„năm 2015, Việt Nam có 45,5 triệu người sử dụng mạng xã hội, đứng thứ 22 trên
thế giới về số người sử dụng và đứng 4 trên thế giới về thời gian sử dụng mạng
xã hội mỗi ngày.“
Mạng xã hội: Dân tin, đảng lo!
Các đại biểu sử dụng điện thoại thông
minh để chụp ảnh, lướt web trong một phiên họp Quốc hội ở Hà Nội hôm 12/4/2016.
AFP photo
Ngày nay tình trạng bất công, nhất là về đất đai, được phơi bày cho công luận thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube.
Vì sao mạng xã hội lại trở thành công cụ chính giúp
truyền tải thông tin các vụ dân oan đất đai, bất công xã hội, và rồi tương lai
của mạng xã hội sẽ ra sao khi chính phủ Hà Nội ngày càng thắt chặt quyền tự do
Internet của người dân?
Niềm hy vọng của dân oan
Chỉ tính riêng từ đầu năm nay, hàng loạt các vụ cưỡng
chế đất được nhanh chóng đăng tải trên các trang mạng xã hôi. Điển hình như những
vụ việc tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, và vụ gây chấn động dư luận là việc
người dân bắt giữ 38 cán bộ huyện, và cảnh sát cơ động vào giữa tháng 4 vừa qua
sau khi người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội cho rằng bị lừa
bởi chính quyền địa phương bắt dân khi mời đến làm rõ ranh giới đất tranh chấp.
Nhà hoạt động Lê
Dũng Vova, một người thường xuyên đăng tải các vụ người dân kêu oan về đất
đai trên trang cá nhân, nói với chúng tôi rằng sở dĩ mạng
xã hội hiện nay được người dân quan tâm hơn là do nó phản ảnh đúng sự thật,
trong khi đài báo của Nhà nước không đưa tin khách quan hoặc né tránh về những
vụ việc liên quan đến đất đai hay khiếu nại của người dân:
Vai trò của mạng xã hội rất quan trọng
là vì trên đó người ta truyền tải tất cả các thông tin khách quan, đầy đủ để
người xem nắm được sự việc và những bất cập trong vấn đề đất đai. Chẳng hạn như
vụ việc hàng trăm bà con ở khắp các tỉnh thành trên cả nước đi khiếu nại quanh
năm ở khu Trụ sở Tiếp dân Trung ương. Có người đi cả chục lần, có người đi cả
chục năm. Trong khi đó báo chí nhà nước không hề đăng tải tin tức về các sự việc
đó. Các vụ cưỡng chế đất đai họ cũng không đưa tin, thậm chí họ còn cấm cả nhà
báo.
Anh Trịnh Bá Phương, con trai bà Cấn Thị Thêu, một
nhà hoạt động vì đất đai cho dân oan hiện đang bị bắt giam, chia sẻ với chúng
tôi về vai trò của mạng xã hội trong những vụ liên quan đến đất đai ngay tại địa
phương nơi anh sống:
Tại Dương Nội, trong vòng khoảng 3 năm
qua người dân Dương Nội cũng đang tận dụng tính năng ưu việt của Facebook để
đưa các thông tin và tội ác của nhà cầm quyền Hà Nội lên công luận và đã được
dư luận thấu hiểu những tội ác đang diễn ra tại nơi đây. Từ đó tạo được sư quan
tâm rất lớn từ công luận cả trong nước và quốc tế.
Trong khi đó một khảo sát năm 2015 của Chương trình
Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho thấy ¼ số người được hỏi nói rằng họ
lo lắng về các vụ tranh chấp đất đai và phân nửa nói rằng họ không được ai giúp
đỡ giải quyết những tranh chấp này.
Còn theo báo cáo năm 2016 của Bộ Tài nguyên Môi trường,
Việt Nam có tỷ lệ khiếu kiện đất đai 70% trong tổng số đơn từ khiếu nại nói
chung.
Từ Đà Nẵng, nhà báo, blogger Trương Duy Nhất lại cho rằng vai trò lớn
nhất của mạng xã hội trong các vụ bê bối đất đai là tạo áp lực cho nhà cầm quyền.
Ông nói:
Truyền thông mạng nêu lên nhiều việc tạo
áp lực cho chính quyền, buộc chính quyền phải lắng nghe, thay đổi. Ngay trong
câu chuyện Đồng Tâm, tác động của mạng xã hội với chính quyền là rất lớn.
Vụ việc ở Đồng Tâm cũng thu được những phản ứng nhất
định của nhà cầm quyền. Theo đó sau khi người dân giam giữ 38 cán bộ, cảnh sát,
đến ngày 21/4, đích thân Chủ tịch thành phố Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung phải về
tận thôn Hoành xã Đồng Tâm để đối thoại theo yêu cầu của người dân. Đây được
cho là kết quả sau nhiều ngày công luận xôn xao trên các trang mạng xã hội về vụ
việc này.
Lo sợ tương lai bị đàn áp
Không chỉ riêng các vụ cưỡng chế đất đai
mà hầu hết những sự việc truyền thông trong nước né tránh chẳng hạn như các nhà
hoạt động bị hành hung, biểu tình phản đối nhà máy Formosa Hà Tĩnh,…đều được
phơi bày trên các trang mạng xã hội.
Chính vì vậy mà nửa đầu năm nay, chính phủ Hà Nội
liên tục có các hành động thắt chặt thông tin trên mạng xã hội.
Một số người quan tâm đến các vụ đất đai lo ngại rằng
một ngày các thông tin về cưỡng chế đất đai, dân khiếu nại, kêu oan cũng bị Nhà
nước xếp vào hàng độc hại, gây mất trật tự công cộng và sẽ bị Facebook cấm cản.
Tuy nhiên, nhà hoạt động Lê Dũng Vova nói rằng đó là
điều bất khả thi:
Việt Nam không thể yêu cầu các nhà mạng
như Facebook những yêu cầu không đúng với chuẩn mực luật pháp của các quốc gia
đang sở hữu và quản lý các trang mạng đó. Đối với Việt Nam nó là độc hại, nhưng
các nhà mạng họ yêu cầu phải đưa ra chuẩn mực thế nào là độc hại, là sai. Cho
nên tôi nghĩ là không phải yêu cầu nào của Việt Nam cũng được các nhà mạng đáp ứng
hết đâu.
Đầu năm nay Chính phủ Hà Nội đã yêu cầu
các công ty lớn gây áp lực các hãng như Facebook, Google, Youtube, phải xóa bỏ
các thông tin mà Việt Nam cho là “độc hại”. Người đứng đầu ngành
Thông tin Truyền thông của Việt Nam hồi tháng 4 đã gặp mặt đại diện Facebook
cũng để bàn bạc về vấn đề này.
Vấn đề ngăn chặn thông tin xấu, gây mất trật tự công
cộng cũng được Chính phủ Hà Nội liên tục nhắc đến trong các cuộc họp gần đây,
điển hình như tại phiên họp thứ 8 của Ban chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường biển
4 tỉnh miền Trung, diễn ra hôm7/6.
Anh Trịnh Bá
Phương cho rằng đây là những dấu hiệu ban đầu cho thấy nhà cầm quyền đang chuẩn bị một chiến dịch đàn áp tiếng nói
của người dân trên mạng xã hội về các thông tin họ cho là xấu, trong đó có cả
các vụ đất đai. Anh cho biết chính bản thân anh cũng là nạn nhân của sự
đàn áp này khi đăng tải những thông tin liên quan đến tranh chấp đất đai:
Tôi thấy
có thể trong tương lai họ sẽ ban hành những chính sách để đàn áp người sử dụng
mạng xã hội. Ngay bản thân tôi đầu năm 2016 cũng bị
công an Hà Nội gửi giấy triệu tập đến 3 lần về việc liên quan đến tài khoản
Facebook của tôi. Đến nay họ đã tổ chức các nhóm hacker để hack Facebook của
tôi nhiều lần.
Không chỉ riêng anh Phương mà còn nhiều nhân vật
khác cũng từng bị công an triệu tập liên quan đến tài khoản Facebook của họ như
nhà hoạt động Lê Dũng Vova, luật sư Võ An Đôn,…
Tháng sáu, năm 2017, chính phủ Việt Nam
ra một dự thảo nghị định, dự trù có hiệu lực từ năm 2018, về việc phạt
hành chính đối với những hành vi bôi bác cá nhân, cung cấp thông tin không
chính xác trên mạng xã hội.
Cũng trong tháng sáu, trang mạng của
Chính phủ Việt Nam đưa tin Bộ công an Việt Nam đang soạn thảo một dự luật an
ninh mạng. Nhiều ý kiến lo ngại dự luật này sẽ tăng cường đàn áp
các tiếng nói trên mạng xã hội và có thể vi phạm quyền tự do ngôn luận của người
dân.
Thống kê cho thấy năm 2015, Việt Nam có 45,5 triệu người sử dụng
mạng xã hội, đứng thứ 22 trên thế giới về số người sử dụng và đứng 4 trên thế
giới về thời gian sử dụng mạng xã hội mỗi ngày.
RFA