12.05.2016

Vì sao họ biểu tình?

Lũ cá cũng im lặng không dám lên tiếng. Cuối cùng thì chúng cũng chết. Hay cái chết đấy chính là cách chúng lên tiếng, bởi chúng không có quyền được nói”
Vì sao họ biểu tình?
 Người dân xuống đường biểu tình tại Hà Nội hôm 1/5/2016.

Qua 2 cuộc tuần hành ôn hòa tự phát của hàng ngàn người dân vào hôm mùng 1 và mùng 8 tháng 5 năm 2016 khắp các thành phố ở Việt Nam, có nhiều gương mặt chưa từng có ý định đi biểu tình. Vậy động lực nào khiến họ phải xuống đường?
Đi theo cảm xúc
Trao đổi với các cư dân mạng là những người lần đầu tiên xuống đường trong hai cuộc tuần hành liên tiếp vào hai Chủ nhật đầu tiên của tháng 5 năm 2016, hầu hết họ chia sẻ rằng “Tôi chỉ là người đứng ngoài” bởi vì theo quan điểm của họ VN chưa có Luật Biểu tình nên không có hành lang pháp lý nào để bảo vệ người tham gia tuần hành và cuộc tuần hành cũng không có kết quả gì khi chính quyền không công nhận việc làm chính đáng của công dân được quy định trong Hiến pháp.
Thế nhưng, trong tư thế của những người kiên nhẫn chờ đợi Nhà nước giải quyết các vấn đề cấp bách của quốc gia, như thảm họa cá chết môi trường biển bị ô nhiễm nghiêm trọng chẳng hạn, và qua sự quan sát thầm lặng diễn tiến phản ứng của những người xung quanh, rất nhiều người chưa từng có ý nghĩ xuống đường biểu tình lại có mặt trong 2 cuộc tuần hành ôn hòa tự phát để bày tỏ nguyện vọng được sống trong một môi trường trong sạch.
Chúng tôi được dịp trò chuyện với một người không muốn nêu tên vì anh không dám đại diện cho những người đi biểu tình ở Sài Gòn hôm mùng 8 tháng 5 nhưng anh tin rằng quyết định bộc phát tham gia tuần hành của mình cũng là hành động của nhiều người khác trong ngày hôm đó. Anh kể lại việc làm mà anh cho là đáng ghi nhớ trong cuộc đời:
“Tôi hoàn toàn đi theo cảm xúc của mình. Tôi đi với thái độ lúc đầu là đi dạo vì tính đi xem phim nhưng phim không hay nên đi dạo ngang qua khu vực đó. Ban đầu tôi đứng xem vì tò mò và thấy việc làm này là thiết thực vì môi trường nên tôi mới tham gia vô. Tôi cũng rất ôn hòa, đứng trên vỉa hè nhưng đứng im một chỗ thì hàng rào của cảnh sát cứ sấn lên lề đường về phía người biểu tình. Mình đứng im không nói gì thì họ giở rất nhiều chiêu trò như la lớn lên để một số người ồ ồ theo rồi loạn đả xô xát, đè qua đè lại. Mình thoát ra khỏi chổ nhóm người đó để đi về thì bị họ nhào tới chụp liệng lên xe. Lời khuyên nên đi về nhà mà mình rời khỏi đám đông về nhà thì cũng bị bắt. Nói chung bị bắt hết, ai cũng bị bắt và bị vô sổ bìa đen.”
Và chia sẻ của nhiều người ở Sài Gòn lần đầu tiên quyết định hòa vào dòng người tuần hành hay tọa kháng trong 2 cuộc biểu tình vừa qua đều có những lời kể tương tự họ trải nghiệm được thế nào là “đám đông tụ tập gây rối trật tự an ninh” qua tiếng loa vang inh ỏi rằng “bà con hãy về đừng gây mất trật tự, gây cản trở giao thông”. Đối với họ nếu đứng từ xa quan sát thì sẽ khó nhận ra được các lực lượng mặc sắc phục lẫn nhiều người mặc thường phục có đeo tín hiệu chiếc nhẫn màu xanh chính là những người chặn đường và tạo ra sự rối loạn rồi đánh đập và bắt bớ người tuần hành vì tội gây rối trật tự.
Trả lời câu hỏi của Hòa Ái về quyết định tham gia biểu tình một cách đột ngột theo cảm xúc của người thanh niên không muốn nêu tên đã để lại dấu ấn gì trong lòng của mình, người thanh niên này cho biết:
“Mình thấy một điều là mình thất vọng. Mình không thấy đau khi bị đánh mà thấy đau trong lòng nhiều hơn. Mình thấy đất nước mình bây giờ chính quyền sử dụng người bừa bãi, không còn tính người nên mình thấy buồn nhiều hơn. Thấy những người già và em bé, học sinh bị đánh, đây mới gọi là đau.”
Chính quyền đàn áp thẳng tay
Người biểu tình có con nhỏ cũng bị đánh.

Những hình ảnh người biểu tình ôn hòa bị đánh đập, xịt hơi cay, bị bắt lên xe không chỉ thể hiện nỗi đau thể xác của các nạn nhân mà sâu thẳm hơn là nỗi đau tinh thần không còn niềm tin vào chính quyền đã thẳng tay đàn áp đối với người dân. Cô Nguyễn Thị Ba, ở Quận Gò Vấp nói với Đài RFA cảm xúc khi xem được những video clip ghi lại hình ảnh các cuộc tuần hành bị trấn áp được lan truyền trên mạng xã hội:
“Tôi coi những video clip trong ngày Chủ nhật, ngày lễ Mẹ dành cho những bà mẹ, mà tôi thấy cảnh người dân cầm những tờ giấy ghi ‘Tôi cần sự sống sạch’ thì việc đó là bình thường. Trong các cuộc đi như vậy có những trẻ nhỏ, những em 13, 14, 15 tuổi đi theo phụ huynh, có thể phụ huynh dẫn theo do các bé hiếu kỳ hoặc do gia đình người ta đơn chiếc nhưng trong video clip tôi xem được có một bé ở Hà Nội nói rằng chính cô Giám đốc Công an Hà Nội tát vào mặt và nói ‘Mày muốn đi theo biểu tình, chống đối hả’ thì tôi thấy kỳ quá.
Đánh một người phụ nữ, đánh một đứa trẻ thì tôi thấy quá nhẫn tâm nên không thể nào gọi là yêu dân thương nước được. Ngày xưa học lịch sử tôi nghe nói người Việt đánh người Việt mà không thể tưởng tượng ra như thế nào còn bây giờ tôi thấy người Việt đánh người Việt, lại đánh phụ nữ và trẻ em, tôi thấy đau lòng lắm.”
Những người có mặt trong các cuộc tuần hành vừa rồi chia sẻ nỗi buồn, nỗi đau của họ vì lòng yêu nước mà họ cất tiếng nói cho tương lai tốt đẹp hơn nhưng đành phải giơ tay bất lực trước lực lượng an ninh dày đặc cũng như bị đối xử như những kẻ thù. Và nhiều người không có mặt trong các cuộc tuần hành với tư tưởng không bao giờ muốn xuống đường cũng chia sẻ với nỗi buồn, nỗi đau vì tình đồng bào và vì tương lai của chính họ mà quyết định sẽ phải tham gia biểu tình trong những ngày tháng tới. Bạn trẻ Thiên Ân, ở Đồng Nai khẳng định sự trấn áp đoàn biểu tình của chính quyền đã làm thay đổi tư tưởng của bạn ấy:
“Khi nhìn những cuộc biểu tình ôn hòa mà bị công an đàn áp, nhiều người bị đàn áp rất dã man, thậm chí phụ nữ và trẻ em cũng bị đánh đập thì em cảm thấy rất bức xúc và khó chịu trong người. Nếu em có ở đó thì em vẫn xuống  đường biểu tình, sẽ cứu giúp họ bằng những gì có thể làm được chứ không khiếp sợ gì hết. Vì biểu tình ôn hòa là việc làm đúng, không sai. Môi trường của mình thì mình phải giữ chứ không im lặng và thờ ơ được.”
Lời chia sẻ của một cư dân mạng, viết rằng “Lũ cá cũng im lặng không dám lên tiếng. Cuối cùng thì chúng cũng chết. Hay cái chết đấy chính là cách chúng lên tiếng, bởi chúng không có quyền được nói” đã đánh động suy nghĩ của dân chúng ở VN, họ tự hỏi rằngNgười Việt chỉ mong muốn có cuộc sống bình yên, nhưng rồi sao? Và hình ảnh những con cá chết trắng bờ dọc bãi biển miền Trung sẽ là số phận của chính họ trong một ngày không xa?
RFA