„Một dự án có quy mô đầu tư tới gần 11 tỷ USD… cần phải được đệ
trình và thông qua theo một quy trình thẩm định chặt chẽ, công khai, dân chủ,
đúng với tính chất của những dự án có tác động quan trọng tới dân sinh, môi
trường và lợi ích quốc gia.“
LẠI NÓI VỀ SỰ MINH BẠCH
Khu
Liên hợp Luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận. Nguồn: FB Nguyễn Thị Oanh/
internet
Việc dư luận đang xôn xao dậy sóng với dự án thép Cà
Ná tại Ninh Thuận của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) trong những ngày qua, một lần nữa
lại đặt ra vấn đề không thể làm ngơ là yêu cầu về sự minh bạch trong cơ chế điều
hành đất nước.
Sự minh bạch (transparency) là nguyên lý bắt buộc của
các định chế dân chủ và tiến bộ. Đi cùng với minh bạch là các thuộc tính cởi
mở (openness), tự do thông tin (free communication) và trách nhiệm giải trình
(accountability). Một hệ thống hay định chế minh bạch là phải làm sao để ai
cũng có thể hiểu về cách vận hành của nó và nó cũng chịu trách nhiệm truyền đạt
chuẩn xác mọi thông tin về hoạt động của mình cho công chúng.
Minh bạch là con đường tất yếu để xây dựng
chế độ dân chủ, đảm bảo quyền của người dân trong tham gia tổ chức, quản lý Nhà
nước.
Minh bạch, vì thế cũng là giải pháp quan trọng và hiệu quả để hạn chế tình trạng
tham nhũng, quan liêu trong bộ máy công quyền. Một chính phủ minh bạch là chính
phủ luôn bảo đảm các thuộc tính cởi mở, công khai thông tin trong hoạt động
điều hành đất nước và khi cần thiết thì phải chịu trách nhiệm giải trình trước
công dân. Đặc biệt, chính phủ phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc minh bạch
hoá đối với tất cả những quyết định quan trọng có liên quan đến vận mệnh của đất
nước.
Vì thế, có thể giải thích rằng những nghi vấn và phản ứng phẫn nộ của dân chúng đối với dự
án thép Cà Ná của HSG chính là xuất phát từ sự thiếu minh bạch. Một dự
án được Bộ Công thương gấp rút bổ sung vào quy hoạch duyệt giai đoạn 2020-2025
trước khi Chính phủ có ý kiến tạm dừng cấp phép đầu tư các dự án thép, trong
khi dư luận đang râm ran tin đồn rằng ông Bộ trưởng mới lên của bộ này là anh
em cọc chèo với ông Chủ tịch HSG. Một “quyết tâm đáng kinh ngạc” (theo lời nhà
báo Ngô Nguyệt Hữu) của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận với những cam kết tuyệt đối
và ưu đãi tột cùng cho HSG mà khó ai có thể lý giải được. Một thái độ cực kỳ
ngông nghênh, thách thức phản ứng của xã hội và coi các phương tiện truyền
thông chính thức của Nhà nước như của mình mà ông Chủ tịch HSG đã thể hiện…
Tất cả những điều đó khi bung bét ra đã gây ảnh hưởng
không nhỏ đến uy tín của bộ máy điều hành đất nước và làm tăng thêm sự ngờ vực
trong dân chúng về sự thao túng của các nhóm lợi ích. Thay vì có một cơ chế
phát ngôn và giải trình minh bạch mọi vấn đề đang đặt ra xung quanh dự án này,
Chính phủ lại để mặc cho những nhận định và đồn đoán phủ sóng trên các kênh
thông tin không chính thức. Và cũng giống như vụ Formosa trước đây, Quốc hội – cơ quan cao nhất
được xem là đại diện cho nhân dân – lại vẫn tiếp tục im lặng trước những vấn
đề hệ trọng mà cử tri đang quan tâm.
Trong một vài tiếng nói cố gắng tỏ ra khách quan để
ủng hộ dự án thép Cà Ná, có những ý kiến cho rằng dự án này sẽ giúp doanh nghiệp
trong nước thêm thực lực để trực tiếp sản xuất thép, thay vì cứ phải tiếp tục
đi nhập như hiện nay. Và rằng tại sao lại không để HSG khai triển dự án theo những
cam kết ban đầu về môi trường của họ, mà chưa gì đã vội vàng đặt ra vấn đề là họ
sẽ không thể (hoặc không làm) xử lý chất thải một cách nghiêm túc theo đúng
các tiêu chuẩn an toàn cần thiết đã quy định?…
Thật ra, chính những điều này lại càng đòi hỏi
trách nhiệm giải trình minh bạch về dự án của các cơ quan có liên quan, cụ thể
là Bộ Công thương, Bộ TN-MT và UBND tỉnh Ninh Thuận (chưa kể còn phải có thêm Bộ
NN và PTNT, Bộ LĐ-TBXH với các vấn đề về đền bù, giải phóng mặt bằng, quy
hoạch mặt đất, mặt nước, cơ cấu lại ngành nghề và giải quyết công ăn việc làm
cho người dân địa phương…). Bên cạnh đó, sự yếu kém trong công tác quản lý của
bộ máy điều hành kinh tế đã làm cho lòng tin của nhân dân vốn đã mong manh nay
lại càng thêm khủng hoảng sâu sắc. Người dân có cơ sở
để không tin vào kết quả khảo sát nhu cầu thị trường và quy hoạch ngành thép
của Bộ Công thương vì đã thấy những hậu quả nhãn tiền là ví dụ về sự ế ẩm
dư thừa của ngành sản xuất xi măng chẳng hạn. Hoặc nghi ngờ về đánh giá tác động
môi trường sau khi “con lạc đà” Formosa đã chui lọt qua rất nhiều cửa chức
năng để cuối cùng gây ra “thảm án” môi trường nghiêm trọng.
Chưa kể, những suy
diễn về mâu thuẫn lợi ích thông qua mối quan hệ mật thiết của “anh em trong
nhà” giữa ông Bộ trưởng Bộ Công thương và Chủ tịch HSG cũng có thể đem lại những
thắc mắc hợp lý mà cơ quan chức năng cần giải trình một cách thuyết phục với
dân. Ngoài ra, những câu hỏi về hồ sơ thiết kế kỹ thuật và báo cáo tác động môi
trường của HSG cũng là những nội dung cần được trả lời công khai cho dân chứ
không thể bắt mọi người phải tin vào những lời hứa hẹn bằng miệng của ông Chủ tịch
tập đoàn này. Không thể lập luận rằng cứ để họ làm đi rồi xem nếu có vi phạm
thì mới có ý kiến. Nói như chuyên gia Phạm
Chi Lan, đúng là “xảy ra vụ như
Formosa thì có bán tài sản của ông Vũ đi cũng không bù nổi”.
Đừng để rồi giống như Formosa, khi chúng ta hiểu ra cái giá
phải trả là quá đắt và khoản bồi thường nhận lại là quá rẻ mạt thì lúc đó đã là
quá muộn!
Một dự án có quy mô đầu tư tới gần 11
tỷ USD (lớn
hơn cả Formosa Hà Tĩnh), chiếm giữ hàng ngàn ha đất ven bờ biển của một tỉnh
giàu tiềm năng du lịch và đang khai thác hiệu quả các nguồn lợi từ kinh tế
biển, lại nhận được nhiều ưu đãi cực kỳ đặc biệt từ chính quyền địa phương, thì
dự án đó cần phải được đệ trình và thông qua theo một
quy trình thẩm định chặt chẽ, công khai, dân chủ, đúng với tính chất của những
dự án có tác động quan trọng tới dân sinh, môi trường và lợi ích quốc gia.
Một chính phủ minh bạch không thể nào coi nhẹ hoặc làm ngược lại với yêu cầu
này!