17.03.2016

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung Cộng (17.03.2016)

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung Cộng
(17.03.2016)
Nhật Bản : Đảng cầm quyền sẵn sàng kiện Trung cộng ra tòa quốc tế
Trọng Nghĩa (RFA)   
Một giàn khoan khí đốt của Trung cộng tại vùng biển tranh chấp với Nhật Bản. Ảnh do hải quân Lực lượng phòng vệ Nhật Bản chụp ngày 19/09/2005.Japan Maritime Self Defense Force
Đảng Dân Chủ Tự Do đang cầm quyền tại Nhật Bản vào hôm nay, 16/03/2016 đã khuyến cáo chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe là phải xem xét việc kiện Trung cộng ra trước tòa án quốc tế về các hoạt động khoan dò khai thác khí đốt trên Biển Hoa Đông, vi phạm thỏa thuận đã ký kết với Tokyo.

Trong một nghị quyết đã được thông qua, đảng Dân Chủ Tự Do Nhật Bản đã yêu cầu ông Abe cứng rắn đòi hỏi Trung cộng mau chóng tái lập các cuộc đàm phán về vấn đề khoan dò và khai thác dầu khí tại một vùng nằm sát đường ranh giới trên biển chưa được phân định giữa hai nước.
Nếu Bắc Kinh vẫn từ chối, chính quyền Tokyo phải xem xét khả năng đưa vụ việc ra tòa án trọng tài quốc tế, tương tự những gì Phi Luật Tân đã làm trong hồ sơ tranh chấp Biển Đông với Trung cộng.
Đầu mối bất hòa giữa Tokyo và Bắc Kinh trong vấn đề thăm dò khai thác dầu khí liên quan đến một khu có mỏ khí đốt nằm ở hai bên đường trung tuyến giữa hai vùng hải phận Trung cộng và Nhật Bản chưa hề được phân định. Việc khai thác khá phức tạp vì các mỏ dưới đáy biển thông nhau, khi hút bên này sẽ làn cạn phía bên kia.
Vào năm 2008, Tokyo và Bắc Kinh đã đồng ý cùng thăm dò 4 mỏ khí đốt trong vùng, và tạm ngưng khai thác ở các phần tranh chấp của khu vực. Cụ thể là hai bên đã đồng ý thực hiện các cuộc khảo sát chung một khu vực ở phía bắc mỏ khí đốt có tên là Xuân Hiểu/Shirakaba và phía nam mỏ khí đốt Long Tỉnh/Asunaro.
Tuy nhiên, sau khi bang giao song phương nguội lạnh trên vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cũng trên Biển Hoa Đông, Bắc Kinh đã bắt đầu khai thác đơn phương mỏ khí đốt Thiên Ngoại Thiên/Kashi, viện cớ là họ có toàn quyền làm việc đó.
Tokyo đã liên tục phản đối, và vào đầu năm 2010, Nhật Bản từng đe dọa đưa Trung cộng ra Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển nếu Bắc Kinh khai thác mỏ khí đốt Xuân Hiểu/Shirakaba, bất chấp thỏa thuận song phương vào năm 2008.
Lần này, theo nghị sĩ Yoshiaki Harada, trưởng tiểu ban phát triển tài nguyên ở Biển Hoa Đông của đảng Dân Chủ Tự Do : « Nếu Trung cộng làm ngơ trước yêu cầu đó, chính quyền Nhật Bản cần phải hành động. Mọi người đều đồng ý rằng không nên né tránh việc đưa vấn đề này ra trước tòa án trọng tài quốc tế, và cần phải bắt đầu xem xét phương án đó ».

Mã Lai muốn đẩy lùi bước tiến của Trung cộng ở Biển Đông

Ông Hishammuddin Hussein (phải) - Bộ trưởng Quốc phòng Mã Lai.
Bộ trưởng Quốc phòng Mã Lai loan báo tuần tới sẽ họp với Úc Đại Lợi và gặp các đối tác Phi Luật tân, Việt Nam để thảo luận về các hoạt động gầy dựng quân sự của Trung cộng ở Biển Đông.
Ông Hishammuddin cho hay sẽ bàn với Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne các phương thức để bảo đảm rằng sẽ có các nỗ lực buộc Trung cộng phải thực thi lời hứa không thiết đặt các thiết bị quân sự ở Biển Đông.
Reuters ngày 16/3 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mã Lai nhấn mạnh nếu các tin tức từ các nguồn khác nhau về việc Trung cộng gầy dựng và thiết đặt thiết bị quân sự ở Trường Sa là chính xác thì Mã Lai buộc phải có hành động đẩy lùi bước tiến của Trung cộng.
Ông Hishammuddin cho biết cũng sẽ họp với giới chức Việt Nam và Phi vì không thể đơn phương một mình ngăn chặn các động thái gây hấn.
Hồi tháng 9, Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình từng quả quyết rằng Bắc Kinh không có ý định quân sự hóa các tiền đồn của họ ở Trường Sa.
Tháng rồi, 10 nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn tiến ở Biển Đông bao gồm việc Bắc Kinh gần đây dàn dựng phi đạn và chiến đấu cơ ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.
Theo Reuters, Bloomberg, Straits Times.
TC tuyên bố sẽ cùng thế giới xây dựng hòa bình cho vùng Châu Á-TBD
Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Lý Khắc Cường sau phiên khai mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 5 tháng 3 năm 2016.    AFP PHOTO
Liên quan đến Biển Đông, Thủ Tướng Trung cộng cho rằng không có mâu thuẫn giữa việc Bắc Kinh bảo vệ chủ quyền lãnh hải ở Hoàng Sa, Trường Sa và quyết tâm cùng thế giới xây dựng an ninh, hòa bình cho vùng Châu Á-Thái Bình Dương.
Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Thủ Tướng Lý Kế Cường của Trung cộng không băn khoăn về sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong vùng, bảo thêm là Bắc Kinh sẵn sàng tham gia kế hoạch hợp tác chung cho dù vẫn có những điểm bất đồng chưa thể giải quyết được.
Thủ Tướng Lý Kế Cường nhấn mạnh thêm rằng chủ trương của Bắc Kinh là tạo ổn định ở Châu Á-Thái Bình Dương, có quan hệ tốt với các nước và giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng những cuộc đàm phán song phương.
Lời lẽ Thủ Tướng Trung cộng đưa ra trong cuộc họp báo hôm nay được ghi nhận là khác với giọng điệu mà Ngoại Trưởng Trung cộng Vương Nghị đã sử dụng trong cuộc họp báo hồi tuần trước ở Bắc Kinh.
Trong cuộc họp báo đó, ông Vương Nghị cảnh báo rằng Trung cộng không chấp nhận tất cả mọi hành động của những nước khác ảnh hưởng đến chủ quyền của Hoa Lục.
Ông Vương Nghị còn bác bỏ các cáo buộc cho rằng Trung cộng đang quân sự hóa Biển Đông qua việc xây dựng, cải tạo những hòn đảo, bãi đá mà Trung cộng tự nhận là có chủ quyền. Theo lời ông, Hoa Kỳ là nước đang chủ trương quân sự hóa khu vực này.
Cũng cần nói thêm là bất chấp phản đối mạnh mẽ đến từ Trung cộng, hải quân Hoa Kỳ vẫn tiếp tục thực hiện những chuyến bay và đưa tầu đi qua vùng biển Trung cộng nói chủ quyền thuộc về họ.
Đầu tháng này, Tư Lệnh Không Quân Mỹ ở Thái Bình Dương là Đại Tướng Lori Robinson còn kêu gọi những nước khác cũng làm như Hoa Kỳ đang làm, tức tiếp tục thể hiện quyền tự do hàng hải và hàng không đã được quy định bởi luật pháp quốc tế. Bà Robinson còn nói thêm là nếu không làm những điều đó, các nước có thể sẽ mất quyền lợi.
Trở lại với cuộc họp báo mới diễn ra ngày hôm nay ở Bắc Kinh của Thủ Tướng Lý Kế Cường, người điều hành chính phủ Trung cộng nói rằng cuộc tranh cử tổng thống đang diễn ra ở Hoa Kỳ là cuộc tranh cử sống động, khiến mọi người phải chú ý tới.
Ông cho hay quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington sẽ không bị ảnh hưởng, bất kể người được cử tri Mỹ chọn để lãnh đạo quốc gia là ai, giải thích thêm rằng trong những thập niên qua, mối quan hệ song phương này luôn luôn tiến, và sẽ tiếp tục theo con đường đó.
Trả lời câu hỏi về quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo, Thủ Tướng Trung cộng nói rằng dù có những dấu hiệu tiến triển tốt, nhưng nhấn mạnh Nhật Bản cần phải chứng tỏ thiện chí nhiều hơn nữa.
Một trong những lý do khiến quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo gặp khó khăn là vì cuộc tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku mà phía Trung cộng gọi là Điếu Ngư. Quần đảo này ở Biển Hoa Đông, hiện đang nắm trong quyền kiểm soát của Nhật Bản.
Tin RFA

Tư lệnh Hoa Kỳ: Không có chuyện mất quyền vào hải phận quốc tế ở Biển Đông
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott H. Swift khẳng định không có chuyện mất quyền vào hải phận quốc tế ở Biển Đông.

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott H. Swift tại hội thảo hôm 16.3 ở Canberra, Úc Đại Lợi.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott H. Swift cảnh báo, nếu Mỹ mất quyền đi vào vùng biển quốc tế mà Trung cộng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, sẽ gây ra những ảnh hưởng sâu rộng đến quân sự.
Phát biểu tại một hội thảo an ninh biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (ngày 16/3), Đô đốc Scott Swift nói rằng, việc cho các tàu chiến hoạt động vì tự do hàng hải ở khu vực tranh chấp “không chỉ là một vấn đề của hải quân” mà theo ông, nó có tác động đến nền kinh tế toàn cầu và luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên vị Đô đốc này nhấn mạnh, Mỹ không cho rằng việc mất quyền đi vào khu vực này sẽ xảy ra.
Hải quân Mỹ đã “chọc giận” Trung cộng với việc đưa tàu chiến đến gần các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng phi pháp ở Biển Đông. Mỹ không tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này, nhưng nói rằng họ có lợi ích trong việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không, đồng thời giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền tại đây.
Theo ông Swift, có “cảm giác rõ ràng” rằng quan điểm “chân lý thuộc về kẻ mạnh” đã trở lại khu vực này sau 70 năm an toàn và ổn định sau Thế chiến II.
Mặc dù Mỹ đang tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực, Đô đốc Swift cho rằng không cần thêm cơ sở hải quân của Mỹ ở các nước như Úc Đại Lợi.