Sách mới: 'Lenin - nhà độc tài'
Ba nhân vật cao cấp của cách mạng cộng sản Nga: Statin, Lenin và Kalinin
GETTY IMAGESImage cap
Trong năm đánh dấu cuộc Cách mạng Nga 1917, nhà xuất bản Orion vừa cho ra mắt tại Anh Quốc cuốn 'Lenin - The Dictator; An Intimate Portrait'.
Tạm dịch là 'Chân dung gần gũi của nhà độc tài Lenin', cuốn sách là công trình mới nhất của Victor Sebestyen, một nhà báo, tác giả chuyên về chủ nghĩa cộng sản Nga và Đông Âu.
Hiện nay tại Nga, Lenin vẫn là đối tượng được tôn thờ, và vì thế, nhân vật này tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhiều giới.
Trong cuốn sách, tác giả muốn dựng lại không chỉ hình ảnh Lenin - nhà chính trị và cách mạng chuyên nghiệp mà còn nhìn vào góc độ cá nhân và con người của Lenin.
Cuốn sách cũng nhìn vào mối tình tay ba của Lenin với Nadezhda Krupskaya, vợ ông, và bà Inessa Armand, người tình của Lenin.
Tuy nhiên, Victor Sebestyen không phải là tác giả đầu tiên nói đến Inessa Armand, người sinh năm 1874 tại Paris nhưng trưởng thành gần Moscow và có quá trình hoạt động cách mạng ở cả Pháp, Thuỵ Sỹ, Ba Lan và Nga.
Từ năm 1997, nhà nghiên cứu người Anh, Giáo sư Robert Service đã công bố các thông tin từ kho tư liệu của Nga mở ra sau khi Liên Xô sụp đổ cho rằng Lenin không chấm dứt quan hệ với Inessa Armand sau giai đoạn ở Paris.
GS Robert Service cho hay sau khi lên cầm quyền và dọn vào Điện Kremlin năm 1918, Lenin sống cùng lúc với vợ, Nadezhda Krupskaya, và người tình Inessa Armand. Mỗi người có riêng một phòng ngủ tại khu dinh thự.
Inessa Armand qua đời vì dịch tả năm 1920, theo bài 'Lenin's Love Life Exposed?' của Stephen Mulvey trên BBC News (24/11/1997).
Hiện nhiều kho tư liệu tại Pháp cũng giữ các lá thư tình bà Inessa Armand và Lenin trao đổi với nhau, như Michael Pearson viết trong một cuốn sách hồi 2001 về hai nhân vật này.
Tất cả vì cách mạng
Theo Victor Sebestyen, Lenin yêu thiên nhiên cũng mãnh liệt như yêu cách mạng.
GETTY IMAGES
Ông ta là người "nghĩ về cách làm Cách mạng 24 giờ mỗi ngày".
Để đạt mục đích, Lenin "nói dối trắng trợn" và sẵn sàng bỏ qua lời hứa, cũng vì "mục tiêu Cách mạng".
Victor Sebestyen cho rằng sự tàn bạo của chế độ Liên Xô bắt đầu từ chính Lenin chứ không phải từ Stalin.
Điểm mấu chốt là từ chỗ lãnh đạo nhóm Bolshevik giành được chính quyền năm 1917, Lenin đã giữ được chính quyền qua cuộc Nội chiến Nga và tạo ra nhà nước cộng sản đầu tiên bằng bạo lực.
Ông qua thời giữa mùa đông năm 1924 sau thời gian sức khoẻ suy yếu nghiêm trọng vì cú tai biến tim mạch lần thứ ba tháng 3/1923.
Stalin được cho là người kế tục chính sách bạo lực đã bắt đầu khi Lenin cầm quyền, theo Victor Sebestyen, tác giả Anh gốc Hungary.
Chủ nghĩa Lenin
Dù lấy cảm hứng từ lý tưởng cộng sản của Karl Marx và tư tưởng xã hội của Friederich Engels, chủ nghĩa do Lenin tạo ra cả về lý luận và trên thực tiễn được cho là "nhà nước toàn trị hiện đại đầu tiên", theo Bách khoa Toàn thư Anh, Britannica.
Theo nguồn này: "Vì điều kiện xã hội lạc hậu ở Nga không dẫn đến chủ nghĩa xã hội một cách tự nhiên, những người Bolshevik đã đem chủ nghĩa xã hội vào thực tế và áp dụng các biện pháp chuyên chế, độc đoán nhằm bẻ gãy sự phản kháng của người dân,"
"Vì thế, mọi mặt của cuộc sống kinh tế, xã hội, văn hóa, trí tuệ và sinh hoạt chính trị tại Liên Xô đều bị Đảng Cộng sản kiểm soát bằng cách hết sức chặt chẽ và mang tính trại lính, không chấp nhận bất cứ dấu hiệu đối lập nào."
"Xã hội xã hội chủ nghĩa được xây dựng bằng quyền lực độc đoán của quan chức Đảng Cộng sản và bộ máy quan liêu."
GETTY IMAGES
"Chủ nghĩa Marx và cả lý luận của Lenin ban đầu dự báo rằng cùng với thắng lợi của giai cấp vô sản, các cơ quan quyền lực của tầng lớp cầm quyền sẽ dần tiêu biến đi vì xung đột giai cấp chấm dứt.
Nhưng quyền lực cộng sản tại Liên Xô lại tăng lên rất nhiều và tập trung vào bộ máy nhà nước. Khủng bố được áp dụng không khoan nhượng và các suy tính nhân đạo hoặc tư tưởng cá nhân đều bị gạt đi.
Tính giai cấp của trí thức và cả sinh hoạt đạo đức bị điều chỉnh dẫn đến chỗ suy giảm các tiêu chuẩn Sự thật, Luân lý, Công lý."
BBC sẽ tiếp tục giới thiệu các bài nhắc lại Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 nhân năm kỷ niệm 2017.