06.08.2017

CSVN lấp liếm về hiện trạng Biển Đông - Trương Nhân Tuấn

„thái độ “rút lui” của VN tại lô 136.03 là điều không thể tha thứ.
Bởi vì TC không còn tư cách nào, để có bất kỳ ý kiến gì, nhứt là một lời “đe dọa chiến tranh”, về một khoảnh thềm lục địa (là lô 136-03), nằm trên thềm lục địa pháp lý của VN, cách bờ đảo Hải Nam hàng ngàn cây số…

Thái độ của VN hiện nay đã phủ nhận hiệu lực phán quyết tháng bẩy 2016 của Tòa CPA. Điều này khẳng định tính “chính thống” của TC trong khu vực.“

CSVN lấp liếm về hiện trạng Biển Đông

Trương Nhân Tuấn
Giàn khoan Repsol. Nguồn: internet

Trở lại “cuộc chiến thông tin”, giữa nhà báo Bill Hayton của BBC với Reuters, (nếu có thể gọi đây là một “cuộc chiến”), về giàn khoan của Repsol đang khai thác ở lô 136-03, ta thấy hiển nhiên BBC&Hayton đã “chiến thắng” đối thủ một cách “vẻ vang”.


Những sự kiện Bill Hayton đã nói trong các bản tin (24 và 26 tháng bảy), hầu hết đều được kiểm chứng.

Về ý kiến của Hayton cho rằng VN ra lệnh cho Repsol rút giàn khoan ở lô 136-03.

Reuters tức khắc phản biện, với bằng chứng không thể chối cãi, hình ảnh của vệ tinh cho thấy “tàu Deepsea Metro I đến hôm thứ Sáu 28/7 vẫn đang hiện diện tại vị trí cũ”.

Reuters đã chứng minh Hayton “nói sai”, vì giàn khoan của Repsol vẫn còn ở vị trí cũ.

Việc này Hayton biện luận rằng việc “rút” giàn khoan phải cần thời gian (để trét lỗ khoan lại). Chớ không phải nói rút là rút.

Rốt cục đến ngày 3 tháng tám Reuters (rụt rè) đưa tin là “Repsol tạm ngừng khai thác ở Biển Đông”.

Tức là Hayton&BBC đúng và Reuters sai.

Tôi đặt vấn đề ở đây không nhằm kết luận bên này là hay, bên kia là dở. Mà muốn nhấn mạnh một điều, là ở các nước như VN và TC, các tin tức thuộc loại “nhạy cảm” thì đừng hòng “ngóng” tin “chính thống”.

Bill Hayton (và C. Thayer) đã có những “tuy dô” tin cậy, là những nhân vật ở vị trí then chốt, do đó đưa tin chính xác và nhanh nhạy.

Về ý kiến của Hayton (và học giả Carle Thayer) cho rằng TC đã đe dọa sử dụng vũ lực (chiếm các đảo TS hiện do VN chiếm đóng) nếu VN không ra lệnh rút giàn khoan.

Dĩ nhiên dữ kiện này “không thể chứng minh”.

Nhưng không thể vì vậy mà nói rằng Hayton (hay C. Thayer) là “bịa chuyện”, như đã thấy kết luận ở một vài facebookers VN.

Bởi vì, nếu các lời “đe dọa” này chứng minh được, tức là Hayton (và C. Thayer) đưa ra những bằng chứng cho thấy có sự hiện hữu của một “công hàm” của TC gởi cho VN với nội dung như vậy. Thì đây là một hành vi “tuyên bố chiến tranh” hay “tối hậu thư cảnh cáo trước khi chiến tranh”.

Lịch sử cận đại về tranh chấp giữa VN và TC, ngay cả trong cuộc chiến 1979, chưa bao giờ TC chính thức “tuyên bố” cái gì liên quan tới “chiến tranh” với VN hết cả.

Về cuộc chiến 1979, sau khi Đặng Tiểu Bình đi một vòng thế giới, gồm Hoa Kỳ, các nước Châu Âu, sau cùng tại Singapour. Tại đây họ Đặng tuyên bố rằng “sẽ cho VN một bài học, nếu VN không rút khỏi Kampuchia”.

VN không rút, TC đánh.

Cuộc chiến 1979 rõ ràng là một cuộc “chiến tranh”, do phía TC khởi động trước. Nhưng ta không hề thấy bất kỳ một “tuyên bố chiến tranh” nào từ phía TC hết cả. Tuyên bố của Đặng Tiểu Bình tại Singapour có thể xem là một “tối hậu thư cảnh cáo”, với ý nghĩa “mầy không rút, tao đánh”.

Trước đó, năm 1974, TC đánh chiếm cụm Nguyệt Thiềm thuộc quần đảo Hoàng Sa do VNCH chiếm đóng. TC cũng không có lời tuyên bố “chiến tranh” nào cả. Cũng không có “tối hậu thư” kiểu “mầy không rút, tao đánh”. Ngoại trừ những tuyên bố (đã từng lặp đi lặp lại nhiều lần) “HS là lãnh thổ của TC bất khả tranh nghị”.

Như đã viết hồi tuần trước, “tranh chấp” giữa VN và TC trong khu vực Tư Chính Vũng Mây đã xuất phát từ năm 1992. Phía TC cho rằng các lô (theo bản đồ dầu khí của VN) 133, 134, 135, 136, 5.2, 5.3, 6.1, 6.2, 07, 08… thuộc về bãi Vạn An Bắc của TC (tức bao gồm các bãi Tư Chính, Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn).

Nếu xét lại lịch sử, ta thấy TC “đe dọa” VN, hay với các đối tác khai thác dầu khí của VN, đã từ ¼ thế kỷ rồi. Mà lần nào “đe dọa” TC cũng đạt được mục tiêu của mình.

Nếu chỉ tính 10 năm trở lại đây, tức từ năm 2007 (thời điểm TC công bố thành lập thành phố Tam Sa), ta có thể kể nhiều trường hợp.

Tháng sáu 2007, TC đã làm “áp lực” với BP (British Petroleum), khai thác ở các lô 5.2 và 5.3. Rốt cục BP “bỏ của chạy lấy người”, vớt vát bằng cách bán lại cho ExxonMobil.

Nhưng ExxonMobil cũng không “cứng cựa” hơn BP. Tháng bẩy năm 2008, báo chí Hồng Kông cho biết TC đã cảnh cáo ExxonMobil, hiện đang khai thác ở các lô 135 và 136. Bắc Kinh cho lãnh đạo tập đoàn ExxonMobil biết là nếu không rút đi, TC sẽ “trừng phạt” công ty này, qua các chi nhánh của xí nghiệp này đang hoạt động ở TC.

Rốt cục ExxonMobil phải rút.

Ngoài các tập đoàn Anh, Mỹ, công ty Ấn Độ ONGC Videsh cũng bị Trung cộng “đe dọa”. Bắc Kinh đã chính thức gửi công hàm phản đối New Delhi qua dự án thăm dò ở các lô 127 và 128.

Tháng 11 năm 2008, tập đoàn dầu khí CNOOC của TC công bố dự án 30 tỉ đô la để “khai thác vùng nước sâu ở Biển Đông”. Dĩ nhiên VN không dám hó hé điều gì.

Cuối tháng 5 năm 2010, TC cho khảo sát địa chất chung quanh đảo Tri Tôn, cho bồi đắp xây dựng để mở rộng đảo này. TC cũng cho khảo sát các lô 141, 142, 143 trên thềm lục địa của VN… VN cũng “ngậm tăm”, báo chí quốc doanh đều “ngậm thẻ qua đèo”, không ai dám phản đối cái gì.

Đầu năm 2012, tờ Hoàn Cầu thời báo lên giọng đe dọa “chiến tranh” đối với các nước chung quanh : “Những nước liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông nên chuẩn bị tinh thần để nghe tiếng đại bác nếu họ vẫn tiếp tục đối đầu với Bắc Kinh, chúng ta cần sẵn sàng cho điều đó, vì đây có thể là cách duy nhất để giải quyết tranh chấp”.

Dĩ nhiên Bộ ngoại giao TC sau đó trấn an các nước, cho rằng ý kiến của báo này không phải là ý chí của TC. Điều này không thuyết phục được ai. Cũng như báo Nhân Dân ở VN phát biểu nhưng đó không phải là ý kiến của đảng CSVN vậy.
Cho tới vụ giàn khoan HD 981, tháng 5 năm 2014. Đồng thời với việc TC cho xây dựng 7 đảo nhân tạo trên các bãi cạn chiếm của VN năm 1988. 

Ngoài việc “xịt nước” làm tuồng tại khu vực giàn khoan 981, VN “ngậm tăm” ở các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của TC. Mặc dầu an ninh chiến lược của VN sẽ bị các đảo này đe dọa. VN hoàn toàn “ngậm tăm”, không dám phản đối điều gì.

Nhìn lại các sự kiện trên, ta không hề thấy “bằng chứng cụ thể” về việc TC “đe dọa vũ lực”. Đối với các tập đoàn nước ngoài, “đe dọa” thuần túy kinh tế, nhưng không loại trừ các hành vi khác.

Nhưng lúc nào VN cũng tuân theo những khuyến cáo của TC. Bởi vì, nếu không, TC sẽ “đánh”.

Tức là, ý kiến của Bill Hayton (cà C. Thayer) về việc TC đe dọa dùng vũ lực là có căn cứ.

Những phản bác (của các facebookers VN) chung quanh ý kiến của hai học giả này hoàn toàn là “tình cảm”, thiếu logic của khoa học.

Nhưng thái độ “rút lui” của VN (Bill Hayton cho là của Nguyễn Phú Trọng và Ngô Xuân Lịch) là điều không thể không bàn luận.

Trước tháng bẩy năm 2016 (ngày tòa CPA ra phán quyết về Biển Đông), ta có thể “du di” cho thái độ “khuất phục” của VN. Vì dầu sao yêu sách đường 9 đoạn của TC đã chính thức công bố năm 2009, (qua hồ sơ Thềm lục địa mở rộng).

Ta chưa biết hiệu lực pháp lý của đường 9 đoạn như thế nào.

Những “chồng lấn” của đường 9 đoạn với thềm lục địa pháp lý của VN vì vậy ta cần có những dè dặt.

Nhưng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tháng bẩy năm 2016 đã phủ nhận hoàn toàn ý nghĩa đường 9 đoạn, về vùng nước lịch sử và vùng biển chung quanh của các đảo TS.

Vì vậy thái độ “rút lui” của VN tại lô 136.03 là điều không thể tha thứ.
Bởi vì TC không còn tư cách nào, để có bất kỳ ý kiến gì, nhứt là một lời “đe dọa chiến tranh”, về một khoảnh thềm lục địa (là lô 136-03), nằm trên thềm lục địa pháp lý của VN, cách bờ đảo Hải Nam hàng ngàn cây số.

Những lời tuyên bố “chung chung” của phát ngôn nhân BNG VN (về vụ rút giàn khoan ở lô 136.03) đã không nói lên điều gì.

Thái độ của VN hiện nay đã phủ nhận hiệu lực phán quyết tháng bẩy 2016 của Tòa CPA. Điều này khẳng định tính “chính thống” của TC trong khu vực.

Không cần biết kẻ chủ trương “rút lui” là ai. Nguyễn Phú Trọng và Ngô Xuân Lịch, hay là những ai khác nữa.

Trách nhiệm làm mất lãnh thổ, mất chủ quyền… tại những nơi thuộc về VN, từ nền tảng lịch sử cho tới căn cứ pháp lý không thể phản biện, là do đảng CSVN.


Tiếng Dân (baotiengdan.com)