28.04.2016

Trung cộng sợ nhất kết cục như Liên Xô - Harry Kazianis

„…có vẻ như sự sụp đổ của Liên Xô chính là những gì mà các quan chức Trung cộng rõ ràng muốn tránh.“

Trung cộng sợ nhất kết cục như Liên Xô

Harry Kazianis (The National Interest)

Các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh chắc chắn đang đêm ngày nghiền ngẫm về tình trạng nền kinh tế của họ và chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ- khi chịu sức ép đều rõ ràng lo sợ sẽ gặp phải cái kết như của nhà nước Xô-viết trước đây.



Hai mươi lăm năm trước đây, Liên Xô hùng cường cuối cùng đã bị sụp đổ, không bao giờ ngóc lên được nữa. Tuy nhiên, chúng ta thường quên rằng sự sụp đổ của một trong những đế quốc hùng mạnh nhất trong lịch sử loài người chẳng bao giờ là điều dĩ nhiên. Quả thật, nhìn lại thời gian chỉ mười năm trước đó, đến năm 1981, rất ít người đoán trước được cái chết của Liên Xô.

Trên thực tế, nhiều người dự đoán chính Mỹ mới là nước sẽ rơi vào tình thế gay go trong những năm tiếp theo đó. Ngay cả việc xem xét qua lịch sử vào thời đó cũng cho thấy một nước Mỹ còn đang vật lộn để vượt qua tình trạng trì trệ thâm căn cố đế: Liên Xô có vẻ đang đều bước gần như khắp mọi nơi, còn nền kinh tế Mỹ trong tình trạng hỗn loạn, nước Mỹ vẫn choáng váng do vết thương tình cảm từ chiến tranh Việt Nam cũng như sự từ chức của một vị tổng thống đương nhiệm. Các cú đấm cứ bồi tiếp. Một cuộc khủng hoảng dường như không bao giờ kết thúc và chúng gây cảm giác về một cuộc “khủng hoảng niềm tin” thật sự.

Nhưng nước Mỹ vẫn tồn tại. Còn Liên Xô thì không còn nữa. Khối hiệp ước Varsovie đã biến mất. Còn Gorbachev đi đóng phim quảng cáo cho Pizza Hut. Nước Mỹ rõ ràng thắng thế trong một trong những cuộc đấu địa chính trị ngoạn mục nhất của thời đại mà không cần lò lửa hạt nhân vốn có thể giết hàng tỷ người.

Và trong khi ngày nay nước Mỹ có thể làm sáng tỏ mối đe dọa của Liên Xô trước kia và sự sụp đổ nhanh chóng tiếp sau của nó, có một quốc gia nơi giới lãnh đạo đất nước này vẫn rất quan tâm đến sự tiêu vong của đế chế Xô-viết: Đó là Trung cộng.

Thật vậy, người ta có thể đưa ra một lập luận thuyết phục rằng các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh – chắc chắn đang đêm ngày nghiền ngẫm về tình trạng nền kinh tế của họ và sự xoay trục sang châu Á của Mỹ- khi chịu sức ép đều rõ ràng lo sợ sẽ gặp phải cái kết như của nhà nước Xô-viết trước đây. Trong các chuyến đi khắp châu Á của tôi trong những năm gần đây cũng như bên lề các hội nghị mà tôi dự, có vẻ như sự sụp đổ của Liên Xô chính là những gì mà các quan chức Trung cộng rõ ràng muốn tránh. Họ lo sợ quyền lực họ nắm giữ hiện nay có thể bị cuốn phăng vào ngày mai, vì những lý do như nạn tham nhũng, chi tiêu quá mức về quân sự, tê liệt chính trị, chia rẽ trong xã hội và nhiều thứ nữa.
Vậy ông Tập Cận Bình và đảng cộng sản Trung cộng nghĩ điều gì thực sự đã làm cho Liên Xô sụp đổ? Và họ có thể làm gì để ngăn ngừa điều tương tự xảy ra với Trung cộng?

Trong khi tiến hành một đánh giá đầy đủ văn liệu sẽ là quá sức đối với một bài blog đơn thuần, thì bài đầu tiên mà chúng ta có thể xem xét là bài do cựu nghiên cứu viên cao cấp A. Greer Meisels viết cho The Diplomat vào năm 2012. Dù cuộc tranh luận ở Trung cộng chắc chắn đã có những tiến triển trong bốn năm qua, nhưng Meisels đã đưa ra một cách ngắn gọn ba lý do khả dĩ mà các học giả Trung cộng xem như là nguyên nhân cơ bản nhất lý giải cho sự sụp đổ của Liên Xô, cũng như các lĩnh vực quan trọng nhất cần phải được phân tích:
Mọi tội lỗi đều do Gorbachev

“Đối với nhiều người ở Trung cộng hồi cuối thập kỷ 1980, đầu thập kỷ 1990, và thậm chí cho đến ngày nay, khi đánh giá trách nhiệm về sự sụp đổ của Liên Xô thì từ đầu đến cuối mọi nguyên nhân đều là do một cá nhân duy nhất, Mikhail Gorbachev. Quan điểm này dường như được ủng hộ mạnh mẽ hơn cả bởi những người tả khuynh bảo thủ của Trung cộng. Trong thời cao trào của những nỗ lực cải cách của Gorbachev, đã có những người lập luận rằng “trong nội bộ ĐCSTH và tại Trung cộng, một cuộc ‘đấu tranh tư tưởng” gay gắt phải được tiến hành chống lại ‘chủ nghĩa xét lại’ của Gorbachev”.

Tất nhiên, từ sau cuộc cách mạng năm 1949, việc bị dán nhãn “xét lại” là điều đáng sợ hơn cả. Thậm chí cho đến tận năm ngoái, lối tư duy “Đổ lỗi cho một người” vẫn thịnh hành. Ngày 1/3/2011, Viện Khoa học xã hội Trung cộng (CASS) đã phát hành một cuốn sách mới mang tựa đề “Phòng bị nguy cơ lúc yên bình: Những suy ngẫm nhân 20 năm Đảng Cộng sản Liên Xô tiêu vong”, trong đó kết luận rằng nguyên nhân gốc rễ của sự sụp đổ của ĐCSLX không phải là do bản thân hệ thống xã hội chủ nghĩa Nga, mà đúng hơn là vì sự tham nhũng của những người cộng sản Nga do Tổng thống Gorbachev lúc đó đứng đầu.

Những tác hại gây suy yếu của chính nạn tham nhũng đang hiển hiện ở Trung cộng ngày nay, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi đảng cộng sản Trung cộng dĩ nhiên trong lời nói, cũng như trong hành động, luôn kiên quyết tiến hành cuộc chiến chống lại kẻ thù khủng khiếp này”.

Mặc dù nền tảng cốt lõi của nền kinh tế và chính phủ Trung cộng hiện nay và Liên Xô trước đây rất khác nhau, người ta có thể nhìn thấy qua lăng kính của phái này lý do tại sao việc tái cấu trúc nền kinh tế là rất quan trọng đối với Bắc Kinh ngày nay:

“Phái có ảnh hưởng kế tiếp bao gồm các cá nhân có đầu óc cải cách hoặc theo trường phái tự do hơn nhìn thấy động lực của sự sụp đổ là do hệ thống – không phải là sai lầm trong bản thân mô hình xã hội chủ nghĩa mà đúng hơn là ở cách nó được thực hiện ở Liên Xô. Những người này đổ lỗi cho nguyên nhân trong nước như tình trạng trì trệ kinh tế, quản lý tồi, chủ nghĩa giáo điều quá mức và sự xơ cứng của bộ máy quan liêu đã làm sụp đổ Liên Xô. Những vấn đề này chắc chắn không chỉ là kết quả của các chính sách thời Gorbachev, mà nó như một căn bệnh ung thư di căn, trải khắp Đông Âu và Liên Xô trong một thời kỳ dài.

Người ta có thể hiểu vì sao ý tưởng “Đổ lỗi cho hệ thống” này thu hút các đảng viên có đầu óc cải cách ở Trung cộng. Xét cho cùng, nhiều cải cách của Đặng Tiểu Bình là một nỗ lực để chống lại loại tư duy cổ hủ, trì trệ này…”

Đổ lỗi cho Phương Tây

Sự sụp đổ của Liên Xô đơn giản là lỗi hoàn toàn do Mỹ? Một số người ở Trung cộng nghĩ như vậy và có thể giải thích việc tại sao Bắc Kinh tìm cách chấm dứt sự hiện diện rộng khắp của Mỹ ở châu Á:
Phe “Đổ lỗi cho phương Tây’ khác với hai nhóm còn lại vì nó có vẻ đặc biệt lo sợ các chính sách và ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực. Trên thực tế, một trong những mối quan tâm lớn hơn cả của phe này là Washington sẽ sử dụng quyền lực của mình để tạo áp lực lên Trung cộng nhằm bắt đầu thay đổi chế độ. Các bài báo xuất hiện trên các tờ báo như Nhân dân Nhật báo và Văn hối báo của Hồng Kông nói rõ đảng cộng sản Trung cộng  rất lo sợ ảnh hưởng ngày càng tăng của các cường quốc phương Tây “hung hăng” cũng như các dấu hiệu bề ngoài thể hiện sự chia rẽ trong đảng … Những tình cảm này vẫn còn tồn tại và các bài công kích kịch liệt bá quyền Mỹ thường vẫn được in trên nhiều trang xã luận ở Trung cộng.”

Trung cộng rất lo sẽ đi vào vết xe đổ của Liên Xô trước đây

 Xem xét sự sụp đổ của Liên Xô theo cách nhìn nhận của Trung cộng là rất quan trọng, đặc biệt là khi các nhà lãnh đạo Bắc Kinh muốn phục hồi năng lực kinh tế và chính thể của họ nhằm tiếp tục duy trì quyền lực. Tuy nhiên, có vẻ rõ ràng là sự tiến hóa của Trung cộng ngày nay đã khác xa so với Liên Xô khi nó bắt đầu giai đoạn suy tàn. Thị trường và các ngành công nghiệp của Bắc Kinh là một bộ phận rất lớn của nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Trung cộng không có vô số đồng minh và đối tác để hỗ trợ trên toàn thế giới với vũ khí đắt tiền và các khoản trợ cấp vô tận. Và điều tốt hơn cả là Bắc Kinh không vướng vào một cuộc đọ sức toàn cầu với Mỹ nhằm giành quyền lực và ảnh hưởng.

Nhưng bất kể các khác biệt, Bắc Kinh vẫn có lý do để lo lắng. Tăng trưởng kinh tế đã giảm mạnh, hay có khả năng sẽ biến mất. Người Trung cộng có thể già trước khi giàu. Ở Đông Á, các bước đi của Trung cộng trong khoảng một thập kỷ qua làm khu vực bất an, với các quốc gia xung quanh Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương nói chung dần dần tập hợp lại nhằm thách thức sự tìm kiếm quyền lực và ảnh hưởng lớn hơn của Bắc Kinh.

* Lược dịch bài viết trên National Interest của tác giả Harry Kazianis – nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách Trung cộng, và là nghiên cứu viên về các vấn đề an ninh quốc gia tại Quỹ Potomac. Ông là cựu Tổng biên tậpThe National Interest và cựu Tổng biên tậpThe Diplomat.