Hoa Kỳ và Âu Châu cảnh báo về việc Trung Quốc đặt ra tiêu chuẩn cho AI
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Hoa Kỳ và Âu Châu gần đây đã luận bàn về cách các nền dân chủ, thay vì một chế độ toàn trị như Trung Cộng, cần phải đặt ra các quy tắc cho trí tuệ nhân tạo (AI).
“Chúng ta không thể để Trung Quốc viết ra những quy tắc cho AI,” Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh Công nghệ Mới nổi Toàn cầu ở Hoa Thịnh Đốn hôm 13/07. Sự kiện này do Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ Nhân tạo (NSCAI) tổ chức.
Thay vào đó, các quy tắc này cần phải do Hoa Kỳ và các đồng minh cùng chí hướng viết ra, bà Raimondo nói.
Bà nói, “Điều quan trọng là AI được phát triển và kiểm soát theo cách phù hợp với các giá trị dân chủ của chúng ta về tự do và cởi mở, bảo vệ tài sản trí tuệ, tôn trọng quyền con người và tôn trọng quyền riêng tư.”
Cùng tham dự hội nghị còn có Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.
Ngoại trưởng Blinken đã chỉ ra sự khác biệt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc: Hoa Kỳ thì đặt “các quyền phổ quát và các giá trị dân chủ” làm trung tâm của mọi sáng kiến, còn Trung Quốc thì không có sự “phân biệt giữa các ứng dụng dân sự và quân sự” liên quan đến các công nghệ mới nổi như AI.
“Vì vậy, chúng ta phải suy nghĩ khác đi về cách bảo vệ các sáng kiến và các ngành công nghiệp của chúng ta để chống lại kiểu lạm dụng đó,” ông nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Austin nói rằng AI sẽ là công cụ chủ chốt đối với ưu thế quân sự của Hoa Kỳ trong tương lai, trong các lĩnh vực như quyết định dựa trên dữ liệu cũng như hợp tác giữa con người và máy móc. Nhưng ông lưu ý rằng Hoa Kỳ sẽ có cách tiếp cận khác với Trung Quốc trong việc phát triển AI.
Ông Austin nói: “Trong lĩnh vực AI, cũng như nhiều lĩnh vực khác, chúng ta hiểu rằng Trung Quốc là thách thức về tốc độ đối với chúng ta. Chúng ta sẽ cạnh tranh để giành chiến thắng, nhưng chúng ta sẽ làm điều đó một cách đúng đắn. Chúng ta sẽ không đi đường tắt trong các vấn đề về an toàn, bảo mật hoặc đạo đức.”
“Lĩnh vực AI sẽ làm thay đổi nhiều điều trong hoạt động quân sự, nhưng sẽ không có gì thay đổi được cam kết của Hoa Kỳ đối với luật chiến tranh và các nguyên tắc về nền dân chủ của chúng ta.”
Trong những năm gần đây, Trung Cộng đã nhiều lần xác định trí tuệ nhân tạo là một trong những ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển của Trung Quốc. Năm 2015, AI là một trong những ngành công nghiệp chủ chốt được vạch ra trong lộ trình công nghiệp của họ, được gọi là “Made in China 2025”.
Năm 2017, Trung Quốc đã khai triển “Phát triển Trí tuệ Nhân tạo Thế hệ Mới” – một lộ trình đặt ra các mục tiêu chiến lược cho đến năm 2020, 2025, và 2030. Lộ trình này kêu gọi những đột phá lớn trong các lý thuyết về AI, chẳng hạn như trí tuệ big data và trí tuệ lai tạo giữa người và máy, trước khi biến Trung Quốc thành cường quốc đổi mới AI đến năm 2030.
Lộ trình năm 2017 cũng lưu ý rằng điều quan trọng là phải tăng cường hợp tác giữa khu vực tư nhân và quân đội Trung Quốc để thúc đẩy sự tiến bộ trong AI của Trung Quốc.
Sự hợp tác hai chiều của Trung Quốc, được gọi là chiến lược “hợp nhất quân sự–dân sự,” đã bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ trích là gây rủi ro lớn đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, do chiến lược này tận dụng hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ để “đạt được sự thống trị về mặt quân sự.”
Hai lãnh đạo Âu Châu tham dự hội nghị thượng đỉnh này cũng cảnh giác với [viễn cảnh] Trung Quốc sẽ vươn lên hàng đầu trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về AI.
Bà Margrethe Vestager, phó chủ tịch điều hành của Ủy ban Âu Châu cho biết, “Giống như ở Trung Quốc, AI có thể bị lạm dụng để giám sát hàng loạt hoặc kiểm soát xã hội.”
Bà Vestager cho biết điều quan trọng là “các nền dân chủ gắn bó với nhau để xây dựng một tầm nhìn kỹ thuật số tích cực” và lưu ý rằng Hội đồng Thương mại và Công nghệ Hoa Kỳ–EU được thành lập mới đây là một “bước quan trọng”.
Hội đồng được thành lập hồi tháng Sáu này là diễn đàn để hai bên sát cánh cùng nhau trong các vấn đề kinh tế và công nghệ, bao gồm cả hợp tác chung về các tiêu chuẩn công nghệ AI.
Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoană cho biết Nga và Trung Quốc đã “theo đuổi sự phát triển và ứng dụng AI với tốc độ nhanh chóng, mà chẳng quan tâm nhiều đến quyền con người và dữ liệu riêng tư.”
Tháng 10/2019, bốn công ty công nghệ AI của Trung Quốc – iFlyTek, Megvii, SenseTime, và Yitu – đã bị thêm vào danh sách đen thương mại của Hoa Kỳ, vì đã góp phần trong việc Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở vùng viễn tây Tân Cương của Trung Quốc.