„Tôi chỉ muốn nói là căn bệnh mất khả năng thấy hổ thẹn, tự thấy
mình có lỗi đang trầm trọng. Nó không chỉ xảy ra với đám ” dân gian” mà đã thấm
vào đám công chức, trong đó có cả công chức cao cấp, cả người đã được học hành.
Mà đau nhất là nó lại ngấm vào hệ thống, có ở nhiều nơi lắm.“
Về một thứ văn hoá không biết xấu hổ
PGS
TS Phạm Quang Long, cựu Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, cựu Phó Giám đốc Đại
học Quốc gia Hà Nội, cựu Giám đốc Sở Văn hoá Hà Nội (2005-2013). Nguồn:documentary.vn
Tôi mượn ý của cuốn sách “Về một nền văn hoá biết xấu hổ”
do NXB Văn học ấn hành để nói về thứ văn hoá ứng xử không biết xấu hổ đang lan
nhanh như bệnh dịch hiện nay.
Xấu hổ là một trạng thái tự nhận thức của
con người khi thấy hành vi của mình không phù hợp với chuẩn mưc thông thường, cảm
thấy có lỗi, thấy mình không xứng đáng với vị trí, cái danh mình đang mang. Vị
trí và cái danh ấy, nhiều khi không phải danh vị xã hội mà chỉ giản đơn là một
con người.
Những người đã lớn tiếng bênh vực những chuyện sai ở
bộ này, tỉnh kia, công ty nọ… là đúng quy trình, là không sai nhưng trong thực
tế, những cái sai ấy rõ lắm, lớn lắm, phơi bày ra hết cả khía cạnh pháp lý lẫn
đạo lý trước bàn dân thiên hạ rồi. Thế mà họ vẫn xưng xưng như những chuyện ấy
chả liên quan gì đến mình. Có lẽ họ đã luyện được công phu “thiết bì công” như
Kim Dung nói, da mặt dầy hơn da voi, nên mới dám nói như vậy. Các cụ dạy cực
đơn giản mà minh triết ” vừa mắt ta, ra mắt người”. Với họ, chỉ cần vừa mắt ta
thôi còn người khác thế nào, họ không cần đếm xỉa. Loại này, các cụ định danh rồi:
” Quân vô loài”. Đã là quân vô loài thì còn gì để nói nữa! Chúng đâu phân biệt
được phải trái đúng sai mà ngượng?
Tiền mồ hôi nước mắt làm ra, đem gửi ngân hàng, bị
đánh cắp từ ngân hàng, thế mà đại diện Ngán hàng bảo: ” chúng tôi thực hiện đúng quy định pháp luật. Tiền mất là do có kẻ ăn cắp.
Chúng tôi đã báo cơ quan công an điều tra. Cơ quan chức năng sẽ trả lời khi có
kết quả”. Chao ôi, đến thế thì để có cuộc sống yên lành sao gieo neo quá.
Ai bảo vệ mình đây? Chả thế mà khi có chuỵện này nọ xảy ra, nhiều người chọn
cách tự xử vì không biết trông cậy vào ai.
Công dân có vướng mắc quyền lợi với đại diện công
quyền. Thế là bị o ép đủ kiểu, thậm chí bị khởi tố. Dư luận làm rát quá, người
ta kỷ luật người làm sai. Tưởng rằng công lý được phục hồi. Ai dè, người ta lại
tìm lỗi khác tiếp tục truy đuổi vì những lý do như con kiến. Thôi, đành chọn
con đường tránh ” quan” như tránh voi cho yên tấm thân thôi. Vụ “Xin chào”đấy.
Có quan chức, có cả nhà khoa học hôm trước còn đứng
ra bênh vực chuyện chặt cây không sai, cái cây trồng ở bên đường không phải là
cây mỡ, việc Formosa không sai, cá chết là do thuỷ triều đỏ…, sau đó lại nói
ngược lại, lại nhảy xuống biển tắm rồi nói biển đã sạch, biển có khả năng tự
đào thải độc tố… Xin lỗi, lúc đó tôi lại nhớ câu nói dân gian “cầu cho những đứa
nói điêu mồm nó mọc mụn hết”. Điên lắm.
Những chuyện tương tự nhiều lắm. Tôi cũng không muốn
làm phiền lòng ai vì những chuyện chẳng hay ho này. Tôi
chỉ muốn nói là căn bệnh mất khả năng thấy hổ thẹn, tự thấy mình có lỗi đang trầm
trọng. Nó không chỉ xảy ra với đám ” dân gian” mà đã thấm vào đám công chức,
trong đó có cả công chức cao cấp, cả người đã được học hành. Mà đau nhất là nó
lại ngấm vào hệ thống, có ở nhiều nơi lắm.
Làm sao đây để dân khí công chức đừng rơi xuống mức
mà trước đây ngay cả những kẻ thất phu cũng không mắc phải? Trong chuyện này mỗi
chúng ta cũng có trách nhiệm vì đã rủ áo, khoanh tay đứng ngoài, những tưởng cứ
tránh xa nó, cứ không dối trá thì mình sẽ được yên ổn. Ta đã nhầm và phải gánh
chịu những sai lầm của chính mình.