Thu
Sương: Món Quà Đêm Đông & “Đêm Vinh Danh Những Người Vợ Thương Binh Việt
Nam Cộng Hòa” 23/1/2016
Paris
đang bước vào cái rét của những ngày đầu đông. Ngồi một mình trong đêm vắng
lặng câm, gậm nhấm từng nét vẽ trên bức tranh của một người họa sĩ mà tôi đã có
cùng anh rất nhiều những cảm nhận về nỗi đau thân phận, nỗi đau của một quê
hương ngập tràn mùi thuốc súng, quyện cùng mùi tanh của máu, trộn lẫn trên
những giọt nước mắt của người góa phụ, hay xót xa hơn trong ánh mắt của người
thiếu nữ lặng buồn bên những tháng ngày xuân sắc.
Những mất mát trong thời chiến cho dù có bi thương thế nào, mất mát ấy cũng được đền bù bằng niềm tự hào qua sự hy sinh cho một giá trị cao cả của người lính đã tận hiến đời mình cho non sông. Bên cạnh sự hy sinh tận hiến ấy có biết bao người phụ nữ đã phải mang thân cò tần tảo sớm hôm để an lòng người nơi chiến tuyến. Chiến tranh qua đi, những tưởng sẽ được sống an bình bên những tháng ngày không còn nghe tiếng bom rơi đạn nổ. Nhưng không… kết thúc cuộc chiến tranh bằng súng đạn là khởi đầu cho những cái chết oan nghiệt, chết tức tưởi, chết vì không muốn sống cùng lũ ngợm đang thẳng tay giết hại đồng bào.
Trời về khuya nhiệt độ càng xuống thấp, tiếng gió rít bên ngoài làm buốt giá thêm tâm hồn của một người xa xứ. Ngồi nhìn bức tranh với bao nhiêu cảm xúc dâng trào, quá khứ ùa về như những vết dao cứa trên da thịt. Ngày ấy non nớt quá để không kịp nhận ra những bất hạnh đau đời của Mẹ, của chị.
Giờ đây… trong đêm tối của một ngày đông buốt lạnh, lặng mình bên bức tranh, bút tích của người họa sĩ vẽ lên thân phận của người phụ nữ Việt Nam bất hạnh trong thời chiến, nhục nhã trong thời bình… tim tôi se thắt. Nhìn cánh hồng quấn quít trên thân đôi nạng gỗ, dù quanh co, dù khúc khuỷu… nhưng vẫn vươn lên như đang trơ gan cùng tuế nguyệt. Chiếc nón lá bên ngoài hàng rào kẽm gai chứa đựng biết bao mưa nắng cuộc đời. Người họa sĩ ơi, sao để lòng tôi trắc ẩn với những ăn năn ngày tháng. Hình ảnh Mẹ tôi, chị tôi đó… vẫn nặng gánh đời trong nỗi điêu linh cùng cực của phận người trong một xã hội đầy những dối gian, tàn bạo. Định mệnh ơi, khắc nghiệt chi những mảnh đời đã tan nát sau trận bão của dân tộc…
“Còn ai thương dân tôi
Đang đau khổ một trời
Đang cúi đầu im tiếng
Ngậm buồn mà nghe giọt nước mắt rơi… xuống đời
Còn ai thương dân tôi
Sau cuộc chiến rã rời
Sau trăm nghìn mất mát
Vết thương sao vẫn còn rỉ máu tươi… chưa thôi.”
(Phan Văn Hưng)
Hơn bốn mươi năm qua, cánh hồng ấy vẫn song hành cùng đôi nạng gỗ, dắt dìu nhau bước đi trong giông bão định mệnh. Chiếc nón xưa nay đã nát nhàu theo ngày tháng, nhưng nghĩa tình vẫn nguyên vẹn. Thương thay người phụ nữ Việt xưa, dù Tam tòng không còn ràng buộc bởi nếp sống mới, nhưng Tứ đức vẫn là nền tảng để giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của người phụ nữ Việt mà tôi cho rằng người phụ nữ ngày nay “đa số” đã vô tình đánh mất bởi một nền giáo dục không còn dựa trên luân lý, đạo nghĩa thiên nhiên của Đất Trời mà Cha Ông ta đã bao đời tích lũy.
Tôi nhận được bức tranh trên do họa sĩ “Kỳ Văn Cục” gửi tặng trong một ngày thật đặc biệt, ngày tôi được sinh ra làm kiếp con người. Một bức tranh như một món quà sinh nhật mà anh chẳng hay, tôi chẳng biết, chỉ kịp nhận ra qua lời chúc sinh nhật của bạn bè gửi đến. Một món quà trong một đêm đông đầy ấp tình người, đã vẽ lên thân phận người phụ nữ Việt nói chung và người vợ Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa nói riêng. Món quà này tôi rất trân trọng bởi ý nghĩa và giá trị của bức tranh, dù anh không nói nhưng tôi cảm nhận được những gói ghém tâm tư của anh qua nét họa mà khi tôi nhìn vào như có một ma lực khiến tôi có thể ngồi ngắm suốt mấy tiếng đồng hồ trong một đêm vắng lạnh. Người họa sỹ ấy thật đa tài, đa năng, không loại bỏ sự đa tình trong con người anh đối với tha nhân, đối với bạn bè, đặc biệt là đối với Tổ Quốc. Ai xem qua những biếm họa của anh đều phải tâm phục cái sắc bén của anh về ý tưởng, con người và bút hiệu của anh quả thật rất đẹp với cái tên “Kỳ Văn Cục”. Bức tranh này họa sỹ Kỳ Văn Cục đã vẽ tặng riêng tôi, vì anh biết tôi đang thực hiện chương trình văn nghệ
“Đêm
Vinh Danh Những Người Vợ Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa”
vào ngày 23 tháng 1, 2016
tại: Albin-Goehring-Halle
Masenheimer weg 2
61352 Bad Homburg (Ober-Eschbach)
vào lúc 17h00 – 23h00
Tel. 06172-456227
vào ngày 23 tháng 1, 2016
tại: Albin-Goehring-Halle
Masenheimer weg 2
61352 Bad Homburg (Ober-Eschbach)
vào lúc 17h00 – 23h00
Tel. 06172-456227
Chương
trình này không nhằm mục đích gây quỹ, tôi chỉ muốn vinh danh những người vợ
Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa nói riêng và tất cả phụ nữ Việt Nam qua những tác
phẩm thời chinh chiến, để nói lên sự hy sinh của người phụ nữ Việt sống nghiệt
ngã thăng trầm theo vận nước, và chắc chắn tôi cũng sẽ không quên nhắc đến
những người phụ nữ can trường đang phải đương đầu với bạo quyền tại quê nhà.
Sau chương trình “Khúc Tù Ca – Hát Cho Việt Khang”, tôi cho rằng còn rất nhiều thiếu sót ở cá nhân tôi, nhưng lại rất thành công ở khía cạnh “Tình người”. Có rất nhiều anh chị đã giúp chúng tôi cho đến nay, tôi vẫn không biết tên hoặc như có gặp lại tôi cũng không biết có còn nhận ra. Xin cho tôi được mượn nơi đây để nói lời tạ lỗi đến các anh chị mà tôi chưa kịp bày tỏ sự biết ơn của tôi đến với các anh chị; Cá nhân tôi cùng với các anh chị em nghệ sĩ chỉ là những người đứng ra thực hiện chương trình, nhưng nếu không có sự hỗ trợ từ các anh chị thân quen cũng như không quen chắc chắn chương trình sẽ không được thành tựu mà tôi tin rằng sau khi kết thúc chương trình sự nuối tiếc vẫn còn trên gương mặt của nhiều quan khách.
Nhân tiện đây xin cho tôi được bày tỏ tấm lòng biết ơn đến với trang nhà Dân Làm Báo, tôi chủ trương “ăn cây nào rào cây nấy”. Không có ý mượn nơi này để làm việc “riêng tư”. Xin các anh chị coi việc làm này như một sự “trung thành” của cá nhân tôi đối với trang nhà Dân Làm Báo. Xin hãy giúp tôi cho phổ biến chương trình “Đêm Nhạc Vinh Danh Những Người Phụ Nữ Việt Nam Cộng Hòa”, để tôi có thể chia sẻ chút tâm tình của đồng bào hải ngoại đến với các chị nơi quê nhà, tôi muốn các chị hiểu rằng… Đồng bào hải ngoại dù xa quê nhưng luôn nhớ về các chị cũng như những Người Lính Năm Xưa. Nhất là mỗi dịp khi xuân về, chẳng biết có phải bởi cái lạnh se lòng khiến dạ bồi hồi trông về chốn ấy. Thương ơi những thân cò lận đận lao đao suốt một kiếp người, đến cuối đời chẳng còn gì ngoài manh chiếu rách, làm sao nói được hết những đoạn trường mà các chị đã đi qua. Có những hoàn cảnh mà tôi không thể nào đủ sức để nghe nốt câu chuyện, người bên kia nức nở, người bên này dạ xé tâm can.
Xin cảm ơn món quà trong một ngày đông buốt giá, đã cho tôi tìm lại những thổn thức yêu thương về những phận đời bất hạnh. Cảm ơn người họa sỹ của quê hương, tôi biết nét họa của anh không phải để vẽ lên những bức chân dung cho người thưởng ngoạn. Anh là một họa sỹ “vẽ rong”, vẽ lại những nỗi đau thân phận, mỗi bức tranh biếm họa của anh có thể nói lên hết những thực trạng xã hội. Tôi quý anh ở cái chân tình, đặc biệt là cái “Kỳ Cục” như cách sống con người của anh, bất cứ ai đến với anh một lần, khó mà không quay lại.
Paris ngày 8 tháng 1 năm 2016
Thu Sương
Thu Sương