Mục đích Luật an ninh mạng ở Việt Nam
Màn hình máy tính với những chữ Cyber
Security tại một hội nghị an ninh mạng ở Potsdam, Đức, ngày 4 tháng 5 năm 2017.
AFP photo
Ngày 9 tháng sáu, trang mạng của Chính phủ Việt Nam
đưa tin Bộ công an Việt Nam đang soạn thảo một dự luật an ninh mạng, nhưng chưa
thấy nói là sẽ trình lên Quốc hội vào lúc nào. Dự luật này có thể chồng lấp lên
các điều trong luật hình sự, và nó có thể được dùng để trấn áp mạnh tay hơn những
người bất đồng chính kiến hay không?
Dự luật có thể chồng lên
luật hình sự
Một luật sư ở Hà Nội là ông Trần Thu Nam cho biết mặc dù ông chưa có thông tin về dự luật an
ninh mạng đang được Bộ công an soạn thảo, nhưng dự luật an ninh mạng này cần được
nghiên cứu cẩn thận:
“Phải nghiên cứu
thế nào để nó không chồng chéo lên các bộ luật hình sự, bộ luật hình sự cũ, và
bộ luật hình sự sắp được thông qua. Và phải nghiên cứu kỹ hơn, nếu không nó sẽ
xâm phạm quyền tự do ngôn luận.”
Trong 5 hành vi bị nghiêm cấm trong Dự thảo Luật an
ninh mạng có điều số 1 là Cấm sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền, lợi
ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Điều số 2 là Cấm đăng tải chống
nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của
tổ chức cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng.
Theo Luật sư
Võ An Đôn ở Phú Yên thì những điều tương tự như vậy đã có trong Bộ luật
hình sự hiện nay của Việt Nam. Ông nói rằng dự luật đang được soạn thảo có thể
là được dùng để mở rộng hơn phạm vi đàn áp những người bất đồng chính kiến:
“Có thể là mở rộng
phạm vi để bắt hơn, nhưng tôi nghĩ là ở Việt Nam thì các cơ quan tố tụng muốn bắt
ai thì người ta cũng bắt được bất kỳ ai dựa vào các điều luật mơ hồ như điều
258, 88, 79, chứ không cần những điều luật mới. Nhưng nhiều khi người ta soạn
thảo văn bản đó để người dân xem internet sợ hãi không dám đưa những tin mà người
ta cấm.”
Các tổ chức nhân quyền quốc tế và Hoa Kỳ thường lên
án Việt Nam dùng các điều luật mù mờ để đàn áp người bất đồng chính kiến. Trong
cuộc đối thoại nhân quyền vừa rồi với Hoa Kỳ, phía Hoa Kỳ cũng đã đề cập đến vấn
đề này.Các trường hợp gần đây nhất như blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị
truy tố bằng điều luật số 88 với tội danh tuyên truyền chống phá nhà nước, ông
Hoàng Đức Bình, một người hoạt động xã hội ở Nghệ An bị truy tố về tội danh lợi
dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước theo điều luật số 258.
Những phát biểu, bình luận của những nhà hoạt động
xã hội này hầu như chỉ có một kênh truyền tin duy nhất là các trang mạng xã hội
của họ.
Ngoài ra dự luật còn đề cập đến chuyện xử lý cái gọi
là kích động tụ tập đông người gây rối an ninh trật tự trên mạng.
Theo hiến pháp Việt Nam hiện hành, thì người dân được
phép biểu tình, nhưng Việt Nam lại chưa có luật biểu tình.
An ninh mạng và tranh chấp
nội bộ
Một người dân sử dụng laptop lướt web trong
một quán cà phê ở Hà Nội hôm 28/11/2013. AFP photo
Trong dự luật an ninh mạng còn có những điều nghiêm
cấm khác là xâm nhập, chiếm đoạt trái phép thông tin, tài liệu, tấn công mạng,
khủng bố mạng.
Theo ông Hoàng
Ngọc Diêu, một chuyên viên công nghệ thông tin hiện sống ở Úc, nhưng từng
làm việc với Việt Nam về việc kết nối Internet và thường xuyên theo dõi diễn biến
thời sự tại Việt Nam, việc tấn công cả hệ thống của một quốc gia thì ở đâu cũng
là tội phạm, nhưng theo ông những tài liệu mật của chính phủ Việt Nam hiện nay
rất ít được lưu trữ ở dạng điện tử:
“Thông tin thì
chẳng có ai đánh cắp thông tin từ nhà nước cả. Chỉ có những người trong guồng
máy họ tự động họ xì ra bên ngoài, chứ chẳng ai đánh cắp đâu. Phần lớn văn bản ở
Việt Nam là lưu trên giấy tờ, chứ ít khi lưu giữ bằng điện tử. Rất là hiếm.”
Nhà báo độc lập Phạm
Chí Dũng hiện sống ở Sài Gòn cho biết là ông không dám chắc những tài liệu
mật của nhà nước và đảng cộng sản hiện nay được lưu trữ dưới dạng nào, nhưng
ông cũng đồng ý là việc làm lộ các tài liệu từ bên trong nội bộ đảng là ngày
càng phổ biến:
“Cuộc chiến an ninh mạng
không chỉ là chống “thế lực thù địch” trong ngoặc kép, của công an Việt Nam
đâu. Mà nó còn từ một mối nguy từ trong nội bộ đảng cộng sản đưa ra, từ khi mà
người ta thấy những trang như là Chân dung quyền lực, thì chính quyền rất sợ thấy
các tài liệu nội bộ tung ra khắp trên các trang mạng xã hội. Do đó có thể hiểu
an ninh mạng ở đây là ngầm ý giữ gìn an ninh nội bộ, không để lọt lộ những tài
liệu chống phá lẫn nhau. Thậm chí tôi nghĩ là đến lúc nào đó an ninh mạng được
sử dụng để chống phá lẫn nhau.”
Trang mạng Chân dung quyền lực xuất hiện vào tháng
12 năm 2014, ngay trước khi diễn ra Hội nghị trung ương lần thứ 10 của đảng cộng
sản Việt Nam. Trên trang này người ta thấy các thông tin về đời tư của nhiều
quan chức đảng cộng sản, cũng như những cáo buộc họ tham nhũng.
Cho đến nay từ phía chính quyền Việt Nam cũng không
có đưa ra lời tố cáo cá nhân nào liên quan đến trang Chân dung quyền lực, mặc
dù sau một thời gian hơn 1 tháng sau Hội nghị trung ương lần thứ 10 đó, chính
phủ có lên tiếng chỉ tích trang mạng này.
Bình luận về tác dụng của Luật an ninh mạng trong
tương lai trong việc đàn áp những lực lượng phản kháng ôn hòa ở Việt Nam, nhà
báo Phạm Chí Dũng nói:
“Sắp tới đây
thì dù luật đưa ra như vậy, có 1 hay 10 luật đi nữa, theo tôi nó chẳng có tác dụng
lắm đâu. Thứ nhất là đối với người Việt Nam thì quyền tự do ngôn luận đã tới
lúc được giải phóng. Thứ hai là các lực lượng trong nội bộ khi xung đột
với nhau cũng rất cần mạng xã hội, để tung ra các bài viết, các bình luận. Nếu
dựa theo văn bản, nghị định, luật an ninh thì có thể nói là bắt hết. Cho nên
tôi nghĩ rằng khó có thể phát huy được tác dụng, của những dự luật an ninh như
vậy dù có thành luật chăng nữa.”
Theo ông Dũng thì khuynh hướng siết chặt kiểm soát
internet của Việt Nam đã bắt đầu bằng nghị định số 72 vào năm 2013 qui định việc
quản lý các dịch vụ Internet. Gần đây nhất là đầu tháng sáu, năm 2017, chính phủ
Việt Nam ra một dự thảo nghị định, dự trù có hiệu lực từ năm 2018, về việc
phạt hành chính đối với những hành vi bôi bác cá nhân, cung cấp thông tin không
chính xác trên mạng xã hội. Và ông Dũng nói rằng mối lo lắng kiểm soát Internet
đã trở thành bận tâm lớn nhất của ngành công an Việt Nam.
Kính
Hòa (RFA)