Sinh viên Trung cộng
chụp ảnh cùng gia đình tại Đại học Sydney, Úc, 12/10/2017.Ảnh : William WEST /
AFP
Một
sự kiện tại Tân Tây Lan (New Zealand) hạ tuần tháng 9/2017 đã khơi dậy nỗi lo ngại tại nước
này cũng như tại nước Úc láng giềng : Một dân biểu gốc Hoa, tên là Dương Kiện
(Jian Yang) thuộc đảng Quốc Gia trung hữu, đã lại đắc cử nhân cuộc bầu cử Quốc
Hội ngày 23/09. Vấn đề là khi làm đơn xin vào quốc tịch Tân Tây Lan, nhân vật
này đã che giấu quá khứ đảng viên đảng Cộng Sản Trung cộng của mình, cũng như
quá trình dậy tiếng Anh cho nhân viên tình báo Trung cộng.
Những
tiết lộ về quá khứ của ông Dương Kiện đã gióng lên hồi chuông báo động tại New
Zealand về nguy cơ chính trường nước này bị Bắc Kinh thao túng thông qua những
thành phần được báo chí gọi là « đạo quân thứ năm », mà mục tiêu là
uốn nắn chính sách của Tân Tây Lan đi theo chiều hướng có lợi cho Trung cộng.
Thái
độ cảnh giác lại càng cao sau một bản báo cáo gần đây về ảnh hưởng của Trung cộng
trên chính phủ Tân Tây Lan, do bà Anne-Marie Brady, giáo sư khoa học chính trị
tại Đại học Tân Tây Lan Canterbury thực hiện.
Dân biểu Tân Tây Lan mà hành xử như tay sai của Trung cộng
Bản
báo cáo ghi nhận là từ ngày ông Tập Cận Bình lên cầm quyền tại Bắc Kinh, chính
quyền Trung cộng đã tung ra cả một chiến dịch dùng quyền lực mềm để ảnh hưởng đến
chính trị, kinh tế và xã hội Tân Tây Lan, trong đó có việc tung tiền tài trợ
cho các đảng phái ở Tân Tây Lan.
Bản
báo cáo tố cáo đích danh nghị sĩ Dương Kiện và ông Hoắc Kiến Cường (Raymond
Huo), một dân biểu gốc Hoa khác thuộc đảng Lao Động trung tả đối lập, là chịu ảnh
hưởng của Tòa Đại Sứ Trung cộng tại Tân Tây Lan, cũng như của các tổ chức cộng
đồng được sử dụng làm phương tiện thực hiện các ý đồ chính trị của Bắc Kinh.
Các
phương tiện truyền thông bằng tiếng Hoa ở Tân Tây Lan cho biết ông Dương Kiện,
hồi tháng Tư vừa qua đã trao giải thưởng cho các thành viên của Liên Đoàn Cựu
Chiến Binh tại Tân Tây Lan, một nhóm bao gồm các cựu quân nhân và cảnh sát Trung
cộng đang sinh sống tại Tân Tây Lan. Phần thưởng liên quan đến các hoạt động của
nhóm này nhân chuyến thăm Tân Tây Lan của thủ tướng Lý Khắc Cường, khi họ chặn
biểu ngữ của những người biểu tình phản đối Trung cộng…
Trần
Duy Kiện (Chen Weijian), thành viên của tổ chức dân chủ New Zealand Values
Alliance và biên tập viên của tạp chí tiếng Hoa Bắc Kinh Chi Xuân, cho biết
là khi nói chuyện, ông Dương Kiện giống một đại diện của chính phủ Trung cộng
hơn là một nhà lập pháp New Zealand.
New
Zealand ngày càng trở nên phụ thuộc vào Trung cộng, vốn đã trở thành một thị
trường cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các mặt hàng sữa của Tân Tây Lan, và hai nước đang đàm phán mở rộng một hiệp định thương mại tự do được
ký năm 2008.
Ông
Jones, một nhà kinh tế học tại Bắc kinh, cho rằng mức độ can dự của Trung cộng
vào Tân Tây Lan có thể đe dọa các định chế dân chủ New Zealand. Cả ông Jones lẫn
bà Brady, tác giả của báo cáo về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung cộng, đã
kêu gọi Tân Tây Lan cấm các khoản tài trợ chính trị từ nước ngoài, như Úc đang
làm.
Úc : Hai đại gia gốc Hoa bị nghi là cán bộ của Bắc Kinh
Nếu Tân Tây Lan mới bắt đầu quan ngại về « đạo quân thứ năm » của Trung
cộng trên đất nước mình, thì láng giềng Úc của Tân Tây Lan đã được đánh động về
mối nguy từ nhiều năm nay và đã bắt đầu có biện pháp chống đỡ.
Tháng
6/2017 vừa qua, vấn đề đã nổi cộm trở lại sau khi có tin là lãnh đạo ngành tình
báo Úc đã xác định rằng hai đại doanh nhân gốc Hoa nổi tiếng tại Úc có thể là
người hoạt động cho chính phủ Trung cộng. Hai người này đã chi ra hàng triệu đô
la để tài trợ rộng rãi cho các đảng chính trị trong những năm gần đây.
Một
trong hai người được cho là đã rút lại một khoản tài trợ lớn vào năm ngoái vì
không hài lòng với lập trường của một đảng chính trị về Biển Đông, phản ánh một
mưu toan trong hậu trường nhằm lèo lái cuộc thảo luận công khai về một vấn đề
chính sách theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.
« Hàng chục triệu đô la để gây ảnh hưởng cho Trung cộng »
Như
vậy là cả hai đồng minh của Mỹ tại châu Đại Dương đều đang vấp phải cùng một vấn
đề. Theo nhà báo Lưu Tường Quang tại Sydney, riêng trong trường hợp nước Úc, Bắc
Kinh và những chân rết của họ trong thời gian qua đã chi hàng chục triệu đô la
để tìm cách mua chuộc các giới chính trị, văn hóa, giáo dục tại Úc, chưa kể đến
các khoản đầu tư vào kinh tế.
Một
cách cụ thể, nhà báo Lưu Tường Quang đã nhắc lại một ví dụ về mưu toan dùng tiền
tài trợ để thao túng các đảng chính trị tại Úc. Đó là trường hợp của tỷ phú gốc
Hoa, Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo), năm 2016, đã chiêu dụ được một chính
khách Úc tên tuổi trong đảng Lao Động Úc, ông Sam Dastyari, để thúc đẩy đảng
này rập khuôn theo quan điểm của Trung cộng về Biển Đông.
Ngoài
giới chính khách và các đảng phái, Trung cộng còn chú ý đến việc tấn công vào
lãnh vực văn hóa, mua chuộc giới đại học và nghiên cứu, mua chuộc báo chí, thậm
chí huy động các du học sinh Trung cộng rất đông đảo tại Úc để tạo ảnh hưởng.
Các
cố gắng của Trung cộng tuy nhiên đã càng lúc càng bị vạch trần, và chính cơ
quan tình báo Úc đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Canberra có biện pháp, cả về
hành chánh lẫn luật lệ để hạn chế việc Bắc Kinh thao túng nội tình nước Úc. Báo
chí độc lập tại Úc như kênh truyền thông ABC và hãng tư nhân Fairfax đã góp phần
vạch trần âm mưu của Trung cộng.
Ngay
cả xã hội dân sự cũng bắt đầu cảnh giác. Theo nhà báo Lưu Tường Quang, mới đây,
trường Đại Học Quốc Gia Úc ANU đã từ chối một khoản tài trợ của giới thân Bắc
Kinh.
Nhìn
chung, bài toán đặt ra cho cả Úc lẫn Tân Tây Lan rất hóc búa : đó là làm sao
ngăn không cho Trung cộng tung tiền thao túng đất nước mình, đồng thời tránh được
tiếng xấu là phân biệt đối xử đối với với người Úc gốc Hoa.
Trọng
Nghĩa, Lưu Tường Quang (RFI)