giá rẻ mạt nhằm thực hiện dự án X. Để thực hiện dự án này, tập đoàn A cần vay tiền từ Ngân hàng Thế giới (WB). Như vậy “vay tiền từ WB” là một mắc xích thuộc “khâu yếu nhất” mà các nạn nhân bị cướp đất cần khai thác nếu ta hiểu được những giá trị phổ quát mà WB đang theo đuổi. Từ đó có một Báo cáo chi tiết, đầy đủ liên quan đến việc thu hồi đất mà đền bù không thích đáng, vận động một tổ chức Phi chính phủ quốc tế có uy tín gửi tới WB để tố cáo sự cướp đất này. Điều này có thể dẫn đến hệ quả WB sẽ chấm dứt cho tập đoàn A vay tiền để triển khai dự án X, hoặc WB sẽ áp lực, đặt điều kiện với tập đoàn A chỉ cho vay khi giá đất đền bù có sự đồng thuận của người bị thu hồi đất.

Không những vậy, khi các tổ chức NGO ra các Báo cáo rõ ràng, báo chí sẽ vào cuộc và mang theo hậu quả ngay lập tức mà tập đoàn A phải gánh chịu là sự sụt giảm “niềm tin” dẫn đến sự thoái vốn của các nhà đầu tư cổ phiếu, làm giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của nhóm lợi ích này tuột dốc từng ngày, buộc họ phải có những nhượng bộ, đáp ứng những yêu sách của nạn nhân nhằm đảo ngược tình hình.

Có được những báo cáo như vậy đòi hỏi các nạn nhân cần phải tiến hành ĐIỀU TRA VÀ NGHIÊN CỨU tất cả các khía cạnh của vấn liên quan đến dự án và chủ đầu tư.

Chắc nhiều người còn nhớ vào năm 2013, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của Việt Nam thực sự “suýt chết” khi bị tổ chức Phi chính phủ Global Wintness (GW) đệ trình một Báo cáo nói về việc tập đoàn này phá rừng, và lấy đất của người dân bản địa mà bồi thường không thỏa đáng trong dự án trồng cao su tại Cambodia. Một ngày sau khi báo cáo của GW loan đi, thị trường chứng kiến một cuộc tháo chạy thực sự khỏi cổ phiếu HAGL, giá cổ phiếu giảm tới 6,1% chỉ trong một ngày, và liên tục lao dốc trong những ngày tiếp theo. Tập đoàn này buộc phải ngừng giải phóng mặt bằng, mời GW đến đối thoại và kết quả là họ nâng mức giá bồi thường đạt được sự đồng thuận của người dân bản địa tại đây.

Bản báo cáo này đã ảnh hưởng khủng khiếp tới Tập đoàn HAGL, đến sau này ông chủ của Tập đoàn HAGL đã thừa nhận rằng cáo buộc của GW “có thể làm cho công ty sụp đổ”. (*)

Điều khá thất vọng cho đến lúc này vẫn chưa có một NGO quốc tế nào ra những báo cáo tương tự như vậy đối với những vụ việc cụ thể xảy ra tại Việt Nam. Ngay cả cơ chế bảo vệ nhân quyền của Liên Hợp Quốc cũng có thủ tục Báo cáo viên đặc biệt của LHQ (SR) về “Quyền nhà ở thích đáng”, có nhiệm vụ ngăn chặn việc cưỡng chế di dời và bồi thường không thỏa đáng, nhưng cho tới lúc này, chưa có một vụ cướp đất nào ở Việt Nam được SR ra kháng thư bảo vệ, dù tình trạng cướp đất diễn ra rất nghiêm trọng và phổ biến tại VN.

Vấn đề nằm ở chỗ, Việt Nam vẫn chưa có một tổ chức Xã hội Dân sự chuyên môn về lĩnh vực bảo vệ đất đai cho người dân, qua đó làm cầu nối và thông tin vụ việc đến các tổ chức và cơ quan nhân quyền quốc tế, từ đó có thể vận động sự tham gia của cộng đồng quốc tế vào các chiến dịch bảo vệ đất đai tại VN.

(*) xem tác động từ báo cáo của GW làm HAGL “suýt chết”: http://www.doanhnhansaigon.vn/chuyen-lam-an/hoang-anh-gia-lai-dau-tay-doi-global-witness/1073894/