27.08.2016

Vì sao trò chơi Pokémon Go tạo cơn sốt trên toàn cầu?

Vì sao trò chơi Pokémon Go tạo cơn sốt trên toàn cầu?
Pokémon Go là trò chơi giúp người chơi tương tác giữa thế giới ảo và thực. (Hình: Alforedo Estrella/AFP/Getty Images)

Nếu như mới ngày nào mọi người nhà nhà còn chăm chú dán mắt vào màn hình điện thoại dùng với các ngón tay hoạt động không ngừng nghỉ để chơi trò Cut The Rope, Candy Crush hay Flappy Bird của lập trình viên người Việt thì hiện tại, các trò chơi này đang được thay thế bằng hiện tượng mang tên Pokémon Go.


Ra mắt lần đầu tiên vào tháng Bảy năm 2016 tại một số quốc gia nhất định như Mỹ, Úc, và một số nước ở Âu Châu, chỉ trong vòng một tháng, trò chơi Pokémon Go trở thành “cơn sốt” toàn cầu. Nhà nhà, người người đổ xô ‘dowload’ trò chơi này về điện thoại và bắt đầu cuộc hành trình đi tìm và ‘bắt’ các con pokémon.

Pokémon Go là gì?

Pokémon Go là ứng dụng trò chơi tương tác trên điện thoại dùng hệ thống Android và iOS, được công ty Nintendo sáng tạo và đưa ra thị trường vào ngày 7 Tháng Bảy năm 2016 vừa qua. Điều khiến Pokémon Go đặc biệt và trở thành hiện tượng chính là trò chơi cho phép người chơi bắt, huấn luyện và trao đổi các Pokémon ảo dựa trên thế giới thực.

Điều đó có nghĩa là gì? Theo trang mạng chính thức của Nintendo, công ty sáng tạo ra Pokémon Go, và một số trang mạng bình luận về trò chơi điện tử, Pokémon Go được phát triển dựa trên công nghệ virtual reality (VR) và augmented reality (AR). Công nghệ AR giúp các nhà lập trình viên mô phỏng không gian địa lý thật ở ngoài đời như đường sá, địa điểm lồng ghép vào yếu tố nhân vật, đồ vật, vị trí ảo, cốt truyện, tạo ra một thế giới ảo mà thật, tạo điều kiện cho người chơi  ‘tương tác’ tự do. Sự hấp dẫn của Pokémon Go nằm ở chỗ, nó tạo ra một thế giới cho phép người chơi phải di chuyển săn bắt thú ảo ngay trong thế giới thật. Điều này khác xa với các trò chơi trước đây, khi người chơi chỉ ngồi yên một chỗ và chăm chú vào màn hình điện thoại hay máy tính.

Đi cùng với ứng dụng, người chơi có thể mua thêm các phụ kiện như thiết bị đeo tay tên là Pokémon Go Plus, dùng để thông báo cho người chơi biết khi có Pokémon nào đang ở gần, bằng cách kết nối với bluetooth của điện thoại. Ngoài ra, mặc dù Pokémon Go được ‘download’ về điện thoại miễn phí, người chơi có thể mua các sản phẩm bán kèm của trò chơi với giá từ 0.99 đến $99.99 để có thêm công cụ bắt nhiều Pokémon hơn.
Người chơi ở Việt Nam bắt đầu bị cơn sốt Pokémon Go kéo theo. (Hình: Hoang Dinh Nam/ AFP/ Getty Images)

“Cơn sốt” mang tên Pokémon Go

Pokémon Go không chỉ giúp công ty sáng tạo và phát hành trò chơi này kiếm tiền mà còn giúp các nhà kinh doanh khác làm ăn. Theo trang mạng Recode, số lượng người lớn dành nhiều thời gian chơi Pokémon Go, đồng nghĩa với việc điện thoại cũng mau hết pin hơn. Điều này giúp các công ty sản xuất và cửa hàng bán pin sạc dự phòng tăng mạnh mẽ. Trang mạng này cho biết, có hơn 1.2 triệu pin sạc được bán trong vòng hai tuần sau khi trò chơi này được giới thiệu ra thị trường, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Pikachurro của The Loop, Westminster. (Hình: Instagram của The Loop)

Bên cạnh đó, các sản phẩm liên hệ đến Pokémon Go cũng đắt hàng không kém. Theo kết quả khảo sát của Adobe Digital Insights, các thương vụ sản phẩm liên quan đến trò chơi này như áo thun, đồ ngủ, đồ chơi, sách, hay phim hoạt hình tăng 91%. Các nhà hàng và tiệm bánh dành cho giới trẻ cũng tận dụng cơ hội này để cho ra các món bánh mang hình Pokémon hay các thức uống được pha chế theo đặc điểm các con thú trong trò chơi này.

Dạo qua một vòng các trang mạng xã hội như Instagram, Pinterest hay Facebook, chúng ta dễ dàng nhìn thấy sự xuất hiện ngày càng nhiều các món ăn liên quan đến Pokémon như bánh sinh nhật, bánh donut, cà phê latte, thậm chí đồ ăn cũng được trang trí liên quan đến nhân vật Pikachu trong Pokémon. Chẳng hạn ở Orange County là tiệm bán churros tên The Loop, ăn theo trào lưu và cho ra đời bánh churros được làm với số lượng nhất định mang tên Pikachurro, thu hút rất nhiều giới trẻ.

Trò chơi không chỉ dành riêng cho giới trẻ

Theo cuộc khảo sát của trang mạng Civic Science, độ tuổi từ 13 đến 25 chiếm 54% những người chơi Pokémon Go. Nhóm thứ hai là từ 25 đến 35 tuổi, chiếm 25%. Và nhóm cuối cùng chơi trò chơi này là độ tuổi từ 35 đến 54, chiếm 19%. Bên cạnh đó, kết quả cuộc khảo sát cho thấy rằng, hơn 96% những người được hỏi đều biết đến hiện tượng Pokémon Go, cho dù họ không có ý định chơi, hay sẽ thử trong thời gian gần. Theo Magmic, công ty chuyên về phát hành các thông tin về trò chơi điện thoại, Pokémon Go là trò chơi thu hút được nhiều độ tuổi nhất từ nhỏ đến già.

Nếu như thử một lần dạo vòng quanh các khu vực những người chơi trò chơi này, chúng ta dễ dàng nhận ra có cả người lớn, người già cùng tham gia bắt Pokémon, bên cạnh giới trẻ. Các địa điểm phổ biến ở Orange County thường tập trung những người chơi Pokémon là ở công viên Miles Square Park, bãi biển Hungtinton Beach, Newport Beach, và Long Beach. Ở khu vực dọc theo bờ sông Santa Ana ở gần góc đường Garden Grove Boulevard và Fairview, thành phố Garden Grove, vào buổi tối thường tập trung nhiều người bắt Pokémon.

Anh Việt Trần, 28 tuổi, nhà ở gần đó, cho nhật báo Người Việt biết, nơi đây trở nên nhộn nhịp hơn vì hiện tượng Pokémon Go.

“Tôi và bạn tôi thường hay ra đây mỗi tối để bắt Pokémon. Ở đây nhiều người lắm, đa số là người Việt và người Mễ. Tôi thường ra đây lúc 10 giờ tối và về nhà lúc 12 giờ đêm. Có khi tôi thấy có gia đình gốc Việt, bà nội đi cùng cháu ra chơi. Cả bà và cháu cùng bắt Pokémon, có khi bà còn nhanh nhẹn bắt trước cả cháu,” anh Việt cười, kể.

Tôi và các bạn của mình thường hay tập trung lại với nhau để đi bắt Pokémon. Có khi cả đám đi với nhau có khi đến năm, sáu tiếng đồng hồ để kiếm cho bằng được để thu nạp các con thú. Nếu như một số người nói đây là trò vô bổ thì tôi lại thấy rằng, trò chơi này tạo điều kiện cho tôi và các bạn có thời gian gặp nhau hơn,” Chole Trang, 24 tuổi, sinh viên trường Santa Ana College cho biết.

Theo Andy Vũ, 22 tuổi, sinh viên trường Orange Coast College, Pokémon Go hiện đang là trò chơi không thể thiếu trong giới trẻ.

Đây là trào lưu tôi không thể bỏ qua được. Nếu như trước đây, cuối tuần rảnh rỗi không đi học hay đi làm, bạn bè rủ đi coi phim, hay đi ăn, thì bây giờ có thêm một hoạt động nữa là đi bắt Pokémon,” Andy nói. “Có thể mấy tháng nữa sẽ có trò chơi hay hiện tượng khác vui hơn, nhưng hiện tại thì tôi đang rất thích thú với Pokémon Go. Hiện tượng mới mẻ, hấp dẫn thì mình phải thử cho biết.”

Một đêm săn Pokémon của người chơi tại Hungtinton Beach Pier, Orange County. (Hình: Titi Mary Trần/ Người Việt)

Ông Kerry Ross, 66 tuổi, cư dân Fullerton, là một trong số những người tập trung ở bãi biển Long Beach để bắt Pokémon.

Tôi về hưu rồi nên có nhiều thời gian lắm. Tình cờ coi trên TV nói về Pokémon Go, tôi cũng tò mò tải về điện thoại chơi và thấy cũng thích thú. Tôi thường hay đi tới những nơi có thông báo là có Pokémon, vừa bắt thú mà vừa có dịp nói chuyện với những người khác. Tôi thấy vui hơn nhiều khi chỉ quanh quẩn ở nhà,” ông Ross chia sẻ.

Bên cạnh những người ủng hộ trò chơi này thì cũng không ít người không thích Pokémon Go, đặc biệt là các phụ huynh gốc Á. Theo cô Hoàng Nguyễn, cư ngụ ở Fountain Valley, trò chơi này đem lại mặt xấu nhiều hơn là mặt tốt.

Con nít hay thanh niên thì mê game là chuyện bình thường, nó giúp giải trí đầu óc, thư giãn tinh thần sau giờ học, giờ làm, nhưng mà chơi riết mà nghiện thì chuyện chẳng đùa. Tôi có hai đứa con đang lớn, chúng nó cũng chơi trò này, tôi không cấm, nhưng cũng theo sát, sợ mà nghiện ra đường chơi mà không để ý xung quanh có ngày bị tai nạn,” cô Hoàng nói.

Mặt trái của Pokémon Go

Một tuần sau khi Pokémon Go được giới thiệu ở Mỹ, tai nạn xe đầu tiên xảy ra ở Auburn, New York liên quan đến trò chơi này. Theo tin của CNET, người tài xế điều khiển xe đâm vào cây bên đường vào đêm 12 Tháng Bảy, khi đang tập trung chơi trò chơi này trong lúc lái xe. Hậu quả là chiếc xe của người này bị hư hỏng hoàn toàn nhưng may mắn là sống sót.

Tiếp đó, hai người đàn ông đã trượt chân ngã xuống núi cao 50 feet khi đang mải mê bắt Pokémon ở San Diego, theo báo San Diego Union-Tribune.
Bản tin của USA Today cho hay, Jerson Lopez de Leon, 18 tuổi, thiệt mạng vì bị bắn sau khi đột nhập vào nhà người khác để săn bắt Pokémon ở Guatemala. Calvin Riley, 20 tuổi, cũng bị bắn chết ở San Francisco khi đang săn thú ảo tại khu giải trí Aquatic Park.

Các vụ cướp bóp, cướp của và gây án cũng tăng nhanh khi có sự xuất hiện của Pokemon Go. Theo USA Today, một nhóm người hành hung và cướp của một thanh niên 20 tuổi khi đang săn Pokemon vào ban đêm tại tiểu bang Delaware. Hay tại tiểu bang Missouri, một nhóm chuyên trộm cướp có vũ khí lợi dụng Pokemon Go để dụ dỗ các thanh thiếu niên để cướp tiền bạc.

Những ví dụ ở trên chỉ là một con số nhỏ trong số các vụ tai nạn hay nguy hiểm xảy ra hằng ngày trên thế giới liên quan đến trò chơi này. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nhất chính là sự bảo mật dữ liệu và thông tin cá nhân của người dùng có thể bị lộ. Theo trang mạng Forbes, Pokemon Go dùng camera, định vị GPS, và cảm ứng vị trí của điện thoại của người chơi để có thể hoạt động. Việc phải truy cập bằng cách cho phép trò chơi có thông tin của người dùng có thể trở thành miếng mồi ngon cho các tin tặc lợi dụng, cướp thông tin cá nhân và làm việc xấu.

Không thể phủ nhận sự thành công của Pokemon Go khi nó vẫn đang tiếp tục càn quét thị trường trò chơi điện thoại toàn cầu. Mỗi người đều có một nhìn nhận riêng về sự phát triển và vấn đề của trò chơi này. Suy cho cùng, điều quan trọng nhất chính là ý thức của người chơi trong việc giới hạn thời gian cũng như biết cách bảo vệ mình.

Có lẽ trong tương lai sẽ có một trò chơi khác thay thế Pokemon Go, nhưng ở thời điểm hiện tại, trò chơi vẫn là cơn sốt trên toàn thế giới!

(N.A)

Người chơi Pokemon Go tại Việt Nam (ảnh Internet):