Phân cách lòng người
Phước An Thy
Mọi người ngồi
quanh bàn kê ở giữa nhà, bác chống tay nhìn chòng chọc vào ngọn đèn dầu vàng ệch,
leo lét, chú ngó ra bóng đêm mông lung bên ngoài, ông nội cứ hút thuốc lá liên
tục, nét mặt ông vẫn còn vẻ giận dữ. Ngày cả nhà sum họp đầy đủ sau mấy chục năm,
đáng lẽ phải vui vẻ, thân tình, cảm động, vậy mà trái lại, ngày tương phùng đã
rất u buồn.
Năm 1954, gia đình ông bà nội di cư vào Nam, anh chị
em, bà con của ông bà đều ở lại miền Bắc. Ngày đi, người em út của ông nội,
không có con, đã dụ dỗ một người con nhỏ của ông bà nội đi trốn. Tìm con không
được, ông bà nội đành ra đi với những người con khác. Gia đình, dòng họ bị “tan
đàn xẻ nghé” từ đó.
Sau năm 1975, chú ở ngoài miền Bắc vào Nam tìm gia
đình. Gặp gia đình sau hơn 20 năm, chú đã được gọi cha mẹ, anh em trong sự nghẹn
ngào khôn xiết. Mọi người nói chuyện ai còn ai mất, chuyện gia đình trong Nam,
ngoài Bắc. Sau những phút ngỡ ngàng, vui mừng sum họp, chú biếu cho cha mẹ, anh
em, mỗi gia đình một chùm tỏi. Chú nói, "gia đình con ngoài đó khá lắm, có xe đạp
để đi làm, quanh năm không bao giờ thiếu tỏi. "
Cả nhà mỉm cười, mặc cho chú kể
huyên thuyên vì gia đình trong này bây giờ cũng đã nghèo, thiếu thốn đủ thứ.
Trước khi chuyển công tác vào Nam, chú đến trại tù
thăm bác, anh em gặp nhau không cầm được nước mắt. Chú động viên bác, “Anh an tâm học tập cho tốt, lao động cho giỏi
để được đảng và nhà nước khoan hồng”. Bác nói, “Ở đây, tinh thần tôi vẫn vững mạnh,
tôi biết đảng, nhà nước nói và làm như thế nào rồi, chú khỏi lo cho tôi”.
Bác ở tù ngoài miền Bắc, 10 năm mới về, chú đã ổn định
cuộc sống trong Nam, cả nhà mở tiệc ăn mừng sum vầy, cùng nhau ôn lại những ký ức
xa xưa, những ly tán cách nay mấy chục năm, nhớ lại những thời khắc đối mặt với
sinh tử, những mất mát... Đang rưng rưng bởi những nỗi buồn đau và niềm vui
đoàn tụ, chú lại thao thao kể chuyện ngoài Bắc, chuyện du học ở Liên Xô, rồi mở
miệng gọi tên Bác Hồ, vậy là bác nóng mặt nói, “Nhà này không có người nào tên Hồ, không có bác Hồ nào ở đây cả”.
Một lúc sau, chú lại lỡ lời nói từ “Ngụy quân ngụy quyền”, vậy là bác không
còn kềm được cơn giận, quát lớn, “Tôi
không là ngụy, tôi có chính nghĩa của tôi, ngụy là do bên cộng sản chú mày tự đặt
ra”.
Chú chống chế, “Người
dân miền Bắc dưới sự lãnh đạo của bác và đảng đã quen miệng nói như thế...”.
Chú chưa dứt câu, bác cầm ngay ống thuốc lào táng
vào đầu chú. Nước thuốc lào cùng máu trên đầu chú văng tung tóe khắp nơi.
Chú khóc nấc từng cơn, “Con một thân một mình, sống thui thủi ngoài Bắc mấy chục năm, giờ giải
phóng gặp lại nhau mà anh đối xử với con như vậy ba coi được không?”.
Bác càng điên tiết vì nghe tới hai chữ giải phóng, “Giải phóng gì? Giải phóng mà dựng nên hàng
trăm trại tù gọi là cải tạo, chiếm nhà, cướp đất, đoạt tài sản, bắt dân đi kinh
tế mới, thù hận truy cứu lý lịch ba, bốn đời. Muốn ghi công ơn bác, đảng của
chú thì ra khỏi nhà này mà ghi ơn”.
Chú im lặng một chốc rồi nói, “Ngoài Bắc em cũng đâu ủng hộ đánh miền Nam, nhưng phải im lặng, vì
không muốn bị triệt đường sinh sống”.
Bác nói lớn, giọng tức tưởi, “Thắng làm vua thua làm giặc, nhưng tôi nhất
định không để ai làm nhục lý tưởng của mình”.
Ông nội bỗng đập bàn làm chén đĩa rơi xuống đất loảng
xoảng, giọng giận dữ, “Tao còn đây mà tụi
bây coi tao như đã chết. Anh em trong nhà lâu ngày gặp nhau không nói chuyện
vui đoàn tụ mà lại nói những chuyện để sinh ra mâu thuẫn, xô xát”.
Bác, chú và mấy người em trong gia đình, ai cũng ngồi
im không dám nói gì thêm. Bà nội thu dọn các mảnh vỡ, rồi dọn chén đĩa khác lên
bàn. Bà lẩm bẩm, giọng buồn bã, “Nhà này
từ trên xuống dưới, ai cũng cứng đầu cứng cổ, nhất định không chịu nhường ai.
Con cái thì mẹ chẳng coi đứa nào phe này hay phe kia. Cuộc đời mỗi đứa tụi bây
có được mấy ngày vui”.
Con cháu trong nhà cũng bất hòa còn hơn cả chú bác.
Thế hệ trẻ, cả phía trong Nam và ngoài Bắc vào, nhất định không ngồi nói chuyện
với nhau.
Thời gian đầu chúng cũng có nói chuyện, nhưng càng nói thì càng có
nhiều xung đột, sau ghét nhau ra mặt.
Bắc chê Nam thua trận, nghèo hèn.
Nam
khinh Bắc giả dối, láu cá vặt, tham lam.
Bắc nói, “Quân theo chân đế quốc thua trận, đã nghèo mà còn bày đặt sĩ diện, ra vẻ
cao quý”.
Nam nói, “Phèn chưa tan
trên các móng chân, tóc chưa phai mùi khét nắng mà làm kẻ giàu sang hợm mình”.
Lối sống hành xử theo nhân lễ nghĩa trí tín đối chọi
với lối sống thực dụng, văn hóa VNCH và văn hóa XHCN đối kháng nhau, sự khác biệt
về văn hóa khiến chúng ghét nhau cả từng cử chỉ, từng ngôn ngữ. Trong cuộc sống
túng quẫn, nhưng chúng vẫn suốt ngày tìm phương kế hạ nhục nhau.
Bọn trẻ từ miền Bắc vào, ngày càng hả hê vì sự giàu
sang của gia đình mình ngày càng đi lên, ai cũng có việc làm trong Bộ nội vụ, Bộ
quốc phòng, trong Chính quyền. Trái lại, lớp trẻ miền Nam trắng tay, tương lai
mù mịt, sống nghèo đói và làm các nghề lao động vất vả. Tình cảm giữa các thành
viên trong gia đình ngày càng nhạt nhoà, càng xa cách thêm.
Sau bao năm nín nhịn, rồi trời cũng cho con cháu của
những người đã phục vụ trong chế độ miền Nam có cơ hội ngẩng mặt làm lại cuộc đời
khi được Hoa Kỳ cho tỵ nạn nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Cuộc chiến Nam Bắc đã phân chia anh em, bà con trong
dòng họ thành hai phe đối nghịch nhau, gây ra nhiều oan trái cho bao gia đình.
Cuộc chiến này chẳng những mang đến tang thương và chết chóc mà còn gây nên sự
phân cách lòng người cho đến tận bây giờ.
Nay ông bà, chú bác đã lần lượt trở về bụi tro, người
chôn thân ở đất khách quê người, kẻ gửi tro tàn xa nơi chôn nhau cắt rốn tới nửa
vòng trái đất, nhưng lớp con cháu ở trong và ngoài nước vẫn không thể ngồi lại
nói chuyện với nhau. Dẫu tình cảm thiêng liêng gia đình vẫn còn ẩn chứa trong
lòng mỗi người, dẫu đau xót khi thấy tình cảm ấy bị chia cắt, nhưng vì ước mơ,
niềm tin và lý tưởng quá khác nhau, nên anh em đành đi riêng trên con đường mà
mỗi người đã chọn.
Có lẽ sự phân cách trong lòng anh em một nhà, người
dân một nước, sẽ chấm dứt khi cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ thành công, khi
thời đại của những người công chính trở lại.
27.08.2016