Học hành là việc quan trọng nhất
Trong loạt bài nghiên cứu „Điều gì làm cho thông minh?“ đăng
trên tạp chí Die Zeit. Đây là bài thứ ba về Ảnh hưởng của văn hóa (gốc) vào sự thành
công trong việc học hành (Die Zeit số 24 ngày 11.06.2015).
Học sinh người Việt tại các trường Đức đạt năng lực học tốt đẹp,
nhà nghiên cứu về giáo dục Andreas Helmke giải thích tại sao như thế.
Tạp
chí Die Zeit (ZEIT):
Học sinh xuất thân từ các gia đình người Việt đạt kết quả tốt nhất tại các trường
Đức, học sinh người Thổ Nhĩ Kỳ lại tệ nhất. Ông có thể giải thích được điều này
không?
Andreas
Helmke (HELMKE): Nói về nhóm học sinh người Việt thì tôi
ít nhất cũng chẳng ngạc nhiên gì. Bởi vì nhóm học sinh gốc Á châu tại Hoa Kỳ
cũng đạt được thành quả học hành như vậy. Lý do quan trọng nhất của sự thành
công này có thể nói là theo truyền thống của các gia đình người Việt đã đánh giá rất cao giáo
dục và năng lực học hành.
ZEIT:
Làm thế nào người ta có thể nhận thấy khuynh hướng giáo dục này trong cuộc sống
gia đình hàng ngày?
HELMKE:
Các ông bố bà mẹ người Việt thường chịu đầu tư rất nhiều cho việc học hành, chẳng
hạn như họ cho con theo học các khóa học thêm, học kèm hoặc vào trường hướng dẫn
trẻ buổi chiều (Kita). Ngay cả khi họ không được khá giả lắm, họ cũng cố gắng
đóng tiền cho con theo học âm nhạc hoặc mua máy vi tính computer. Ở tại Việt
Nam tôi thường thấy rằng, khi trẻ từ trường về nhà, chúng luôn có được một chỗ
tốt nhất, yên tĩnh nhất để học. Các thành viên khác trong gia đình thường tránh
đi chỗ khác. Những việc làm tầm thường khác như đi chợ, dọn rác, rửa chén thì
trẻ không phải làm. Học hành là việc quan trọng nhất.
ZEIT:
Tất cả những ông bố bà mẹ người Việt đều như vậy sao?
HELMKE:
Thường thì như vậy. Các gia đình có thể nói là ganh đua với nhau, xem điểm học
bạ của con cái mình tốt cỡ nào. Trong tiếng Đức lời chào nhau là „Một ngày tốt đẹp - Guten Tag“, tiếng Thổ
Nhĩ Kỳ là „Chào - Merhaba“, còn tiếng Việt thì các cha mẹ gặp
nhau thường hỏi thăm „Sao, các cháu dạo
này học hành thế nào rồi?“
ZEIT:
Các bậc cha mẹ làm sao mà biết được con mình học giỏi cỡ nào?
HELMKE:
Ở Việt Nam các vị phụ huynh có thể xem trực tiếp trên mạng để biết điểm, thứ hạng
của con cái mình trong các môn học. Ở Đức
tuy điều này không được nhưng các vị phụ huynh cũng biết điểm của con mình và
biết rất rõ ràng, khi nào thì đến kỳ con mình làm bài kiểm.
ZEIT:
Có lời giải thích nào theo ý nghĩa văn hóa cho sự đặt nặng đặc biệt về năng lực học hành không?
HELMKE:
Việt Nam, cũng như Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn và Tân Gia Ba, chịu ảnh hưởng của
tư tưởng Khổng Mạnh cho tới ngày hôm nay, bất kể là họ đang sống ở đâu, Việt
Nam, Hoa Kỳ hay Đức Quốc. Theo lối suy nghĩ này thì không những học hành đóng một
vai trò chính, mà ngay cả sự kính trọng người lớn tuổi, đặc biệt là các vị thầy
cô hoặc cha mẹ. Trẻ gần như là có nhiệm vụ phải mang điểm tốt về trình.
ZEIT:
Điểm môn tiếng Đức của nhóm học sinh người Việt lại tốt hơn là điểm của học
sinh người Đức.
HELMKE:
Đó là điều đáng nói, bởi vì trong nhiều gia đình người Việt sống nhập cư, bố mẹ
chỉ nói chuyện với con cái bằng tiếng Việt chứ không phải bằng tiếng Đức. Về
môn toán thì còn đáng nói hơn nữa: Học sinh người Việt thuộc hạng xuất sắc.
Cách đây vài năm, chúng tôi đã làm một cuộc nghiên cứu về khả năng làm tính của
học sinh tiểu học Việt Nam và Đức rồi so sánh với nhau. Học sinh Việt Nam đã
hơn xa học sinh Đức trạc tuổi ở Bayern.
ZEIT:
Bất chấp điều kiện học hành khó khăn?
HELMKE:
Trường học tại Việt Nam trang bị yếu kém, một lớp học thường có đến 50 học sinh
nam nữ. Nhưng ngay cả những câu hỏi đòi hỏi kiến thức toán sâu rộng, các học
sinh ở Hà Nội vẫn đạt được kết quả tốt hơn. Điều này đi ngược lại với thành kiến
cho rằng ở Á châu, học sinh chỉ học thuộc lòng mà thôi.
ZEIT:
Nhà nghiên cứu về học hành người Tân Tây Lan, John Hartie cho rằng điều kiện về
tài chánh của một ngôi trường và sự đông đúc học sinh trong một lớp học chẳng
đóng vai trò quan trọng nào cả.
HELMKE:
Điều này thì ông ta nói đúng đấy. Những điều kiện thuộc về bề ngoài ấy không
quan trọng bằng sự bền bỉ, chuyên tâm trong lúc học, hoặc là sự chú tâm trong
giờ giảng bài và coi việc làm bài tập ở nhà là cần thiết.
ZEIT:
Có phải học sinh người Việt mang một thứ gen di truyền về toán học trong người
không?
HELMKE:
Cái đó thì không có bằng chứng gì cả. Có vẻ như văn hóa đóng một vai trò thiết
yếu hơn. Tại Việt Nam toán là môn học chủ yếu. Ai giỏi toán thì được coi trọng.
Chẳng có ai dám nói là mình thật sự chẳng vững vàng chút nào về toán cả, điều
mà ở Đức người ta vẫn thường nghe nói.
ZEIT:
Kết quả học hành tốt đẹp của học sinh Việt Nam có khiến chúng ta phải đánh dấu
hỏi về sự chính xác của những lý lẽ mang đến thành công trong học hành của nhóm
trẻ gốc gác nhập cư không? Người ta vẫn cho là các bậc cha mẹ ngoại quốc phải sống
hội nhập tốt đẹp và ở nhà cần phải nói chuyện bằng tiếng Đức.
HELMKE:
Ít nhất thì điều đó cho thấy không thể mang ra so sánh chung cho tất cả các
nhóm người ngoại quốc nhập cư được. Đã có một cuộc nghiên cứu của 2 vị đồng
nghiệp là Nauck và Gogolin, trong đó có hơn 1500 bà mẹ gốc người Thổ, Việt và Đức
đã được mang ra so sánh với nhau. Kết quả
cho thấy là hai nhóm người nhập cư bề ngoài trông khá giống nhau. Họ cùng có
thu nhập thấp, nói tiếng Đức kém và ở nhà họ có rất ít sách vở. Tuy nhiên số lượng
trẻ Việt vào được trung học phổ thông (Gymnasium) thì lại cao hơn gấp đôi số lượng
trẻ Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu như người ta dùng các mẫu mực thông dụng trong các cuộc bàn
thảo về hội nhập để suy xét thì sẽ thấy là kết quả hoàn toàn khác hẳn với sự trông
đợi.
ZEIT:
Điều đó có nghĩa là đối với người ngoại quốc nhập cư có cùng đặc tính tương tự
với nhau thì tùy theo nguồn gốc văn hoá của họ mà sẽ dẫn đến những kết quả hoàn
toàn khác nhau hay sao?
HELMKE:
Giả thuyết đó đáng tin cậy đấy. Đối với những gia đình gốc Thổ Nhĩ Kỳ thì sự hội
nhập tốt đẹp sẽ có lợi điểm cho con cái học hành; còn đối với nhóm trẻ Việt thì
sẽ có được thêm nhiều thành công trong học hành nếu như gia đình chúng càng biết
gìn giữ nguồn cội. Cũng khá hấp dẫn cho chúng ta để tìm hiểu thêm xem nhóm học
sinh người Việt có cha mẹ sính học thức sẽ tiếp nhận được quan điểm của bố mẹ
chúng đến mức độ nào.
ZEIT:
Có nghiên cứu nào về điều đó không?
HELMKE:
Rất tiếc là kết quả không thuận lợi cho Đức. Chính chúng tôi cũng đã từng so
sánh quan niệm về học hành của sinh viên Việt Nam và Đức với nhau. Qua đó chúng
tôi nhận thấy là sinh viên Việt Nam chịu khó bỏ nhiều thì giờ để chuẩn bị bài vở,
trước và sau mỗi học kỳ. Nếu hỏi họ rằng điều gì quan trọng nhất trong đời sống,
câu trả lời sẽ là việc học đại học và gia đình là trên hết. Sinh viên Đức thì
trả lời là tình đôi lứa sống chung và thì giờ nhàn rảnh là quan trọng nhất.
ZEIT:
Ý tưởng về năng khiếu đóng vai trò gì trong nền văn hóa Việt Nam?
HELMKE:
Điểm này là then chốt. Các bậc cha mẹ người Đức và theo tôi biết thì cả cha mẹ
người Thổ nữa, sẽ biện hộ cho năng lực yếu đuối bằng sự kiện kém năng khiếu. Đối
với người Việt Nam – và cả các người Hoa, Đại Hàn hay Nhật Bản, thì khác hẳn.
Điều này đã được những hai nhà nghiên cứu
Hoa Kỳ là Stevenson và Stigler trình bày bằng kết quả những cuộc nghiên cứu quy
mô so sánh các nền văn hóa. Qua đó thì đối với các nền văn hoá ở Á châu năng
khiếu là điều kiện cho thành công trong học tập chỉ đóng một vai trò không đáng
kể. Quan điểm của họ là ai cũng có thể đạt đến thành công nếu gắng sức đúng mức.
ZEIT:
Rồi nếu trẻ thất bại?
HELMKE:
Đó là mặt trái của sự việc: Những trẻ Việt Nam nếu không có năng khiếu di truyền
thì sẽ gặp khó khăn rất nhiều. Vì câu nói để bào chữa: „Tôi không có năng khiếu“,
sẽ không được chấp nhận. Cha mẹ của đứa trẻ học hành ì ạch sẽ bị mất mặt.
ZEIT:
Ông đã nhấn mạnh đến sự trông mong về học vấn của bậc cha mẹ người Việt. Còn
các vị phụ huynh người Thổ Nhĩ Kỳ, họ không trông mong gì nơi học đường sao?
HELMKE:
Câu hỏi hay lắm, vì nói về sự thành công trong học vấn của trẻ em Thổ thì còn
thiếu sót thông tin nhiều lắm. Cũng như hầu hết các bậc cha mẹ thuộc nhóm ngoại
quốc nhập cư thì kỳ vọng của các vị phụ huynh Thổ về học hành của con cái cũng
hơn mức bình thường. Ngày nay thì trẻ gốc nhập cư có khả năng tương đương vào
trường trung học phổ thông có thể còn nhiều hơn trẻ Đức nữa.
ZEIT:
Điều này có đúng với học sinh người Thổ Nhĩ Kỳ không?
HELMKE:
Đúng vậy, số lượng học sinh người Thổ theo học trường trung học phổ thông, trai
cũng như gái, đã gần gấp đôi trong vòng hai mươi năm qua. Tôi đã dạy hàng loạt
lớp bổ túc tại các trường tư nhân Đức Thổ. Tôi đã gần như nhìn nhận được sức
hăng say học tập y như người Việt Nam. Nó đã gây ấn tượng cho tôi về điều kiện
học hành tại các trường này, mà các vị phụ huynh đã mang đến cho trường, cả về
vật chất và ý tưởng.
ZEIT:
Nhân tiện nói về phụ huynh và học đường: Quan điểm về học đường của họ có khác
nhau không?
HELMKE:
Về việc này thì có một cuộc nghiên cứu của Aladin El-Mafaalani, ông ta phỏng vấn
các vị phụ huynh gốc người Việt và người Thổ. Cha mẹ Thổ thì trông cậy hẳn vào
học đường. Đối với họ thầy cô là những người chuyên môn, có khả năng dậy dỗ và
giáo dục con em của họ. Cha mẹ Việt thì cảm thấy có cùng bổn phận với học đường
về sự học tập thành đạt của con cái mình. Họ tự xem mình là thầy cô phụ, trong
khi đó thầy cô chính là người hướng dẫn. Quả đúng như lời một bài hát tiếng Việt
rất phổ thông mà người Việt nào cũng biết, kể cả người Việt sống ở Đức: „Ở nhà mẹ là cô giáo. Trong trường cô giáo là
mẹ“.
ZEIT:
Dưới cái nhìn của các thầy cô Đức, mà thường vẫn trông đợi bậc cha mẹ giúp con
cái mình trong việc làm bài tập ở nhà, gặp khó khăn thì cho học thêm, thì cách
hành xử của các vị phụ huynh người Việt thuận lợi cho nhà trường hơn là người
Thổ Nhĩ Kỳ.
HELMKE:
Điều này cũng đúng với cách hành xử của hầu hết học sinh người Việt. Họ thường
được xem là chịu học, ngoan ngoãn; làm bài tập đàng hoàng và không quậy phá
trong giờ học.
ZEIT:
Có thể coi đó là bức tranh ngược lại với bọn học sinh phá phách người Thổ.
HELMKE:
Một số các thầy cô thì cho là như thế. Cũng thật lý thú cho chúng ta biết được,
tính tình chăm chỉ, biết khu xử hợp lý của học sinh Việt Nam có giúp được gì cho
họ mai sau hay không. Họ có tìm được nghề nghiệp tốt, công danh thăng tiến theo
con đường của họ trong xã hội của chúng ta hay không.
ZEIT:
Ông còn có điều gì nghi ngờ sao?
HELMKE:
Đến bây giờ chúng tôi vẫn còn thiếu những nhận định đáng tin cậy của những chương
trình nghiên cứu dài hạn. Tuy nhiên ai cũng biết rõ là điểm tốt trong các môn toán,
tiếng Đức hoặc tiếng Anh cũng chưa đủ để đạt thành công trong đại học hay nghề
nghiệp. Còn sáng kiến, óc suy xét, khả năng làm việc tập thể nữa. Tại các quốc
gia Đông Á ngày nay, người ta cũng nhận thấy có sự thay đổi về quan điểm. Hệ thống
học hành quá cứng nhắc theo kiểu học để biết đã bị lên tiếng phê phán; phải giảm
bớt việc đòi hỏi nơi học sinh quá mức. Trong nhóm sinh viên Việt Nam, người ta
cũng đã nghe được những lời tương tự như vậy.
MARTIN
SPIEWAK (người đặt câu hỏi)
ANDREAS
HELMKE: Chuyên gia ngành tâm lý phát triển đã về hưu và nhà
nghiên cứu về giáo dục bằng thực nghiệm. Cùng với người vợ gốc Việt Nam ông cố
vần về các vấn đề giáo dục tại Việt Nam.
Tỷ
lệ học sinh tiểu học được vào trường trung học phổ thông (Gymnasium) tại Đức: Học
sinh bản xứ: 35,8% – Học sinh gốc Thổ Nhĩ Kỳ: 18,3% - Học sinh gốc Việt: 58,0%.
Đối
với sinh viên Việt, việc học đại học và gia đình là quan trọng nhất. Ngược lại
với sinh viên Đức thì tình bạn đôi lứa và thời gian rảnh rỗi là trên hết.
Die
Zeit Nr. 24 (11.06.2015)