Linh Nguyễn
Các nhạc sĩ trong phong trào nhạc trẻ. Từ trái, Từ
trái, Nam Lộc, Tùng Giang, Thanh Lan, Trường Kỳ, Kỳ Phát. (Hình: Kỳ Phát cung cấp)
Phong Trào Nhạc Trẻ Việt Nam ra đời và phát
triển mạnh trong những thập niên 60-70, do các nhạc
sĩ Jo Marcel, Trường Kỳ, Nam Lộc, Tùng Giang và Kỳ Phát sáng lập.
“Nhạc trẻ bắt
nguồn từ nhạc Pháp, do các cô cậu học sinh trường Tây, con nhà giàu, mua các
băng và đĩa nhạc đem từ Pháp về, du nhập vào Việt Nam. Lúc mới đầu, họ thành lập
ban nhạc chỉ để vui chơi trong trường,” nhạc sĩ Kỳ Phát, chủ nhiệm bán nguyệt
san Trẻ, nói với nhật báo Người Việt.
Người khởi xướng nhạc trẻ đầu tiên là nhạc
sĩ Trường Kỳ, và ông được biết đến như là một vua nhạc trẻ thời bấy
giờ.
Blue Stars, ban nhạc nữ đầu tiên tại Việt Nam (1966).
(Hình: Kỳ Phát cung cấp)
Trong khoảng thời gian từ năm 1964 đến 1974, nhạc sĩ
Trường Kỳ tổ chức đại hội nhạc trẻ hàng năm tại trường khi còn theo học trường
trung học Taberd ở Sài Gòn.
Những năm sau đó, đại hội nhạc trẻ còn được tổ chức ở
rạp Thống Nhất, và tại rạp Quốc Thanh.
“Tôi từng sống trong thời kỳ mà khi ấy, thanh niên rất hoang mang về chiến
tranh và trong cuộc sống. Giới trẻ không biết sống chết ngày nào. Họ say đắm và
thả hồn vào dòng nhạc kích động để vơi đi những tâm trạng, buồn chán, và lo lắng,” ông Kỳ Phát tâm sự.
Sau cuộc chính biến Tháng 11, 1963, một đại hội nhạc
trẻ lần đầu ra mắt ở rạp Đại Kim Đô, mừng ngày Cách Mạng 1 Tháng 11 thành công,
quy tụ một số ban nhạc trẻ, như Falcons, Fanatiques, v.v…
Đặc biệt là có hai đại hội nhạc trẻ lớn được tổ chức tại
Sài Gòn lúc bấy giờ.
Ban nhạc The Black Caps với nhạc sĩ Paolo Đào (giữa)
(1964). (Hình: Kỳ Phát cung cấp)
“Thứ nhất là Đại
Hội Nhạc Trẻ Hoa Lư được tổ chức năm 1971, với gần 20 ban nhạc quốc tế của Mỹ,
Phi Luật Tân và Việt Nam, tại sân vận động Hoa Lư để giúp cô nhi, quả phụ của các
chiến sĩ VNCH tham dự trận Hạ Lào, do Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị và báo Diều
Hâu, cùng hợp tác với nhóm nhạc trẻ. Ngòai ra, còn có thêm nhạc sĩ Phạm Duy cộng
tác, và dưới sự chủ tọa của Đệ Nhất Phu Nhân Nguyễn Văn Thiệu,” ông Kỳ Phát
nói.
Đến năm 1972, Đại Hội Nhạc Trẻ Thảo Cầm Viên được tổ
chức quy mô, cũng với mục đích từ thiện.
Trước đó, ca sĩ Elvis Phương lập ban nhạc The Rocking
Stars (1963). Trường trung học Taberd có ban nhạc Le Frere (1964).
Nhạc sĩ Kỳ Phát
cho biết, sau đó, năm 1973, Phong Trào Nhạc Trẻ bắt đầu
Việt hóa, có nghĩa là nhạc ngoại quốc có lời Việt, trong đó, việc chuyển
ngữ do các nhạc sĩ Phạm Duy, Trường Kỳ, Nam Lộc, Kỳ Phát và Vũ Xuân Hồng đảm
trách. Riêng nhạc sĩ Tùng Giang, là người soạn nhạc trẻ bằng tiếng Việt cùng
ban nhạc Phượng Hoàng, gồm các nhạc sĩ Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang.
Nhạc sĩ Nam Lộc,
người viết nhiều ca khúc ngoại quốc lời Việt trong những năm đó, cho rằng “nhạc trẻ, đơn giản
là dành cho người trẻ.”
“Đã gọi là giới trẻ thì khi lớn lên, rất tự nhiên, họ thích gì thì họ
làm đó. Họ không bị ảnh hưởng nhiều bên ngoài, nghĩa là dù đất nước bị chinh
chiến, có chiến tranh nhưng không phải lúc nào họ cũng bị cô lập trong cái
chinh chiến đó mà họ vẫn phát triển ý thích của họ,” nhạc sĩ Nam Lộc nhận xét.
Phong trào nhạc trẻ Việt hóa thịnh hành nhất
trong giai đoạn 1973-75.
“Tất cả những sáng tác, và bản dịch nhạc ngoại quốc được nhà phát hành
Hiện Đại mua để in thành tuyển tập nhạc mang tên ‘Tình Ca Nhạc Trẻ’,” nhạc sĩ Kỳ Phát nói.
CBC, ban nhạc Rock số 1 ở Việt Nam (1968). (Hình: Kỳ
Phát cung cấp)
Ông Thành Nguyễn, chủ nhân nhà phát hành Hiện Đại, 78
tuổi, nay ở Westminster, xác nhận: “Thấy
anh em nghệ sĩ khổ quá nên tôi mua in để giúp các anh em, đồng thời cũng để
giúp quảng bá các bản nhạc ngoại quốc lời Việt hay phổ thơ Nguyên Sa. Nhất là
khi quân đội Mỹ rút về nước, các nơi chơi nhạc, như câu lạc bộ Long Bình, không
còn khách như xưa, đời sống nghệ sĩ trở nên chật vật hơn.”
Các ca khúc ngoại quốc lời Việt ra đời, như “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu,” “Chỉ Còn Là
Giấc Mơ Qua” do nhạc sĩ Nam Lộc viết lời Việt, và các ca khúc nhạc trẻ khác
của Lê Hựu Hà do nhóm Phượng Hoàng trình bày.
“Khi ấy có cả trăm ban nhạc trẻ, như Spot Lights,
Shotgun của Ngọc Chánh, CBC, Black Stone, Blue Jets, Enterprises, The Hammer,
The Dreamer (của con nhạc sĩ Phạm Duy), Peanuts Co., Crazy Dog, Blue Stars (ban
nhạc nữ), Magic Stone…” nhạc sĩ Kỳ Phát kể một hơi.
Song
song với sinh hoạt nhạc trẻ, còn có phim ảnh nhạc trẻ, như cuộn băng “Thế Giới
Nhạc Trẻ” do nhạc sĩ Jo Marcel thực hiện; “Băng Nhạc Hồng” của nhạc sĩ Trường Kỳ;
“Nhạc Trẻ” do Ngọc Chánh và Kỳ Phát thực hiện. Ngòai ra còn có băng nhạc trẻ của
nhạc sĩ Tùng Giang và băng “Tình Ca Nhạc Trẻ” của Vũ Xuân Hùng và Nguyễn Duy
Biên thực hiện.
“Khi nhiều lính Mỹ còn ở Việt Nam, đường Nguyễn
Văn Thoại có nhiều bar mọc lên, tôi là ‘bầu show’ tìm ban nhạc cho họ hằng đêm.
Năm 1969-70, anh Jo Marcel hết hợp đồng với vũ trường Queen Bee, đem ban nhạc đến
vũ trường Ritz và trao lại cho Trường Kỳ phụ trách chương trình nhạc trẻ chiều
Chủ Nhật,” nhạc sĩ Kỳ Phát nói.
“Khi ca sĩ Khánh Ly hợp tác với vũ trường
Queen Bee để hát buổi tối thì ban ngày tôi thực hiện chương trình ‘Hippy Go
Round’ nhạc trẻ hàng tuần,” ông nói thêm.
Khi
qua Mỹ (1989), nhạc sĩ Kỳ Phát ôm mộng ra tờ bán nguyệt san Trẻ Magazine để tiếp
tục tổ chức các buổi hội ngộ nhạc trẻ.
“Trong lần tổ chức đầu tiên để kỷ niệm năm thứ
hai Trẻ Magazine và cũng để kỷ niệm 30 năm Nhạc trẻ Việt Nam vào ngày 12 tháng
11 năm 1998. Chương trình đã thu hút trên 600 khán giả yêu nhạc cùng hàng trăm
nghệ sĩ nhạc trẻ tham dự,” nhạc sĩ Kỳ Phát nói.
“Sau lần tổ chức kỷ niệm 18 năm Trẻ Magazine
và “Hội Ngộ 50 năm Nhạc Trẻ Xưa Và Nay,” được nhiều khán giả yêu cầu muốn có một
chương trình hội ngộ nhạc trẻ nữa để anh chị em nghệ sĩ và khán giả cùng thời
phong trào nhạc trẻ 60-70 có dịp gặp gỡ vui chơi tìm lại một chút kỷ niệm xa
xưa… Chúng tôi sẽ tiếp tục một cuộc hội ngộ trong tương lai rất gần,” nhạc
sĩ nói.
—
October 9, 2017
October 9, 2017
(Người
Việt)
Liên
lạc tác giả: linhnguyen@nguoi-viet.com