Thân Trọng Tuấn
Tất niên Đinh Mùi nhộn nhịp. Chợ hoa Nguyễn Hoàng rực rỡ. Phố Huế đầy người. Quán cà phê Lạc Sơn trong những ngày cuối năm đông nghẹt những người lạ người quen từ xa về ăn Tết. Các trường Quốc Học, Đồng Khánh lớn, Đồng Khánh nhỏ, Hàm Nghi, Nguyễn Tri Phương, Bán công, Gia Hội, Thành Nhân, Bình Linh, v.v. đều có những buổi tất niên rầm rộ.
Tất niên Đinh Mùi nhộn nhịp. Chợ hoa Nguyễn Hoàng rực rỡ. Phố Huế đầy người. Quán cà phê Lạc Sơn trong những ngày cuối năm đông nghẹt những người lạ người quen từ xa về ăn Tết. Các trường Quốc Học, Đồng Khánh lớn, Đồng Khánh nhỏ, Hàm Nghi, Nguyễn Tri Phương, Bán công, Gia Hội, Thành Nhân, Bình Linh, v.v. đều có những buổi tất niên rầm rộ.
Riêng trường Đồng Khánh lớn lại chơi trội hơn, cho dựng một chiếc
cổng lưới cao như đọt tre nhưng rất mỹ miều đài các. Bà Tổng Giám Thị là Thân
Trọng Thị Hường tức Bà Dần, năm ni chơi đẹp theo kiểu hướng đạo, nên nhờ trưởng
Nhơn của đoàn Trần Quốc Toản thuộc đạo Vạn Niên phụ trách. Bà cũng là một trưởng
hướng đạo kỳ cựu, rất giỏi ngoại giao. Riêng trưởng Nhơn vẫn thường cho bà thiếu
nợ về những vụ dựng lều cho toán nữ hướng đạo của bà trong những buổi trại liên
đạo một cách thân tình và mỗi khi gặp là hỏi ngay "Khi mô mụ Hường trả
nợ?"
Lần này dựng cổng,
trả công không phải là những nồi cháo gà, bánh nậm, bánh bột lọc do cây nhà lá
vườn của xưởng bà giáo sư gia chánh Hoàng Thị Kim Cúc, mà là năm ngàn thước dây
ni lông đủ loại, từ sợi nhỏ bằng mút đũa tới sợi to như ngón chân cái dùng
trong việc dựng cổng. Ý của trưởng Nhơn là sau khi xong việc, từ Sói cho đến
Kha của đoàn đều có đầy đủ dây dừa tân thời dùng trong việc học thắt nút, căng
lều, tháp cầu, dựng cổng v.v. Được trang bị như ri thiệt là sang hơn "hướng
đạo quan".
Trưởng Cường coi
Thiếu sinh, cùng với đội trưởng Lộc coi Kha sinh dựng cổng trong một tuần. Cổng
vòm hình thoi, trụ là những cây tre la ngà xoay tán, phía trên đan lưới rực rỡ
với những sợi thừng ni lông tân thời mà các kha sinh của đoàn Trần Quốc Toản vơ
vét mua sạch trơn của tất cả cửa hàng bên phố Huế. Khi dựng cổng, có kha sinh
ngâm đùa:
"Dây
ni lông em treo tình lơ lửng;
Tre la ngà
anh giăng mộng xanh xao!"
Cổng Tết dựng
ngay phía sau cổng chính của nhà trường, chỉ giáo sư và những nhân viên của nhà
trường mới có quyền qua lại, còn các nữ học sinh thì ôm cặp nhìn nghiêng qua
màn lá cây phượng vỹ bởi nhà trường đã ra thông cáo cấm lại gần, xê ra cho người
ta dựng cổng! Sau ngày tất niên của trường, cổng được hạ xuống ngay, chuyển hết
qua Thành nội, cất trong đạo quán Hướng Đạo bên cạnh sân vận động Lửa Hồng, gần
cửa Hiển Nhân, sát trung tâm chiêu hồi. Trong một phút đùa chơi, có kha sinh đề
nghị rằng bây chừ đem hết dây ni lông ra các tiệm bán lại với giá gấp đôi cũng
được vì cả thành phố Huế chẳng còn một khúc dây ni lông nào để bán cả!
Pháo giao thừa
đón Tết Mậu Thân (1968) thật dòn. Trầm hương thơm ngát. Tối mồng một Tết, pháo
lại nổ nhiều hơn, to hơn. Ống phóng các-buya răng bây chừ mới đốt, nổ nghe thiệt
gần, lại rung cửa rung nhà. Tiếng chi kêu lóc chóc liu chiu, thỉnh thoảng rớt
nghe lảng cảng, lộp độp như ai vãi đá vãi sỏi trên mái nhà như ri không biết.
Chà, cái đời chi ngụy tặc, pháo không chịu đốt cho hết tối ba mươi sáng ngày mồng
một, lại "trần trừa" cho mãi tới mồng hai. Năm ni người ta ăn tết to
ghê! Hưu chiến đến ba ngày, ai nấy đều vui mừng hớn hở. Càng về khuya, pháo
càng nổ nhiều. Tiếng pháo quái lạ, nổ đều nhau hàng loạt khít khao dồn dập thiệt
đều. Pháo tống ềnh oàng, pháo đại rung rung tưng tức. Lại hình như có ai gọi
nhau trong khoảng ngưng tiếng pháo. Vui chơi như rứa thì thôi! Đầu năm đầu
tháng ai từng đời lại mở miệng kêu réo cho to, không kiêng cữ thì ra năm nếu có
chuyện chi cũng đừng than trách! Ống nổ khí đá các-buya kiểu chi mới mẻ, chắc
là không phải loại thường làm bằng ống tre mà có lẽ làm bằng ống gang ống sắt
thành thử đốt hoài mà không nghe tiếng ống nổ bị rè, hơn nữa, trước khi nổ lại
nghe kêu xoe xóe mới thiệt lạ lùng! Pháo nổ nhiều quá, e chừng cả thành phố đều
không ai ngủ được. Mở cửa nhìn ra ngoài, thấy cái chi bay như vệt lửa quẹt trên
trời. A! Mấy anh quân nhân về phép, sau khi hết pháo bèn xách súng bắn chơi, lại
còn giả làm Việt Cọng hô "Bắt trói! Bắt trói!" chọc bà con lối xóm.
"Nì, có giỡn thì giỡn vừa vừa, Tết nhứt làm quá không nên..."
"Mẹ ơi mẹ! Xin mẹ mau vào trong nhà, kẻo lỡ có chuyện chi thì tụi
con ân hận!"
"Mấy anh ni thiệt là lạ chưa tề! Ai từng đời đã như rứa rồi mà còn đặt
bày nói tiếng bắc tiếng nam với người ta nữa chơ!..."
Dưới ánh đèn đường vàng ệch, mấy cái thằng dị kỳ, ăn
mặc thụng thệnh, đội mũ sùm sụp, ôm súng chạy lom khom trông chẳng giống ai!
Thôi chết rồi! Chết cha tui rồi trời đất ơi! Ở chỗ mô mà chui ra nhiều dữ ri?!
Ơi trời ơi là trời! Việt Cọng! Việt Cọng!
Kinh hoàng giăng tứ phía! Trong bóng tối chập chùng,
súng đạn nổ đùng đùng, trời lại điểm mưa bay!
Biến cố Tết Mậu Thân ở Huế đại khái mở màn như rứa
đó. Hai mươi mấy ngày u ám, khói lửa mịt mù. Những khuôn mặt thất thần lấm lét
của người dân chập chờn ẩn hiện trong đổ nát tan hoang. Bom đạn khiến hai lỗ
tai lùng bùng nghe kêu o o thiệt khó chịu. Sức ép của chất nổ làm sáng rỡ trần
nhà, phập phềnh cánh cửa, dồn hơi tống đầy lồng ngực, rát mặt, bí hơi.
Êm êm tiếng súng, giọng kêu cửa mời đi học tập của
mấy tên điểm chỉ, nằm vùng nghe lạnh xương sống. Dân Thành nội như con heo
trong rọ, biết chạy đi mô? Bánh tét, thịt kho chỉ đủ mấy ngày. Nồi cơm trên bếp
nấu thật vội vã. Ai nấy đều không dám ra ngoài, dùng mấy tấm ván, tấm nệm mong
manh để ngăn bom đạn. Chợ búa không có, núp mãi trong nhà, nếu không chết vì mảnh
bom nhà sập, thì cũng sẽ chết đói tới nơi. Chạy ra đường lại bí lối, thêm lựu đạn
chày và ca nông chơm của cả hai phe. Đài phát thanh Huế, đài Tiếng Nói Tự Do,
đài VOA tắt tiếng. Đài BBC loan tin và bình luận tình hình chiến sự nghe dựng
tóc gáy. Điện cúp làm bóng tối càng lúc càng nhiều thêm. Trong khắc khoải lại
có lệnh phải nghe Bác Hồ đọc thơ Xuân trên đài Việt Cọng. Bài thơ còn được phổ
theo lối nhạc Tàu eo éo chối tai vốn đã ù vì bom đạn. Họp hành học tập đường lối
chống Mỹ cứu nước.
Cô bán quán nằm vùng nay đeo băng đỏ, tay cầm súng
AK-47, tay lái xe Honda hai bánh rượt bắn máy bay trực thăng.
Thằng ét xe đò bây chừ là chủ tịch khu phố, lập tòa
án nhân dân, xử xét ngụy quân ngụy quyền, buồn buồn bắt mấy học sinh ngang lứa
tuổi kết tội làm việc với CIA, cho mặc đồng phục quần xanh áo trắng, đưa ra bắn
bên ngoài cửa Đông Ba.
Ông chủ tiệm bán xe Honda ở ngã giữa, tên là Nội,
không biết vì sao mà lãnh án tử hình, con gái là Nấm Hương mới mười lăm tuổi, học
lớp đệ Ngũ trường Kiểu Mẫu, lấy xe ba gác đi chở
xác về, mặt tỉnh bơ nhưng đôi mắt rực lên ánh lửa hận thù.
Năm ngoái đọc câu thơ của Dzạ Triều "Đếm thời gian trên đầu ngón tay".
Bây chừ không cần phải là thi sĩ cũng làm được chuyện "Đo kinh hoàng trên đầu ngón chưn!".
Nỗi kinh hoàng vì lo sợ làm tê xương sống! Đếm từng
phút, từng giờ. Chờ buổi trưa, buổi tối! Đồng minh giải tỏa! Mấy đứa con nít
không biết sợ đất sợ trời, đứng trên trên lầu hò reo, ra dấu chỉ cho anh lính
phe mình bắn bể đầu rạc gáo thằng Việt Cọng sau bụi chè tàu trong Tây Lộc. Chạy
loạn qua bên tê trường Kiểu Mẫu, Đồng Khánh, Quốc Học. Cầu Trường Tiền bị giật
sập tối hôm qua.Những khuôn mặt hốc hác, kinh hoàng của những người dân trên đường
đi tìm sự sống trong khói lửa mịt mù là đề tài tốt cho các nhiếp ảnh viên quốc
tế.
Có điều họ quên chụp hình thằng Vui Điên cứ chạy lên
chạy xuống trên đường phố Trần Hưng Đạo phơn phớt mưa bay!
Họ quên chụp hình thằng gù Bossu điều khiển ban nhạc
Blue Star bị bắn chết cạnh bến đò Thừa Phủ.
Họ quên chụp hình mấy chục
ngàn người dân Huế khóc vì vui mừng trong công viên trước trường Đồng
Khánh, sân banh Quốc Học cạnh bia Chiến Sĩ bên hữu ngạn sông Hương khi thấy lá cờ Việt Nam Cộng Hòa đang được kéo lên trên cột
cờ Phu Văn Lâu sau hai mươi mấy ngày ô nhục.
Gặp nhau hỏi vài câu sống chết ra răng?! Những đôi mắt
xa xôi buồn thảm vì chồng, con, anh, em bị Việt Cọng mời đi họp" bây chừ
không biết ở mô? Kể sơ sơ việc thanh niên Phú Cam chống cự đến viên đạn cuối
cùng, rồi bị bắt trói dẫn đi từng đoàn lên ngả Nam Giao. Người ta nhìn những nấm
mộ ven đường một các hờ hững. Tóc da từng mảng và vải vụn dính bết đầy đường.
Người ta chỉ nói sơ sơ về việc gần một trăm đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng
bị Việt Cọng chôn sống quanh trường Thành Nhân ngay trong hố cá nhân của họ
tại trụ sở, đối diện với trung tâm Văn Hóa Pháp sau khi thất trận. Người ta vừa
nói vừa cười trong đớn đau sầu muộn về việc anh lính Cọng Hòa, có lẽ trong lúc
vội vàng Việt Cọng trói không chặc nên vùng sút dây, trước khi chết còn rán thọc
tay qua khỏi lớp đất, vẫy cầu cứu khi bị chôn sống cùng một lúc với mấy trăm
người khác trong sân trường trung học Gia Hội mấy phút trước khi Việt Cọng rút
lui. Nhờ bàn tay lòi khỏi mặt đất người ta mới tìm thấy hầm chôn tập thể dễ
dàng!
Bãi Dâu ngập ngụa xác người. Trịnh Công Sơn cũng
tẩm dầu nhị thiên đường vào khăn tay xong bịt lên mũi tham dự việc bươi xác! Đạn
AK-47, mảnh lựu đạn chày, bọng cuốc, nuộc dây điện thoại giết người sờ sờ trước
mắt nhưng anh chàng bị mang danh là “phản chiến” này không thấy, mà chỉ thấy “xác
trên nóc nhà thành phố, trên con đường quanh co” có lẽ do bom đạn Mỹ Ngụy!
Theo đuôi Trịnh Công Sơn là một số những con vật hai
chân thời thượng, hát những lời sáng tác tại chỗ "Hát trên những xác
người" rất hồ hỡi! Một số giáo sư người ngoại quốc dạy Đại Học Huế bị
mời đi “chôn sống”. Võ Thành Minh, trưởng Hướng Đạo đã từng thổi sáo bên bờ
hồ Geneve chống vụ chia đôi đất nước năm 1954 bị cấm không được giúp các người
bị thương trong vùng Nam Giao để “đi họp” vĩnh viễn. Thầy Nguyễn Duy Trí,
nguyên là đại úy Đại đội trưởng đại đội Dù, giải ngũ về dạy Pháp văn tại trường
Hàm Nghi, học trò rất thương mến đến độ cứ gọi bằng "Ôn", trong biến
cố bom nổ sập nhà, bị cầu thang đè chết, xác rửa phình rất đỗi thương tâm. Còn
rất nhiều người nữa, chết oan chết ức, tan nát hình hài!
Trong mưa phùn ẩm mốc nặng mùi tử khí, các hướng đạo
sinh, các anh trong đoàn Sinh Viên Học Sinh Phật Tử, đã âm thầm cùng các người
tù khổ sai và các lao công chiến trường đi moi từng viên gạch, gói từng cái xác
tan rữa bầy nhầy trong các khu phố Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc
Kháng, Chi Lăng, v.v. không một lời than phiền, kể công. Xác tan vữa có mùi
tương tự như mùi thịt hộp ba lát của quân đội Mỹ. Dính phải chất vàng vàng
trong trong lỏng lỏng như dầu mỡ cá rịn ra từ xác chết heo héo săn săn, cho
dù đã rửa tay cả trăm lần bằng xà phòng pha chanh nhưng khi ngửi móng tay vẫn
còn dợn lên muốn ọe!
Các thứ ly thủy tinh, chén đất lúc này thường khó kiếm
vì đạn bom làm bể nát hoặc lấn cấn khó dùng cho lớp người tình nguyện, thành thử
các loại chén nhựa, ly làm bằng ni lông được dùng nhiều. Tuy nhiên chất
"nhựa người" lỡ dính vào loại ly chén này thì hầu như khó làm cho mất
dấu, bay mùi! Nhờ ơn Bác Hồ mới biết mùi Giải Phóng! Giấy ni lông bọc
xác kêu rọt rẹt vì trời lạnh nghe nổi da gà!
Mấy ngày sau khi thành phố Huế
được giải tỏa, người ta khai quật hầm chôn tập thể ở Bãi Dâu. Một niềm thống khổ
uất hận đến độ tê dại châu thân khi nhìn những thi hài bị Việt Cọng trói cặp
cánh bằng những khúc dây ni lông đủ màu trước khi chôn sống. Ôi năm ngàn thước
dây oan nghiệt, mới mấy chục ngày trước đây đã được một số các Hướng Đạo Sinh
đoàn Trần Quốc Toản mua về thắt kết mang dấu hiệu Cung Chúc Tân Xuân!
Thân Trọng Tuấn
( Kha sinh Trần Quốc Toản)