13.09.2016

LIÊN MINH HÀNH ĐỘNG NGA - HOA - PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

„Thực chất Nga là kẻ thù thiên thu trong tâm não các nhà lãnh đạo Trung Hoa Cộng Sản…

Đối với Trung Hoa Cộng Sản mọi chuẩn bị chiến tranh đã đầy đủ chỉ chờ cơ hội thuận tiện để chiến tranh nổ bùng ở Đông Á.“

LIÊN MINH HÀNH ĐỘNG NGA - HOA

PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.   
  

Thế giới có Ngũ Cường: Anh, Pháp, Nga, Hoa Kỳ và Trung Hoa Cộng Sản và Bát Cường kỹ nghệ: Anh, Pháp, Ý, Đức, Canada, Nhật, Nga, Hoa Kỳ. Trên thực tế chỉ có Tam Siêu Cường vì quốc gia to lớn, đông dân và có tiềm năng quân sự quan trọng. Đó là Nga, Hoa Kỳ Trung Hoa Cộng Sản.

Cho đến khi Mao Zedong (Mao Trạch Đông) mất năm 1976, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chỉ là một nước lớn đông dân nhưng chưa phải là một quốc gia có một nền kinh tế quan trọng và một tiềm năng quân sự đáng kể mặc dù Trung Hoa Cộng Sản có bom nguyên tử và phóng vệ tinh nhân tạo vào quĩ đạo trái đất. Nhờ sự chuyển hướng của Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) với Bốn Hiện Đại Hóa, Trung Hoa Cộng Sản bắt đầu vươn lên. CHNDTQ gởi nhiều sinh viên sang Hoa Kỳ học hỏi kỹ thuật và mở cửa cho các nước Tây Phương giao thương và đầu tư trên lục địa. Không bao lâu Trung Hoa Cộng Sản trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự quan trọng trên thế giới.

Liên Sô sụp đổ. Hoa Kỳ rút quân khỏi Nam Việt Nam (1973) và rời khỏi căn cứ Subic Bay ở Phi Luật Tân (1992).

Hoa Kỳ thắng trong cuộc Chiến Tranh Lạnh đối với Liên Sô. Nhưng tinh thần nhân dân Hoa Kỳ có vẻ uể oải qua phong trào phản chiến trong thời kỳ Chiến Tranh Việt Nam. Điều này được minh chứng qua sự thành công của những nhân vật chính trị phản chiến trong các cuộc bầu cử cấp cao ở Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ mở cửa lục địa Trung Hoa, phá vỡ tình trạng cô lập của Mao Zedong sau cuộc chiến tranh biên giới với Liên Sô trên đảo Damansky (đảo Chen Pao - Chấn Bảo theo cách gọi của người Trung Hoa) năm 1969. Sự sụp đổ của Liên Sô giúp cho Trung Hoa Cộng Sản bớt lo lắng về một quốc gia láng giềng to lớn, một quốc gia đồng đảng Búa Liềm, đồng chủ nghĩa Marx-Lenin, đồng màu hồng kỳ nhưng có quá khứ lịch sử không mấy tốt đẹp dưới thời Nga hoàng cũng như trong thời kỳ Sô-Viết.

Hoa Kỳ tạo điều kiện cho Trung Hoa Cộng Sản vươn lên sau khi lục địa này rơi vào sự tàn phá khủng khiếp do cuộc Cách Mạng Văn Hóa do Mao Zedong và Jiang Qing (Giang Thanh) gây ra từ năm 1966 đến 1976. Đến đầu thế kỷ XXI Trung Hoa Cộng Sản gặp nhiều thuận lợi để thực hiện chủ nghĩa bành trướng Hán tộc tôi xin được gọi là Pan-Hanism. Đó là ước vọng của các nhà lãnh đạo Trung Hoa từ thời phong kiến đến thời Cộng Sản từ Mao Zedong (Mao Trạch Đông) đến Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình), Jiang Zemin (Giang Trạch Dân), Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào), Xi Jinping (Tập Cận Bình). Những thuận lợi đó tạm tóm lược như sau:

- Hoa Kỳ bận rộn với vấn đề Iran, khủng bố Hồi Giáo, chiến tranh Afghanistan rồi chiến tranh Iraq.

- Dưới thời tổng thống Clinton (Dân Chủ) Hoa Kỳ rời khỏi Subic Bay, Phi Luật Tân. Tổng thống Bush II hoàn toàn không quan tâm đến các phiên họp của quốc gia ASEAN (Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á).

- Hoa Kỳ bận tâm nhiều đến việc Iran và Bắc Hàn sản xuất bom nguyên tử.

- Kinh tế Hoa Kỳ suy thoái. Hoa Kỳ tiêu phí rất nhiều vì hai cuộc chiến tranh Afghanistan và Iraq. Nhiều công ty Hoa Kỳ di chuyển sang Trung Hoa lục địa hay Mễ Tây Cơ, Canada để có nhân công rẻ và được lời nhiều hơn. Tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ gia tăng. Tỷ lệ người có lợi tức thấp trong nước gia tăng.

- Năm 2008 Hoa Kỳ có tổng thống Da Đen đầu tiên: ông Barack Hussein Obama. Ông là tổng thống hai nhiệm kỳ. Cuối năm 2011 Hoa Kỳ rút quân khỏi Iraq. Cuối năm 2014 Hoa Kỳ sẽ rút quân khỏi Afghanistan. Rút quân không phải vì mục tiêu đã đạt mà vì hao hụt tài chánh. Hoa Kỳ mắc nợ 17.000 tỷ Mỹ kim. Chủ nợ lớn nhất là Trung Hoa Cộng Sản. Chủ nợ thứ nhì là Nhật Bản. Nga cũng là một trong những chủ nợ của Hoa Kỳ. Tổng thống Obama được lãnh giải Nobel hòa bình khi mới nhậm chức 09 tháng. Ông chú trọng đến các vấn đề y tế, xã hội như việc chăm sóc sức khoẻ, hợp thức hóa những người di dân bất hợp pháp phần lớn là người Hispanic, hôn nhân đồng phái, việc phá thai, việc dùng cần sa tiêu khiển và trị bịnh v.v... Ngân sách quốc phòng sút giảm trong khi tổng thống Obama tuyên bố Hoa Kỳ rất quan tâm đến trục Á Châu.

Hoa Kỳ hiện nay kêu gọi các quốc gia gây hấn và de dọa hòa bình thế giới như Nga, Trung Hoa Cộng Sản nên giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng phương thức ngoại giao và luật pháp quốc tế. Đó là điều lý tưởng mà ai cũng mong mỏi nhưng bản chất của người gây hấn là không tôn trọng luật pháp, sự công bằng hay lẽ phải chi cả. Đường lối ngoại giao không tự nhiên hữu hiệu nếu không có sức mạnh tiền tài và sức mạnh của võ khí đảm bảo. Việc Beijing không dẫn độ Snowden cho Hoa Kỳ và việc Nga chứa chấp anh ta bất chấp sự yêu cầu của Hoa Kỳ đòi trả anh về nước cho thấy thế ngoại giao ‘khiêm tốn’ của Hoa Kỳ trên chánh trường quốc tế. Đó là một trường hợp trong nhiều thế ngoại giao ‘khiêm tốn’ khác. Năm 1974 Trung Hoa Cộng Sản làm càn khi đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của VNCH. Hoa Kỳ làm ngơ. 

Năm 1979 họ làm càn đánh Cộng Sản Việt Nam ngoài biên giới rồi đánh chiếm một phần quần đảo Trường Sa năm 1988. Liên Sô làm ngơ mặc dù có ký hiệp ước hữu nghị với CHXHCNVN năm 1978. Năm 2008 quân Nga tấn công Georgia và biển nam Ossettia và Abkhazia độc lập khỏi Georgia, một cựu Cộng Hòa Sô Viết. NATO và Hoa Kỳ không can thiệp. Đầu tháng 03 năm 2014 quân Nga xâm chiếm bán đảo Crimea nơi có 58% dân số là người gốc Nga. Chánh quyền Crimea quay lưng với chánh phủ lâm thời ở Kiev và sẽ tổ chức trưng cầu dân ý ngày 16-03-2014 để đưa bán đảo này vào nước Nga. Hoa Kỳ và NATO phản đối và dọa sẽ có biện pháp trừng phạt Nga nếu không rút quân ra khỏi Crimea. Xem chừng Putin không nao núng về sự trừng phạt kinh tế này (không cấp hộ chiếu cho một số nhân vật quan trọng, có thể tẩy chay hội nghị G8 ở Sochi vào tháng 06; Nga có thể mất tư cách thành viên G8; phong tỏa trương mục các nhân vật chánh trị Nga chủ trương xâm lăng Crimea v.v...). Sự trừng phạt kinh tế sẽ mang kết quả xấu chẳng những cho Nga mà cho các nước Âu Châu đầu tư ở Nga nữa. Do đó cuộc khủng hoảng này không thể giải quyết đầu hôm sớm mai được vì không thể dùng giải pháp quân sự và cũng không thể giải quyết bằng phương thức ngoại giao. Biện pháp trừng phạt kinh tế chưa hẳn đã có kết quả. Nếu có, phải mất bao lâu? Không ai đủ sức trả lời một câu hỏi giản dị như vậy. Trong khi bàn bạc về Crimea, có 80.000 quân lính Nga tập trung ngoài biên giới phía đông Ukraine. Họ có thể tiến vào các tỉnh đông bộ Ukraine nơi có từ 50 - 70% dân chúng nói tiếng Nga vì có nhiều người gốc Nga sinh sống và vì trong quá khứ các chánh quyền thời Nga hoàng lẫn Sô Viết đều bắt buộc người Ukraine phải học và nói tiếng Nga. Tiếng Ukraine không được dạy trong trường học.
 
Nga bực tức Hoa Kỳ vì làm cho đế quốc Liên Sô tan rã. Liên Sô trước năm 1992 rộng 23 triệu km2. Bây giờ các Cộng Hòa Sô Viết được độc lập. Diện tích nước Nga chỉ còn 17 triệu km2. Nga khó chịu vì NATO và Hoa Kỳ tìm cách bám sát các cựu Cộng Hòa Sô Viết ven Hắc Hải và dãy Caucasus.

Trước mặt, Nga và Trung Hoa Cộng Sản tạm thời làm bạn mặc dù luôn luôn ngờ vực nhau. Trong hoàn cảnh hiện hữu, Nga và Trung Hoa Cộng Sản cần liên kết để tạo sức mạnh dựa trên một số điểm chung:

- có quá khứ Cộng Sản
- ưa chuộng đường lối độc tài
- ủng hộ các nước độc tài vô điều kiện nhất là tại diễn đàn LHQ (Iran, Syria, Bắc Hàn, Sudan v.v...).
- vi phạm nhân quyền và xem thường luật pháp quốc tế. Nga và Trung Hoa Cộng Sản bất chấp những quyết định của Hội Đồng Bảo An LHQ vì có hai lá phiếu phủ quyết tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc.
- cả hai nước đều muốn tranh ngôi đệ nhất siêu cường với Hoa Kỳ và, vì vậy, họ muốn Hoa Kỳ phải suy yếu.
 

Hoa Kỳ có sáng kiến thành lập Hội Quốc Liên sau đệ nhất thế chiến (1919) và Liên Hiệp Quốc vào năm 1945. Trụ sở LHQ đặt tại New York. Hoa Kỳ và Nhật tài trợ rất nhiều cho tổ chức này nhưng Hoa Kỳ bị các nước Á - Phi - Châu Mỹ La Tinh bao vây với những nhãn hiệu chánh trị xấu như: tư bản bóc lột, sen đầm quốc tế, đế quốc sừng sỏ. Nhật không có chức vụ quan trọng nào trong tổ chức. Trái lại Nga và Trung Hoa Cộng Sản là hai nước ít đóng góp nhất lại là hai nước sử dụng quyền phủ quyết nhiều nhất. Venezuela, Iran mượn diễn đàn này để chửi tổng thống Bush II. Các nước vi phạm nhân quyền như Trung Hoa Cộng Sản, Nga, Cộng Sản Việt Nam, Cuba... đều được bầu vào Ủy Ban Nhân quyền LHQ!

LHQ ngày nay bất lực trước những khủng hoảng chánh trị quốc tế giống như Hội Quốc Liên giữa hai thế chiến (1919 - 1939) trước sự ra đời của Manchukuo (Mãn Châu Quốc) năm 1932, sự xâm lăng của Ý vào Ethiopia năm 1935, sự xâm lăng của Nhật vào Trung Hoa năm 1937, sự xâm chiếm Sudetenland của Đức năm 1938; sự xâm lăng Ba Lan của Đức năm 1939 mở màn cho đệ nhị thế chiến; sự xâm lăng Phần Lan và sự sáp nhập các quốc gia Baltic (Latvia, Estonia, Lithuania) vào Liên Sô năm 1940 v.v... Hội Quốc Liên lúc ấy không hoạt động hữu hiệu vì Hoa Kỳ, quốc gia có sáng kiến thành lập tổ chức quốc tế này, bị quốc hội đảng Cộng Hòa bó tay. Hiệp ước Versailles không được phê chuẩn. Hoa Kỳ trở về với chủ nghĩa cô lập (isolationism).

Ngày nay LHQ cũng bó tay trước sự tấn công của Hoa Kỳ vào Iraq năm 2003, Nga vào Georgia năm 2008, nội chiến Syria, việc Trung Hoa Cộng Sản vẽ đường Lưỡi Bò rộng 3 triệu km2 ở tây Thái Bình Dương, chiếm đóng bãi cạn Scarborough của Phi Luật Tân, chiến tranh Nga - Georgia năm 2008, sự xâm lăng của Nga vào bán đảo Crimea (03-2014) v.v...

Năm 1936 Đức và Nhật liên kết nhau bằng Minh Ước Chống Cộng Sản Quốc Tế. Năm 1937 phát xít Ý cũng tham gia minh ước này. Năm 1940 Đức-Ý-Nhật ký hiệp ước liên minh để thành lập phe Trục.

Ngày nay giữa Nga và Trung Hoa Cộng Sản không có liên minh quân sự nhưng trên thực tế có liên minh hành động.

Vào thập niên 1960 Mao Zedong ước muốn Liên Sô và Hoa Kỳ có một trận thư hùng để Trung Hoa Cộng Sản vươn lên lãnh đạo thế giới. Bù lại Liên Sô cũng muốn có một trận thư hùng giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa Cộng Sản. Năm 1950 Stalin đã thực thi ước muốn nầy bằng cách ra lịnh cho đại diện Liên Sô bỏ phòng họp (nghĩa là không dùng quyền phủ quyết) trong lúc Hội Đồng Bảo An LHQ biểu quyết đưa quân vào Triều Tiên để Hoa Kỳ và Trung Hoa Cộng Sản đụng độ nhau trong Chiến Tranh Triều Tiên.

Ngày nay Beijing muốn Nga cầm chân Hoa Kỳ ở Âu Châu và Trung Đông. Nga cần độc quyền sử dụng Hắc Hải và cản lối thoát ra Địa Trung Hải để tìm một điểm tựa trong thế giới Hồi Giáo Trung Đông và Bắc Phi. Putin lăm le dòm ngó Ai Cập thời Sissi và Syria nơi Nga có cảng Tartus và có ảnh hưởng chánh trị và quân sự rất lớn. Thống chế Sissi sẽ đóng vai trò của Nasser nhưng thế liên kết Nga-Ai Cập không trơn tru như thời Nasser. Người Ai Cập có những kỷ niệm không tốt đẹp đối với các cố vấn Liên Sô. Khi lật đổ Morsi, Sissi nhận sự giúp đỡ tài chánh từ Saudi Arabia và các tiểu vương quốc Hồi Giáo. Saudi Arabia là đồng minh gắn bó của Hoa Kỳ mặc dù hiện nay có vài bất đồng ý kiến với tổng thống Obama về vấn đề Iran và Syria. Nga là nước hậu thuẫn cho Iran và Syria của Assad nên khó thân thiện với Saudi Arabia. Vương quốc này không đông dân nhưng là một vương quốc giàu có, sở hữu nhiều giếng dầu với số trữ lượng to lớn trên thế giới nên vua Saudi Arabia có tiếng nói quan trọng đối với các quốc gia Hồi Giáo khác. Chẳng những vậy, về phương diện tôn giáo, thành phố Mecca của Saudi Arabia là Thánh Địa Hồi Giáo. Bán đảo Ả Rập là quê hương của giáo chủ Mohamet.

Dưới mắt Beijing, sự hiện diện của Hoa Kỳ trong vùng Thái Bình Dương gây trở ngại cho tham vọng bành trướng Hán tộc của họ. Dù có nhiều tiến bộ về phương diện quốc phòng, họ lượng không đủ sức đương đầu với Hoa Kỳ. Những vướng bận của Hoa Kỳ ở Âu Châu, Trung Đông, những khó khăn kinh tế và nội bộ, sự lo ngại can thiệp quân sự ở nước ngoài của nhân dân Hoa Kỳ giúp cho Beijing đo lường thái độ của Hoa Kỳ trước các cuộc khủng hoảng quốc tế. Beijing và Nga đặt Hoa Kỳ trước những ‘chuyện đã rồi’. Nhân dân Hoa Kỳ ở trong tâm trạng ‘không ai điên khùng chết vì chuyện người khác’.

Trung Hoa Cộng Sản bây giờ là một đại cường ‘kinh tế’ và quân sự. Bất cứ quốc gia hùng cường nào cũng có mộng đế quốc. Trung Hoa đã thực thi qui luật đó từ lâu. Đối với Trung Hoa ngoài mộng đế quốc họ còn nuôi mộng trả thù. Họ đã trả thù Mông Cổ, Mãn Châu, Tân Cương, Tây Tạng, từng quấy nhiễu và đô hộ họ bằng cách sáp nhập, đồng hóa và xóa bỏ văn hóa của những tộc ấy. Họ trả thù Cộng Sản Việt Nam vì đã theo Liên Sô chống lại họ. Họ muốn trả thù các cường quốc Bạch Chủng hạ nhục họ từ Chiến Tranh Nha Phiến (1840) đến Bát Quốc Liên Quân (1901) đã chia xẻ đất nước họ và hạ nhục họ. Họ thù hận Nhật Bản đã đánh bại họ năm 1894 và xâm lăng đất nước họ năm 1937. Họ oán hận Nga chiếm của họ trên 1,5 triệu km2 đất đai, phát huy ảnh hưởng ở Mãn Châu và chiếm cảng Port Arthur (Lữ Thuận - hoàn lại cho CHNDTQ năm 1952).

Việc Nga đưa quân vào bán đảo Crimea viện lẽ bảo vệ những người gốc Nga và nói tiếng Nga và hậu thuẫn cho những nhà lập pháp thân Nga trong quốc hội Crimea tiến đến việc sáp nhập Crimea vào nước Nga khích lệ Trung Hoa Cộng Sản không ít. Càng khích lệ vì thấy phản ứng của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu có vẻ yếu ớt, lấy lệ. Họ sẽ dùng cách hành sử này của Nga ở một nơi nào đó trong vùng Đông Á như Việt Nam, Phi Luật Tân hay Mã Lai chẳng hạn. Họ không coi trọng sự cảnh cáo của Hoa Kỳ sau khi nhà cầm quyền tỉnh Hainan (Hải Nam) thông báo tàu bè đánh cá hay khảo sát biển trong vùng Lưỡi Bò phải xin phép họ. Nhân việc xâm lăng Crimea của Nga, Beijing có lập trường cứng rắn với Nhật và cho rằng những yêu sách của các nước nhỏ (ám chỉ các nước Đông Nam Á) là phi lý. Họ tìm cách ly gián Hoa Kỳ với Nhật và tìm cách ngăn chận sự hung hãn của Bắc Hàn không phải vì yêu chuộng hòa bình mà vì sợ Hoa Kỳ và Nam Hàn tấn công Bắc Hàn lật đổ chế độ và bám sát gần biên giới xứ họ. Nếu họ can thiệp như đã làm năm 1950 thì lực lượng họ bị tiêu hao nặng nề vì phải đương đầu với Hoa Kỳ. Như vậy chương trình bành trướng của họ từ bắc Thái Bình Dương xuống nam Thái Bình Dương bị hỏng.

Chương trình bành trướng ưu tiên của Beijing nhắm vào Biển Đông để khống chế toàn bộ Đông Nam Á với gần 600 triệu dân và 4,5 triệu km2 đất đai, 3 triệu km2 biển và vô số tài nguyên và tấn công Nhật để rửa hận xưa. Hiện nay bộ máy tuyên truyền của Trung Hoa Cộng Sản không ngớt gợi lại sự thảm sát Nanjing (Nam Kinh) năm 1937. Họ đóng vai ‘cừu’ đối với các nước Đông Nam Á và gợi cảnh ‘sói’ mà Nhật đã gieo ở các thuộc địa cũ của Anh, Pháp, Hòa Lan và Hoa Kỳ. Điều này cho thấy họ chuẩn bị tâm lý chiến tranh cho dân chúng trên lục địa nên tìm cách ve vãn Taiwan (Đài Loan) vì Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa hay Trung Hoa Dân Quốc, cả hai đều là Trung Hoa. Đảo Taiwan nằm gần nhóm đảo đá Senkaku mà người Trung Hoa gọi là Diaoyu (Điếu Ngư) và quần đảo Okinawa. Dưới nhãn quan hiện nay của các nhà lãnh đạo Cộng Sản Trung Hoa, Nhật có thể bị đánh bại nếu Hoa Kỳ không tham chiến. Họ cũng thừa hiểu sự tham chiến của Hoa Kỳ có vẻ không rõ ràng mặc dù giữa hai nước Nhật - Hoa Kỳ có hiệp ước Hợp Tác và An Ninh Hỗ Tương ký tại Washington ngày 19-05-1960. Đó là hiệp ước tu chính của hiệp ước Hợp Tác và An Ninh Hỗ Tương đã ký ở San Francisco năm 1952.

Sự lo lắng của Nhật về thái độ của Hoa Kỳ trước sự gây hấn của Trung Hoa Cộng Sản rất rõ rệt. Từ khi bại trận năm 1945 đến nay Nhật bị xem là quốc gia chiến bại không được có quân đội và sản xuất võ khí. Trong hai thập niên qua kinh tế Nhật suy kém hơn trước giữa lúc Trung Hoa Cộng Sản trở thành cường quốc kinh tế hạng nhì trên thế giới. Ngân sách quốc phòng của Trung Hoa Cộng Sản gia tăng. Nước này mua khí giới của Nga, hàng không mẫu hạm của Ukraine, đóng tàu chiến, phi cơ, tàu ngầm, xe tăng, sản xuất bom nguyên tử, phóng vệ tinh lên cung trăng v.v... Hoa Kỳ rất lo ngại chiến tranh Hoa - Nhật bùng nổ. Nó đặt Hoa Kỳ vào cảnh khó xử. Hoa Kỳ cũng ái ngại khi thấy Abe thăm viếng đền Yasukuni và có chương trình tái võ trang để tự phòng vệ.

Đối với Trung Hoa Cộng Sản mọi chuẩn bị chiến tranh đã đầy đủ chỉ chờ cơ hội thuận tiện để chiến tranh nổ bùng ở Đông Á. Sở dĩ họ chưa khai hỏa vì vẫn xem Hoa Kỳ là một ẩn số khó hiểu. Hoa Kỳ hiện nay không khác Hoa Kỳ giữa hai thế chiến bao nhiêu:



Hoa Kỳ Giữa Hai Thế Chiến
          Hoa Kỳ Ngày Nay
khủng hoảng kinh tế
          kinh tế suy yếu; nợ nần cao
không có trong Hội Quốc Liên
          ảnh hưởng ở LHQ giảm sút
chủ nghĩa tự cô lập   
         nặng vấn đề nội bộ hơn vấn đề quốc tế


Người có hiện tướng đơn giản, dễ hiểu sẽ là người có bản chất phức tạp và khó hiểu nhất. Người cờ bạc chuyên nghiệp né tránh chơi bài với những kẻ du côn đánh bài với chủ trương ăn vùa, thua giựt. Hành động du côn là hành động của người bị động mất niềm tin thành công. Người đánh bạc chuyên nghiệp cố nhiên phải biết thuật gian lận kín đáo, khéo léo, tế nhị, tôn trọng luật cờ bạc để các con bạc khác tin tưởng hầu còn rủ họ tiếp tục ngồi sòng sau này. Bây giờ người cờ bạc chuyên nghiệp tỏ ra mình bi ̣các tay cờ bạc du côn ăn gian. Đó là cách tố cáo hai tay cờ bạc du côn ăn vùa thua giựt cho làng xóm biết. Cuối cùng người cờ bạc chuyên nghiệp ấy đóng vai cảnh sát theo dõi và bắt hai tay cờ bạc du côn với sự hỗ trợ của dân chúng trong làng xóm.
 

****
 

Không thể đoán được Trung Hoa Cộng Sản đủ sức đạt được những tham vọng bao la của họ hay không. Nào là hoàn thành mộng đế quốc ở Đông Nam Á, tây Thái Bình Dươngmộng báo thù người Bạch Chủng (Anh, Nga, Pháp, Đức, Hoa Kỳ) và Nhật. Nào là thống nhất Taiwan (Đài Loan). Nào là dòm ngó các cựu Cộng Hòa Sô Viết nhất là Ngoại Mông và Kazakhstan. Nào là bành trướng ảnh hưởng về Ấn Độ Dương bằng cách tiến về phía nam Tây Tạng, đụng độ với Ấn Độ như đã xảy ra năm 1962. Và chương trình cuối cùng là đòi lại 1,5 triệu km2 nhường cho Nga hoàng vào thế kỷ XVII và XIX. Các nhà lãnh đạo Cộng Sản Trung Hoa muốn tái lập đế quốc hoàng chủng như Gengis Khan (Thành Cát Tư Hãn) đã làm vào thế kỷ XIII. Đế quốc Mông Cổ bao gồm các quốc gia to lớn như Trung Hoa, Ấn Độ, Nga, Ba Tư và các quốc gia Đông Âu nối liền lục địa Á - Âu.

Trung Hoa Cộng Sản hiện nay nhắm vào Nhật và Việt Nam trước tiên. Nhưng đó là hai nước gây thất vọng cho nhà Nguyên (Yuan) sau khi Trung Hoa đặt dưới sự đô hộ của đế quốc Mông Cổ. Nhật được cứu vãn nhờ Thần Phong (kami kaze) tức bão nhiệt đới làm đắm thuyền bè của quân viễn chinh xâm lược xuất phát từ lục địa Trung Hoa. Đại Việt sạch bóng quân thù nhờ chiến công hiển hách của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và sự đoàn kết chống quân xâm lăng của toàn dân tộc. Trong những ngày vừa qua Nhật gợi lại hình ảnh hào hùng của những đội Thần Phong Kami Kaze quyết tử cho sự quyết sinh và trường tồn của tổ quốc Phù Tang trong Đệ Nhị Thế Chiến như để nhắc nhở Trung Hoa Cộng Sản rằng họ thừa sức tự vệ dù có hay không có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và dù không được quyền sản xuất võ khí gần 70 năm qua. Giả sử Hoa Kỳ đứng ngoài cuộc chiến Hoa - Nhật, nếu xảy ra, tỷ lệ thắng bại của Trung Hoa Cộng Sản xê dịch từ 49% đến 50% mà thôi.

Mưu sự tại nhân,
Thành sự tại Thiên.


Con voi to lớn vẫn bị con cọp, beo hay sư tử tấn công và xé xác. Con voi cũng không bao giờ thắng con kiến. Chẳng những vậy nó còn sợ sâu! Trước khi trừng phạt và làm nhục kẻ dữ và ác, Trời vẫn dành cho họ được phùng thời trong một thời gian ngắn ngủi nào đó để tránh tiếng phạt lầm hay phạt khắc nghiệt hay bất công. Cũng có câu:

Trước khi trừng phạt người nào Thượng Đế làm cho người đó điên.

Lòng tham và sự độc hiểm làm cho Putin và các lãnh đạo Cộng Sản Trung Hoa từ Mao Zedong đến Xi Jinping trở nên điên cuồng, hành sự càn dở ngược lại với lý trí thông thường của nhân loại. Nói về hành động của Putin trong cuộc khủng hoảng Crimea, nữ thủ tướng Đức Merkel, nữ tiến sĩ Vật Lý sinh và sống ở Đông Đức trong thời kỳ qua phân, cho rằng bà có cảm tưởng ông Putin là người của thế giới nào khác!

Giữa Nga và Trung Hoa Cộng Sản có liên minh hành động nhưng không có minh ước thành văn. Đó là hai quốc gia láng giềng to lớn, đông dân, có quá khứ lịch sử thù địch hơn là thân hữu. Bề ngoài Nga và Trung Hoa Cộng Sản có vẻ thân thiện. Thực chất Nga là kẻ thù thiên thu trong tâm não các nhà lãnh đạo Trung Hoa Cộng Sản. Mao Zedong học tiếng Anh, tiếng Pháp nhưng không bao giờ học tiếng Nga. Chiến tranh biên giới Sô - Trung diễn ra khi Mao còn sống. Deng Xiaoping từng được huấn luyện ở Moscow nhưng khi cầm quyền ông hướng về Hoa Kỳ. Sinh viên Trung Hoa lục địa du học ở Hoa Kỳ chớ không du học ở Liên Sô. Những nhà lãnh đạo thời hậu Mao Zedong hay hậu Deng Xiaoping đều theo con đường mà hai vị tiền bối Cộng Sản ấy vạch ra. Chẳng lẽ họ đi giành từng đảo đá, đảo san hô chìm dưới mặt nước biển, bãi cạn... lại quên đi dải đất đầy tuyết trắng ở phía bắc sông Hei Longjiang (Hắc Long Giang) và phía đông sông Ussuri (Ô Tô Lý) rộng hàng triệu km2 ?

Chuyện đòi đất của Trung Hoa Cộng Sản chỉ xảy ra khi cán cân quân sự nghiêng về phía họ.
Họ đang chờ thời gian T + N. Đến thời gian này Nga sẽ là thành viên của NATO (North Atlantic Treaty Organization)!!

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.