13.04.2021

Chiến lược phát triển của Việt Nam Cộng Hòa 'vẫn còn nguyên giá trị' -Nguyễn Quang Duy-BBC

 Chiến lược phát triển của Việt Nam Cộng Hòa 'vẫn còn nguyên giá trị'

  • Nguyễn Quang Duy-BBC

  • Ngay từ khi thành lập ngày 26/10/1955, Việt Nam Cộng Hòa chọn con đường phát triển xã hội lấy con người (người dân) làm trọng tâm và tự chủ quốc gia làm mục tiêu chiến lược, nên đến nay vẫn còn nhiều ảnh hưởng để chúng ta tìm hiểu và học hỏi.

Tự cung tự chủ

Để có thể tự chủ về kinh tế, Chính phủ khuyến khích các nhà tư sản ngoại quốc, đa số là người Hoa có quốc tịch Trung Hoa Dân Quốc, trở thành công dân Việt Nam Cộng Hòa.

Với chủ trương kinh tế tự do, Chính phủ chỉ giữ một số hoạt động công ích, như điện, nước, hỏa xa, hàng không, còn hầu hết mọi hoạt động kinh tế đều để tư nhân vận hành.

Chợ Lớn
Chụp lại hình ảnh,

Chợ Lớn được biết đến như quận người Hoa

Đồng thời Chính phủ đề ra những chính sách khuyến khích phát triển công kỹ nghệ và ban hành luật pháp bảo đảm việc cạnh tranh của tư nhân thực sự công bằng và hợp pháp.

Nhiều công ty đã được thành lập và một số vẫn tồn tại đến nay (một số đã được đổi tên) như Sữa Ông Thọ, Sữa Foremost, Sữa bột SMA, Kem đánh răng Hynos, Xà bông Cô Ba, Dầu gió Nhị Thiên Đường, Cà Ri Ông Chà Và, Pin Con Ó, Sơn Nam Á, Giấy Đồng Nai, Bia Con Cọp, Bông gòn Bạch Tuyết, Giày Bata, Bia Larue 333, Phân bón Đầu trâu, Xe hơi Ladalat,…

Chính phủ còn thành lập các khu kỹ nghệ như Thủ Đức, Bình Dương, Long Bình, Biên Hòa, An Hòa, Nông Sơn,… hầu hết các khu kỹ nghệ này ngày nay vẫn được duy trì và phát triển.

Nhiều nhà máy được xây dựng như nhà máy xi măng Hà Tiên, nhà máy thủy điện Đa Nhim, nhà máy vải sợi Vinatexco Đà Nẵng, Vimytex Sài Gòn, Nhà máy thủy tinh, mỏ than Nông Sơn… hầu hết các nhà máy đến nay vẫn còn hoạt động.

Các hãng xưởng lớn đa số thuộc tư sản Việt gốc Hoa, còn các hãng xưởng gia công nhỏ có tính cách gia đình thì đa số do người Việt được mở ra khắp nơi và sản xuất hầu hết các mặt hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu trong nước.

Hữu sản hóa tự cường

Chủ trương của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa là "dân có giàu thì nước mới mạnh" nên ngay khi thành lập chính phủ đã đưa ra Chương trình Hữu sản hóa (dân tộc) tự cường, chương trình này thành công rõ rệt nhất trong ngành phục vụ chuyên chở công cộng.

Chính phủ cho nhập cảng các phương tiện phục vụ công cộng rồi bán trả góp cho tư nhân, nhờ thế các tài xế xe taxi, xe lam, xe buýt, xe tải đều có thể làm chủ các phương tiện phục vụ công cộng.

Cuối thập niên 1970 xe gắn máy Nhật Honda, Yamaha, Suzuki,… được cho phép nhập cảng với số lượng lớn chủ yếu làm phương tiện di chuyển cá nhân, nhưng một số được sử dụng chuyên chở công cộng được gọi là xe ôm.

Nhờ thế, hệ thống chuyên chở công cộng ở miền Nam vừa hết sức thuận tiện, lại thật rẻ tiền, tạo nhiều công ăn việc làm mà không bị nạn tư bản độc quyền.

Nhờ vậy Chính phủ không phải điều hành các dịch vụ chuyên chở công cộng vừa lãng phí ngân sách quốc gia lại vừa thiếu hiệu quả, riêng tại Úc, xe lửa, xe tram, xe buýt,… đều hoạt động dưới một phần mười khả năng phục vụ.

Cũng nhờ đó, Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa có điều kiện tài chánh để xây dựng và phát triển hạ tầng cơ sở, xây dựng đường xá, cầu cống, chợ búa,… thúc đẩy các hoạt động kinh tế, tạo thành một xã hội miền Nam luôn năng động và phát triển.

Các khu thị tứ, các cửa hiệu buôn sỉ, bán lẻ, khách sạn, tiệm ăn, các dịch vụ công cộng, được mở ra ở khắp nơi hết sức tiện lợi cho người tiêu thụ.

Sài Gòn

NGUỒN HÌNH ẢNH,AMERICAN STOCK ARCHIVE

Chụp lại hình ảnh,

Đường phố Sài Gòn trước 1975

Chính phủ cũng xây dựng thành công một hệ thống ngân hàng tín dụng gồm nhiều ngân hàng tư nhân có chi nhánh hoạt động trên toàn lãnh thổ miền Nam, và đã đóng góp vô cùng tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của miền Nam.

Người Cày Có Ruộng

Chương trình Cải cách Điền Địa ở miền Nam bắt đầu từ năm 1956 nhưng mãi đến năm 1973 mới hoàn tất, mọi nông dân miền Nam đều làm chủ mảnh ruộng miếng đất họ cày cấy hay trồng trọt.

Chính phủ mua ruộng đất của điền chủ rồi bán lại cho tá điền qua phương cách trả góp hay phát không cho nông dân.

Chính phủ cho xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, đưa cán bộ về xây dựng nông thôn, khuyến khích nghiên cứu và áp dụng phương pháp canh tác mới với kỹ thuật mới thúc đẩy gia tăng năng suất.

Nông dân được vay nhẹ lãi để đầu tư trang bị máy cày, được hướng dẫn sử dụng phân bón hóa học, cải tiến giống lúa, trồng lúa Thần Nông, mở trang trại nuôi gia súc, tăng gia sản xuất.

Đến năm 1974, sản lượng gạo sản xuất đã tăng đến 7.2 triệu tấn hướng tới việc xuất cảng, đời sống của nông dân được cải thiện một cách rõ ràng, khoảng chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị được cân bằng.

Số điền chủ có ruộng bị truất hữu được nhận các các khỏan bồi thường lớn cũng được chính phủ giúp đỡ sử dụng vốn kinh doanh các dịch vụ cơ khí nông nghiệp, dịch vụ lưu thông hàng hoá nông sản phẩm, dịch vụ chế biến thực phẩm nông sản, hướng đến việc xuất cảng bán thành phẩm nông nghiệp, giúp nền kỹ nghệ miền Nam khởi sắc đóng góp xây dựng nền kinh tế quốc gia.

Viện trợ Hoa Kỳ

Trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa (1956-63), viện trợ của cho miền Nam được ước tính chừng 10% GDP nhưng chủ yếu là viện trợ quân sự, giáo dục và y tế hơn là viện trợ về kinh tế.

Năm 1963 khi Chính phủ Hoa Kỳ đe dọa cắt viện trợ, Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã công khai ý định không muốn tiếp tục nhận viện trợ Hoa Kỳ, điều này cho thấy miền Nam đã có thể tự chủ về kinh tế.

Nhưng từ khi người Mỹ đổ quân vào miền Nam, chiến tranh càng ngày càng khốc liệt thì Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã phải phụ thuộc vào viện trợ quân sự của Hoa Kỳ.

18/4/1968: Thủy quân lục chiến Mỹ ở Khe Sanh

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

18/4/1968: Thủy quân lục chiến Mỹ ở Khe Sanh

Viện trợ Hoa Kỳ giúp tạo công ăn việc làm cho người miền Nam nhưng cũng tạo ra những ảnh hưởng xấu, như người Mỹ tiêu sài rộng rãi làm đồng tiền Việt Nam bị mất giá, tạo ra lạm phát ảnh hưởng đến đời sống của người dân và Chính phủ không thể thực hiện các chính sách vĩ mô một cách hiệu quả.

Đến khi Hoa Kỳ giảm viện trợ, rồi ngừng viện trợ, thì Việt Nam Cộng Hòa không còn khả năng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Phát triển giáo dục

Nhờ viện trợ Hoa Kỳ học sinh miền Nam đều có thể học hết bậc tiểu học hoàn toàn miễn phí, sách giáo khoa được nhà trường cung cấp, lại còn được ăn bánh mì, uống sữa vào giữa buổi học.

Nhưng người Mỹ chỉ giúp miền Nam về vật chất còn về mặt tinh thần, đạo đức và trí tuệ thì nhờ vào triết lý nhân bản, dân tộc, khai phóng và vào sự cống hiến của các thầy cô mới có được một nền giáo dục tốt nhất trong lịch sử Việt Nam.

Bởi thế bà cựu Chủ tịch Quốc hội cộng sản Nguyễn Thị Kim Ngân ngày 12/9/2018, phải thừa nhận kiến thức về sử ký và địa lý mà bà đã học từ thời Việt Nam Cộng Hòa nay vẫn nhớ không quên điều gì, bà Ngân biểu lộ lòng luyến tiếc vì giờ đây trẻ em học hành khổ sở, nhưng sử ký và địa lý nước nhà hầu hết đều không biết.

Về lâu dài giáo dục là nền tảng cho việc phát triển xã hội, điều đó đủ chứng minh Việt Nam Cộng Hòa đã xây dựng được viễn kiến phát triển quốc gia là một di sản đáng quý hậu sinh cần tìm tòi và học hỏi.

Đánh giá tổng quát

Dưới thể chế Việt Nam Cộng Hòa, người dân không chỉ bình đẳng về chính trị mà còn có cơ hội bình đẳng về kinh tế, nên mặc dù chiến tranh khoảng chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa những người ở thành thị với nhau không mấy khác biệt.

VN

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Văn hóa VNCH nay còn được duy trì ở các cộng đồng tỵ nạn tại Hoa Kỳ, Canada, Úc và một số nước khác

Tôi lớn lên trong khu Bàn Cờ, một khu lao động tại thủ đô Sài Gòn nên có thể thấy đời sống của bác Tư chạy xích lô chỉ cần vài cuốc chạy là đủ sống, của bác Hai có thùng xe kem (cà rem) đẩy bán quanh khu vực là đã đủ tiền để nuôi sống gia đình, bác thợ hớt tóc cũng đủ tiền nuôi con ăn học thành tài.

Đa số gia đình ở miền Nam (kể cả gia đình tôi) chỉ người cha làm việc nuôi sống gia đình, còn người mẹ ở nhà chăm sóc con cái.

Nhờ cuộc sống tương đối đầy đủ và thoải mái, những người lao động đã không bị cộng sản tuyên truyền ảnh hưởng, nên Tết Mậu Thân 1968 khi cộng sản tấn công vào thủ đô Sài Gòn và các thành phố ở miền Nam đã không được dân chúng ủng hộ như họ kỳ vọng.

Ngược lại, người dân còn đứng về phía Chính phủ, bởi thế mới có những đoàn người miền Nam chạy trốn cộng sản hay cảnh thuyền nhân vượt biển được báo chí ví như những cuộc bỏ phiếu bằng chân.

Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao công Việt Nam đưa ra chính sách dung hòa quyền lợi giữa chủ và thợ, vì thế cộng sản không thể lợi dụng giới thợ thuyền tổ chức những cuộc biểu tình hay đình công gây bất ổn chính trị.

Trong khi miền Nam có hai mục tiêu phải thực hiện là bảo vệ chủ quyền đất nước và phát triển xã hội thì miền Bắc lại tập trung toàn lực để "giải phóng" miền Nam.

Nhưng Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã thực hiện được một phần của mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội nên cộng sản miền Nam đã không thể nổi dậy cướp chính quyền mà phải dựa vào quân đội chính quy Bắc Việt vượt vĩ tuyến 17 thực hiện việc "giải phóng" miền Nam vào ngày 30/4/1975.

Cần đổi mới lần 2

Đảng Cộng sản đã tiếp thu trọn vẹn hạ tầng cơ sở công nghệ kỹ thuật, cả khối chuyên viên và các doanh nhân miền Nam. Nhưng đáng tiếc, vì quá say sưa với chiến thắng và cuồng nhiệt với chủ nghĩa cộng sản mà họ nhanh chóng đưa cả nước vào đường đói kém và lạc hậu.

Năm 1986, khi Liên Xô cắt viện trợ kinh tế, Đảng Cộng sản phải mời gọi tư bản ngoại quốc đầu tư khai thác nhân công rẻ và thị trường Việt Nam, nhưng hệ thống chính trị vẫn chưa thay đổi.

Công nhân và nông dân - hai thành phần chiếm đa số dân chúng Việt Nam - đến nay làm vẫn không đủ sống, tình trạng giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các thành phần xã hội càng ngày càng chênh lệch.

Tôi vừa đọc một bản tin là vào ngày 12/4/2021 tại cửa hàng M.P đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM, khoai lang tím nhập cảng từ Úc có giá niêm yết là 350.000 đồng/kg, có nơi còn bán tới 400.000 đồng/kg, cùng ngày giá khoai lang Nhật trồng tại Việt Nam chỉ chừng 10.000 đồng/kg.

Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp nhưng nhiều mặt hàng nông sản phải nhập cảng đã là một điều đáng quan tâm, giá cả các mặt hàng được nhập cảng gấp vài chục lần giá hàng nội địa còn cho thấy tình trạng chênh lệch giàu nghèo và mất niềm tin vào phẩm chất của nông sản nội địa đã đến mức không thể hiểu nổi.

Gần đây lại dấy lên những đòi hỏi Đảng Cộng sản phải "đổi mới (chính trị) không thì chết", nhưng đổi mới chính trị chỉ là điều kiện cần, quay lại với nền kinh tế phục vụ người dân, của người dân và do người dân quản trị, như thời Việt Nam Cộng Hòa mới là điều kiện đủ để dân giàu, nước mạnh không lệ thuộc kinh tế ngoại bang.

Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Quang Duy từ Melbourne, Australia. Mời quý vị gửi bài về vietnamese@bbc.co.uk chia sẻ các cảm nghĩ nhân dịp 30/04 hàng năm.

  • Trong thời thuộc địa, người Pháp tập trung xây dựng kỹ nghệ ở miền Bắc Việt Nam. Cho nên ngay khi thành lập chính phủ, Việt Nam Cộng Hòa đã hướng đến phát triển kỹ nghệ nhẹ và kỹ nghệ tiêu dùng phục vụ nhu cầu quốc nội.