25.01.2016

Năm mới bắt đầu với nhiều biến động tại Biển đông

Năm mới bắt đầu với nhiều biến động tại Biển đông

Nguyễn Văn Thân

Năm 2016 khởi đầu với tin tức là Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã gửi công hàm số 344/HC 2015 đề ngày 29/12/2015 phản đối tuyên bố chủ quyền và những hoạt động tôn tạo và xây dựng đảo của Trung cộng tại Biển đông. Công hàm này nói rõ là Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền tài phán và độc quyền khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.


Ngày 2 tháng Giêng, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại sứ Trung cộng tại Hà Nội trao thư phản đối việc Trung cộng thực hiện nhiều chuyến bay thử nghiệm trên Đá Chữ Thập. Trung cộng đã hoàn tất đường băng dài trên 3 km đủ để các máy bay ném bom cũng như các loại phi cơ khác có thể đáp xuống. Sau đó, Cục hàng không Việt Nam cũng phát đi thông báo phản đối việc phi cơ Trung cộng vi phạm quy định của Tổ Chức Hàng Không dân dụng quốc tế bằng việc tổ chức các chuyến bay ra Đá Chữ Thập nằm trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh mà không thông báo trước cho Việt Nam. Trung cộng đã bác bỏ những cáo buộc của Việt Nam và cho rằng họ không cần thông báo vì quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của họ.

Lý do Việt Nam gửi công hàm ngày 29/12/2015 là để đáp trả công hàm của Trung cộng gửi Liên Hiệp Quốc đề ngày 11/12/2015. Trong công hàm này, Trung cộng lên án Phi Luật Tân và cả Tòa Trọng tài được thành lập dưới Phụ lục VII của Công ước quyết định xúc tiến với vụ kiện phản đối yêu sách chủ quyền Đường 9 đoạn của Trung cộng tại Biển Đông. Vào ngày 29/10/2015, Tòa Trọng tài ban hành phán quyết là Tòa có đầy đủ thẩm quyền xét xử vụ kiện của Phi Luật Tân. Sau đó, Tòa tiến hành phiên xử đi vào nội dung của vụ kiện (merits hearing) từ ngày 24 tới 30 tháng 11/2015. Như phiên xử thẩm quyền (jurisdiction hearing) trong tháng 7/2015, đây là một phiên xử kín nhưng Tòa cho phép phái đoàn của một số quốc gia tham dự và quan sát gồm có Úc, Nam Dương, Nhật, Mã lai, Tân Gia Ba, Thái lan và Việt Nam. Anh Quốc xin tham dự và được Tòa cho phép nhưng giờ chót không xuất hiện (không biết có bị áp lực gì từ Trung cộng hay không?). Hoa kỳ cũng xin phép tham dự nhưng Tòa không chấp thuận vì Hoa kỳ không phải là thành viên của Công Ước.

Trong phiên xử này, Phi Luật Tân cũng mời thêm hai nhân chứng chuyên gia độc lập là Clive Schofield (Giáo sư Địa lý) và Kent Carpenter (Giáo sư Sinh vật biển). Luật sư của Phi Luật Tân trình bày rằng mặc dù Trung cộng chưa xác định rõ bản chất và phạm vi yêu sách quyền lịch sử (historic rights) tại Biển Đông nhưng mọi người có thể suy luận ra quan điểm của Trung cộng từ cách hành xử và các văn bản tuyên bố chính thức. Theo Phi Luật Tân, Trung cộng đòi hỏi độc quyền thừa hưởng và khai thác mọi nguồn tài nguyên sinh vật và không sinh vật trong phạm vi Đường 9 đoạn cũng như chủ quyền của tất cả các đảo trong phạm vi này thể hiện qua việc Trung cộng liên tục phản đối việc đánh cá và khai thác dầu khí của tất cả quốc gia trong vùng trong phạm vi Đường 9 đoạn. Phi Luật Tân lập luận rằng Trung cộng không có quyền lịch sử nào mà nếu có thì các quyền này cũng đã bị thay thế bởi các điều khoản của Công Ước 1982.

Thứ hai, luật quốc tế chưa bao giờ công nhận yêu sách chủ quyền trên một phần biển rộng lớn mà chỉ giới hạn trong một khoảng cách ngắn cận bờ biển. Mọi yêu sách về quyền hàng hải nằm trong phạm vi Công Ước mà Công Ước không có điều khoản nào quy định về quyền lịch sử.

Thứ ba, trước thế kỷ 20, Trung cộng ấn định ranh giới phía Nam tại Đảo Hải Nam và chỉ bắt đầu có yêu sách chủ quyền tại Biên Đông trong thập niên 1930. Yêu sách quyền lịch sử chỉ mới xuất hiện lần đầu trong tháng 5/2009.

Thứ tư, Phi Luật Tân trưng bày bằng chứng gồm có hình ảnh chụp từ vệ tinh là các đá Vành Khăn, Bãi Cỏ Mây, Subi, Gaven và McKennan đều là các bãi đá chìm chỉ nhô lên mặt nước khi thủy triều rút xuống (low tide elevations). Dưới Công Ước, các thực thể này không tạo ra chủ quyền hàng hải nào cả. Trong khi đó, các thực thể gồm có Scarborough Shoal, Đá Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập đều là đá không duy trì một đời sống kinh tế riêng biệt. Hơn nữa, các đảo lớn hơn gồm có đảo Ba Bình (do Đài Loan chiếm đóng), đảo Thị Tứ và đảo Bến Lạc (do Phi Luận Tân chiếm đóng) cũng chỉ là đá vì điều kiện thiên nhiên trên các đảo này không thể duy trì một đời sống và kinh tế dân sự. Đá chỉ có quy chế lãnh hải 12 hải lý dưới Công Ước chớ không có vùng đặc quyền kinh tế. Do đó, giả sử như Trung cộng có làm chủ hết tất cả các thực thể tại Biển Đông thì cũng chỉ hưởng quy chế 12 hải lý từ các thực thể đó và không thể ngăn cản Phi Luật Tân hành xử quyền khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân.

Ngoài ra, Phi Luật Tân cũng trình bày là Trung cộng đã tắc trách trong việc bảo vệ môi trường biển khi cho phép ngư dân dùng thuốc nổ và cyanide để bắt cá. Các công tác tôn tạo đảo đá hủy diệt các rạn san hô. Trung cộng cũng vi phạm Công Ước khi cho phép các lực lượng tuần duyên sử dụng tàu một cách nguy hiểm đe dọa đến tính mạng và sự an toàn của ngư dân Phi Luật Tân.

Trong bài phát biểu đúc kết, Ngoại Trưởng Phi Luật Tân Rosario nhấn mạnh vai trò của Tòa và luật quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và xác nhận Phi Luật Tân coi Trung cộng như là một người “bạn quan trọng và cũng chính vì muốn duy trì tình hữu nghị giữa hai nước mà Phi Luật Tân đã tiến hành vụ kiện này“.

Sau khi phiên xử kết thúc, Tòa ấn định các bên có tới ngày 9/12/2015 để duyệt xét biên bản trước khi được công bố. Tòa cũng cho Trung cộng đến ngày 1/1/2016 để gửi văn bản phản bác hoặc trình bày ý kiến về các lập luận của Phi Luật Tân.

Có lẽ vì vậy mà Trung cộng đã nộp công hàm ngày 11/12/2015 cho Liên Hiệp Quốc thay vì cho Tòa vì không muốn tạo ấn tượng là Trung cộng chấp nhận thẩm quyền của Tòa. Trong công hàm này, Trung cộng đưa ra một số lập luận mà Trung cộng cho rằng khẳng định chủ quyền các đảo tại Biển Đông. Thứ nhất, người Trung Hoa đã khám phá, đặt tên và sử dụng các tuyến hàng hải ở Biển Đông từ thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên trong thời Vũ Hán. Trong Đệ Nhị Thế Chiến, Nhật đã chiếm đóng các quần đảo Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa theo cách gọi của Trung cộng). Sau khi Nhật đầu hàng, các thực thể này được trả lại cho Trung cộng theo tinh thần của các bản Tuyên Bố Cairo, Potsdam và một số văn kiện quốc tế khác. Trong khi đó, Hòa Ước Paris 1898 và Hòa Ước Washington 1900 giữa Hoa Kỳ và Tây Ban Nha ký kết ấn định phạm vi lãnh thổ của Phi Luật Tân đều chính thức loại bỏ các đảo tại Trường Sa và đảo Hoàng Nham (Scarborough Shoals). Nhưng trong thập niên 1970, Phi Luật Tân đã tiến hành chiếm đóng một số đảo tại Nam Sa và xây dựng các phương tiện gồm có đường băng, đồn trú, trường học… Đây là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp giữa Trung cộng và Phi Luật Tân.

Thứ hai, Phi Luật Tân muốn tranh giành Bãi Cỏ May và đảo Hoàng Nham với Trung cộng. Trong tháng 5/1999, Phi Luật Tân có ý cho tàu bị mắc cạn trên Bãi Cỏ May. Trong tháng 4/2012, Phi Luật Tân sử dụng tàu chiến để đuổi ngư dân Trung cộng ra khỏi Hoàng Nham.

Thứ ba, Trung cộng phủ nhận cáo buộc của Phi Luật Tân về việc phá hủy môi trường mà các công tác tôn tạo đảo và đá ở Nam Sa của Trung cộng thể hiện hoạt động hành xử chủ quyền không nhắm vào quốc gia nào và không ảnh hưởng tới tự do hàng không và hàng hải theo  luật quốc tế. Trung cộng đã hoàn tất thương thuyết biên giới lãnh thổ với 12/14 quốc gia láng giềng và phân định lãnh hải với Việt Nam trong Vịnh Bắc bộ. Khi tiến hành vụ kiện với Tòa Trọng tài, Phi Luật tân đã vi phạm tinh thần của Tuyên Bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông ký kết giữa ASEAN và Trung cộng.

Thật ra, những điểm mà Trung cộng nêu ra không có gì mới mẻ và cũng đã được Tòa Trọng tài cứu xét nhưng không chấp thuận trong phiên xử thẩm quyền diễn ra trong tháng 7/2015. Bước kế tiếp là các vị thẩm phán sẽ tiến hành thảo luận và chuẩn bị phán quyết sau cùng dự trù sẽ được ban hành trong tháng 6 năm nay. Chắc chắn đây sẽ là một trong những phán quyết quan trọng nhất của Tòa Trọng tài về Luật Biển có tầm ảnh hưởng đáng kể đến tình hình an ninh, chính trị và kinh tế của toàn khu vực châu Á – Thái Bình dương.

Câu hỏi đặt ra là biết đến bao giờ Việt nam mới có một nhà lãnh đạo có đủ dũng khí thốt lên lời phát biểu tương tự như Ngoại Trưởng Phi Luật tân rằng “chính vì quý trọng tình hữu nghị với nhân dân Trung Hoa mà Việt Nam phải tiến hành khiếu kiện Trung cộng ra trước Tòa Án Quốc Tế vì những chính sách xâm lược biển đảo và cướp giết ngư dân Việt Nam của Đảng Cộng sản Trung cộng ở Biển Đông”.

N.V.T.
(Bài viết đã được tác giả gửi đăng trên trang BoxitVN)