Tin tổng hợp liên
quan đến Biển Đông và Trung Cộng
(18.03.2016)
Trung cộng tính
xây cầu vượt biển hơn 10 km ở Hoàng Sa
Ngoài
việc bồi đắp mở rộng một cụm đảo ở Hoàng Sa của Việt Nam, Trung cộng còn lên kế
hoạch xây dựng một cầu vượt biển dài hơn 10 km, nối nhóm đảo An Vĩnh với đảo
Phú Lâm.
Phương
án quy hoạch nhóm đảo An Vĩnh được thảo luận trên các diễn đàn Trung cộng. Đồ
họa: HSW/Tiexue/yunshanshuike
Các
trang quân sự Sina, China.com, Ifeng dẫn nguồn báo Hong Kong Dakungpao hôm 7/3
cho biết, Trung cộng đang lập quy hoạch bồi đắp mở rộng hơn 10 lần cụm Cồn cát
Tây, đảo Cây, đảo Bắc, đảo Trung, đảo Nam, Cồn cát Nam (thuộc nhóm đảo An Vĩnh
của Việt Nam) từ diện tích 1,32 km2 lên 15 km2.
Ngoài
quy hoạch xây dựng một đường băng dài 3.500 mét ở mũi tây bắc Cồn cát Tây, Trung
cộng còn có kế hoạch xây một hải cảng ở mũi phía nam đảo Cây, đồng thời xây một
cây cầu vượt biển dài hơn 10 km, nối liền cụm đảo An Vĩnh với đảo Phú Lâm, nhằm
mục đích xây dựng một chính quyền có quy mô lớn hơn ở cái gọi là “thành phố Tam
Sa” mà Trung cộng thành lập trái phép trên đảo Phú Lâm để hiện thực hóa yêu
sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Hôm
19/2, đoàn chuyên gia cơ quan bảo vệ môi trường và tài nguyên của cái gọi là “thành
phố Tam Sa” đã tới đảo Cồn cát Nam, bắt đầu chuyến khảo sát cụm đảo này, theo
Sansha.hinews.
Để
chuẩn bị cho việc bồi đắp và xây đường băng ở nhóm đảo An Vĩnh, Trung cộng đã
thành lập 5 đơn vị quản lý trên đảo Cây hồi tháng 7/2014 như đồn công an biên
phòng, trung tâm chỉ huy dân binh. Hiện trên cả cụm đảo mà Trung cộng chiếm
đóng ở nhóm đảo An Vĩnh có khoảng 200 người, chủ yếu sống ở đảo Cây.
Biển Đông: Mỹ tiết lộ hành vi khả nghi của Trung cộng
ở bãi Scarborough
Trọng Nghĩa (RFI)
Người Phi Luật Tân biểu tình trước đại sứ quán Trung
cộng ở Washington DC hôm 11/05/2012 phản đối Bắc Kinh chiếm bãi cạn
Scarborough.AFP PHOTO/Nicholas KAMM
Theo
hãng tin Anh Reuters, vào hôm qua 17/03/2016, tư lệnh Hải Quân Mỹ, đô đốc John
Richardson, đã cho biết rằng Hoa Kỳ vừa phát hiện những hoạt động đáng ngờ của Trung
cộng quanh bãi cạn Scarborough đã chiếm từ tay Phi Luật Tân vào năm 2012. Theo
đô đốc Richardson, các động thái đó có thể là tiền đề cho việc bồi đắp nơi này
thành đảo nhân tạo.
Trả
lời hãng tin Anh, tư lệnh Hải Quân Mỹ nói rõ là « đã nhận thấy tàu Trung
cộng đang có một số hoạt động đại loại như hoạt động khảo sát » tại
một khu vực có thể sắp trở thành nơi được bồi đắp. Khu vực được ông Richardson
nói đến là bãi cạn Scarborough ở phía bắc quần đảo Trường Sa, cách vịnh Subic
của Phi Luật Tân khoảng 200km về phía Tây.
Theo
đô đốc Richardson, hiện chưa rõ là các hoạt động quanh bãi Scaborough đã bị Trung
cộng chiếm đoạt vào năm 2012 có liên quan gì đến sự kiện một tòa án quốc tế sắp
ra phán quyết về đơn Phi Luật Tân kiện các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung
cộng tại Biển Đông hay không.
Thế
nhưng, tư lệnh Hải Quân Mỹ đã tỏ ý quan ngại trước khả năng Trung cộng sẽ tuyên
bố một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, ngay sau khi toà án ra phán
quyết. Chính quyền Mỹ, theo ông, đang cân nhắc phản ứng thích đáng trong trường
hợp đó.
Về
phần Phi Luật Tân, bộ Ngoại giao nước này vào hôm nay cho biết là chưa nhận
được thông tin nào về các hoạt động của Trung cộng quanh bãi Scaborough.
Trong
phần trả lời hãng tin Reuters, đô đốc Richardson cho rằng việc Trung cộng bành
trướng tại Biển Đông và bồi đắp đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa có thể đe dọa
quyền tự do hàng hải vốn đã được duy trì nhiều thế kỷ nay trong khu vực. Bên
cạnh đó, Bắc Kinh có thể áp đặt « những luật lệ mới », buộc các
nước khác phải được Trung cộng chấp thuận thì mới được đi qua khu vực.
Hoa
Kỳ, theo ông Richardson, sẽ tiếp tục các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải
ở Biển Đông, bên trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo có tranh chấp, để nhấn
mạnh quyết tâm bảo vệ quyền tự do lưu thông trong vùng.
Tư
lệnh Hải Quân Mỹ hoan nghênh các nước khác cùng tham gia các cuộc tuần tra
chung của Hoa Kỳ ở Biển Đông, nhưng chính các nước có liên can phải tự đưa ra
quyết định. Theo ông, các nước như Việt Nam, Phi Luật Tân và Ấn Độ đã nhận thức
đầy đủ về tầm quan trọng của việc bảo đảm các quyền tự do trên biển.
Thời Báo Hàn
Quốc vạch trần tính phi lý trong yêu sách “đường chữ U”
Báo
Hàn Quốc vạch trần tính phi lý trong yêu sách "đường chữ U"
Yêu sách chủ quyền phi lý của Trung
cộng tại khu vực Biển Đông. (Nguồn: AFP)
Với
tựa đề: “Đường chữ U không phải là đường cơ sở của Trung cộng,” tờ Thời báo Hàn
Quốc phiên bản tiếng Anh số ra ngày 16/3 đã viện dẫn các quy định của luật pháp
quốc tế để chứng minh rằng yêu sách chủ quyền của Trung cộng tại Biển Đông
thông qua đường chữ U (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) là hoàn toàn tùy tiện và
không có căn cứ pháp lý.
Theo
tờ báo này, chưa bao giờ Trung cộng đưa ra lý giải nào về tính hợp pháp của
đường chữ U theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) mà nước
này cũng đã phê chuẩn.
Cách
xác định đường chữ U của Trung cộng không nằm trong 3 phương pháp vạch đường cơ
sở trong UNCLOS 1982, bao gồm đường cơ sở thông thường (điều 5), đường cơ sở
thẳng (điều 7) và đường cơ sở quần đảo (điều 47).
Do
đó, quy định đường cơ sở của Trung cộng đã vi phạm hai nguyên tắc cơ bản đó là
vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và vi phạm các quy định của UNCLOS 1982
về vạch đường cơ sở.
Tờ
báo này đồng thời cũng đưa ra những căn cứ lịch sử khẳng định Việt Nam có đầy
đủ chủ quyền về mặt lịch sử đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và trong
suốt hơn ba thế kỷ qua, Việt Nam đã liên tục bảo vệ và thực thi chủ quyền của
mình trên hai quần đảo này phù hợp với luật pháp quốc tế.
Nhật Bản và Đông Timor hết sức quan ngại về tình hình
Biển Đông
Trọng Nghĩa (RFI)
Tổng thống Đông Timor Taur Matan Ruak (T) và thủ tướng
Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc họp báo chung ở Tokyo ngày
15/03/2016.REUTERS/Franck Robichon/Pool
Ngày
15/03/2016, Tổng thống Đông Timor Taur Matan Ruak đã tiếp xúc với thủ tướng
Nhật Bản Shinzo Abe nhân chuyến ghé thăm Tokyo. Hai nước đã bày tỏ thái độ «
quan ngại nghiêm trọng » trước việc Trung cộng áp đặt một cách hung
hăng quyền kiểm soát trên vùng Biển Đông mà Bắc Kinh đòi chủ quyền. Lập trường
của Đông Timor gây ngạc nhiên vì nước này cho đến nay được xem là thân Trung
cộng.
Trong
một tuyên bố chung, hai lãnh đạo Nhật Bản và Đông Timor ghi nhận « mối
quan ngại nghiêm trọng về tình hình gần đây ở Biển Đông », nhưng không lên
án đích danh Trung cộng. Hai bên tuyên bố sẽ « phản đối bất kỳ hành
động đơn phương nào có thể làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng. ».
Nếu
lập trường của Nhật Bản không có gì lạ, thì thái độ của Đông Timor đã khiến
giới quan sát ngạc nhiên. Lý do là vì tiểu quốc nằm cạnh Indonesia này không
phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông, chưa từng lên tiếng công khai về Biển
Đông, và nhất là thường được xem là thân Bắc Kinh, được Trung cộng hỗ trợ tài
chính đáng kể từ nhiều năm nay.
Một
bằng chứng được nhật báo Úc The Sydney Morning Herald nêu bật vào năm ngoái là
từ phủ tổng thống, toàn bộ cơ sở của bộ ngoại giao, cho đến nhiều cơ sở quân sự
của Đông Timor, đều được Trung cộng xây dựng.
Bản
thân tổng thống Đông Timor Ruak mới đây đã thăm Trung cộng vào tháng Chín năm
2015, và đến tháng Giêng 2016, tàu chiến Trung cộng đã thăm cảng Đông Timor để
trao đổi kinh nghiệm « chống khủng bố » và đẩy mạnh quan hệ giữa
lực lượng hải quân hai nước.
Về
phần Nhật Bản, nước này từ lâu đã thể hiện thái độ chống lại các hoạt động bị
cho là coi thường luật pháp quốc tế của Trung cộng trong khu vực, đặc biệt là
Biển Đông. Tokyo đã không ngần ngại viện trợ cho Phi Luật Tân và Việt Nam các
phương tiện để đối phó với sự bành trướng của Bắc Kinh.
Nguyên Trợ lý
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ: Thực ra, Mỹ đã đối đầu với Trung cộng ở Biển Đông từ 3 năm
trước
Kurt
Campell, nguyên Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương
nhận định: "Mỹ đối đầu với Trung cộng ở Biển Đông bắt đầu từ 3 năm
trước".
Kurt Campbell, nguyên Trợ lý
Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương. (Nguồn: AP)
Tờ
Washington Post vừa có bài phỏng vấn ông Kurt Campbell, nguyên Trợ lý Ngoại
trưởng Mỹ phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó ông này nhận định
cuộc đối đấu giữa Mỹ và Trung cộng ở Biển Đông đã bắt đầu từ 3 năm trước khi Trung
cộng tiến hành xây dựng trái phép các đảo nhân tạo, triển khai radar và tên lửa
tại đây.
Ông
cho rằng cuộc đối đầu này đang ngày càng trở nên căng thẳng khi Bắc Kinh dường
như không giữ lời hứa của Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Nhà Trắng về
việc không quân sự hóa Biển Đông.
Theo
ông Campbell, căng thẳng này có thể sẽ lên cao trào vào tháng 4 hoặc tháng 5
tới, khi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) ra phán quyết về
vụ kiện của Phi Luật Tân, một phán quyết nhiều khả năng sẽ ủng hộ lập trường
của Manila.
Trong
trường hợp đó, phản ứng đầu tiên của Trung cộng sẽ là bác bỏ quyết định của tòa
như họ vẫn làm trong thời gian qua, tiếp đó sẽ là thiết lập Vùng nhận dạng
phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, một hành động khiêu khích nguy hiểm đối với Mỹ.
Thời
gian qua, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã phải cố gắng bảo đảm rằng
họ không thụ động trong việc đối phó với Trung cộng, nhưng cũng phải tránh nguy
cơ đối đầu quân sự với Bắc Kinh. Thế tiến thoái lưỡng nan này sẽ tiếp diễn một
khi ADIZ được thiết lập ở Biển Đông.
Bộ
Quốc phòng Mỹ sẽ đứng trước đòi hỏi phải đưa máy bay ném bom tiến vào vùng ADIZ
mới này, giống như đã từng làm khi Trung cộng thiết lập ADIZ tại Biển Hoa Đông.
Tuy nhiên, điều này chỉ khiến lãnh đạo Trung cộng cảm thấy mất mặt và đưa ra
những phản ứng tồi tệ hơn.
Theo
ông Campbell, giải pháp khôn ngoan nhất trong trường hợp trên là khiến Trung
cộng nhận thấy nếu họ tiếp tục con đường này, họ sẽ đẩy các mối quan hệ vào
tình huống xấu.
Ông
cũng nhấn mạnh Mỹ cần tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á thách thức
tuyên bố của Trung cộng, triển khai tàu chiến, máy bay của cả Úc, Tân Gia ba,
Ấn Độ và các nước châu Âu.
Làm thế nào thì Trung
cộng mới chịu lùi bước ở Biển Đông?
Đó
là vấn đề sẽ được Bộ trưởng Quốc phòng Mã Lai mổ xẻ với đồng nghiệp Úc trong
cuộc gặp tuần tới tại Kuala Lumpur.
Bộ trưởng Quốc phòng Mã Lai Á,
Hishammuddin Hussein
Hãng
tin Reuters ngày 16/3 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mã Lai, ông Hishammuddin
Hussein, nhấn mạnh nếu các tin tức từ các nguồn khác nhau về việc Trung cộng
xây dựng và lắp đặt thiết bị quân sự ở Trường Sa là chính xác thì Mã Lai buộc
phải có hành động đẩy lùi bước tiến của Trung cộng.
Ông Hishammuddin cho hay sẽ
bàn với Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne các phương thức để bảo đảm rằng sẽ
có các nỗ lực buộc Trung cộng phải thực thi lời hứa không thiết đặt các thiết
bị quân sự ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mã Lai
nói cũng sẽ họp với giới chức Việt Nam và Phi Luật Tân vì không thể đơn phương
một mình ngăn chặn các động thái gây hấn của Trung cộng.
Hồi tháng 9/2015 khi viếng
thăm Mỹ, Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình từng quả quyết rằng Bắc Kinh không có
ý định quân sự hóa các tiền đồn ở Trường Sa.
Tuy nhiên, tháng trước, 10
nước Đông Nam Á lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn tiến ở Biển Đông
bao gồm việc Bắc Kinh gần đây dàn dựng hỏa tiễn, phi đạn phòng không và chiến
đấu cơ ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trước đây, Mã Lai ít khi lên
tiếng phản đối Trung cộng nhưng những hành động ngày càng ngang ngược của Bắc
Kinh tại vùng biển cửa ngõ của Mã Lai khiến chính quyền Kuala Lumpur không thế
nhắm mắt làm ngơ.
Hồi
tháng 10 năm ngoái, trong phát biểu đọc tại Diễn Dàn An Ninh Hương Sơn tổ chức
tại Bắc Kinh giữa Trung cộng và 10 nước ASEAN, Tướng Zulkefli Modh Zin, Tư lệnh
Quân đội Mã Lai nói rằng những hoạt động xây dựng, cải tạo đảo mà Trung cộng
cho thực hiện ở Biển Đông là hành động khiêu khích phi lý và phi pháp.
Tháng
11/2015, Phó Thủ tướng Mã Lai Ahmad Zahid Hamidi tuyên bố nước này sẽ kiên
quyết bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. “Nếu đất nước chúng ta (Mã Lai) đang bị
đe dọa hoặc bị lấn chiếm, người Mã Lai chúng ta sẽ đứng lên bảo vệ đất nước của
mình” – ông Hamidi phát biểu tại Kota Kinabalu, thủ phủ bang Sabah, nằm trên
đảo Borneo của Mã Lai.
Theo
ông Hamidi, cộng đồng quốc tế cần phải nhìn thấy điều này (vấn đề Biển Đông)
không chỉ là vấn đề của kinh tế mà là vấn đề chủ quyền. “Biển Đông chỉ là một
cái tên, nhưng 200 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế là thuộc biên giới của
chúng tôi”- Phó Thủ tướng Mã Lai khẳng định.
Theo
AFP. AP, Reuters, CNN
Quân đội Hoa Kỳ
dự định lập kho thiết bị ở Việt Nam, Campuchia
Hàng
không mẫu hạm tiêm kích đa năng USS Bonhomme Richard (LHD 6) vận chuyển các
thiết bị của đơn vị viễn chinh Thủy quân Lục chiến 31 của Mỹ. Lục quân Mỹ có kế
hoạch cất trữ thiết bị ở Việt Nam, Campuchia và một số nước khác ở Thái Bình
Dương.
Lục quân Mỹ có kế hoạch lập kho trữ thiết bị ở Việt
Nam, Campuchia và một số nước khác không được nêu tên ở vùng Thái Bình Dương,
nhằm giúp các lực lượng Mỹ triển khai nhanh chóng hơn vì các thiết bị và tiếp
liệu đã có sẵn tại chỗ. Động thái mới này sẽ nằm ngay trong những nơi mà Trung
cộng cho khu vực họ có ảnh hưởng.
Một số trang tin Mỹ hôm 16/3 trích lời Chỉ huy Bộ tư
lệnh Hậu cần Lục quân, Tướng Dennis Via, nói tại một hội nghị của Hiệp hội Lục
quân Mỹ ở Hunsville, bang Alabama, rằng các thiết bị được cất trữ sẽ để phục vụ
các hoạt động nhân đạo và cứu trợ thiên tai.
“Trên toàn vùng
vành đai Thái Bình Dương, đó sẽ là các thiết bị thuộc loại phục vụ trợ giúp
nhân đạo-cứu trợ thiên tai, để khi có bão hoặc các thiên tai, Bộ tư lệnh Thái
Bình Dương của Lục quân có thể ứng phó nhanh chóng”, Tướng Via cho hay. Ông
nói Mỹ đang cân nhắc đặt một bệnh viện hỗ trợ dã chiến tại Campuchia.
Tuy không phải là các thiết bị phục vụ chiến đấu, song
động thái triển khai hàng tiếp liệu và thiết bị kể trên trong khu vực - nhất là
ở một nước như Việt Nam - sẽ gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ về mối quan tâm và cam
kết của Mỹ với vùng Biển Đông, nơi có tranh chấp chủ quyền gay gắt giữa Việt
Nam với Trung cộng, bên cạnh các bên khác như Phi Luật Tân, Brunei và Đài Loan.
Quyết định của Mỹ về lập kho thiết bị ở khu vực được
đưa ra vào lúc Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh sự lấn át của họ ở Biển Đông. Trung
cộng đã tôn tạo đảo, xây đường băng và lắp đặt radar, hỏa tiễn ở vùng biển, bất
chấp phản đối từ các nước láng giềng.
Hành Động này sẽ báo hiệu với Trung cộng rằng việc họ
tiếp tục quân sự hóa ở Biển Đông, nơi nhiều tuyến hàng hải quốc tế quan trọng
đi qua, sẽ gặp phải sự chống đối ngày càng tăng của cả Mỹ lẫn các nước láng
giềng. Khi các nước lân cận với Trung cộng lo lắng về hành xử hung hăng của
nước này, việc họ chấp nhận Mỹ cất trữ thiết bị là một cách gửi đi tín hiệu
chính trị.
Sự hiện diện các thiết bị của lục quân Mỹ ở Việt Nam
sẽ có ý nghĩa đặc biệt. Mỹ đã thất bại và rút khỏi Việt Nam cách đây 42 năm,
nhưng Việt Nam sau đó đã có chiến tranh trên bộ và một số đụng độ trên biển với
Trung cộng.
Tướng Via cho hay các thiết bị sẽ được điều chỉnh cho
phù hợp với điều kiện địa phương, có thể bao gồm cả các tàu thuyền để ứng phó
với đặc điểm hậu cần của vùng Thái Bình Dương. Đó phần lớn sẽ là thiết bị
“nhẹ”, ông Via nói.
Việc triển khai các thiết bị như vậy sẽ hình thành cơ
sơ cho các đợt triển khai luân phiên binh sỹ tạm thời trên toàn khu vực.
Theo Business Insider,
Breaking Defense.