„Nhiều ngưởi tin rằng, Trung cộng đang nắm
lợi thế ở Biển Đông. Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn thì thấy Trung cộng còn rất xa mới
có thể hoàn thành được những mục tiêu của mình – thậm chí Trung cộng còn có một
số thất bại nghiêm trọng.“
Trung cộng vẫn chưa thắng trên Biển Đông
Walter
Lohman (GIS
Reports Online 06/06/2017)
Trung cộng
đã thực hiện được nhiều hoạt động trên Biển Đông – xây dựng các căn cứ quân sự
trên các đảo, trang bị vững chắc về kinh tế và yêu sách chủ quyền lãnh thổ. Những
diễn biến đó đã khiến nhiều người tin rằng quốc gia này đang nắm được lợi thế
trong cuộc chiến địa chính trị cam go. Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn thì thấy Trung
cộng còn rất xa mới có thể hoàn thành được những mục tiêu của mình – thậm chí Trung
cộng còn có một số thất bại nghiêm trọng.
Để biết liệu Trung
cộng đã đạt được những mục tiêu của mình hay chưa, trước hết ta phải hiểu những
mục tiêu đó là gì. Có ba điều Bắc Kinh
muốn đảm bảo ở Biển Đông. Đó là: chủ quyền, ưu thế chiến lược và lợi ích kinh tế.
Chủ quyền
Trung cộng từ
lâu đã diễn tả những yêu sách của họ trên vùng biển tranh chấp này bằng những
cách thức nhằm nhấn mạnh chủ quyền. Bức thư họ gửi đến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc
năm 2009 là điểm khởi đầu cho những căng thẳng hiện nay.
Trong thư, Bắc
Kinh đã giới thiệu “đường chín đoạn” (một đường trên bản đồ mô tả yêu sách của
Bắc Kinh) và dùng cách diễn giải mà họ đã sử dụng từ giữa những năm 1970: “Trung cộng có chủ quyền không thể tranh cãi
đối với các đảo ở Biển Đông cùng các vùng nước lân cận.”
Ngay cả trong
chính sách “gác tranh chấp, cùng khai
thác” của Đặng Tiểu Bình đưa ra từ những năm 1980 thì cũng bắt đầu với cụm
từ “chủ quyền là của chúng ta”. Dù vậy,
Trung cộng vẫn chưa bao giờ minh bạch về phạm vi yêu
sách chủ quyền của mình là chỉ gồm các đảo hay là bao gồm cả đảo và biển.
Nếu mối quan tâm
chủ yếu của Trung cộng chỉ là chủ quyền các đảo nằm trong đường chín đoạn thì
quốc gia này cũng chưa hề gần tới mục tiêu của mình hơn so với năm 2009. Bởi lẽ
năm bên liên quan khác trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông (Brunei, Mã Lai, Phi
Luật Tân, Đài Loan và Việt Nam) vẫn kiên định với các yêu sách của họ. Trên thực
tế, mối nghi ngờ rằng Trung cộng muốn thâu tóm tất cả các thực thể địa lý trên
biển đã là một lý do tốt để những quốc gia này tiến hành chiếm hữu, cải tạo và
triển khai quân sự trên các đảo.
Điều này rất
đúng ở quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam kiểm soát hầu hết các thực thể đã có
chiếm hữu thực tế, và Đài Loan chiếm vùng đất tự nhiên rộng lớn nhất của quần đảo
này. Phi cũng đã tăng cường bảo vệ các thực thể địa lý mà họ chiếm đóng trong
suốt 10 năm qua, bất chấp hoạt động tiếp cận Trung cộng gần đây của tổng thống
Duterte[1].
Tại quần đảo
Hoàng Sa, sự chiếm đóng và kiểm soát lâu dài của Trung cộng đã hạn chế các quốc
gia khác tiến hành các biện pháp thực địa để khẳng định yêu sách của mình.
Nhưng điều này cũng chẳng ngăn cản được các đối thủ của Trung cộng, đặc biệt là
Việt Nam, lớn tiếng hơn bao giờ hết.
Các vùng biển lân cận
Mỗi khi vấn đề
yêu sách của Trung cộng đối với các thực thể địa lý trên Biển Đông được đề cập,
Bắc Kinh luôn khẳng định rằng vấn đề này chỉ nên được quyết định giữa các các
bên trực tiếp liên quan. Tuy nhiên, Trung cộng chưa từng
làm rõ ý nghĩa của “các vùng biển lân cận”. Có phải họ chỉ đang đòi những
quyền đã được quốc tế công nhận trên những vùng nước xung quanh các đảo mà họ
tuyên bố chủ quyền? Hay là họ đang yêu sách toàn bộ vùng nước bên trong đường
chín đoạn – [được coi là] “lãnh thổ xanh” của họ như cách gọi chính thức của
chính phủ Trung cộng? Sự mập mờ giữa hai khả năng đã
thúc đẩy các bên tranh chấp còn lại đoàn kết với nhau để chống lại khả năng thứ
nhì. Và yêu sách của Trung cộng đối với toàn bộ vùng biển trong đường
chín đoạn cũng có thể đưa Jakarta vào cuộc tranh chấp, vì đường chín đoạn đó
chèn lên vùng đặc quyền kinh tế của Nam Dương (EEZ) gần quần đảo Natuna.
Nếu
các tuyên bố về chủ quyền của Trung cộng bao gồm cả biển, họ đang làm mất đi ưu
thế của mình. Một vài bên
trong cuộc tranh chấp này – bao gồm cả Nam Dương – đã chính thức phản đối những tham
vọng như vậy. Năm ngoái, Toà Trọng tài Thường trực PCA đã công bố một phán quyết[2]
[của Toà trọng tài vụ kiện Biển Đông] bác bỏ hoàn toàn yêu sách biển của Trung
cộng[3]. Đồng thời, phán quyết này cũng khẳng định một số thực thể, như Đá Vành
Khăn, Bãi Cỏ Rong và Bãi Cỏ Mây, không phải là đối tượng để tuyên bố chủ quyền
vì chúng không phải là đảo hay đá thật sự. Và vì các thực thể này nằm trong
vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Phi, toà án cho rằng Phi Luật Tân có
toàn quyền với chúng cùng các vùng biển xung quanh. Phán quyết cũng chỉ ra rằng
Trung cộng đã xâm phạm quyền của Phi được đánh bắt cá chung ở gần bãi cạn
Scarborough, một điểm nóng tiềm năng khác.
Quan trọng hơn, yêu sách của Trung cộng đối với toàn bộ vùng biển đã mở rộng
tranh chấp vượt ra ngoài khu vực và can dự tới cả những quốc gia đang có hoạt động
hải quân trong vùng này, ví dụ như Hoa Kỳ. Những cường quốc hải quân
ngoài khu vực này đặc biệt quan ngại bởi những tham vọng của Bắc Kinh có thể hạn
chế các quyền hàng hải đã được quốc tế công nhận. Với những tình huống như thế,
những hứa hẹn của Trung cộng về việc đảm bảo quyền tự do lưu thông thương mại
không thực sự thuyết phục. Nhiều nước, như các nước Châu Âu, vẫn lo ngại về tiền
lệ mà những yêu sách thế này sẽ đặt ra. Còn với Washington, các mối quan tâm
chính tập trung vào các quốc gia đang được Mỹ bảo hộ an ninh là Đài Loan, Nhật
Bản và Hàn Quốc. Trong trường hợp xảy ra xung đột mà can dự tới bất kỳ nước nào
trong ba nước này, các lực lượng của Mỹ sẽ cần đi qua khu vực Biển Đông mà
không bị cản trở.
Chừng nào mà những
yêu sách của Trung cộng với Biển Đông còn bao gồm các đường biển quốc tế thì nước
này vẫn sẽ phải tiếp tục đối mặt với phản kháng mạnh mẽ từ các cường quốc ngoài
khu vực và làm phức tạp thêm tranh chấp với các quốc gia láng giềng. Nếu Trung
cộng làm rõ đường chín đoạn chỉ là yêu sách các đảo và những quyền bắt nguồn từ
các đảo đó thì họ đã có thể chia tách các nước có yêu sách khác khỏi những quốc
gia không phải là một bên tranh chấp nhưng có liên quan. Vẫn sẽ còn tồn tại những
bất đồng về một số quyền trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển
nhưng những bất đồng đó sẽ được giải quyết dựa trên luật pháp chứ không phải dựa
trên sự cho phép của Trung cộng.
Lợi thế địa chính trị
Mục
tiêu thứ hai của Trung cộng là đạt được lợi thế địa chính trị. Trên phương diện này thì Trung cộng đang làm tốt hơn.
Họ đã củng cố được rất tốt kiểm soát trên các thực thể địa lý thuộc quần đảo
Hoàng Sa. Tại Trường Sa, bảy hòn đảo nhân tạo Bắc Kinh
tạo dựng đã mang đến cho họ một vị thế chiến lược mới. Điều này quan trọng
bởi bốn lý do.
Thứ nhất là lợi thế triển khai vũ lực trên Biển Đông. Trong một bức thư gửi Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng
viện Hoa Kỳ vào năm ngoái, Giám đốc Cơ quan tình báo Quốc gia James Clapper đã liên hệ tới đánh giá của
ông rằng “Trung
cộng đã thiết lập cơ sở hạ tầng cần thiết để triển khai năng lực quân sự trên
Biển Đông vượt xa hơn mức phòng vệ tiền đồn.”
Tại thời điểm
đó, lực lượng Hải quân Giải phóng Nhân dân đã sử dụng các tiện nghi cảng biển tại
một số đảo nhân tạo lớn nhất của Trung cộng. Kể từ đó, Trung cộng đã triển khai
máy bay quân sự ít nhất một lần trên một đảo nhân tạo ở Trường Sa[4]. Các nhà
kho chứa máy bay bắt đầu được xây dựng trên các đảo, mà theo Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ
Đặc trách Thái Bình Dương, có thể chứa được 72 phi cơ chiến đấu phản lực và 10
phi cơ lớn hơn, như phi cơ ném bom hay các phi cơ chở dầu. Đáp lại những cáo buộc
này, Trung cộng phủ nhận đang “quân sự hoá” Biển Đông và nói rằng các hoạt động
triển khai quân sự này là nhằm để bảo vệ quyền chủ quyền [của họ].
Thứ hai, theo một nhà phân tích kỳ cựu, thuyền trưởng nghỉ hưu Bernard Cole của Trường Cao đẳng Chiến
tranh Quốc gia [Hoa Kỳ], những công trình Trung cộng xây dựng ở
quần đảo Trường Sa đã “thiết lập được vị
thế vượt trội cho Trung cộng trong cuộc chiến tranh điện tử và khả năng bao phủ
của radar” trên toàn khu vực. Nếu xây dựng trên cả bãi cạn
Scarborough, Trung cộng sẽ có khả năng dựng lên một “bức tranh toàn cảnh Biển
Đông”. Điều này rất cần thiết cho việc giám sát cái mà Trung cộng coi là xâm phạm
vào quyền chủ quyền của họ. Đây cũng là điểm then chốt để Trung cộng có thể bảo
vệ những quyền đó trong trường hợp xảy ra xung đột trên biển với Hoa Kỳ.
Chuỗi đảo
Thứ ba, đường chín đoạn bao gồm nửa phía Nam của cái được gọi là “chuỗi
đảo thứ nhất” bao quanh vùng Đông Á như một sợi dây chuyền. Trung cộng
có mối quan tâm đến việc củng cố sức mạnh quân sự trong khu vực này bao gồm cả
Biển Hoa Đông và Biển Đông. Theo quan điểm của Trung cộng, các nước đồng minh của
Mỹ và các căn cứ quân sự dọc theo hàng rào ngoài khơi này (gồm có Nhật Bản,
Okinawa, Đài Loan và Phi Luật Tân) đã ngăn cản họ tiếp cận đại dương xa hơn[5].
Nếu có sức mạnh quân sự thống trị ở vùng phía Nam của chuỗi này thì sẽ phá vỡ
được sự bao vây đó. Nó cũng sẽ cho phép Trung
cộng đặt “chuỗi đảo thứ hai”, gồm có
các địa hạt của Mỹ ở quần đảo Bắc Mariana và Guam, vào thế mạo hiểm. Tình
huống này có thể làm rắc rối các kế hoạch quân sự của Hoa Kỳ khi muốn can thiệp
vào bất cứ cuộc xung đột nào liên quan đến Trung cộng.
|
Trung cộng cảm thấy bị bao vây bởi các căn cứ quân
sự và đồng minh của Mỹ dọc theo cái được gọi là chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo
thứ nhì viền phía Đông châu Á. Chiến lược của Bắc
Kinh là xuyên thủng hàng rào đó
|
Cuối cùng, Trung cộng có thể nhìn Biển Đông
như một thành luỹ cho các tàu ngầm nguyên tử hạt nhân của họ. Trung cộng có 4 tàu ngầm
hạt nhân hiện đại mang tên lửa đạn đạo, chiếc thứ năm hiện đang được xây dựng
và tiếp theo đó Trung cộng có kế hoạch xây dựng lớp tàu thuyền thế hệ mới. Mục
tiêu của những vũ khí này là trang bị cho Trung cộng một năng lực bảo đảm có thể
đáp trả những cuộc tấn công hạt nhân trong bất cứ cuộc xung đột lớn nào với Hoa
Kỳ.
Một thành luỹ như vậy, được bảo vệ bởi các lực lượng
hải quân khác, sẽ là một địa điểm hấp dẫn để Trung cộng triển khai các tàu ngầm
hạt nhân nếu không thể thống trị chuỗi đảo thứ nhất hoặc phát triển công nghệ cần
thiết để vượt qua nó mà không bị phát hiện. Việc tăng thêm loạt tàu ngầm mang
tên lửa đạn đạo nằm trong dự kiến đã nêu bật sự hấp dẫn của phương án này. Trở ngại lớn nhất là sự hiện diện hiện tại của Hải quân Hoa
Kỳ luôn ở trong tư thế sẵn sàng và tích cực, và có liên hệ mật thiết với
các đồng minh và đối tác trong khu vực.
Lợi ích kinh tế
Mục tiêu thứ ba của Bắc Kinh tập trung
xung quanh lợi ích kinh tế. Trung cộng ngày càng phụ thuộc vào
thương mại trên biển. Thương mại chiếm khoảng 40% GDP của Trung cộng, với phần
lớn đến từ biển. Con số này đã bao gồm cả các nguồn năng lượng. Đến năm 2030, Trung
cộng sẽ sử dụng gấp 3 lần số lượng dầu và 60% lượng than trên toàn thế giới. Dù
có sản lượng nội địa, nền kinh tế Trung cộng vẫn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nguồn
nhập khẩu nhiên liệu hoá thạch. Bởi xu hướng này, Bắc
Kinh đã phát triển một chiến lược toàn diện lâu dài bao gồm duy trì kiểm soát
lãnh hải.
Bắc Kinh cũng muốn chiếm được những nguồn
tài nguyên năng lượng[6]. Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng
Hoa Kỳ ước tính Biển Đông có thể chứa nhiều nhất tới 11 tỉ thùng dầu – ngang với
Mexico. Tuy nhiên, Trung cộng lại đưa ra con số ước tính khác là 125 tỉ thùng –
nhiều hơn cả Kuwait. Dù là con số nào thì hầu hết trữ lượng dầu tại vùng biển
này đều nằm trong đường chín đoạn của Trung cộng. Bắc Kinh đã và đang tích cực
thách thức lợi ích của Phi Luật Tân tại khu vực Bãi Cỏ Rong. Đây là vùng đặc biệt
có trữ lượng dầu lớn nằm trong thềm lục địa của Phi Luật Tân. Tình hình cũng
tương tự đối với các nguồn khí tự nhiên.
Mặc dù không có nguồn dầu khí nào được tìm thấy tại
những chuỗi quần đảo chính ở Biển Đông là Trường Sa và Hoàng Sa, những quần đảo
này vẫn có giá trị chiến lược lớn bởi chúng giúp Trung cộng có thể tiếp cận các
nguồn tài nguyên ở lân cận đó.
Các ngư trường cũng rất quan trọng.[7]
Biển Đông chiếm 10% sản lượng đánh bắt cá trên toàn cầu và cung cấp nguồn
protein thiết yếu cho người dân Trung cộng. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều căng
thẳng trên Biển Đông liên quan đến tàu đánh bắt cá.
Chỉ thành công một phần
Trung cộng đã chỉ thành công được một phần
trong việc đạt được mục tiêu kinh tế tại Biển Đông. Những
đường biển của Trung cộng hiện không bị đe dọa nhưng sẽ còn lâu nữa Trung cộng
mới có thể tự bảo vệ chúng. Dĩ nhiên là sự bành trướng và hiện diện của hải
quân Trung cộng ở Hoàng Sa – và bây giờ là Trường Sa – sẽ giúp Trung cộng đạt
được mục tiêu này. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ phải thay thế
được hải quân Hoa Kỳ, và điều này không có vẻ gì là sớm đạt được. Nhiều nhất chỉ có thể nói Trung cộng đã đặt một khoản đặt cọc
đáng kể cho việc đạt được mục đích này về sau.
Để có nguồn năng lượng, Trung cộng hiện
đã đang tiến hành sản xuất tại các vùng thuộc chủ quyền của họ ở Biển Đông.
Còn việc sản xuất năng lượng tại các vùng tranh chấp có khả năng làm Trung cộng
hao tốn nhiều chi phí ngoại giao vì Việt Nam[8], Phi Luật Tân, hay các nước
khác sẽ không từ bỏ yêu sách của mình hay ngừng lại quá trình khai thác và sản
xuất đang được triển khai. Nếu dự định của Trung cộng
là lấy tài nguyên của các nước khác thì Trung cộng chưa đạt được tiến bộ nào
trong mục tiêu này. Trên thực tế, bởi vì hợp tác cùng khai thác các nguồn
năng lượng ở biển là cách thức hợp lý nhất cho Trung cộng có thể tiếp cận các
khu vực xa bờ, Bắc Kinh đã thực sự thất bại [về phương diện này]. Sự hung hăng
của Trung cộng đang làm hại chính viễn cảnh hợp tác với các nước tranh chấp
khác.
Còn khi nói đến đánh bắt thuỷ hải sản thì Bắc Kinh
đang đạt được mục tiêu của mình. Bất chấp những căng thẳng ngoại giao, sự xuất
hiện của các tàu cá lớn của Trung cộng trên vùng biển là minh chứng cho thành
công của họ.
Những mục tiêu chưa đạt được
Trung cộng đã thắng trên Biển Đông hay chưa? Điều
này tuỳ vào cách nhìn của mỗi bên. Bắc Kinh chưa đến gần
được hơn mục tiêu thiết lập chủ quyền trong toàn bộ đường chín đoạn, dù là với
thực thể địa lý hay các hải lộ. Phán quyết của Toà trọng tài là một thất bại lớn
đối với Trung cộng. Tuy quân đội Trung cộng đang thiết lập sự hiện diện
trên biển với năng lực có thể đe doạ những nước đang tranh chấp khác, nhưng vẫn
chưa đủ mạnh để giúp Trung cộng đạt được các mục tiêu chiến lược trừ khi Mỹ rút
lui.
Còn về những mục tiêu kinh tế, Trung cộng
đã thất bại trong việc có được những nguồn năng lượng mới,
thành công trong việc tạo ra con đường đến các ngư trường và có thể đang đạt được
những bước tiến nhằm đạt được mục tiêu lâu dài là tự chủ bảo vệ những đường biển
quan trọng đối với nền kinh tế của quốc gia này.
Walter
Lohman
Walter Lohman là giám đốc Trung tâm
Nghiên cứu châu Á thuộc Quỹ Heritage. Bên cạnh đó, ông là một chuyên gia phân
tích chính sách tập trung chủ yếu ở Đông Nam Á, và rộng hơn là chính sách châu
Á bao gồm mối quan hệ với các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Ông
là tiếng nói hàng đầu ở Quỹ Heritage về mối quan hệ Mỹ – Đài Loan và là một nhà
quan sát chặt chẽ các chính sách của Trung cộng. Bài viết được đăng trên Geopolitical Intelligence
Services.
Biên dịch: Bùi
Ngọc Hà
Hiệu đính: Huệ
Việt
(Đại sử ký Biển Đông)
——
Chú thích:
21/10/2016: http://www.gisreportsonline.com/will-duterte-end-the-philippines-us-alliance,defense,2017,report.html
[2] Walter Lohman (2016). “Clarity and
instability in the South China Sea,” GIS Reports Online, 22/8/2016: http://www.gisreportsonline.com/clarity-and-instability-in-the-south-china-sea,defense,1958,report.html
[3] Joseph Dobbs (2016) “Beijing’s
dilemma in the South China Sea,” GIS
Reports Online, 19/8/2016: http://www.gisreportsonline.com/beijings-dilemma-in-the-south-china-sea,defense,1959,report.html
[4] Joseph Dobbs (2016). “China
modernizes its air force to project power globally,” GIS Reports Online 23/11/2016: http://www.gisreportsonline.com/china-modernizes-its-air-force-to-project-power-globally,defense,2055,report.html
[5] Prince Michael of Liechtenstein (2017).
“Opinion: Military situation heats up on China’s perimeter,” GIS Reports Online 24/3/2017: http://www.gisreportsonline.com/opinion-military-situation-heats-up-on-chinas-perimeter,defense,2166.html
[6] Frank Umbach (2017). “The South
China Sea’s energy dimension,” GIS
Reports Online 01/5/2017: http://www.gisreportsonline.com/the-south-china-seas-energy-dimension,energy,2202,report.html
[7] Joseph Dobbs (2016). “Beijing’s
maritime militias add to growing instability in the China Seas,” GIS Reports Online 20/10/2016: http://www.gisreportsonline.com/beijings-maritime-militias-add-to-growing-instability-in-the-china-
[8] Walter Lohman (2016). “Vietnam’s
balancing act,” GIS Reports
Online, 27/9/2016: http://www.gisreportsonline.com/vietnams-balancing-act,politics,1995,report.html
Bản gốc tiếng
Anh: https://www.gisreportsonline.com/china-hasnt-won-yet-in-the-south-china-sea,defense,2234,report.html (truy cập ngày 11/6/2017)