11.12.2015

Nỗi buồn văn nghệ - Hạt sương khuya

Nỗi buồn văn nghệ
Hạt sương khuya

Trong nhiều năm qua, tôi có dịp đi khắp đó đây, tham gia rất nhiều các chương trình văn nghệ đấu tranh. Từ biểu tình, đến hội thảo, lễ tưởng niệm 30 tháng 4, cũng như những buổi lễ tưởng niệm các vị anh hùng dân tộc. Thật lòng tôi rất đau buồn khi nhìn cảnh người ngày càng lưa thưa. Có những hội trường chỉ nhìn thấy ghế, không thấy người. Nguyên nhân của vấn đề cần có cái nhìn sáng suốt, bình tĩnh để tìm ra một giải pháp tốt đẹp. 


Ở đây tôi không có ý “trách hờn” hoặc nhắm vào bất cứ cá nhân hay tổ chức nào, mà tôi cho rằng đây là trách nhiệm chung của mỗi người chúng ta. Sự việc này đã khiến tôi trăn trở và đắn đo rất nhiều trước khi nói đến, vì tôi hiểu hơn ai hết những vấn nạn trong “cộng đồng”, mà trong đó là cả một chính sách thâm độc ở đằng sau của ngụy quyền cộng sản luôn manh nha thâu tóm cho bằng được mọi quyền lực nằm hết trong tay chúng. Xin đừng vội cho rằng tôi coi thường trí tuệ của cộng đồng. “Cẩn tắc vô ưu”. Nếu chúng ta không đủ sáng suốt, bình tĩnh... thì chính sách văn hóa vận của chúng sẽ tràn ngập một cách tinh vi, qua những chương trình văn nghệ “hấp dẫn” với những giải thưởng giọng ca vàng, xanh, đỏ, tím... khi kịp nhận ra thì hỡi ôi, rách thêm một đống việc. Chưa kể những chương trình từ thiện mang tính cách “danh chính, ngôn thuận”, đến lúc ấy chúng ta sẽ mất đi cái chính nghĩa khi phản đối việc làm rất “ cao cả” ấy. Đó là chưa kể đến biết bao hệ lụy... phân hóa hay bất hòa cũng từ đó mà ra. 

Cách đây hơn 30 năm... lúc ấy tôi còn trẻ, còn nhiệt huyết, còn sức khỏe, có cơ hội đi đây đó để tham dự những buổi “Đại nhạc hội” được tổ chức trong những ngày tết hoặc vào những ngày tháng “Tư Đen”. Tôi còn nhớ giai đoạn đó, tâm trạng những người lưu vong rất khao khát khi có dịp ngồi lại với nhau để hàn huyên, để nhắc lại câu chuyện thuyền nhân hay những tháng ngày ngồi nhớ nhà bên bờ biển Palawan, Pulau Bidong, Singapore... hôm nào.

Khoảng đầu thập niên 80, tinh thần đấu tranh của đồng bào hải ngoại lên rất cao. Vào thời điểm ấy, các phong trào Đông tiến đang làm nức lòng những người con xa xứ, sống ly hương nhưng lòng vẫn muốn quay về Đất Tổ. 

Những Ca khúc lưu vong, Ca khúc đấu tranh đã khơi lại vết thương lòng của những người bỏ nước ra đi. Tôi nhớ hoài hình ảnh chị Nguyệt Ánh và anh Việt Dzũng trong bộ đồ bà ba đen. Từ “Phục Quốc Quân”, đến “Dưới Ngọn Cờ Phục Quốc”, hay “Tiếng Hát Em Thơ” cho đến “Tôi Muốn Về Diệt Cộng” v.v... Tất cả những ca từ ấy đã theo tôi suốt chặng đường lưu vong, hun đúc trong tôi một tinh thần bất khuất, quyết không khoan nhượng, không làm ngơ trước cảnh non sông đang chìm dần trong nỗi đau trầm uất. Để từ đó tôi biết chọn cho mình một hướng đi vững chắc, lấy Tổ Quốc-Danh Dự- Trách Nhiệm làm kim chỉ nam soi đường, dù gian nan, dù nhục nhằn, trong tôi luôn có Hồn Thiêng Sông Núi đi cùng. 

Những năm tháng ấy, văn nghệ có thể nói là một món ăn tinh thần hiếm quý. Do hoàn cảnh sống của người Việt tị nạn lúc bấy giờ, phần vì lo miếng cơm manh áo, lo sống hội nhập với người dân bản xứ, ít khi có dịp rảnh rỗi để có thể tổ chức văn nghệ thường xuyên như bây giờ. Vì thế mỗi khi có chương trình “Đại nhạc hội”, mọi người khắp nơi đổ về, con số đôi khi lên cả mấy ngàn. Mặc dù lúc ấy chỉ có những bài hát đấu tranh hay những ca khúc lưu vong làm tim thổn thức, nhưng tình đồng hương, nghĩa đồng bào thật ấm áp bên những ca khúc đầy “máu lệ”.

Sau 30 năm... những ca khúc ấy giờ chỉ còn là một dấu ấn xa mờ. Rồi những ca khúc mới ra đời, nổi trôi theo cùng vận nước. Sài Gòn không còn “một lần đi là một lần vĩnh biệt”, cuộc sống không còn là những khát vọng của một lần quay về. Rồi chính sách mở cửa để cứu nền kinh tế đang sắp đưa “cả nước xuống hố” ra đời, những “đĩ điếm” ngày nào bỗng chốc trở thành những “khúc ruột ngàn dặm”. “Thành phố Hồ Chí Minh” mở cửa “hân hoan” chào đón những bước chân lưu vong hôm nào, thèm khát quay về dù đôi chân tị nạn vẫn còn in hằn những vệt máu khô, liêu xiêu bước trên nấm mồ quá khứ, phản bội lại chính mình để rồi sống hồn nhiên như chưa từng có một lần thề thốt trên ngôn từ của hai chữ Tự Do.

Nghị quyết 36 cứ thế mà thẳng tiến, lằn ranh Quốc-Cộng chỉ còn là dấu chấm hỏi một khi hai chữ “Việt kiều” được gắn huy chương “ áo gấm về làng” sáng chói như một đại gia của thời “mở cửa”. Thương cho “Một Lần Đi”, đau cho “Ngày Quật Khởi”, khóc cho lời thề dưới “Lá Cờ Thiêng”. Tất cả giờ chỉ còn là những tiếng than vô vọng. Tìm lại dấu vết xưa, chợt nghe hồn thổn thức những cảm xúc của một thời tị nạn, ăn gạo chợ người nghe thèm bát cơm quê Mẹ, dù chỉ là một con khô của những ngày “con nước kém”, nhưng sao đậm đà mùi biển mặn quê hương.

Chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ tại Đông Âu, nước Đức thống nhất. Nghĩa đồng bào lại một lần nữa được người Việt tị nạn Cộng sản giang đôi tay cứu giúp. Biết bao vấn nạn như cơn thác lũ tràn về cuốn trôi “niềm tin và hy vọng”. Cũng giọng nói Việt Nam, cũng máu đỏ da vàng, nhưng sao xa lạ quá. Rồi tất cả đổi thay, chẳng ai buồn khóc cho một lần đi là một lần vĩnh biệt. Sài Gòn-Paris, Sài Gòn-Luân Đôn, Sài Gòn-Frankfurt, Sài Gòn-Cali, hay Sài Gòn-Sydney, chỉ cần tung “cánh chim” là tìm về “tổ ấm”. Khát khao đã chết, niềm tin vỡ vụn, hạnh phúc xói mòn.

“Đại nhạc hội” không còn nghe tiếng khóc của “Một Lần Đi”. “Một Chút Quà Cho Quê Hương” không còn là cái kim, sợi chỉ. Người ta bắt đầu thổn thức với “Quê Hương là chùm khế ngọt”, ôi những trái khế không chỉ trả bằng vàng mà phải trả bằng máu và nước mắt của những thân phận khốn cùng sống vất vưởng trên một quê hương đầy những hận thù và dối trá.
Có sống qua những tháng ngày đau thương ấy, mới cảm nhận được những mất mát hôm nay. Có lẽ chỉ có thế hệ của tôi trở về trước, mới thấm thía sự xâm thực về mặt văn hóa nói chung, âm nhạc nói riêng một cách tinh vi từ nhà cầm quyền Việt cộng qua chính sách “Hòa hợp, hòa giải” mà đành bất lực, bởi “há miệng” sẽ bị đập ngay cho một gáo nước lạnh về tội “chia rẽ tình đoàn kết dân tộc”. Ngẫm lại mà rơi nước mắt, cộng đồng hải ngoại bốn mươi năm đấu tranh là vì sao? Bốn mươi năm với những kiến thức “hội nhập” đủ để người Việt hải ngoại hiểu được những gì họ đang làm là đang lội ngược dòng với cuộc sống “hưởng thụ” cho chính bản thân mình. “Tiên trách kỷ, hậu tránh nhân”... nhìn lại những buổi văn nghệ hay đại nhạc hội được tổ chức trong những năm gần đây, tôi tự hỏi: Có phải chính chúng ta đã quá thờ ơ, quá dễ dãi với bản thân, hay vì chúng ta thiếu trách nhiệm? Tôi đã phải kêu trời không thấu khi nhận lãnh “điều hợp” một chương trình với những chủ đề rất lớn, nhưng nội dung thì hỡi ơi... TÔI MUỐN KHÓC. Xin hãy tha lỗi cho tôi, ở đây tôi không vơ đũa cả nắm và cũng không có ý chỉ trích bất cứ hội đoàn hay một cá nhân nào, mà chính tôi cũng đang chửi rủa bản thân “nhu nhược” của mình trong cách hành xử, khi buông xuôi và chấp nhận như một điều tất yếu. 

Chúng ta không thể hát cho Tù Nhân Lương Tâm, những người Dân Oan, những buổi tưởng niệm hay những chủ đề về “Tuổi trẻ và cội nguồn dân tộc” bằng những ca khúc “Đừng xa em đêm nay, Lại gần hôn em v.v...”, rồi sau đó dập dìu trong những điệu nhảy “bốc lửa”. Thú thật là tôi rất đau lòng dù đã được nghe giải thích từ ban tổ chức rằng: “Phải có nhảy đầm thì mới có khách tham dự”. Tôi không phủ nhận cái nỗi khổ tâm của ban tổ chức, nhưng cách làm việc đó sẽ để lại cái hậu quả là... chính chúng ta đang nuôi dưỡng một thói quen làm mất đi giá trị không chỉ về mặt “đấu tranh tâm lý” mà cả về hình thức “Văn hóa, Nghệ Thuật” cũng bị xói mòn bởi cái lợi trước mắt mà cái di hại về lâu dài nó ngấm ngầm một cách tinh vi không thể cảm nhận được. 

Ngày nay, văn nghệ không còn là một nhu cầu để nuôi dưỡng “tinh thần” cho những người Việt lưu vong, nó đơn thuần như một thói quen “tâm lý” vô thưởng vô phạt, nhưng vô hình chung lại là cửa ngõ để chính sách “văn hóa vận” của nhà cầm quyền xâm nhập một cách vô thức. Nhìn trên khía cạnh nghệ thuật, “đa số” cho rằng nghệ thuật phi chính trị. Điều này với tôi chỉ đúng ở những tâm hồn yêu chuộng và hiểu giá trị đích thực của nghệ thuật. Một khi rơi vào bàn tay của kẻ tham vọng, thì nghệ thuật sẽ được khai thác tối đa cho mục tiêu tối thượng. Có lẽ đã đến lúc “chúng ta” cần quan tâm hơn trên lĩnh vực “Âm Nhạc”, vì đó chính là vũ khí một khi bắn đi sức mạnh sẽ hơn ngàn quả đạn bom, những câu nệ hình thức, những hơn thua tranh chấp chỉ làm cho cuộc đấu tranh trở nên mất chính nghĩa và phải đắc tội muôn đời với Tiền nhân. Xin hãy vì cái chung, dẹp bỏ đi cái tôi nhỏ nhoi riêng lẻ ấy, để thấy sức mạnh “hợp quần” sẽ là thành trì vững chắc, không có một thế lực nào có thể xâm nhập và phá hoại. 

Tôi đang cố gắng để thoát ra khỏi cái vòng “lẩn quẩn”ấy. Dù biết rằng gian nan, và sẽ rất cô độc trên con đường vắng bóng “tha nhân” này. Sau lưng có thể là những giọng cười “mai mỉa”, nhưng tôi chấp nhận làm một kẻ quê mùa đi tìm lại quá khứ bị ruồng bỏ bởi thời gian. Tôi níu kéo, tôi vụng dại vì tôi sợ sẽ đánh mất cái còn lại của riêng mình. Bởi tôi biết, nơi này chỉ là đất tạm dung, tôi được đón nhận bởi sự bao dung của những tấm lòng nhân ái, nhưng tôi biết tôi là ai, tôi từ đâu đến. 

Bốn mươi năm nhìn lại chỉ để ngậm ngùi thêm cho những kiếp người hoài đời đi tìm một lẽ sống mới cho dân tộc. Những nhiệt huyết hôm nào; giờ chỉ còn là những tháng ngày nhìn qua song cửa chờ hoàng hôn tắt lịm. Nỗi đau của một thân phận thì có sá gì, nỗi đau của một dân tộc mới là điều đáng nói. Hãy ngủ yên đi những cội mai già chết trong một chiều đông giá, những nấm xương tàn chôn vùi nơi xứ lạ rồi đây cũng sẽ biết tìm đường để về lại chốn xưa, hãy thanh thản như một cuộc rong chơi của kiếp người, bởi hạnh phúc cây đời đâu phải để dành riêng cho những trái tim suốt phận người chỉ biết cặm cụi cho lẽ sống của một dân tộc triền miên trong thù hận. 

Paris 25-11-2015

PS:  chương trình “Khúc Tù Ca- Hát Cho Việt Khang” do tôi cùng nhóm anh em Vọng Trùng Dương tổ chức. Xin hãy đến để chia sẻ với một người con đất Việt, người đã khiến chúng ta thức tỉnh trước sự mất còn của dân tộc. Đến để nghe Kiều Thu trải lòng mình trong ca khúc “Viễn Khúc Việt Nam”. Đến để nghe Thanh Xuân ray rức với “Những đứa con của Mẹ” và cho tôi được chia sẻ với những người con của Mẹ Việt Nam trong những Khúc Tù Ca đầy máu lệ. Xin chân thành cảm ơn trang nhà Dân Làm Báo đã giúp tôi chia sẻ những cảm nghĩ của mình đến với Đồng Bào khắp nơi trên thế giới. Xin hãy giúp tôi hoàn thiện bản thân mình để sống xứng đáng làm người Việt Nam bất diệt.

Hạt sương khuya (Dân làm báo)