31.08.2015

Nhân dân tệ (đồng Yuan) và tham vọng của Trung cộng

Nhân dân tệ (đồng Yuan) và tham vọng của Trung cộng

Trung cộng đang nỗ lực đưa nhân dân tệ trở thành đồng tiền mạnh trên thế giới bằng nhiều hình thức khác nhau.

Những diễn biến quan trọng trong cuộc “vạn lý trường chinh” của nhân dân tệ – Đồ họa: Ngô Minh Trí

Cách đây vài tháng, theo thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Trung cộng đã chính thức vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thế nhưng, trớ trêu thay, nhân dân tệ (NDT) vẫn chưa nằm trong rổ tiền tệ quốc tế. Như vậy, NDT vẫn nằm ở “chiếu dưới”. Đây quả thực là một “trái đắng” cho Bắc Kinh, bởi từ khi kinh tế trỗi dậy, Trung cộng đã bắt đầu nỗ lực cho hành trình đưa NDT lên nhóm “chiếu trên”.


Cuộc “vạn lý trường chinh” thông qua Hồng Kông

Theo tài liệu của Cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông, từ năm 2003, Bắc Kinh đã bắt đầu kế hoạch quốc tế hóa NDT. Theo một nguyên tắc cơ bản, nước nào muốn quốc tế hóa nội tệ thì tất nhiên phải làm sao thúc đẩy tiền tệ nước mình được giao thương rộng rãi trên thế giới, càng phổ biến thì vị thế càng lớn. Và Trung cộng đã thực sự tiến hành cuộc “vạn lý trường chinh” với nhiều biện pháp khác nhau.

Đầu tiên là phát hành trái phiếu bằng NDT ra quốc tế. Tất nhiên, Bắc Kinh không bỏ qua “cửa ngõ” Hồng Kông vốn dĩ là một nền kinh tế tự do, có thị trường tài chính đóng vai trò quan trọng của châu Á. Chính vì thế, năm 2007, Hồng Kông trở thành nơi Bắc Kinh phát hành trái phiếu quốc tế NDT đầu tiên. Lần phát hành này lên đến gần 660 triệu USD, được thực hiện bởi Ngân hàng Phát triển Trung cộng (CDB). Chưa dừng lại ở đó, Bắc Kinh dần mở rộng khi cho phép các định chế tài chính Hồng Kông thực hiện phát hành trái phiếu quốc tế NDT. Việc thanh toán bằng NDT cũng tăng nhanh tại Hồng Kông, với mức tăng trưởng trung bình lên đến 60% mỗi năm. Nếu thanh toán bằng NDT tại Hồng Kông đạt chưa đến 1.000 tỉ NDT năm 2010 thì đến năm 2014 là 6.300 tỉ NDT. Kèm theo đó, Trung cộng mở rộng cho phép nhiều địa phương dùng NDT để giao dịch khi xuất nhập khẩu. Ví dụ từ năm 2008, tỉnh Vân Nam được thanh toán bằng NDT với các nước Đông Nam Á.

Không chỉ thông qua cấp địa phương, Trung cộng còn bắt đầu tiến hành ký kết nhiều thỏa thuận thanh toán tiền tệ trực tiếp với nhiều nước. Từ năm 2009 đến nay, Trung cộng đã đạt thỏa thuận như thế với nhiều nước như: Nga, Hàn Quốc, Nhật, New Zealand, Malaysia, Indonesia, Belarus, Argentina, Iceland, Singapore…

Bên cạnh đó, năm 2011, Hồng Kông lại tiếp tục khẳng định vai trò cửa ngõ khi trở thành nơi Trung cộng thí điểm cho phép các quỹ đầu tư bằng NDT được hình thành để đầu tư trực tiếp vào Trung cộng đại lục. Đến nay, các doanh nghiệp nước ngoài cũng dần được phát hành trái phiếu bằng NDT.
Về mặt vận động hành lang, năm 2009, Bắc Kinh đã thành công trong việc đưa ông Chu Dân, từng giữ chức Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, vào vị trí Phó tổng giám đốc IMF. Bên cạnh đó, Trung cộng cùng các thành viên còn lại trong nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) hình thành nên Ngân hàng Phát triển Mới để cạnh tranh với IMF.

Nửa nạc nửa mỡ

Thế nhưng, dù một mặt đẩy mạnh giao thương NDT trên thị trường quốc tế, nhưng Trung cộng vẫn muốn giữ NDT ở mức giá thấp để đảm bảo phát triển kinh tế, vốn lệ thuộc mạnh mẽ vào xuất khẩu. Từ trước năm 2010, vấn đề tỷ giá NDT trở thành một trong những “đá tảng” trong quan hệ Mỹ – Trung, bởi Washington luôn yêu cầu Bắc Kinh phải thả nổi NDT theo thị trường. Mỹ cho rằng đó là giải pháp để đồng NDT được định giá đúng, tức sẽ cao hơn tỷ giá mà Trung cộng đang giữ cố định. Có như thế, cán cân thương mại hai bên mới được giải quyết, khi Washington liên tục nằm trong thế nhập siêu với Trung Quốc.

Không riêng gì Mỹ, mà ngay cả một số nước châu Âu cũng nhiều lần lên tiếng tình trạng NDT bị định giá thấp. Việc định giá thấp NDT bị cho là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Cũng chính vì thế, NDT chưa đủ tiêu chuẩn nằm trong rổ tiền tệ quốc tế. Đáp lại, trong suốt nhiều năm qua, mỗi khi tranh cãi lên đến căng thẳng thì Bắc Kinh mới nhấn nhá, xuống nước để mở rộng biên độ giao dịch và để NDT tăng giá chút ít nhằm xoa dịu các bên. Điển hình như giữa năm 2010, sau gần 2 năm bị Mỹ chỉ trích quyết liệt, thì Trung cộng mới hứa cải cách tỷ giá NDT, và tăng chút ít. Tuy nhiên, đến đầu tháng 8 này, việc Bắc Kinh phá giá NDT khiến tỷ giá tiền tệ này gần như chẳng thay đổi gì đáng kể trong suốt nhiều năm qua.

Rổ tiền tệ thế giới (SDR)

Được hình thành từ năm 1969 nhằm hỗ trợ Hệ thống Bretton Wood (tỷ giá hối đoái cố định giữa đồng tiền của một số nước với USD được neo theo vàng), rổ tiền tệ quốc tế (được dịch đầy đủ là Quyền rút vốn đặc biệt – SDR) sẽ quy định các loại tiền tạm hiểu là được dùng trong dự trữ ngoại tệ. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) quyết định loại tiền tệ nào được nằm trong SDR dựa trên nhiều tiêu chí như quy mô nền kinh tế quốc gia, dự trữ quốc gia…
Cứ mỗi 5 năm, IMF lại công bố danh sách các tiền tệ trong SDR và tỷ lệ của từng loại tiền tệ trong SDR. Trước năm 1999, khi chưa có tiền euro, thì USD, mark (Đức), franc (Pháp), yen (Nhật) và bảng (Anh) nằm trong SDR. Từ sau năm 1999, khi euro ra đời, mark và franc được thay thế bằng euro.
Những năm gần đây, giữa sự trỗi dậy của nhiều nền kinh tế, không ít ý kiến kêu gọi IMF cần đa dạng hóa SDR và giảm bớt tỷ lệ của USD khi USD hầu như luôn chiếm từ 40% trở lên và bỏ xa các loại tiền tệ khác trong SDR.

Giữa bối cảnh đó, thông qua nỗ lực đẩy mạnh vị thế quốc tế của NDT, Trung cộng nhiều lần thể hiện rõ ý định muốn trở thành một phần trong SDR. Thế nhưng, ngày 19.8, tờ The Wall Street Journal đưa tin IMF thể hiện thông điệp chưa “kết nạp” NDT vào SDR, khi ban điều hành IMF thông qua quyết định mở rộng thời gian hiệu lực của 4 loại tiền tệ hiện tại (USD, euro, yen, bảng) đến tháng 9.2016. Điều đó đồng nghĩa với việc trong 1 năm tới, NDT vẫn nằm ngoài rổ tiền tệ thế giới, dù kinh tế Trung cộng đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với thế giới. Nguyên nhân có lẽ chẳng ngoài chính sách “nửa nạc nửa mỡ” của Bắc Kinh khi muốn NDT trở thành tiền tệ quốc tế nhưng không biến động dựa trên thị trường.


Phân bổ tỷ lệ hiện tại trong SDR – Đồ họa: N.M.T

Một phần quyền lực mềm

Theo Học thuyết quyền lực mềm của GS Joseph Nye (Đại học Harvard), quyền lực mềm là khả năng của một quốc gia trong việc thu hút, gây ảnh hưởng, kéo các nước khác về cùng phía, mà không dùng vũ lực hay chu cấp tiền. Các yếu tố cấu thành nên quyền lực mềm là văn hóa, giá trị chính trị và chính sách đối ngoại.

Tuy nhiên, trong phần đánh giá các quốc gia có quyền lực mềm vượt trội trong các giai đoạn lịch sử, thì hầu hết đều gắn liền với sự phát triển của kinh tế, của vị thế giao thương quốc tế. Trong khi đó, vai trò của loại tiền tệ đóng vai trò không nhỏ trong việc tăng cường ảnh hưởng kinh tế, ràng buộc quan hệ giao thương. Dù không chu cấp tiền bạc nhưng vẫn đủ sức tạo ra một ảnh hưởng lớn về chính sách. Điển hình như giai đoạn Anh là đế quốc hùng mạnh thì nước này cũng là trung tâm tài chính thế giới. Dĩ nhiên, khi đó, bảng (Anh) cũng có vai trò mạnh mẽ. Tương tự, giai đoạn Mỹ giữ vai trò cường quốc số một thế giới thì USD cũng là tiền tệ quan trọng bậc nhất.
Chính vì thế, dù tiền không phải yếu tố cấu thành sức mạnh mềm, nhưng vị thế của tiền tệ lại ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tạo dựng sức mạnh mềm của một quốc gia.

Thí điểm tự do thương mại

Tháng 9.2013, Trung cộng khởi động thí điểm khu vực tự do thương mại (FTZ) cho Thượng Hải. Khu vực này rộng gần 30 km2 được quy hoạch tại vùng Phố Đông Mới, bao gồm khu miễn thuế Waigaoqiao và cảng Yangsan. FTZ được định hình là khu vực thương mại tự do giống Hồng Kông và là FTZ đầu tiên tồn tại ở Trung cộng đại lục. Các doanh nghiệp hoạt động bên trong FTZ có được môi trường đầu tư cởi mở, gần như không giới hạn về dòng vốn lưu thông. Chính vì thế, việc thí điểm này được xem như quá trình thí nghiệm để đi tới hình thành thị trường tài chính tự do cho Trung Quốc. Đó là một trong những cơ sở quan trọng để NDT đáp ứng các yêu cầu biến động dựa trên thị trường, chứ không phải do nhà nước can thiệp.