13.01.2016

Sợ Trung cộng chiếm biển Đông, Phi Luật Tân cho quân đội Hoa Kỳ trở lại

Sợ Trung cộng chiếm biển Đông, Phi Luật Tân cho quân đội Hoa Kỳ trở lại
Trang Foreign Policy ngày 13.1 nói Phi Luật Tân sợ Trung cộng  chiếm biển Đông, nên một phán quyết của Tòa án tối cao nước này cho phép quân Mỹ trở lại Phi Luật Tân .

Tòa án tối cao Phi Luật Tân hôm 12.1 đã phê duyệt Thỏa thuận tăng cường hợp tác phòng thủ (EDCA) với Mỹ, mở đường cho quân Mỹ triển khai đến nhiều căn cứ của Phi.

Thỏa thuận EDCA hợp hiến

Vào tháng10.2015 các thẩm phán của Tòa tối cao Phi Luật Tân tuyên bố: EDCA hợp hiến, không mang tầm một hiệp ước vốn cần sự thông qua của Thượng viện Phi Luật Tân , thay vào đó, nó có thể được xem là một “thỏa thuận hành pháp” thuộc quyền của Tổng thống Phi Luật Tân  Benigno Aquino III.
Phán quyết này sẽ giúp giải ngân hàng chục triệu USD do Mỹ viện trợ để hiện đại hóa hải quân cùng các binh chủng khác của Phi. Đổi lại, máy bay Mỹ được phép hạ cánh, tàu chiến Mỹ cùng khí tài quân sự và hậu cần được đến nhiều căn cứ của Phi Luật Tân .
Tại hội nghị an ninh châu Á, Đối thoại Shangri-La 2015, phía Mỹ nhấn mạnh: Sẽ tiếp tục phản đối âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung cộng , chủ yếu bằng cách tăng hỗ trợ quân sự cho các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Với “Chương trình an ninh hàng hải Đông Nam Á”, Mỹ sẽ cấp 425 triệu USD cho nỗ lực tăng cường an ninh hàng hải ở khu vực này.
Chính phủ Hoa Kỳ lập tức hoan nghênh phán quyết trên, nói EDCA có lợi có cả hai nước, tăng cường khả năng phản ứng trước những thảm họa và củng cố sức mạnh quân đội Phi Luật Tân , lâu nay bị xem là lực lượng yếu nhất châu Á.
Tướng Hernando Iriberri chỉ huy quân đội Phi Luật Tân , nói phán quyết giúp đào sâu hợp tác phòng thủ với một đồng minh chủ lực, nâng cao khả năng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc và nhân dân của  quân đội nước này.
Người phát ngôn Herminio Coloma của Tổng thống Phi Luật Tân  nói phán quyết sẽ kích hoạt chương trình hiện đại hóa quân sự, sẽ có khí tài hiện đại cho quân đội.
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, chủ tịch ủy ban quân vụ thượng viện Mỹ, ra tuyên bố: “Vì Manila tự thấy mình là nạn nhân bị Trung cộng  bắt nạt ở biển Tây Phi Luật Tân  và trông nhờ Washington, EDCA sẽ cho chúng ta công cụ mới để đào sâu quan hệ đồng minh với Phi Luật Tân , giữ cam kết với quân đội Phi Luật Tân  và tăng cường sự hiện diện của chúng ta ở Đông Nam Á”.
Kế hoạch triển khai quân Mỹ

Người phát ngôn Bill Urban của Lầu Năm Góc nói EDCA có lợi cho cả hai nước, cho phép Mỹ tạm thời triển khai quân Mỹ luân phiên. Nhưng ông nói EDCA  không tạo điều kiện cho Mỹ có căn cứ thường trực ở Phi Luật Tân .
EDCA có thể cho quân Mỹ tiếp cận 8 căn cứ, gồm hai căn cứ chiến lược ở biển Đông là căn cứ không quân Antonio Bautista và căn cứ hải quân Carlito Cunanan.
Theo thỏa thuận, hai chính phủ sẽ làm việc để chọn mở cửa căn cứ nào đón quân Mỹ và trong vài trường hợp, Mỹ sẽ giúp cải thiện vài căn cứ. Nhưng có lẽ Mỹ sẽ được trở lại căn cứ hải quân Vịnh Subic và căn cứ không quân Clark ở thành phố Olongapo.
Phi Luật Tân  từng là thuộc địa của Mỹ từ năm 1898 đến 1946 và hai nước ký thỏa thuận phòng thủ chung năm 1951. Thỏa thuận này nói Mỹ hoặc Phi Luật Tân  sẽ bảo vệ lẫn nhau nếu có một nước bị tấn công.
Sau khi độc lập, Phi Luật Tân  tiếp tục cho Hoa Kỳ thuê hai căn cứ quân sự, nhưng năm 1992, nước này đuổi quân Mỹ trú đóng, xem họ như những vị khách không mời và là biểu tượng sống của chủ nghĩa thuộc địa. Việc đuổi Mỹ này từ một cuộc bỏ phiếu của Thượng viện Phi Luật Tân  năm 1991, không cho Mỹ thuê căn cứ nữa.
Tuy nhiên, một cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung cộng  bùng nổ hồi giữa thập niên 1990 khiến Manila quay lại làm thân với Washington.
Năm 1998, Hoa Kỳ ký thỏa thuận về các chuyến thăm quân sự, cho phép lính Mỹ trở lại nước này tham gia các cuộc tập trận hàng năm với quân đội Phi Luật Tân .
Phi Luật Tân  sợ Bắc Kinh có thể chiếm bãi Scarborough/Hoàng Nham, sau nhiều lần tàu tuần duyên Trung cộng  vi phạm vùng đánh cá nên Phi xem Mỹ là “người bạn mạnh” có thể giúp họ chống Trung cộng .

Thành tựu EDCA

EDCA là một thành tựu cụ thể của chính sách “tái xoay trục về châu Á” của chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama, phản ánh một khuynh hướng lớn ở Đông Nam Á, với các nước láng giềng nhỏ hơn của Trung cộng  đang tìm cách chống chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh trên biển Đông.
EDCA cũng ủng hộ chiến lược mới của Ngũ Giác Đài là đưa chiến hạm và phi cơ quân sự tuần tra biển Đông, nhằm giảm mối đe dọa từ kho hỏa tiễn hiện đại của Trung cộng .
Hoa Kỳ đã nhấn mạnh có quyền tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo do Trung cộng  xây trái phép, sau khi Trung cộng  cáo buộc Mỹ can thiệp vào cuộc tranh chấp chủ quyền biển Đông.
Bằng việc cho phép phi cơ và chiến hạm Hoa Kỳ đến Phi Luật Tân , thỏa thuận cho phép Hoa Kỳ sẽ tiến hành tuần tra Biển Đông nhiều hơn, cải thiện công tác giám sát những hành vi của Trung cộng  ở vùng biển này, theo các nhà phân tích.
EDCA được đàm phán từ tháng 4.2014, nhưng một thử thách pháp lý đã “treo” nó tại tòa án Phi Luật Tân  suốt nhiều tháng. Dù vậy, các nhà hoạt động cánh tả Phi Luật Tân  nói sẽ xem xét kháng nghị phán quyết của Tòa án tối cao Phi Luật Tân . Họ nói sự hiện diện quân sự của Mỹ sẽ không giải quyết được nỗi lo sợ Trung cộng .
Renato Reyes, một thành viên cánh tả thách thức tính pháp lý của EDCA ở cấp tòa trên, nói: “Đây là một ngày buồn cho chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Phi Luật Tân . Chúng tôi vẫn giữ ý kiến EDCA không là giải pháp cho các vấn nạn từ sự xâm nhập của Trung cộng ”.
Phán quyết của tòa được công bố chỉ vài giờ trước cuộc gặp tại Mỹ của Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter với hai vị đồng cấp Phi Luật Tân .
Ngoại trưởng Phi Luật Tân  Albert del Rosario hoan nghênh phán quyết, nói Mỹ và Phi Luật Tân  đều công nhận tầm quan trọng của EDCA trong mối quan hệ đồng minh.
Cuộc họp này bàn các lĩnh vực quốc phòng, an ninh và kinh tế giữa hai nước. Người phát ngôn Charles Jose của Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân  cho biết trọng tâm cuộc gặp là thảo luận cách đối phó với những lo ngại an ninh ngày một lớn, về chuyện Trung cộng  xây các đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông.
Ông nói về việc gần đây Trung cộng  cho máy bay hạ cánh trên Đá Chữ Thập – thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam – là nằm trong âm mưu áp đặt Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Trung cộng  trên biển Đông. Việt Nam và Phi Luật Tân  đã phản đối Trung cộng  thực hiện vụ hạ cánh máy bay ở bãi đá trên.
Ngoài vấn đề căng thẳng trên biển Đông, hai nước cũng thảo luận về việc mua bán vũ khí, Phi Luật Tân  cũng tính đến khả năng tổ chức tuần tra chung với Mỹ trên biển Đông, yêu cầu Washington giúp Manila tăng cường năng lực quân sự để bảo vệ lãnh thổ.
Có tin Phi Luật Tân  yêu cầu Hoa Kỳ cấp thêm hai chiến hạm, một phi đội chiến đấu cơ để có thể đối phó Trung cộng  trên biển Đông.
(theo AP, Foreign Policy)