25.09.2016

Cha truyền con nối làm quan: tại dân đa nghi!? - Cao Huy Huân

„Triết lý của người làm lãnh đạo không phải là nhìn vào cái quy trình, mà phải nhìn vào lòng tin, sự đồng thuận chính trị, phản ứng của dư luận và hiệu quả của những công việc chung.“

Cha truyền con nối làm quan: tại dân đa nghi!?
Cao Huy Huân
Các đại biểu tham dự lễ khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XII ở Hà Nội, 21/1/2016.
Mấy hôm nay mạng xã hội lan truyền thông tin về một hiện tượng mà nhiều người ví von bằng một khái niệm nghe rất kêu “tập đoàn gia đình làm chính trị ở Việt Nam”. Nhân vật chính là ông Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh.


Nhìn lên “bảng niêm yết” chức vụ của những người trong gia đình ông Bí thư tỉnh ủy, dù có là người tin tưởng vào công bằng và khách quan đến mấy cũng phải trợn mắt ngạc nhiên. Từ vợ, em ruột, em rể, em con chú bác, em con cô cậu đều lần lượt đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo của các sở ban ngành tỉnh Hà Giang. Chính ông Vinh cũng là con trai của nguyên Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang. Nhìn vào “gia đình danh giá” với hàng chục người làm quan lớn của ông Bí thư Vinh mà tôi nghĩ, có lẽ ngay cả những nhà viết kịch bản, những đạo diễn giỏi nhất của Hollywood cũng không thể nghĩ ra và dàn dựng một tình tiết ly kỳ như vậy trong một bộ phim chính trị phản ánh văn hóa cha truyền con nối làm quan.

Tất nhiên, một cách có quy trình, ông Bí thư tỉnh ủy đã phát biểu trên báo giới rằng quy trình bổ nhiệm đối với những người này đều tuân thủ đúng quy định của Đảng, Nhà nước và thực tế. Cho đến lúc này tôi thiết nghĩ, nếu xét về cách làm việc thì các quan chức ở Việt Nam như ông Vinh đều rất giỏi về quy trình. Tôi cũng cho rằng dù báo chí có vào cuộc tìm kiếm thông tin, phỏng vấn vặn vẹo ông Bí thư thì sự thật “ông Bí thư không làm sai quy trình”. Với cương vị lãnh đạo một tỉnh, ông Vinh phải thừa biết làm sao cho mọi thứ vào quy chuẩn, cái mà ông gán cho Đảng và Nhà nước như một ngôi sao chiếu mệnh. Và tất nhiên, không chỉ riêng gia đình ông Vinh, rất nhiều trường hợp khi báo chí Việt Nam nêu tên “cha làm lãnh đạo, con được đề bạt” hay “chồng làm lãnh đạo, vợ được bổ nhiệm” đều cũng đúng quy trình.

Tuy nhiên, có một điều tôi xin tha thiết và chân thành góp ý cho quý lãnh đạo, đó là quý vị đang làm việc để dân tin tưởng, hay để đúng quy trình? Mà nói cho cùng, sau rất nhiều trường hợp dư luận dậy sóng về chuyện cha truyền con nối làm quan, quý vị phải nhìn ra một sự thật là không ít người dân đang cười nhạt vào cái quy trình mà quý vị đang dùng để bảo vệ chính quý vị. Triết lý của người làm lãnh đạo không phải là nhìn vào cái quy trình, mà phải nhìn vào lòng tin, sự đồng thuận chính trị, phản ứng của dư luận và hiệu quả của những công việc chung. Ông Vinh và nhiều lãnh đạo khác cũng chỉ bám vào hai chữ quy trình, trong khi cái người ta cần biết: quy trình đó diễn ra cụ thể ra sao? Công trạng của những người được bổ nhiệm? Làm sao ông Vinh yêu cầu dân phải nhìn chuyện 10 người trong nhà làm quan 1 tỉnh là chuyện khách quan, khi ông Vinh chưa đưa ra được những bằng chứng, lý lẽ hay những chi tiết cụ thể thuyết phục những nghi ngờ trong lòng dân ngoài việc phán “đúng quy trình!” Phải chăng quy trình ấy có vấn đề?

Quy trình có được công khai rộng rãi không?

Quy trình có phần tuyển dụng thông qua thi cử, cạnh tranh công bằng không? (hay chỉ đề xuất và bầu theo kiểu một người một ngựa thế nào cũng về đích trước tiên?)

Quy trình là do quý vị lập ra hay nó phản ánh đúng ý nguyện của người dân?

Quy trình đó có được cập nhật và phổ biến rộng rãi để đảm bảo tính khách quan, công bằng hay chưa?

Ông Bí thư còn phát biểu “không cảm thấy vui” khi người trong nhà làm lãnh đạo. Tôi thì thấy buồn cười và tự đặt cho ông một câu hỏi: Tại sao người trong nhà được làm lãnh đạo, vì nước vì dân phục vụ tận tụy mà ông không cảm thấy vui? Hãy cứ vui nếu mọi việc ông và người nhà làm được dân tin yêu, dân ủng hộ. Ông Vinh hãy nhìn sang Singapore đi, Lý Quang Diệu làm Thủ tướng và sau đó là con trai Lý Hiển Long cũng được xem là “kế vị”. Nhưng người dân Singapore, hay cả người dân nhiều nước trong đó có cả Việt Nam, có hoài nghi hay bức xúc như chuyện các thành viên trong gia đình ông làm lãnh đạo? Câu trả lời là hầu như không, thưa ông! Bản chất của vấn đề nằm ở chỗ ông Lý Quang Diệu hay ông Lý Hiển Long khi đứng trước dân chúng đều mang về cho người dân sự tin tưởng bởi họ thể hiện được tài năng, sự mạnh mẽ, quyết đoán và nhân hậu của một chính trị gia. Họ cạnh tranh với các ứng viên khác một cách công khai và minh bạch. Họ đưa Singapore đi từ thành công này đến thành công khác trong quá trình họ làm việc. Tôi nhấn mạnh lại, họ luôn đứng trước dân chúng để tâm niệm về việc làm của mình, chứ không phải âm thầm đứng trước bàn thờ tổ tiên của mình, tâm niệm là phải làm những gì tốt nhất cho người dân như ông đã phát biểu trong một bài báo. Lãnh đạo gia đình thì ông có thể đứng trước tổ tiên, nhưng lãnh đạo một tỉnh thì ông phải đứng trước dân chúng để nói chuyện. Điều đó hình như ông chưa hiểu?

Tôi rất hoan nghênh ông đã mạnh dạn phát biểu với báo chí rằng “cá nhân tôi sẵn sàng đối diện và thấy có trách nhiệm phải trả lời rõ để mọi người hiểu.” Nhưng những câu trả lời của ông trên báo chí đến nay dường như chưa nhận được sự đồng cảm từ người dân. Câu chuyện của gia đình ông vẫn trở thành đề tài để nhiều người châm biếm cho hiện tượng cha truyền con nối vốn đang ghì chặt sự đi lên của Việt Nam. Có lúc tôi tự hỏi mình “hay tất cả những hoài nghi của người dân là sai?” Nhưng thú thật, không thể nào chứng minh được dân đã sai, ông Bí thư ạ. Nếu được, xin ông chỉ giáo để tôi và những người dân đang mất niềm tin ngoài kia tường tận.

Cao Huy Huân Blog VOA