14.11.2016

Không biết cũng lên án? - Nguyễn Tường Tâm

Không biết cũng lên án?

Nguyễn Tường Tâm

Không biết có phải đây là một vấn nạn lớn trong văn hóa Việt Nam hay không nhưng rõ ràng và phổ biến là tệ nạn "Không biết cũng chỉ trích"; có khi nặng tới chửi bới. Hiện tượng này không chỉ ở những người thiếu học hay có học thức trung bình, mà lại thấy ở rất nhiều vị trí thức khoa bảng, nhà báo nổi danh. Tôi xin kể ra đây bốn câu chuyện điển hình gây ồn ào nhiều chục năm tại hải ngoại.


Chuyện thứ nhất: Nhiều sách báo tiếng Việt đã viết rằng Tổng thống Kennedy ra lệnh hạ sát Tổng thống Ngô đình Diệm vì TT Diệm không chịu cho đưa quân Mỹ vào Nam Việt Nam. Ngay bà Ngô Đình Nhu trong cuốn hồi ký của mình cũng viết như vậy cho nên Giáo sư sử học Hà Văn Thịnh từ Huế đã viết, "Có một sự thực tôi hoàn toàn đồng ý với bà (ý nói bà Ngô đình Nhu, ghi chú của Ng. tường Tâm): Chính vì chính quyền ông NĐD không chịu cho Mỹ can thiệp vào VN nên phải chết!

Tôi đã viết trên facebook rằng ông Thịnh viết câu này cũng như khá đông người có học từ trung cấp tới cao cấp ở miền Nam vẫn thường nghĩ và viết (hiện nay ở hải ngoại những vị này cũng vẫn viết vậy). Tất cả những vị này đều chưa đọc cuốn In Retrospect của McNamara, cựu bộ trưởng quốc phòng từ thời Kennedy tới TT Johnson. Trong khi Bộ trưởng quốc phòng McNamara chính là người đã hoạch định kế hoạch quân sự theo chủ trương chiến lược của Tổng thống Kennedy cho nên vấn đề viện trợ quân sự cho miền Nam Việt Nam chính là vấn đề mà ông sẽ phải thảo luận với TT Kennedy và cuốn sách của ông phải đề cập tới vấn đề mang quân vào hay rút quân ra khỏi Nam Việt Nam và những trở ngại. 

Một lần ngồi caphe giữa nhiều chủ báo và người viết báo tại San Jose, California, tôi hỏi có vị nào đọc cuốn này chưa thì câu trả lời là chưa ai đọc. Thế nhưng trước đó họ cũng tin như bà Nhu nói. Sự thực, TT Kennedy với bộ trưởng quốc phòng McNamara không những không muốn đưa quân vào Việt nam mà còn chủ trương rút quân từ năm 1963 lúc còn TT Diệm (lúc đó mới là cố vấn để huấn luyện thôi). Cho nên bảo vì TT Diệm chống lại việc Mỹ đòi đưa quân vào Việt Nam nên bị Mỹ giết là hoàn toàn lập luận của những người thân tín với TT Diệm, sai sự thực lịch sử. Dù rằng TT Diệm là nhân vật yêu nước đáng kính, nhưng vấn đề lịch sử phải viết cho đúng, không thể xuyên tạc. Nhất là khi đã không tham khảo những nguồn chính có giá trị thì đừng nên viết hùa theo đám đông. Vì tư liệu quá dài, tôi trích vài đoạn để quí vị tham khảo. 



Trang 39, giòng 3-17: "Dean Rusk (bộ trưởng ngoại giao) and his advisers at the State Department came to the same conclusion. On November 11, he and I (McNamara), after more thought and discussion, submitted a joint memorandum to the president advising against sending combat forces...President Kennedy ....flatly refused to endorse the introduction of U.S. combat forces." Bộ trưởng ngoại giao Dean Rusk và McNamara đề nghị chống lại việc gửi quân tham chiến...TT Kennedy...thẳng thừng từ chối chấp thuận việc gửi lực lượng chiến đấu Hoa Kỳ)

Trang 40, giòng 5-10: "The president (Kennedy) repeated his doubts about our military involvement in South Vietnam to the national Security Council a few days later, on November 15. He said he was afraid of becoming engaged simultaneously on two fronts on opposite sides of the world..." TT Kennedy nói rằng ông lo sợ phải tham chiến cùng một lúc ở hai mặt trận ở vị trí đối diện nhau trên thế giới (ý nói chiến tranh Việt Nam và chiến tranh lạnh với Liên Sô tại Âu châu).

Trang 40, giòng 19-22: "many of us, including the president and me (McNamara), came to believe that the problem was such that only the South Vietnamese could deal with it. We could try to help them through training and logistical support, but we could not fight their war." (Chúng tôi chỉ có thể giúp huấn luyện và viện trợ cho họ (miền Nam), nhưng chúng tôi không thể chiến đấu trong cuộc chiến của chính họ.)

Trang 40, giòng 31-34: "I (McNamara) reiterated these points to Admiral Felt and General McGarr at our first conference in Hawaii the following month, telling them that U.S. combat troops would not be sent to South Vietnam." (Tôi lập lại quan điểm này với Đô Đốc Felt và Tướng McGarr...và cho họ biết rằng sẽ không gửi quân chiến đấu sang Nam Việt Nam.)

Trang 80 giòng 9-10: "After much debate, the president endorsed our recommendation to withdraw 1000 men by December 31, 1963." (Sau khi thảo luận kỹ, tổng thống (Kennedy) phê chuẩn đề nghị của chúng tôi (McNamara) là rút 1000 quân (cố vấn huấn luyện) trước ngày 31-12-1963).

Chuyện thứ hai: Những bài viết lưu truyền những điều sai sự thật như "Nhà thơ Nguyễn chí Thiện, người được Việt cộng trả tự do cho sang Mỹ tị nạn là Nguyễn chí Thiện giả", "tập thơ được cho là của Nguyễn chí Thiệt thực sự không phải là thơ của ông", "Nguyễn chí Thiệt hiện nay không phải là Nguyễn chí Thiện thật mà là người đóng giả Nguyễn chí Thiện được Việt cộng đưa sang Mỹ làm gián điệp, phá cộng đồng người Việt hải ngoại". Để rồi cứ mỗi lần Nguyễn chí Thiện xuất hiện trước công chúng là bị một số khá đông người biểu tình phản đối, chửi bới. 

Một người là Francis Duong <Francis_duong@hotmail.com>, ngày 14/12/2010 đã viết một email được phổ biến rộng rãi trên mạng như sau: Ông Thiện sinh năm 1939. Ông ta là em ruột của ông Nguyễn Công Giân, Trung Tá Phòng II cuả Bộ Tổng tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hiện ở DC (thủ đô Hoa Kỳ, ghi chú của Ng. Tường Tâm) - Ông Giân Khóa 4 Thủ Đức cùng Khóa với Trung Tướng Ngô Quang Trưởng - TỘI ÔNG THIỆN (đối với Việt cộng, ghi chú của Ng. Tường Tâm) NẶNG NHẤT LÀ TỘI NẦY: TẠI SAO KHÔNG THEO ANH ĐI VÀO NAM 1954- PHẢI CHĂNG Ở LẠI ĐỂ LÀM TÌNH BÁO CHO TÂY? 

Những điều nầy (sự nghi ngờ của Việt cộng đối với ông Thiện, ghi chú của Ng. tường Tâm) đâu để nói ra giữa công chúng (hải ngoại, ghi chú của Tường Tâm) nên vần đề : GIẢ/THẬT chỉ bùng lên khi nào Nguyễn Chí Thiện xuất hiện gây tác động với quần chúng. Email này được PNN dùng để giới thiệu bài Mặt Thật của ông Bùi Tín, một cựu Đại tá, phó Tổng biên tập báo Nhân Dân của Việt cộng. Ông Bùi Tín viết: 

"Ở ngoài nước, khá nhiều người Việt Nam biết đến Nguyễn Chí Thiện. Ở trong nước, ngược lại rất nhiều người không biết anh là ai cả. Báo chí trong nước không hề nhắc đến anh, trong khi tin tức về anh, ảnh của anh, thơ của anh, trả lời phỏng vấn của anh và sách in gần 200 bài thơ của anh được phố biến khá rộng ở ngoài nước. Điều rất tiếc là tuổi trẻ ở trong nước có thể nói cho đến nay, chẳng biết gì về anh cả! Cho nên xin được nói đôi điều về anh. Anh năm nay chừng 50 tuổi. Hơn 27 năm trong nhà lù của chế độ 'Việt nam Dân Chủ Cộng Hòa, Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc' (!). Nghĩa là cả thời thanh xuân và trưởng thành của một con người ở trong 4 bức tường, với công việc gần như khổ sai. Anh mất hết, mất học vần, tuy 20 tuổi anh học cực giỏi, từng đọc sách nhiễu, thơ văn khá, tiếng Pháp nói và viết rất chuẩn. Mất nghề nghiệp, nay hỏi anh khi đã 50 tuổi anh làm nghề gì? Nghề ngồi tù! Mất hạnh phúc gia đình, không vợ, không con, 50 tuổi mà trông như cụ già 70, mắt mờ, đi lại khó, đau khớp, buộc óc, đau dạ dày, yếu tim, đủ thứ. Anh mất sức khỏe, mất tuổi trẻ. Mất quá nhiều thứ, mất hết cả đời người. Anh nói chậm, vì 30 năm không có bạn để trao đổi tâm tình. Từ nhiều năm, tổ chức ân Xá Quốc Tế Amnesty International yêu cầu chính phủ Hà nội trả tự do cho anh. Người ta im, không trả lời. Coi như anh không có trên đời. Anh mới được ra tự do năm 1992, có lẽ họ chờ anh chết, nhưng tuy ốm và cực yếu, anh sống đai dẳng bằng nghị lực khác thường. Tội anh là gì? Theo một nguồn chưa đầy đủ cậu học sinh Hải phòng rồi Hà nội (trường Albert Sarraut) ấy từng đọc Voltaire, Victor Hugo, Diderot, Jean Jacques Rousseau... và hiểu tự do quý giá ra sao. Anh khoái đọc những tờ Giai Phẩm đầu năm 1956, chuẩn bị ra tờ báo Vì Dân thì đầu năm 1958 anh bị bắt. 

...Đã có lúc họ định xử án để bỏ tù anh. Nhưng chẳng có một bằng chứng gì về bất cứ một hoạt động gì của anh cả. Một gia đình nhà giáo, cậu học sinh say mê đọc sách, học giỏi, ít giao du, moi đâu ra tội? Tạo đâu ra chứng cớ. Đem ra xử thì chỉ cãi lý, mà họ không có lý. Sau gần 20 năm giam anh, chế độ 'cho' anh tự do vào năm 1978, không xét xử, không xin lỗi, chỉ đe và dọa: về nằm yên, ngo ngoe là chết! 

Anh không nằm yên. Anh chép lại vào vừa đúng 192 bài thơ làm trong gần 20 năm. Đưa cho bạn bè thì dễ lộ, bị tịch thu, bị hủy. Anh nghĩ mãi, phải gửi ra nước ngoài. Hải Phòng là cửa biển, nhưng không một chiếc tàu nào đi ra một nước có ít nhiều tự do. Chỉ đi Tàu, đi Nga. Anh liền lên Hà nội, đi qua ngôi nhà của Đại sứ quán nước Anh. Đi thẳng vào, đưa cả tập thơ cùng một lá thư. Anh bị công an bắt. Lúc ấy là tháng 4 năm 1979. Họ lại bỏ tù anh, vẫn không xét xử, trong hơn 10 năm nữa. Đến tháng 10 năm 1991 anh được tự do. 

Sứ quán Anh nhất định không trao tập thơ cho chính quyền Việt nam. Họ gửi về Luân Đôn. Và cuốn sách in 192 bài thơ của anh được chào đời, tên tác giả: Khuyết danh. Vì tránh để chế độ độc đoán có cớ để trả thù anh bức thư gửi kèm theo tập thơ, có câu: 'Từ cuộc đời tan nát của tôi, tôi chỉ có một mơ ước: là được thấy đông đảo người hiểu rõ được rằng chủ nghĩa cộng sản là một tai họa lớn của loài người.' ...Vũ khí chống chọi lại độc đoán là thơ. Anh viết dõng dạc như một tuyên ngôn:

Giữa lao tù, bệnh hoạn, cơ hàn
Thơ vẫn bạn, và thừa dư sức bạn. 

Anh nói rõ: 

Thơ của tôi không có gì là đẹp
Như cướp vồ, cùm kẹp, máu, ho lao.
Thơ của tôi không có gì là cao
Như chết chóc, mồ hôi, báng súng
Thơ của tôi là những gì kinh khủng
Như đảng đoàn, lãnh tụ, trung ương
Thơ của tôi kém phần tướng tượng
Nó thật như tù, đói, đau thương
Thơ của tôi chỉ để đám dân thường
Nhìn thấu suốt tim đen phường quỷ đỏ...

Giọng thơ phẫn uất, hờn căm là do họ gây nên trong anh, ai cũng dễ thông hiểu điều ấy." Hết trích của Bùi Tín. 

Và rồi, khi ra hải ngoại Nguyễn chí Thiện bị cả một phong trào chống đối, chống đối trực diện mỗi khi ông xuất hiện, chống đối trên báo chí, trên báo mạng, bởi những người thấm đượm văn hóa: "Không biết cũng chỉ trích!"

Chuyện thứ ba: Cuốn "Bên Thắng Cuộc của Huy Đức" ngay từ lúc mới được quảng cáo trên mạng, chưa xuất hiện trên thị trường, đã bị chỉ trích. Khi đã chỉ trích thì người ta tìm đủ mọi lý lẽ, dù không thuyết phục. Người thì nói rằng gọi Cộng sản là "Bên Thắng Cuộc" là không được, là xúc phạm quân dân Việt Nam Cộng Hòa, người thì chỉ trích bản thân Huy Đức là Việt cộng, bởi vì anh ta sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc trước 1975. Chỉ với hai lý do trên, đã xuất hiện nhiều bài báo và email trên mạng chỉ trích tác giả và tác phẩm. 

Có lần tôi hỏi một người chỉ trích mạnh mẽ rằng "Ông đã đọc cuốn đó chưa?" thì được trả lời ngon lành, "Chưa. Nhưng cần gì đọc! chỉ liếc qua tựa sách cũng đủ biết!" Không ít người được gọi là trí thức, có bằng cấp cao, gốc Việt Nam Cộng Hòa, nhiễm nặng văn hóa "Không biết, và không cần biết, vẫn chỉ trích!"

Chuyện thứ tư: Cựu nghị viên, Phó Thị trưởng San Jose, tiểu bang California Madison Nguyễn bị chỉ trích, chửi bới gần 10 năm qua (lúc đó cô ta chưa tới 30 tuổi) về hai điều: Việt Cộng và hỗn láo, "dám gọi Cộng đồng là một gánh xiệc". Bây giờ chuyện bầu cử tại Hoa Kỳ đã xong, cô Madison Nguyễn đã thất cử nên tôi mới cho đăng bài viết đã lâu này để không bị ai lên án là bài viết nhằm vận động cho cô Madison Nguyễn. 

Nghị viên Madison Nguyễn tuyên thệ nhậm chức, với cờ Vàng VNCH tại tòa thị chính thành phố San Jose

Trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức nghị viên thành phố San Jose, cô Madison treo lá cờ Việt Nam Cộng Hòa lớn ngang với cờ Hoa Kỳ tại phòng hội chính của thành phố. Đây là một hành động biểu lộ quyết tâm chống Cộng mãnh liệt mà chưa một vị dân cử gốc Việt nào làm như cô. Thế nhưng vẫn có khá đông người chỉ trích, chửi bới cô là Việt Cộng! Thật tức cười! 

Ngoài ra, những người chửi bới cô còn cho rằng cô ta hỗn láo đã gọi cộng đồng Việt Nam là đoàn xiệc, gánh xiệc. Rồi suy diễn tiếp, gọi như vậy là so sánh cộng đồng người Việt với thú vật; vì trong gánh xiệc thường có thú vật. Thậm chí còn dựng clip phỏng vấn hai nữ sinh viên trẻ, một Mỹ, một Việt để hỏi về câu nói của Madison Nguyễn mà chính hai nữ sinh này có lẽ cũng chưa được nghe, để rồi được hai nữ sinh viên này cũng đồng ý "Madison Nguyễn phát biểu như thế là hỗn láo, là so sánh cộng đồng người Việt với loài thú trong gánh xiệc!" 

Trong gần 10 năm qua tôi chưa được thấy cái video clip được cho là cô Madison Nguyễn đã nói cộng đồng người Việt trông như gánh xiệc. Mới đây, tôi được thấy cái clip này xuất hiện trên mạng. Mang clip về nghe nhiều lần, nhưng rồi không tự tin ở tai mình, tôi mang tới trường trung học nơi tôi làm việc, không bình luận trước, nhờ hai cô giáo người da trắng (ý tôi muốn nói là Mỹ rặc!) nghe. Cả hai đều nói là cô Madison mô tả cảnh cô ta đứng từ phòng làm việc nơi lầu cao tòa thị chính, nhìn xuống dưới đất thấy "đoàn người đi bộ vòng tròn phản đối cô ta." Tôi nhờ hai cô giáo này viết đúng chữ mà họ nghe, thì họ viết thế này "...people going around in circles...". Để cho kỹ, tôi hỏi họ nghe là circles (vòng tròn) hay circus (đoàn xiệc). Họ viết ra chữ CIRCLES. Vả chăng khi tra nghĩa trong google thì được biết "Go around in circles" là một thành ngữ (idioms). "Go around in circus" thì không có nghĩa gì cả. Thế mà gần mười năm qua, không ít người Việt, hoặc vì nghe tiếng Anh không thông, hoặc chưa trực tiếp nghe đoạn clip video này, đã liên tiếp chửi bới cô Madison về một ý mà cô ta không nói. Thậm chí có người còn toan hành hung cô ta khi cô ta xuất hiện trước cộng đồng. Trong số những người như thế có nhiều vị có học vị và địa vị cao trong xã hội Mỹ. Để độc giả và những vị quan tâm dễ kiểm chứng, tôi gửi kèm đây website của youtube được những người chống đối cô Madison Nguyễn ghi chú và phổ biến như sau: 

Madison Nguyen phát biểu "mất dạy" hỗn xược tại UC Davis - Sinh Viên nghĩ gì ?

Madison Nguyen spoke in UC Davis

Không biết nét văn hóa không tốt đẹp này bao giờ mới chấm dứt!