01.10.2016

Khi Những Giòng Sông Không Còn Lơ Đãng - Đặng Chí Hùng

„Có những giòng sông, khi nó chảy qua những miền quê hương êm đềm thì rất mơ màng và gợi tình. Nhưng nếu nó bị lạc đường qua những miền đất dữ với những con người không biết giữ lấy tình yêu với quê hương thì nó sẽ trở thành những giòng sông nhuộm máu đồng bào.“

Khi Những Giòng Sông Không Còn Lơ Đãng

Đặng Chí Hùng

Tôi không quen biết gì Thu Phương nhưng biết đến Huy M.C và Thu Phương từ khi còn Làn Xóng Sanh. Thu Phương được biết đến với: Cô gái đến từ hôm qua, Thôi anh hãy về, Đêm nằm mơ phố  vv…Nhưng để lại ấn tượng nhất trong tôi vẫn là Dòng Sông lơ đãng. Chất giọng của Phương hợp với bài hát này và tôi thích cả nội dung của bài hát mà tác giả Việt Anh sáng tác:

Từ chốn nào giòng sông đã hòa cùng đại dương
Cạn bến bờ chiều nay thẩn thờ nhìn hoàng hôn
Rồi chúng ta sẽ đôi lần nuối tiếc
Để một giòng sông lơ đãng trôi qua …

Có nhiều người hát bài hát đó, nhưng phải thú thật là Thu Phương hát bài đó rất truyền cảm, đi vào lòng người với chất giọng của riêng cô – một người con gái gốc Hải Phòng.

Những tưởng Thu Phương định cư tại Mỹ với Huy MC thì mọi chuyện coi như êm thấm. Nhưng không…họ chia tay nhau sau 14 năm chung sống. Thu Phương có gia đình mới. Chuyện tình cảm, gia đình của Phương là chuyện cá nhân. Người viết không bao giờ đề cập và bình luận. Đó là nguyên tắc của tôi.

Câu chuyện ở đây là cả một sự tiếc nuối cho cá nhân Phương và cho rất nhiều nghệ sĩ ở Hải Ngoại. Khi Phương qua Mỹ, thì cô xin tị nạn chính trị. Rất nhiều đồng bào Việt Nam đều ra tay tiếp đón và cưu mang. Những tình cảm đó, chắc hẳn Thu Phương, Bằng Kiều và nhiều người nghệ sĩ sẽ nhớ. Và lúc đó giòng sông cứ lơ lãng trôi theo tiếng hát của Thu Phương…

Nhưng cô đã không đi hết trọn con đường của một người tị nạn. Cô trở về Việt Nam ca hát với những hợp đồng béo bở từ các đại gia đỏ và CSVN. Cô trở về để khoác lên mình chiếc áo dài mang lá cờ lấy về từ Phúc Kiến bên Tàu. Cô phản bội chính lá cờ đã cho cô cơ hội được định cư tại xứ xở tự do, đã nâng đỡ cô lúc cô còn bỡ ngỡ nơi xứ người. Và thế là giòng sông đã đỏ phù sa của những ngày bão lũ…

Nhưng Thu Phương không phải là cá biệt, rất nhiều nghệ sĩ tị nạn cộng sản đã trở về Việt Nam hát với cộng sản. Mỗi một nghệ sĩ, họ là những giòng sông nghệ thuật lơ đãng ru hồn người thưởng thức. Nếu biết dùng nó để đánh thức những tâm hồn yêu nước thì đó chính là điều tuyệt vời. Thật tiếc, nó lại trở nên đỏ ngầu như chính những bàn tay vấy máu đồng bào mà CSVN đang chìa ra bắt tay của văn nghệ sĩ Hải Ngoại.

Rất nhiều trong nghệ sĩ đó, chính tác giả cũng một thời yêu mến như: Lệ Thu, Ý Lan, Thanh Tuyền, Giao Linh đến Tuấn Vũ, Chế Linh, Khánh Ly…Nhưng rồi, đã cảm thấy buồn vì họ đã phản bội lại những gì mà người tị nạn trân trọng nhất: Sự trung thành với Quốc Gia.

Nếu đơn thuần chỉ là những người nghệ sĩ bình thường, chúng ta chẳng có gì để trách họ bởi vì hát, biểu diễn là nghề của họ. Sống với nghề, đi với nghề chẳng có gì đáng trách. Nhưng những người nghệ sĩ mà tôi muốn nói ở đây là những người đã từng một thời gắn bó với VNCH, với người lính VNCH, đã tới nước ngoài định cư theo diện tị nạn, đã đứng trên sân khấu của người Việt tị nạn để hát lên những nỗi căm hờn cộng sản. Vậy mà, họ đã quay về Việt Nam để giao lưu với CSVN – những kẻ đã giết cha ông họ, đẩy gia đình họ lên con thuyền mênh mông ngoài biển, chửi bới họ là “đĩ điếm, đồi trụy, phản động”…Nhưng cao hơn cả, CSVN đã và đang giết cả một dân tộc, bán đứng một dân tộc cho giặc Tàu. Vậy mà nhiều nghệ sĩ tị nạn lại quay về hát hò tưng bừng với chúng. Quả là đáng buồn…

Vẫn biết rằng, cái vòi bạch tuộc của nghị quyết 36 luôn tìm cách len lỏi cộng đồng. Nhưng nếu trong mỗi chúng ta có một sự tự trọng nhất định về danh dự người Quốc Gia thì chắc chắn chúng ta không làm những việc có lợi cho cộng sản, bắt tay với cộng sản. Tiếc rằng, rất nhiều người thiếu cái điều cơ bản đó.

Tôi còn nhớ, Du Tử Lê đã viết “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển”, vậy mà ông chẳng ra biển, ông đã nuốt lời về với cộng sản những năm tháng cuối đời. Đáng buồn vì những điều mà ông thất hứa. Nó cũng giống như rất nhiều văn nghệ sĩ đã quên đi lời thề chống cộng năm nào…Họ đã để những giòng sông không còn lơ đãng….

Những người làm nghệ thuật, họ có thể biện minh cho mình “Nghệ thuật của tôi là nghệ thuật vị nghệ thuật” để tìm cách đi về ăn chơi, nhảy múa với cộng sản.. Các vị đúng, nhưng chưa đủ vì nghệ thuật thì phải vì nghệ thuật. Nhưng khi đã mang trong mình căn cước tị nạn, nhất là tị nạn cộng sản, thì các vị phải biết rằng các vị có trách nhiệm trong mình để làm một thứ nghệ thuật của người tị nạn.

Hơn thế nữa, những người nghệ sĩ này có biết hàng ngày có hàng trăm nghìn tên Tàu đang ung dung trên đất Việt Nam ? Từ bộ chính trị đến quan chức địa phương đều bị Tàu cộng sai khiến ? Hàng nghìn tàu cá bị giặc Tàu phá nát mỗi năm trên chính biển đảo quê hương ? Hàng trăm nghìn km2 mặt nước và đất liền bị cắt cho Tàu ? Hàng mấy trăn km bờ biển bị nhiễm độc bởi thảm họa Formosa ? Đó chính là tội ác của cộng sản. Hợp tác làm ăn, nhảy múa với cộng sản đó chính là phản bội lại dân tộc Việt Nam.

Có những giòng sông, khi nó chảy qua những miền quê hương êm đềm thì rất mơ màng và gợi tình. Nhưng nếu nó bị lạc đường qua những miền đất dữ với những con người không biết giữ lấy tình yêu với quê hương thì nó sẽ trở thành những giòng sông nhuộm máu đồng bào. Khi mà những giòng sông không còn lơ đãng nữa thì cũng là lúc thính giả tắt đài, tắt tivi và quay lưng lại với những người đứng trên sân khấu.

Còn nỗi buồn nào cho người nghệ sĩ bằng chính nỗi buồn bị khán giả quay lưng? Vì thế, người nghệ sĩ hãy sống để cho những giòng sông mãi còn lơ đãng.

Đặng Chí Hùng