Mạnh
Kim
Lại thêm một quyển sử bị cấm phát hành. Lần này là “Một cơn gió bụi” của học giả Trần Trọng Kim. Không chỉ là “một cơn gió bụi”, hồi ký của Lệ Thần Trần Trọng Kim, một tượng đài văn hóa Việt Nam thế kỷ 20, thật ra là một “cơn bão” xét dưới góc độ kiểm duyệt hiện hành. Nó tiết lộ các chi tiết về “một góc đời thường” Hồ Chí Minh, về vai trò rất ít được biết của Võ Nguyên Giáp, về những ngày tranh giành quyền lực và triệt hạ nhau giữa Việt Minh với các đảng phái đối thủ mà Việt Minh có khi không ngần ngại dùng “mền trùm đầu rồi bắt đi mất tích”. Việt Minh, theo miêu tả trong “Một cơn gió bụi”, là tổ chức có thủ đoạn chính trị quỷ quyệt bậc nhất giai đoạn lịch sử thập niên 1940.
“Một cơn gió bụi” cũng cho thấy những chi tiết trong vấn đề xây dựng quan hệ Việt Minh và Trung Cộng (dẫn đến tình trạng “phức tạp” mà đến nay tiếp tục gánh chịu như một hậu quả lịch sử). “Một cơn gió bụi” nhìn lại một giai đoạn biến động tranh tối tranh sáng và nó cũng đúc kết vài nhận định. Bất luận những nhận định này có chủ quan hay không, dưới góc nhìn một chứng nhân lịch sử khả tín như cụ Trần, thì hồi ký “Một cơn gió bụi” cũng cần được đọc lại, không chỉ bằng nhãn quan lịch sử mà còn bằng lăng kính đương đại, để hiểu quá khứ ảnh hưởng đến hiện tại như thế nào, và cũng để thấy một nghịch lý nực cười rằng, đôi khi giữa quá khứ với hiện tại không hề tồn tại khoảng cách hay chiều dài thời gian như một yếu tố thường dẫn đến khác biệt hoặc thay đổi, khi nói đến cái gọi là “bản chất”.
Trong một nhận xét, cụ Trần Trọng Kim viết:
“Cộng sản đảng, theo cách tổ chức và hành động của họ, là một thứ tôn giáo mới, giống như các tôn giáo cũ cốt lấy sự mê tín mà tin, chứ không hoài nghi hay đi lệch ra ngoài (…). “Về đường thực tế, cái đặc sắc của cộng sản là không nhận có luân thường đạo lý, không biết có nhân nghĩa đạo đức như người ta vẫn tin tưởng (...). Vì có tư tưởng như thế, cho nên cha con, anh em, bè bạn không có tình nghĩa gì cả, chỉ biết tôn trọng chủ nghĩa của cộng sản và phục tòng những người cầm quyền của đảng, ngoại giả, giết hại lẫn nhau, lừa đảo nhau: hễ ai làm những việc mà lợi cho đảng là người giỏi, người tốt. Gia đình, xã hội, phong tục, chế độ cũ đều bỏ hết, bỏ đến tận cội rễ, để thành lập xã hội mới. Cái xã hội mới ấy không tranh đấu cho quốc gia hay cho dân tộc. Dù có nói tranh đấu cho quốc gia hay cho dân tộc nữa, cũng chỉ là cái phương pháp dùng tạm thời trong một cơ hội nào để cho được việc mà thôi” (…).
“Người cộng sản, khi đã hành động, hay dùng đến chữ giải phóng. Theo việc làm của họ, tôi vẫn chưa hiểu rõ nghĩa hai chữ ấy. Có phải trước kia có cái cũi giam người, bây giờ họ đem cái cũi kiểu mới đến bên cạnh rồi bảo người ta chạy sang cái cũi mới ấy, thế gọi là giải phóng không? Nếu cái nghĩa giải phóng là thế, thì cũi cũ hay cũi mới cũng vẫn là cái cũi, chứ có hơn gì? Cứ như ý tôi, thì giải phóng phải theo đúng cái lẽ công bằng, làm cho người ta được ung dung thư thái, được hành động trong một cái khuôn khổ rộng rãi, ai nấy biết trọng quyền lợi của mọi người theo pháp luật đã định, không bị đàn áp và lừa dối, không bị bắt bớ và giết hại một cách ám muội, oan ức”.
“Ðàng này tôi thấy chế độ các nước cộng sản giống nhau như in cái chế độ chuyên chế thuở xưa. Người nào nói xấu hay công kích những người cầm quyền của đảng là phải tội bị đày, bị giết. Ai không sốt sắng theo mình thì bị tình nghi, phải chịu mọi điều phiền khổ. Nhân dân trong nước vẫn bị đàn áp lầm than khổ sở, riêng có một số ít người có địa vị to lớn là được sung sướng. Như thế thì giải phóng ở đâu? Giải phóng gì mà cả chính thể một nước phải nương cậy ở những đội trinh thám để đi rình mò và tố cáo hết thảy mọi người. Hễ ai vô ý nói lỡ một câu là bị tình nghi có khi bị bắt, bị đày v...v... thành ra nhân dân trong xã hội ấy lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, không biết ai là bạn là thù, mất hẳn sinh thú ở đời, thật trái với lời nói thiên đường ở cõi trần”.
“Trong những lời tuyên truyền của Việt Minh, thấy luôn luôn nói nào là hạnh phúc, nào là tự do, bình đẳng, mà sự thật thì trái ngược tất cả. Những lối họ dùng là nói dối, đánh lừa cướp bóc, giết hại tàn phá, không kiêng dè gì cả, miễn làm cho người ta mắc lừa hay sợ mà theo mình là được. Xem như lúc đầu Việt Minh tuyên truyền rầm rĩ lên rằng: “Nước Việt Nam đã được các nước đồng minh cho hoàn toàn độc lập, và dân được tha hết các thứ thuế”. Thôi thì chỗ dân gian nghe nói thế chạy ùa ùa theo. Sau chẳng thấy độc lập đâu cả và dân lại phải đóng góp nặng hơn trước. Khi Việt Minh đã nắm quyền binh rồi, lại định các ngạch thuế, có người hỏi họ: “Sao trước kia các ông bảo tha hết các thứ thuế rồi kia mà?”. Họ trả lời: “Ấy trước nói tha thuế, nhưng bây giờ chính phủ cần có thuế để làm mọi việc”. Nói thế thì uy tín của chính phủ để đâu?”
“Cái thủ đoạn của Việt Minh là dùng mọi cách bạo ngược, tàn nhẫn, giả dối, lừa đảo để cho được việc trong một lúc. Ngay như họ đối với Việt Nam Quốc dân đảng nay nói là đoàn kết, mai nói đoàn kết, nhưng họ vẫn đánh úp, vẫn bao vây cho tuyệt lương thực. Khi họ đánh được thì giết phá, đánh không được thì lại đoàn kết, rồi cách ngày lại đánh phá. Dân tình thấy thế thật là ngao ngán chán nản, nhưng chỉ ngấm ngầm trong bụng mà không dám nói ra. Nên dân gian thường có câu “nói như Vẹm”. Vẹm là do hai chữ Việt Minh viết tắt V M, đọc nhanh mà thành ra”.
Nhân tiện đọc “Một cơn gió bụi”, nếu các bạn có thời giờ, cũng nên đọc “Gọng kiềm lịch sử” của cụ Bùi Diễm và “Bên giòng lịch sử 1940-1965” của Linh mục Cao Văn Luận, để xem lại rất nhiều chi tiết về giai đoạn thập niên 1940-1950 và có thêm cái nhìn về việc bằng cách nào mà Việt Minh đi lên quyền lực.
------------------------------------------
Lê Công Định
Nhân quyển hồi ký "Một Cơn Gió Bụi" của cụ Lệ Thần Trần Trọng Kim, Thủ tướng đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, bị thu hồi gần đây, tôi xin giở lại một trang quan trọng của quyển hồi ký, trong đó cụ Trần Trọng Kim đã kể lại đường lối cải tổ chính thể của Chính phủ đầu tiên (trang 65).
Trong đoạn đầu của trang đó, người đọc dễ nhận ra rằng ngay khi thu hồi độc lập từ Nhật Bản và tuyên cáo nền độc lập mới mẻ, cựu hoàng Bảo Đại và Thủ tướng Trần Trọng Kim đã nghĩ đến sự cần thiết soạn thảo một bản Hiến pháp cho nước Việt Nam mới.
Xa hơn nữa, từ những năm 1920 cho đến những năm 1940 của thế kỷ 20, Thượng thư Phạm Quỳnh, Tiến sĩ luật khoa Phan Văn Trường, cụ Bùi Quang Chiêu và nhiều bậc thức giả khác, đã từng giới thiệu rộng rãi và luận giải sâu sắc về tư tưởng lập hiến cho giới trí thức và tầng lớp bình dân, để chuẩn bị sẵn khả năng thay đổi có thể tiên liệu của xã hội bấy giờ.
Tuy nhiên sau này, khi tô vẽ nên "tư tưởng HCM" về pháp luật, các tay bồi bút cộng sản lại cố nhét vào đầu cụ Hồ tư tưởng lập hiến đầu tiên do chỉ căn cứ vào bản Hiến pháp 1946, mà quên đi chi tiết lịch sử nêu trên và quên cả sự kiện những người chấp bút bản dự thảo Hiến pháp 1946 lại chính là các trí thức thuộc những đảng phái quốc gia phi cộng sản, chứ không phải bởi ông cụ.
Thật ra, tôi tin rằng lúc sinh thời, cụ Hồ chẳng ham hố gì hư danh "người đầu tiên" thế này, "người đầu tiên" thế kia, để nhận vơ những thứ không phải của mình và do mình. Chỉ những kẻ hậu nhân thích bưng bô lãnh tụ mới bày ra cái trò nhố nhăng ấy, mà vô tình làm phương hại uy tín của bậc tiền nhân.
Tuy bản in mới tập hồi ký này bị thu hồi, bạn đọc vẫn có thể tìm thấy trên mạng toàn văn quyển sách mang tính sử liệu xuất sắc này dưới dạng PDF. Mong các bạn dành chút thì giờ đọc và nghiền ngẫm để hiểu rõ sự thật lịch sử, thay vì chỉ lắng nghe giới sử nô cộng sản bẻ cong lịch sử một cách lố bịch.