06.07.2019

Cái Biết và cái Chấp -Như Nhiên- Thich Tánh Tuệ

Cái Biết và cái Chấp

Namo Sakya Muni Buddha

Thầy tôi là người cổ võ cả Kiến Thức lẫn Minh Triết.
 Khi được hỏi về điều đó, thầy trả lời:
- Kiến Thức có được bằng cách đọc sách hay lắng nghe
 các bài giảng thuyết.
 - Còn Minh Triết?
 - Bằng cách đọc một quyển sách.
 - Quyển sách nào?
 - Chính bản Tâm mình.
Kiến thức thì đưa đên quan điểm, chấp thủ, 
còn Minh Triết thì không.

 Có lẽ chúng ta ai cũng đều biết câu truyện người mù sờ voi. 
Một hôm có một vị vua ra lệnh cho người hầu mang một số 
những người bị mù từ thuở bé tụ họp lại ở một nơi. Sau đó vua
 cho sai đem một con voi đến để cho các người mù nhận diện.
 Người mù thứ nhất được sờ đầu của con voi, người mù thứ hai 
được sờ lỗ tai con voi, và rồi những người mù khác tuần tự được 
sờ vòi của voi, thân, ngà, chân và đuôi của nó. Sau đó vì vua hỏi,
 “Này các ông, các ông hãy nói cho ta nghe, con voi giống như 
thế nào?” Và mỗi người mù trả lời theo kinh nghiệm của chính
 mình: con voi giống như là một bình tưới nước, một cái đòn xóc, 
như một cây quạt, một cái thúng sàng thóc to, một cây cột, 
một cây chổi.
Câu truyện người mù sờ voi nầy muốn dạy ta điều gì? Phải 
chăng ý muốn nói rằng bất cứ một vấn đề nào cũng có nhiều 
khía cạnh khác nhau, mà cái biết của chúng ta thì chỉ giới hạn 
trong một kinh nghiệm rất hạn hẹp của mình? Hay là, cái thấy 
hoàn toàn tùy thuộc vào sự tiếp xúc và kinh nghiệm của 
mỗi người?

 Thật ra đó cũng là chuyện bình thường thôi, vì mỗi chúng ta 
cũng chỉ có thể biết được qua kinh nghiệm của chính mình, 
và nó thì rất giới hạn. Và vì thế, nếu như chúng ta có sự tranh 
luận với nhau, thì cũng là chuyện dĩ nhiên.
 Nhưng có lẽ truyện nầy muốn nhắc nhở rằng, vấn đề bắt đầu
 phát khởi khi chúng ta cho rằng chỉ có cái thấy của mình mới 
là đúng và là duy nhất. Và cái chấp ấy dẫn đến sự “đâm chém
 lẫn nhau bằng binh khí của miệng lưỡi”.

Vì vậy, gốc rễ của vấn đề không phải là do cái thấy của chúng 
ta có giới hạn, nhưng là vì chúng ta đã nắm bắt và cố chấp 
vào nó như thế nào. Câu tuyện trên không chỉ đơn giản nói rằng, 
bất cứ một việc gì cũng đều có nhiều phương diện khác nhau,
 nhưng còn muốn nhắc nhở chúng ta rằng chính vì sự nắm 
bắt và cố chấp của ta mà đã tạo nên đủ mọi thứ khổ đau cho 
nhau. Vì vậy, chúng ta hãy cứ cùng chia sẻ với nhau những 
cái thấy và kinh nghiệm của mình về một vấn đề nào đó, 
nhưng nhớ đừng bao giờ cho đó là Tôi, hoặc của Tôi, và rồi 
ta thấy rằng mình cần phải bảo vệ nó bằng mọi cách.

Có một truyện khác kể rằng, có lần Ma vương và Phật hóa 
thân ra hai người thường và cùng đi dạo với nhau trên đường. 
Cả hai thấy có một người đang đi phía trước. Anh ta đang đi 
bổng dừng lại và nhìn thấy một vật gì đó sáng lóng lánh dưới đất,
 anh cúi xuống nhặt vật ấy lên xem, lộ vẽ vui mừng và cất vào 
túi áo của mình. Phật quay sang hỏi Ma Vương:

 “Ông biết người ấy nhặt được cái gì đó không?” 
Ma Vương đáp, 
“Biết chứ, anh ta nhặt được một mảnh của chân lý.” 
Phật hỏi tiếp: 
“Thế ông không sợ là anh ta sẽ biết được chân lý sao?”
 “Tôi không sợ đâu Ngài, vì tôi biết rằng anh ta sẽ giữ gìn 
mảnh chân lý nhỏ bé ấy và cho đó là toàn thể chân lý!”

Con đường của Phật là để chuyển hóa khổ đau, và chính sự
 chấp trước của ta là nguyên nhân chánh của khổ đau. Mục đích
 của sự tu học là để giúp ta bớt đi những cái chấp ấy, có được 
một thái độ rộng mở và bao dung hơn. Nó giúp ta có được 
một cái thấy, cái nhìn rộng lớn hơn đối với cuộc sống này. 

Cái Tôi là cơn mộng
Một cơn mộng cuồng si
Ngày nào ''Tôi'' tan vỡ
Phật trong từng bước đi..
Như Nhiên- Thich Tánh Tuệ


Lặng Ngắm Phù Hư

Cái Tôi thường thấy tổn thương
Khi đời chê bai, xúc phạm
Mặc kệ, cứ để nó buồn!
Đừng trốn chạy, đừng đeo bám.. 

Những khi được người tán thán
Cái tôi sung sướng ngẩng đầu.
Biết- vui nào rồi cũng cạn
Bao làn sóng cả chìm sâu.. 

- Tổn thương hay niềm hạnh phúc..
Từng đợt sóng vùng biển dâu
Đến đi giữa miền tâm thức
Rồi mây theo nước qua cầu.. 

Hãy trả sóng về cho biển
Trả buồn lại bởi niềm vui.
Lặng ngắm dòng sông tĩnh tại
Mặc tình hoa rác nỗi trôi..

Đâu có cái '' Tôi giải thoát ''
Giải thoát chính : '' lìa cái tôi ''
Nhìn sâu vào lòng sinh, diệt...
Gặp lại bình yên muôn đời..
Như Nhiên-T Tánh Tuệ