Thanh
Thương Hoàng
Một buổi sáng chủ nhật, tôi tình cờ theo chân một
phái đoàn thuộc HỘI ÁI HỮU CỰU CHIẾN BINH HOA KỲ THAM CHIẾN TẠI VIỆT NAM, tên Mỹ
là “Viet
Nam Veterans of America” (viết tắt AVVA Chaper201) Chi hội San Jose
Bang California (viết tắt VVA) đi thăm ủy lạo và đãi bữa ăn trưa các thương bệnh
binh Mỹ từ các chiến trường trên thế giới chuyển về Quân Y Viện P. A. Thú thực
hơn 10 năm sống ở Thành phố San Jose tôi chưa hề biết tới Quân Y Viện này, tọa
lạc tại Thành phố P. A. cách thành phố tôi ở khoảng 2, 3 chục dặm. Trước khi
vào bài tôi nghĩ nên có vài dòng viết về tổ chức AVVA Chaper 201 này.
Đây là một
tổ chức thiện nguyện to lớn (và lâu năm) có chi nhánh trên khắp nước Mỹ do một
viên tướng Mỹ hồi hưu đứng đầu. Nhiệm vụ của họ (tự đề ra) là thăm viếng ủy lạo
giúp đỡ các thương bệnh binh (và gia đình) đang nằm điều trị ngắn hay dài hạn,
tùy theo thương tích bệnh hoạn tại các Quân Y Viện. Mỗi năm các chi hội tự động
tổ chức thăm viếng vài ba lần theo khả năng tài chánh quyên góp được. Chi Hội ở
San Jose do một số người Việt đứng ra đảm trách (đa số là các cựu quân nhân Việt
Nam Cộng Hòa). Hội không có “phân” của Nhà Nước Mỹ, các Chi hội phải tự túc mọi
phương tiện. Nếu được các nhà hảo tâm tài trợ nhiều thì họ tổ chức thăm viếng
nhiều lần. Họ không mở “mặt trận” quyên góp rầm rộ hay tổ chức tiệc tùng gây quỹ.
Ai biết tới và có lòng thì tự động gửi tặng và dù số tiền cũng như phẩm vật ít ỏi,
mỗi năm họ vẫn phải tổ chức thăm viếng ít ra là hai lần, tiền do các hội viên,
thiện nguyện viên, thân hữu đóng góp từ dăm bẩy đồng tới bạc trăm. Tùy theo số
tiền thu được, họ làm các món ăn đơn giản như bánh mì kẹp thịt, gà, heo nướng,
thịt bò chiên, súp, rau, trái cây, ít ra cũng phải dăm bẩy món cho đủ khoảng
trên dưới 200 phần ăn đem tới Quân Y Viện để thết đãi. Tôi được biết trước ngày
“ra quân” các bà, các cô và cả các cụ ông cụ bà (trên 60 tới 80 tuổi) trong Chi
Hội đã thức gần trắng đêm để lo cho xong phần thực phẩm như cắt ướp thịt, rau,
bánh, trái cây, nấu súp…
&
Phái đoàn lên đường khoảng 10 xe (toàn xe cá nhân tự
túc) với gần 30 người. Quân Y Viện P. A. nằm trên một khu đất riêng biệt, rộng
lớn và đồ sộ. Không có ai trong Quân Y Viện ra đón phái đoàn. Chúng tôi tự động
vào nơi tập trung tại một căn phòng và một sân nhỏ. Trước chúng tôi đã có một
ban nhạc học sinh từ Thành phố Stockton tới. Ban nhạc gồm 5,6 em học sinh đủ cả
Việt Mỹ (đen, trắng, vàng) chuyên xử dụng đàn Guitar, kèn, nhất là Violin. Nghe
nói các em đã tự nguyện tham gia chương trình này từ mấy năm nay. Cũng có một
đoàn vũ thiếu nhi hướng đạo Bách Việt đến giúp vui, thêm ban nhạc Minh Trung,
ông bà nhạc sĩ Trần Điềm và mười mấy “ca nhạc sĩ nghiệp dư” ở nhiều nơi năm nào
cũng tự động đến ca hát. Ban tổ chức khi tới nơi bắt tay ngay vào “công tác ẩm
thực”- tức nhóm bếp than nấu nướng, khói bốc mù mịt tỏa mùi thơm lừng. Chỉ
trong chốc lát thương bệnh binh từ các phòng lần lượt kéo tới, rất nhiều người
(đàn ông đàn bà đủ cỡ tuổi, đen trắng đủ cả, phần đông từ trung niên trở lên)
ngồi trên xe lăn với thân thể không toàn vẹn như cụt chân tay, mù mắt. Các ông
thì râu ria xồm xoàm tóc tai bờm sờm, các bà thì hoặc béo tròn hoặc gầy như que
củi khô, đầu tóc rối bù biếng chải, ăn mặc lôi thôi lếch thếch. Họ là các
thương bệnh binh từ các chiến trường Trung Đông trở về . Họ ngồi chật trong
phòng và ngoài sân khoảng hơn 200 người. Đây là những người còn lê lết cất bước
được hoặc “ngự” trên các xe lăn. Họ vừa ăn uống vừa nghe ban nhạc “nghiệp
dư”trình diễn, ca hát. Còn những thương bệnh binh bị thương nặng quá không tới
được, ban tổ chức cử từng nhóm mang từng hộp thức ăn tới tận giường bệnh cho họ.
Có các nhạc sĩ học sinh theo sau kéo Violin những bản nhạc vui để cho họ vừa ăn
vừa nghe.
Tôi đi theo một toán tới những phòng bệnh nhân nặng nhất. Phòng thứ
nhất có một thương bệnh binh mới từ Afganistan chuyển về mấy ngày. Hai chân anh
còn bó băng kín. Anh bị mìn phá nát hai bàn chân và bụng vừa giải phẫu lấy ra mấy
mảnh mìn. Anh thấy chúng tôi vào thản nhiên nhìn. Hỏi anh chỉ lắc hay gật. Khi
đưa thức ăn anh ra hiệu để xuống cái bàn nhỏ, anh chưa muốn anh. Hỏi có thích
nghe nhạc không, anh gật. Các em học sinh kéo violin liền mấy bản nhạc vui
tươi, lúc ấy tôi thấy mắt anh chớp chớp có vẻ xúc đông.
Chúng tôi sang phòng khác. Đây là một thương bệnh
binh người da đen có thể nói còn rất trẻ, khoảng ngoài 20 tuổi. Thấy chúng tôi
vào anh nhỏm ngồi dậy vui vẻ cất tiếng “hê lô” liền. Sau khi nhận phần thức ăn,
anh ăn ngay một cách ngon lành. Chúng tôi hỏi câu gì anh mau mắn trả lời câu
đó. Anh cho biết từ mặt trận Iraq về trên 2 năm rồi. Đã xuất viện nhập viện năm
lần bẩy lượt vì chứng bệnh đau đầu (thỉnh thoảng lên cơn đau dữ dội) vì một
viên đạn còn nằm trong đó các bác sĩ chưa dám mổ sợ lâm nguy tới tính mạng.
Ngoài ra còn cái ống chân phải bị gẫy nên anh lười đi ra ngoài. Anh chưa có gia
đình, chưa có người yêu. Bố chết,mẹ đi lấy chồng khác. Bà phải lo cho các con của
bà còn nhỏ “không có thì giờ tới thăm
tôi. Hơn nữa bà nghèo lại ở Bang xa”.
Hỏi anh có oán ghét chiến tranh không, anh gật đầu:
“Có ai ưa chiến
tranh. Chúng tôi sang đó vì nhiệm vụ. Chỉ vì không muốn giết một gã dân quân
khi thấy gã giơ hai tay lên, tôi vừa hạ súng xuống thì bất ngờ, gã nhanh như chớp
nã liền mấy phát đạn vào tôi. May cho tôi chưa chết, còn gã dân quân thì bị các
bạn tôi sơi tái liền.”
“Anh có căm giận
kẻ hại mình không?”
Anh cười hiền: “Chiến
tranh mà! Mình không giết họ thì họ cũng giết mình!”
“Anh
có nghĩ tới tương lai?”
Anh lắc đầu không trả lời câu hỏi và yêu cầu các nhạc
sĩ chơi cho anh nghe bản “What will be will be”. Nắm tay giã từ anh, tôi thấy
anh có vẻ như cố tạo nụ cười vui. Tôi nghĩ chắc anh sẽ buồn lắm khi nằm lại một
mình trong căn phòng nhỏ.
Sang một phòng khác bất ngờ gặp một thương bệnh binh
người Việt. Anh còn rất trẻ vui mừng chào đón chúng tôi. Anh mới từ mặt trận
Afganistan chuyển về hơn tháng nay. Anh bị cụt một chân, giờ đang chờ làm chân
giả xong thì xuất viện. Bố mẹ và các em anh thường đến thăm và rất hãnh diện về
anh đã góp phần xương máu cho đất nước Mỹ, tổ quốc thứ hai của anh. Nghe anh cười
nói một cách hồn nhiên, chúng tôi vui lây và cũng như cha mẹ anh, rất hãnh diện
về anh. Đi tiếp một hai phòng nữa thì tới một phòng với một thương bệnh binh đặc
biệt. Đặc biệt hơn nữa là anh đã tham dự cuộc chiến tại Việt Nam và nằm từ đó tới
giờ (gần 40 năm) tại đây. Anh bị mảnh đạn pháo của địch cắt ngang sống lưng một
đoạn dài. Ngoài ra hai chân cũng bị đứt luôn. Chân được lắp chân giả, cố gắng
đi lại được những đoạn ngắn, nhưng cái lưng thì bất trị, mặc dầu khoa học đã dốc
toàn lực chữa. Mỗi lần chuyển động hay trở trời thay đổi thời khí đau lắm nên
anh cứ nằm trên giường bệnh quanh năm ngày tháng không tên, không biết cả thời
gian trôi qua, ngày cũng như đêm. Tuy thân thể tệ hại vậy nhưng trái lại cái đầu
anh rất tỉnh táo, sáng suốt, có lẽ vì vậy anh càng đau khổ thêm. Anh cũng chẳng
quan tâm gì tới mọi người xung quanh. Chúng tôi vào anh vẫn nằm yên trên giường.
Anh gầy và xanh xao, chiếc mền trắng phủ tới cổ, chỉ để hở “rừng” tóc dài rối bời
phủ đầy trên chiếc gối và bộ râu ria bù xù rậm rì. Anh bảo:
“Bệnh viện đòi
cắt nhưng tôi không chịu. Tôi đã “nuôi” nó từ lúc bị thương ở Việt Nam”.
Ngưng chút anh nói tiếp với giọng thều thào có phần
yếu ớt:
“Để nuôi kỷ niệm
mà!”.
Rồi anh thở dài:
“Khi ra đi là
một chàng trai mới ngoài 20 tuổi tóc xanh mắt sáng thân mình khỏe mạnh, giờ đây
tôi đã trở thành ông già ngoài 60 (anh thở dài) thân thể tong teo yếu đuối bệnh
tật, râu tóc trắng xóa và không biết tuổi già còn kéo dài bao lâu nữa trên chiếc
giường này: “nó” đã gắn bó với tôi có lẽ suốt đời. Hiện tôi đang sống trong cõi
chết”.
Tôi nhắc lại: “Hiện
anh đang”sống”trong cõi chết?”
Anh trả lời ngay “Hiện tôi sống trong cõi chết. Thế giới của tôi là cái giường này và cái
Tivi, cái Computer. Nếu không có chúng chắc tôi chết thực sự lâu rồi.”
Vì suốt ngày đêm “sống” với cái Tivi và Computer nên
anh biết tất cả những sự việc xẩy ra trên nước Mỹ và thế giới. Tôi hỏi anh về
gia cảnh. Anh lắc đầu chua chát:
“Bố tôi
đã mất trong một tai nạn lao động khi tôi còn tham chiến ở Việt Nam. Còn mẹ tôi
ngất xỉu khi hay tin tôi bị trọng thương, ít ngày sau bà chêt vì bệnh tim. Tôi
có một cô em gái nhưng giờ chẳng biết lưu lạc nơi đâu, sống hay chết. Tôi cũng
không có vợ con, nhà cửa, là một kẻ vô gia cư chính hiệu nên đã lấy bệnh viện
làm nhà của mình“.
Anh ngưng
chút nuốt nước bọt như cố nén dĩ vãng đang dâng. Anh nói:
“Trước lúc nhập
ngũ tôi cũng có cô bạn gái hẹn hò thề thốt lăng nhăng nhưng nếu đặt vào trường
hợp anh, anh có chịu lấy một gã tàn phế như thế này không?”
Ban nhạc muốn giúp vui nhưng anh từ chối. Khi cả
nhóm từ giã, tôi muốn ở lại với anh để hỏi vài điều. Anh ô kê. Tôi ngồi xuống
chiếc ghế nhỏ cạnh anh. Anh giục:
“Có
điều gì muốn hỏi thì anh cứ nói đi, đừng ngại?”
Tôi ngập ngừng mãi mới cất tiếng:
“Anh
bị chết cả cuộc đời như thế này do cuộc chiến tranh của chúng tôi gây ra, anh
có oán trách thù hận chúng tôi?”
Anh trả lời liền: “Không!“ “Tại sao?” “Tôi chỉ ân hận sao không chết ngay lúc đó để mọi
người đỡ khốn khổ vì tôi và món nợ Tổ quốc trả xong. Tôi giờ đây đúng là người
chiến sĩ vô danh thực sự, sống âm thầm trong tăm tối quên lãng. Một người thừa
của xã hội. Nhưng dù sao tôi cũng còn sung sướng hơn các bạn cựu chiến hữu của
các anh bị kẹt ở quê nhà anh nhiều, vì tôi còn chính phủ, còn quân đội chăm lo
chữa trị. Còn các cựu chiến hữu của anh? Tôi được biết họ với tấm thân tàn tật
không được chữa trị nuôi dưỡng lại còn bị kẻ thắng trận kỳ thị khinh khi đối xử
tàn tệ. Họ phải lê tấm thân tàn hàng ngày đi ăn xin, tối về không nhà cửa phải
nằm ngủ nơi nghĩa địa hoang. Ốm đau không thuốc chữa, không nơi cưu mang đùm bọc.
Khi chết thân xác thối rữa làm mồi cho loài thú hoang.”
Tôi bất ngờ sửng sốt trước tấm lòng của người cựu
chiến binh Hoa Kỳ. Anh đã quên số phận mình để đau cho thân phận những người đứng
trong cùng chiến tuyến không hề quen biết. Ngày 30 tháng Tư năm 1975, ở trung
tâm Thành phố Saigon đứng trên lan can lầu nhà người bạn nhìn xuống đường thấy
những anh chiến sĩ quốc gia cỡi trần bỏ hết bộ quân phục cúi đầu lầm lũi đi bên
lề đường, tôi không khỏi cầm được nước mắt. Anh bạn chủ nhà đứng bên thở dài và
bỗng đấm vào ngực thình thịch nói như hét:
“Nhục quá! Khốn
nạn quá! Đau lòng quá! Thế là hết! Hết thực rồi! Ôi những người chiến binh oai
hùng của tôi giờ đây bỗng dưng trở thành những kẻ hàng binh lơ láo. Rồi mai này
cuộc đời họ sẽ ra sao, hở trời!”
Tôi còn muốn hỏi anh bạn thương bệnh binh nhiều nữa,
bất ngờ anh “phỏng vấn” lại tôi. Tôi thấy đôi mắt anh mở to hơn và tiếng nói mạnh
hơn:
“Chúng
tôi sang tham chiến tại Việt Nam có phải để xâm lăng, cướp đất đai của cải của
các anh không?”
“Tất
nhiên là không rồi.”
“Vậy thì chúng tôi mang vũ khí, lương thực, tiền bạc và cả sinh mạng
nữa sang để giúp các anh ngăn chặn làn sóng đỏ, bảo vệ tự do dân chủ cho các
anh. Có phải vậy không?”
“Đúng
vậy!”
“Chúng tôi đã mất bao tỷ bạc và trên năm mươi ngàn người chết, mất
tích. Hỏi chúng tôi có được gì không ngoài những cuộc xuống đường đòi đuổi người
Mỹ, ném đá phá xe người Mỹ, đốt xé cờ Mỹ, phá phách thư viện đốt sách báo của Mỹ,
tức đốt nền văn hóa Mỹ. Còn bọn mệnh danh trí thức của các anh thì kết tội
chúng tôi phá hoại đạo đức thuần phong mỹ tục dân tộc anh. Khi chúng tôi rút đi
thì các anh lại kết tội chúng tôi bất lương, bất nhân, tháo chạy bỏ mặc đồng
minh để cả nước rơi vào tay bọn cộng sản. Các anh kết tội, nguyền rủa chúng tôi
chẳng kém gì kẻ thù.
Khi các anh chạy cộng sản sang đây, đất nước chúng tôi dang rộng
cánh tay nhân từ ân cần đón tiếp giúp đỡ các anh. Con cháu các anh có cơ hội học
hành thành tài. Còn các anh có cơ hội làm việc trở nên giầu có rồi lại “vô tư”
mang tiền bạc về nước làm giầu kẻ thù cũ của các anh với lý do đẹp đẽ: xây dựng
lại quê hương đất nước!
Đã vậy tại sao các anh còn to tiếng nguyền rủa oán trách chúng
tôi? Xuống đường đả đảo phản đối đòi hỏi quá nhiều điều vô lý ở chúng tôi? Đất
nước này đâu phải con bò sữa, đâu phải bãi rác, đâu phải khu rừng hoang để các
anh tự do múa gậy! Rồi không còn nhớ tới thân phận mình sống nơi đất nước người
(và đã tuyên thệ làm công dân mới) cứ nhân danh này nọ nhiều thứ (ngoài hiến
pháp) làm những điều tệ hại như xâu xé, chia rẽ phe cánh bôi mặt đá nhau gây
xáo trộn cả xã hội. Tôi chưa thấy một cộng đồng thiểu số nào ở đây làm như vậy.
Đôi lúc tôi
nghĩ thấy hối hận: có lẽ mình đã lầm, cứ tưởng dân tộc các anh là dân tộc anh
hùng bất khuất. Muôn người như một liều mình lao vào chỗ chết tìm đường sống rồi
chung lưng đấu cật mài gươm chờ ngày mai phục quốc như một số dân tộc khác.”
Thật
bất ngờ, trước “tai bay vạ gió” bất đắc dĩ bị đại diện cho đồng bào mình nghe…
chửi, tôi đành im lặng chịu trận. Tôi không ngờ người cựu chiến binh tàn phế
này vẫn còn nuôi nỗi đau cuộc chiến của chúng tôi cho tới bây giờ qua hơn nửa
thế kỷ và đau cả nỗi đau của chúng tôi hôm nay.
Nghỉ chút lấy sức và thở, anh
nói tiếp:
“Chúng tôi sang Việt Nam chiến đấu có phải vì chúng tôi hay vì các
anh? Chưa kể tới ngót 50.000 người chết, còn kẻ sống sót như tôi và biết bao bạn
tôi trở nên tàn phế trăm phần trăm như thế này, cuộc đời kể như vất đi, như chết
rồi, tôi hỏi anh vì ai, chẳng lẽ vì chúng tôi?. Tổ tiên các anh có câu thành ngữ
truyền lại: “Tiên trách kỷ hậu trách nhân”, hãy trách mình trước khi trách người.
Những cuộc xuống đường đả đảo đòi đuổi chúng tôi trước đây, phải đau xót và vô
tư nhìn nhận rằng khi đó các anh đã góp một phần vào việc mất nước của mình. Bọn
côn đồ phản chiến bên Mỹ này đã vin vào đó mà có cớ la lối chống đối đòi hỏi
quân đội Mỹ rút bỏ. Rồi khi về nước chúng tôi còn bị đồng bào khinh khi miệt thị.
Anh đã “nhìn” thấy nỗi đau của chúng tôi chưa? Thế xác đã đau nhưng tinh thần
còn đau gấp bội. Ai bù đắp cho chúng tôi những thiệt hại mất mát to lớn này? Hỏi
những người Việt Nam đang sống ngay trên đất Mỹ còn có mấy ai tưởng nhớ tới “những
thằng Yankee” tàn tật như chúng tôi đang nằm đợi chết hay đang chết trong cõi sống
ở cái só bệnh viện này? Nếu ngày trước các anh tổ chức những phái đoàn đi ủy lạo
tỏ lòng biết ơn chúng tôi như bây giờ, có lẽ cục diện đất nước các anh có thể
đã đổi khác. Thôi anh đi đi và đừng buồn giận tôi nhé. Anh đã làm nỗi đau của
tôi sống lại đấy. Hơn 50 năm nay tôi cố quên và tự an ủi và cả hãnh diện nữa là mình
đã đổ xương máu để giữ gìn tự do dân chủ cho nước bạn nhỏ yếu nhưng…”
Bất thần, bàng hoàng đến sửng sốt khi tôi thấy anh cựu
chiến binh Hoa Kỳ già ôm mặt òa khóc nức nở như đứa trẻ bị đánh đòn.
Tôi không còn đủ can đảm đứng lại bên anh bạn thương bệnh binh Mỹ mang nặng vết thương chiến tranh, mang nặng tấm thân tàn phế trên nửa thế kỷ từ đất nước tôi về nữa. Mắt tôi cay sè. Tôi khẽ nắm tay anh và cúi đầu bước vội ra khỏi phòng. Tôi thầm cám ơn anh bạn chiến sĩ Hoa Kỳ và những tấm lòng Việt Nam đã đưa tôi tới đây hôm nay.
Lịch sử đã sang trang lâu rồi sao vết
thương vẫn còn nhức nhối, vẫn còn nước mắt…? Anh bạn cựu chiến
binh thương phế binh Hoa Kỳ ơi, tôi, chúng tôi, không quên và mãi mãi không bao
giờ quên các anh. Xương máu các anh đã thấm đẫm vào lòng đất nước tôi.
THANH THƯƠNG HOÀNG