07.08.2016

Nhà văn Dương Nghiễm Mậu

„Người yêu mến chữ nghĩa của ông tuy không còn nhiều trong nước nhưng cái lấp lánh của những tác phẩm sắc sảo, cô đọng một thời của văn học miền Nam vẫn thuyết phục được nhiều người…“
Nhà văn Dương Nghiễm Mậu
Mặc Lâm (RFA)
Nhà văn Dương Nghiễm Mậu    Photo by Lý Đợi

Nhà văn Dương Nghiễm Mậu, tên thật Phí Ích Nghiễm, một cây bút nổi trội của văn học miền Nam vừa qua đời ngày 2 tháng 8 tại Sài Gòn với số tuổi 80. Ông mất đi để lại gia tài là những cuốn sách âm thầm trên giá, vài bức tranh sơn mài chưa kịp bán và câu chuyện của những nhà văn miền Nam bị trù dập, tấn công sau năm 1975 mà ông là một chứng nhân lẫn nạn nhân.

Gác bút sau 1975
Tính tới ngày 30 tháng 4 năm 1975, số sách Dương Nghiễm Mậu đã viết khá nhiều. Ông đã cho xuất bản trên dưới 20 tác phẩm gồm truyện ngằn, bút ký, truyện dài…Bên cạnh truyện ngắn đầu tay “Rượu chưa đủ” vẫn còn được nhắc nhở mãi tới hôm nay Dương Nghiễm Mậu được giới văn nghệ sĩ miền Nam nhớ tới qua những cái tên sách như: Đêm, Đôi mắt trên trời, Ngã đạn, Địa ngục có thật, Tuổi nước độc, Cũng đành, Tiếng sáo người em út, Nhan sắc…và truyện dài Gia tài Người Mẹ, nhận giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc 1966.
Thế nhưng sau ngày 30 tháng 4 tới nay hơn 40 năm, Dương Nghiễm Mậu gần như không còn viết gì nữa. Ông kiếm sống bằng nghề vẽ tranh sơn mài theo kiểu thủ công mỹ nghệ và an nhiên với cuộc sống hiền lành, tự tại giữa vòng tròn yêu mến của bạn bè.
Trong lứa tuổi thanh xuân, Dương Nghiễm Mậu gia nhập giới cầm bút rất sớm, ông miệt mài làm việc chung với những tác giả nổi tiếng cùng thời với mình và tên tuổi Dương Nghiễm Mậu không xa lạ với người đọc trước năm 1975 bởi văn phong, bút pháp và không khí trong mỗi tác phẩm của ông, đã ghi lại dấu ấn của một tác giả đã tìm thấy riêng cho mình một hướng đi mới. Tuy cùng song hành với một thời kỳ văn chương bùng nở và thăng hoa viên mãn nhất nhưng Dương Nghiễm Mậu tách hẳn sang một bên, tạo cho mình một nơi chốn mà sự suy tưởng của từng nhân vật phản chiếu đầy đủ tính chất thời đại với những nghiệt ngã mà cuộc chiến Việt Nam kéo nhà văn lẫn người đọc quay cuồng vào vòng xoáy của những cuộc đổi thay chính trị lẫn xương máu của người Việt đổ ra trong chiến tranh.
Nhà thơ Du Tử Lê nhận xét về văn chương Dương Nghiễm Mậu như sau:
Với tôi, Dương Nghiễm Mậu là một nhà văn lớn của miền Nam Việt Nam. Ông lớn ở chỗ ý thức về nhân bản, về con người và về tự do. Hầu như tác phẩm nào của ông cũng đều được soi sáng giống như ngọn đuốc, như hải đăng nó chi phối cả sự nghiệp của ông.
Cuốn “Nhan sắc” ông viết cuộc đời của Từ Hải, nói cách khác là ông dùng hình thức ngoại truyện để nói về hoàn cảnh hiện tại của thời đại ông đang sống. Nói rõ hơn, ông là người thứ hai sau Khái Hưng người đã viết bộ truyện mà mọi người còn nhớ là “Tiêu sơn tráng sĩ”, lấy ngoại sử, lấy dã sử để nói về thời đại mà ông Khái Hưng đang sống. Ông Dương Nghiễm Mậu cũng vậy, củng lấy ngoại sử và chỉ khác ông Khái Hưng ở chỗ lấy nhân vật Từ Hải của Truyện Kiều để nói về hoàn cảnh 20 năm của miền Nam Việt Nam.
Đây là hai người đi vào lĩnh vực trước nhà văn Nguyễn Huy Thiệp rất xa. Nhiều người không đọc hoặc là không để ý thì cho rằng ông Nguyễn Huy Thiệp là người khai phá dòng văn chương mới tức là dựa vào ngoại truyện hay dã sử để nói về thời hiện đại của tác giả nhưng điều đó không đúng, chúng ta nên trả lại sự thật là người đầu tiên đem dã sử vào văn chương là ông Khái Hưng qua mẫu chuyện Tiêu Sơn tráng sĩ. Người thứ hai cũng dùng loại ngoại truyện là ông Dương Nghiễm Mậu qua cuốn Nhan sắc mặc dù nói về nhân vật Từ Hải lấy từ Truyện Kiều của Nguyễn Du ra thì tôi cho đó là khai mở rất mới của Dương Nghiễm Mậu.
Đối với nhà văn Nguyễn Viện, thuộc thế hệ sau Dương Nghiễm Mậu, đọc truyện của ông vào những ngày mà văn học miền Nam gần như hoàn toàn bị xóa sổ lại ấn tượng với cách mà Dương Nghiễm Mậu cho nhân vật Kinh Kha buông dao trủy thủ vì chợt nhận ra rằng giết bạo chúa này sẽ có bạo chúa khác thay thế, anh cho biết:
Trong những tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu nói chung tôi đọc cũng khá nhiều nhưng ấn tượng nhất là tập truyện ngắn Nhan sắc, đặc biệt trong đó có truyệnCon trủy thủ trên đất Tần bất trắc”. Chính ngay truyện này có lần tôi gặp anh Mậu thì anh cũng có nói lý do tại sao anh viết truyện đó. Có lẽ cũng nhắc lại một chút trong bối cảnh mà sau cuộc cách mạng năm 1963 nhóm tướng lãnh đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm thì anh Mậu trước tình hình đảo chính lung tung, lộn xộn do chỉnh lý lúc đó thì anh Mậu viết truyện đó.
Khi Kinh Kha vào đất Tần lấy con dao trủy thủ nhằm giết nhà độc tài, một tên bạo chúa nhưng trước thái độ cùng lời biện hộ của Tần Thủy Hoàng thì Kinh Kha đã buông dao. Nó ám chỉ khi người ta đảo chánh một chế độ thì người ta biết phải làm cái gì và phải biết điều gì cần thay thế. Lúc ấy anh Dương Nghiễm Mậu cho rằng cái đám tướng lãnh hồi đó dường như không có sự chuẩn bị cho việc đảo chánh vì thế thái độ bảo vệ cho bạo chúa Tần Thủy Hoàng của anh Dương Nghiễm Mậu có lẽ nằm trong trường hợp đó.
Với nhà văn Phan Nhiên Hạo, được đọc Dương Nghiễm Mậu từ những tủ sách nước ngoài nhưng anh cũng sớm nhận ra được văn phong của một nhà văn tinh hoa của một thời, Phan Nhiên Hạo cho biết:
Những tác phẩm của văn chương miền Nam trong đó có tác phẩm của nhà văn Dương Nghiễm Mậu sau này thì tôi nghĩ cũng dễ tìm chứ không khó. Tại vì có nhiều sách của nhà văn Dương Nghiễm Mậu đã được in lại ở hải ngoại. Internet cũng phổ biến rất nhiều tác phẩm của ông ấy trên mạng. Tôi bắt đầu đọc truyện của ông trong các tuyển tập như là “Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta”….bắt đầu từ những sách được in lại tại hải ngoại tôi tìm lại những sách cũ hồi trước.
Có thể tôi đọc vài truyện ngắn của ông thì tôi nhớ nhiều nhất là truyện “Cũng đành”. Truyện viết về thân phận một người trong cuộc chiến tranh bối cảnh là thời kháng chiến trước năm 1954, tôi thấy cách viết rất hay, cái hay của truyện Dương Nghiễm Mậu là không khí u uất, buồn thảm. Chi tiết cũng hay nhưng nói chung cái hay nhất nằm ở không khí trong truyện Dương Nghiễm Mậu.
Một nhà văn dũng cảm
Nhà văn Dương Nghiễm Mậu và tác phẩm Tiếng sáo người em út.

Theo báo chí trong nước Dương Nghiễm Mậu là một trong rất ít nhà văn miền nam có tên trong “Từ điển văn học” do nhà Thế Giới ở Hà Nội xuất bản. Cái tin này có thể đã cũ, đã không còn ai nhớ tới và nhất là những dòng chữ có tên trong “Từ điển văn học” như một lời ai điếu cho nhà văn hơn là ngợi khen một tài năng, một nhân cách sống.
Bởi trước khi được có tên trong “Từ điển văn học” thì Dương Nghiễm Mậu có tên trong danh sách của Vũ Hạnh, nhà văn có biệt danh  ngự sử văn chương sau 1975, với nhãn mác biệt kích văn nghệ được Vũ Hạnh đeo trên ngực, Dương Nghiễm Mậu trở thành kẻ chống phá nền văn chương rực rỡ xã hội chủ nghĩa, tệ hơn, dưới ngòi bút Vũ Hạnh thì sách của Dương Nghiễm Mậu “nổi bật tính phản động tha hóa lớp trẻ hầu đưa đẩy họ vào sự chống phá cách mạng, chống lại sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi sự thống trị của bọn đế quốc xâm lược”.
Câu chuyện xảy ra sau khi Dương Nghiễm Mậu trả nợ văn chương sau hai năm trong nhà tù Phan Đăng Lưu để trở về với đời sống bình thường gần như ẩn dật. Người yêu mến chữ nghĩa của ông tuy không còn nhiều trong nước nhưng cái lấp lánh của những tác phẩm sắc sảo, cô đọng một thời của văn học miền Nam vẫn thuyết phục được nhiều người trong đó có nhà thơ Nguyễn Quốc Thái.
Kể lại câu chuyện đốt sách bằng chữ của nhà văn Vũ Hạnh đối với Dương Nghiễm Mậu, nhà thơ Nguyễn Quốc Thái ngồi trước quan tài của Dương Nghiễm Mậu tại Sài Gòn ngậm ngùi nhớ lại:
Anh Mậu là một nhà văn dũng cảm, tôi xin nói như vậy. Sau 1975 anh giữ gìn tư cách của anh ấy đến nỗi nhiều người phải ghen tức vì cái điều đó. Cũng chính vì điều đó nên tôi trao đổi với anh Mậu và tôi xin phép anh được tái bản 4 quyển sách của anh. Lúc đó tôi làm việc cho công ty Văn hóa Phương Nam.
Bốn quyển truyện của anh Mậu được tái bản sau năm 75 khi in xong bị nhiều đao búa đánh ảnh nhưng anh ấy rất bình tĩnh và thái độ bình tĩnh của anh ấy rất đáng kính trọng trước những sự xúc phạm thô bỉ của một số người. Nói chung anh Mậu là một người bạn tốt, một người bạn tử tế một nhà văn có tài, một nhà văn dũng cảm trong hoàn cảnh nào đó. Cuốn sách do Phương Nam phát hành tuy bị cấm nhưng những người trẻ họ vẫn tìm đọc, âm thầm tìm tác phẩm của anh ấy để đọc, đó là điều mà tôi rất mừng. Cho tới ngày hôm nay thì Phương Nam định tái bản bốn cuốn đó và những cuốn khác của anh Mậu. Những người trẻ sau này họ rất qúy anh Mậu.
Bốn tập truyện ngắn ấy là Đôi Mắt Trên Trời, Cũng Đành, Nhan Sắc, và Tiếng Sáo Người Em Út.
Vũ Hạnh, nhân vật chủ chốt trong Hội đồng đánh giá Văn Học Miền Nam tại Thư Viện Quốc Gia đã dùng “Bút máu” của ông đâm thấu tim bốn tác phẩm này như ông đã từng chỉ điểm những nhà văn, nhà thơ khác sau khi miền Nam chìm sâu dưới ngọn lửa đốt sách.
Nhà văn Ngô Thế Vinh, tác giả của Vòng Đai Xanh, tác phẩm cùng chung số phận trong chiến dịch đốt sách, viết lại trong một bài về Dương Nghiễm Mậu như sau:
Tôi không thể không có ý nghĩ nếu làm một con toán cộng những năm tù đầy của mỗi văn nghệ sĩ Miền Nam, con số ấy phải vượt trên nhiều thế kỷ. Không phải chỉ có oan nghiệt giam cầm huỷ hoại những thân xác, họ còn giết chết sức sáng tạo của văn nghệ sĩ trong khoảng thời gian sung mãn nhất. Một nỗ lực hủy diệt cả một nền văn hóa đến tận gốc: trước lịch sử, ai phải nhận lãnh trách nhiệm cho những tội ác thiên thu ấy?”
Lịch sử như một vết cắt hằn sâu lên khuôn mặt văn chương sau ngày 30 tháng 4. Trong chương sách ấy, hàng chục nhà văn nổi tiếng của miền Nam kể rằng Vũ Hạnh là người hướng dẫn “cách mạng” tới từng địa chỉ của “biệt kích văn nghệ” bắt họ vào Phan Đăng Lưu để trả lời tại sao cầm bút, và tại sao lại ký vào tờ yêu cầu chính quyền Sài Gòn thả ông ta ra khỏi nhà tù miền Nam với tội danh gián điệp nằm vùng.
Trong số người biết và cùng chia sẻ với Dương Nghiễm Mậu trong tù là nữ sĩ Nhã Ca, tác giả của Giải khăn sô cho Huế, bà kể lại tính cách của Dương Nghiễm Mậu như sau:
Sau 75, năm 76 thì chúng tôi cùng đi vào tù với nhau. Đối với tôi anh Dương Nghiễm Mậu là người sống rất thanh thản dù trong hoàn cảnh nào thì anh cũng giữ được sự chững chạc, tư cách của anh, nhất là tư cách của một nhà văn. Thật ra hồi đó chồng bị bắt, tôi cũng bị bắt đôi khi cũng hay nóng giận và lúc nào anh cũng kèm sát một bên để khuyên nhủ và bảo là phải bình tĩnh, phải cố gắng là vì cô còn một bầy con cần phải chăm sóc.
Khi chúng tôi nghe tin anh mất cả vợ chồng tôi hết sức bàng hoàng, bần thần cho đến hôm nay chỉ có 3 ngày và hôm qua là ngày hỏa thiêu của anh bạn hữu bên đó có gửi qua cho chúng tôi tấm hình những giây phút cuối cùng của anh ở Sài Gòn.
Nhà văn Phan Nhiên Hạo vì yêu mến ông, đã nhiều lần ghé thăm nhà văn khi có dịp về Việt Nam, kể lại phản ứng của nhà văn sau khi bị Vũ Hạnh và vài người khác tấn công:
Thái độ của Dương Nghiễm Mậu là thái độ không có chấp cho nên ngay cả khi sách của ông được in lại nhưng bị những người ở Việt Nam như Vũ Hạnh và ông Nguyễn Hòa phê phán nặng nề thì ổng cũng không buồn trả lời, ổng chỉ cười thôi thì tôi thấy ngay cả cái vụ đó thì hầu như ông chẳng quan tâm gì.
Trong bài viết về Dương Nghiêm Mậu, nhà thơ Du Tử Lê đã khẳng định bên cạnh tài năng văn chương Dương Nghiễm Mậu còn là một nhân cách, ông viết:
“Tôi cho rằng, định mệnh lớn đã đến với Dương Nghiễm Mậu, ngay tự những dòng chữ thứ nhất. Và, song sinh cùng những dòng chữ thứ nhất kia, là nhân cách Phí Ích Nghiễm.
Tôi không nghĩ người đọc, hôm nay, lịch sử văn học, ngày mai, đòi hỏi một điều gì nơi nhà văn, khác hơn giá trị nội tại của tác phẩm.
Nhưng,
nếu một tài năng, như tài năng Dương Nghiễm Mậu, song sinh với một nhân cách, như nhân cách Dương Nghiễm Mậu thì, nó mặc nhiên trở thành tấm gương hai mặt, vằng vặc. Sáng.