01.09.2016

Người Việt và xu hướng khen ngợi nồng nhiệt hay thất vọng thái quá - Song Chi

„…nếu người Việt nói chung bình tĩnh hơn, đừng đòi hỏi bất cứ ai cũng phải rõ ràng dứt khoát 100% ngay về quan điểm, nhận thức, dần dần theo thời gian con người sẽ tự thay đổi, còn nếu không thay đổi thì ai sao mọi người cũng sẽ nhìn thấy và tự đánh giá được.“

Người Việt và xu hướng khen ngợi nồng nhiệt hay thất vọng thái quá

Song Chi

Một nhà thơ nổi tiếng trên mạng xã hội vì có những bài thơ 5 chữ mang tính thời sự xã hội, nói lên những bức xúc, vui buồn, cảm nghĩ của mình trước những sự trái tai gai mắt thường ngày. Nhiều người thích vì những bài thơ ấy đơn giản, dễ nhớ dễ thuộc, nói đúng những điều họ cảm, họ nghĩ. Mặt khác, trên mạng xã hội, báo chí “lề trái” có rất nhiều cây bút viết blog, viết báo, chính luận hay, nhưng chỉ có một nhà thơ ấy với những bài thơ 5 chữ nói chuyện thời sự, có lẽ vì vậy mà ông được nhiều người biết.


Và rồi, do thiện cảm, do đồng tình với những suy nghĩ của nhà thơ, một số người đã xem nhà thơ ấy như một người bất đồng chính kiến, dám nói lên sự thật và dám đấu tranh không chỉ chống lại những cái xấu của xã hội mà cả cái chế độ cộng sản thối nát này.

Cho đến khi nhà thơ viết bài “Đôi lời” trên facebook của mình khen ông Nguyễn Phú Trọng liêm khiết, tin “lãnh đạo ta không bán nước cho Tàu”, bộc bạch: “Tôi không thích cộng sản, nhưng vẫn ghi nhận, thậm chí biết ơn những gì chế độ đã làm cho đất nước từ ngày đổi mới. Chúng ta từ một nước cực nghèo mà được thế này là quá tốt rồi….Tôi tin sớm muộn đất nước mình sẽ có dân chủ và tự do thực sự. Tạm thời chưa có được cái đích tốt đẹp ấy thì tạm hài lòng với những gì đã có, và chung sức cùng đồng bào đấu tranh (một cách xây dựng) để đạt được điều ấy” và khen cả dàn lãnh đạo chính phủ mới vận hành được… Sau đó ông còn nhắc lại những ý của mình bằng một bài thơ.

Dư luận lập tức dậy sóng, nhiều ý kiến chỉ trích, kể cả nặng nề, cho rằng nhà thơ đã nói ngược lại, thậm chí phản bội lại những gì đã viết. Có người còn đặt ra giả thuyết phải chăng facebook của ông bị hack, hay ông bị sức ép nào đó từ phía công an nên buộc phải viết thế. Cuối cùng, nhà thơ viết thêm một bài “Thông điệp hôm nay" nói rõ rằng không bị an ninh hay ai gây sức ép cả: “Xưa nay tôi vẫn thế, cái gì chưa được thì nói, một cách đàng hoàng và xây dựng. Cái gì hay thì khen, nhỏ cũng khen, thậm chí còn cố tìm cái tốt để khen. Tôi thực sự vui mừng vì đất nước đã đổi mới, đời sống người dân khá hơn xưa, có thể nói đổi đời. Trong chừng mực nào đó người dân đã có tự do và dân chủ. Cả nhân quyền. Đảng lãnh đạo đất nước thì có vai trò lớn trong việc này và phải ghi nhận. Còn tham nhũng, tiêu cực này nọ là chuyện khác, chuyện nghiêm trọng, và tôi sẽ tiếp tục phản biện về chuyện này. Vì biết không còn cách nào khác, tôi chỉ mong đảng đổi mới hơn nữa. Tôi lên tiếng với hy vọng đảng và nhà nước nhận thấy vấn đề và có chính sách thích hợp”.

Thiết tưởng quan điểm như thế là quá rõ. Là chỉ muốn đóng góp xây dựng cho đất nước và cho đảng. Mong đảng đổi mới. Ghi nhận những cái tốt, công ơn của đảng và chỉ ra những cái xấu trong xã hội để mong đảng “đổi mới hơn nữa”, “nhận thấy vấn đề và có chính sách thích hợp.” Trước đây có lẽ là do không nói rõ (?) nên nhiều người hiểu nhầm thái độ “phản biện với tinh thần xây dựng, đóng góp” của nhà thơ thành ra thái độ của một người bất đồng chính kiến hay đấu tranh dân chủ.

Trường hợp của nhà thơ nói trên không phải là ít trong xã hội VN. Do những nguyên nhân lịch sử, xã hội VN trong suốt thế kỷ XX cho tới tận thời điểm hiện tại vẫn có nhiều mâu thuẫn, xung đột về chính trị, và người Việt là một dân tộc vẫn còn nhiều bất đồng, chia rẽ sâu sắc về quan điểm, thái độ, tư tưởng chính trị, giữa người thuộc nhóm này với nhóm khác, giữa người miền Bắc và người miền Nam, giữa người trong nước và ở nước ngoài, giữa các tổ chức, đảng phái khác nhau.

Không thể phủ nhận là nhờ có internet, nhờ có sự giao lưu gián tiếp hay trực tiếp với thế giới bên ngoài qua các kênh truyền thông, qua tìm hiểu, nghe kể, thậm chí nhìn thấy tận mắt và so sánh giữa thực tế đời sống ở VN và các nước tự do, dân chủ, phát triển…, con số người Việt nhận ra những cái tệ hại, thua kém của VN so với nhiều nước khác, những bất công, phi lý trong xã hội và cái dở, cái tệ của nhà nước ngày càng nhiều. Và cũng ngày càng nhiều người thuộc mọi lứa tuổi, thành phần, kể cả những người từng cầm súng dưới màu cờ của đảng cộng sản, con em gia đình cán bộ, đảng viên…lên tiếng phản biện, chỉ trích nhà cầm quyền hoặc nói lên sự thật xã hội, sự thật lịch sử.

Nhưng không phải ai cũng quyết liệt tư tưởng 100%. Không phải ai cũng nghĩ được rằng “cộng sản không thể tự thay đổi, sửa đổi mà chỉ có thể bị thay thế, bị đào thải vĩnh viễn” (Boris Yelsin, Cựu Tổng thống đầu tiên của nước Nga thời hậu Xô viết).

Trên chặng đường dài của sự thay đổi về nhận thức, có người rõ ràng, thậm chí quyết liệt, có người chỉ chịu thừa nhận đảng “ta” bây giờ có nhiểu cái sai nhưng trước kia đảng “ta” không thế. Có người hiểu rõ bản chất của đảng cộng sản ngay từ đầu và toàn bộ lịch sử đảng cộng sản VN chỉ là một sự tuyên truyền, dối trá, người dân đã bị lừa, nhưng cũng có những người vẫn cho rằng đảng cộng sản có công “xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, đánh Pháp đuổi Mỹ, thống nhất đất nước”.

Có người cho đến giờ phút này vẫn tin rằng bác Hồ là vị thánh, mọi chuyện là do những người khác và các thế hệ sau làm sai, nếu còn bác thì mọi chuyện đã khác v.v…

Nghĩ về tương lai VN cũng thế, có người mong muốn một sự thay đổi toàn diện để chuyển đổi sang mô hình thể chế chính trị tự do, dân chủ, tam quyền phân lập, pháp trị, đa đảng, và đảng cộng sản phải biến đi giống như mọi nước Đông Âu hậu cộng sản khác, nhưng có người vẫn hy vọng vào sự “tự làm sạch”, “tự đổi mới” của đảng…

Sự khác biệt trong suy nghĩ, quan điểm, nhận thức đó như đã nói, là hệ quả của lịch sử bị chia cắt, chia rẽ trầm trọng, cộng với “nghệ thuật” tuyên truyền, nhồi sọ qua bao thế hệ của đảng cộng sản và do từng cá nhân mỗi người với xuất thân, “lý lịch”, trải nghiệm cuộc sống khác nhau.

Những người sinh ra và lớn lên hoàn toàn trong chế độ XHCN ở miền Bắc hoặc gia đình, bản thân có nhiều ràng buộc, nhận được nhiều bổng lộc của chế độ thường khó thay đổi hơn, khó chấp nhận những sự thật hoàn toàn trái ngược với những gì họ đã từng được giáo dục, từng tin. Nhất là về tên gọi, ý nghĩa, mục đích thật sự của cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam” hay những sự thật về nhân vật Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cũng chính những người như vậy nếu thay đổi thì lại rõ ràng, dứt khoát, không bao giờ còn chút mơ hồ, hy vọng gì nữa vào cái đảng này, chế độ này. Ví dụ như đại tá-nhà báo Bùi Tín, nhà văn Dương Thu Hương, cựu sĩ quan an ninh, nhà báo Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, người lính-blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, blogger Nguyễn Lân Thắng… và rất nhiều người khác.

Trong khi đó, lại có trường hợp những người ở miền Nam, trước đây thuộc thành phần chống lại chế độ VNCH hay còn gọi là thành phần “thân Cộng”, đến khi ra nước ngoài đã hàng chục năm nay, được sống trong một quốc gia tự do, dân chủ, tiến bộ, tôn trọng nhân quyền nhưng vẫn “thân Cộng” và vẫn mong muốn, hy vọng vào những cơ hội hợp tác với nhà cầm quyền VN.

Âu cũng là tự nhiên, thường tình. Bàn tay còn có ngón dài ngón ngắn huống hồ cả một dân tộc hơn 90 triệu người, trong và ngoài nước. Nhưng điều đáng buồn hơn là sự khác biệt đó đã tạo nên sự chia rẽ trong người Việt, dù ở trong hay ngoài nước. Nếu như cộng đồng người Việt hải ngoại hơn 40 năm nay có biết bao nhiêu đảng phái, tổ chức chống Cộng nhưng vẫn không thể ngồi lại với nhau vì mục đích chung thì ở trong nước cũng không khá hơn, nhiều cá nhân, nhiều nhóm, tổ chức dân sự thành lập nhưng cũng chưa thể kết nối thành một phong trào chung.

Trở lại với chuyện từng cá nhân, nếu người Việt nói chung bình tĩnh hơn, đừng đòi hỏi bất cứ ai cũng phải rõ ràng dứt khoát 100% ngay về quan điểm, nhận thức, dần dần theo thời gian con người sẽ tự thay đổi, còn nếu không thay đổi thì ai sao mọi người cũng sẽ nhìn thấy và tự đánh giá được. Bên cạnh đó, dường như tâm trạng sốt ruột trước thời cuộc, tình thế và sự biến chuyển quá chậm chạp của VN trong lúc đa số người dân vẫn bàng quan với hiện trạng đất nước hay sợ hãi, cầu an, nên khi có bất cứ ai dám lên tiếng, dám có những bài viết nói lên sự thật, phản biện, chỉ trích nhà cầm quyền hoặc có những hành động như xuống đường biểu tình chống Trung cộng, đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ cho người VN…chúng ta thường có khuynh hướng yêu mến, khen ngợi nồng nhiệt cũng như hy vọng, tin tưởng nhiều vào người đó. Để rồi khi thấy người đó có những hạn chế về quan điểm hay nhược điểm nào đó trong tính cách thì lại thất vọng thái quá. Điều này đã từng xảy ra không phải chỉ một vài lần. Cả hai thái cực có lẽ đều không nên.

Con đường đấu tranh để thay đổi tương lai, vận mệnh đất nước, dân tộc VN là một con đường dài, gian nan và là trách nhiệm chung của tất cả con dân Việt trong và ngoài nước, không của riêng ai, trong đó mỗi người dù góp phần nhỏ bé, hay chỉ đi được một chặng đường cũng đã là quý. Và chặng đường ấy sẽ ngắn hơn nếu ngày càng nhiều người hơn, cùng nắm tay nhau, cùng đi được bên nhau.