20.03.2017

Trung Cộng đẩy thế giới lao vào chiến tranh thông qua vụ chiếm đóng bãi đá Hoàng Nham như thế nào?

"Trung Cộng cần phải bị nện ở một nơi nào đó để buộc phải từ bỏ tham vọng bành trướng lãnh hải của mình. Nơi đó chính là bãi đá Hoàng Nham. Và bây giờ là thời điểm cần phải nện."

Trung Cộng đẩy thế giới lao vào chiến tranh thông qua vụ chiếm đóng bãi đá Hoàng Nham như thế nào?

Gordon Chang –
Nguyễn Trọng Dân lược dịch
Bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham)chụp từ vệ tinh. Ảnh: Google

"Chúng ta không đủ sức ngăn cản Trung Cộng bành trướng!" Tổng thống Phi Duterte thừa nhận như thế vào hôm Chủ Nhật. Vị tổng thống Phi thường phát biểu cứng rắn này đã rất thành thật khi đề cập đến kế hoạch Trung Cộng sắp cho xây trạm hải giám ngay trên bãi đá Panatag tại biển Đông thuộc chủ quyền của đất nước ông.


Bãi đá Panatag Shoal, được mọi người biết đến với cái tên bãi đá Hoàng Nham (Scarborough), cũng chỉ là những cù lao đá nhọn nhỏ nhoi chĩa lên mặt biển khi thủy trên lên cao. Dù chẳng có gì là quan trọng, nhưng bãi đá Hoàng Nham chính là nơi mà Hoa Kỳ và thế giới cần phải quyết tâm can thiệp, kể cả dùng sức mạnh quân sự để chấm dứt mộng bành trướng lãnh hải của Trung Cộng khi còn chưa quá muộn.

Thứ Hai tuần trước, nhật báo Hainan đã trích lời của bí thư thành phố Sansha là Xiao Jie, tiết lộ rằng Trung Cộng sẽ chính thức cho xây các trạm hải giám trên các quần đảo do Trung Cộng kiểm soát trái phép vào năm nay, năm trạm ở quần đảo Hoàng Sa và một ở bãi đá Hoàng Nham.

Bãi đá Hoàng Nham, cách đảo lớn Luzon của Phi 124 hải lý và cách đảo Hải Nam của Trung Cộng 550 hải lý.

Bản đồ cho thấy vị trí bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, các quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) và Trường Sa (Spratly Islands) trên Biển Đông. Đồ họa: koreanewsonline

Trung Cộng cưỡng chiếm bãi đá Hoàng Nham của Phi vào khoảng 6 tháng đầu năm 2012, bao vây nơi này với nhiều chiến hạm và đuổi ngư dân Phi ra khỏi nơi này. Về sau này, ngư dân Phi được trở lại đánh cá nhưng Trung Cộng vẫn kiểm soát chặt các bãi đá nơi này.

Trung Cộng sở dĩ miễn cưỡng cho ngư dân Phi trở lại chài lưới tại đây cũng là để làm dịu bớt áp lực từ phán quyết của toàn án quốc tế PCA về biển đảo ở Hague vào 12 tháng Bảy năm ngoái. Tòa án PCA ở Hague đã chính thức tuyên bố Trung Cộng vi phạm quyền đánh cá của Phi tại vùng biển nơi bãi đá Hoàng Nham.

Hơn thế nữa, tòa án biển đảo PCA ở Hague cũng khẳng định sự tuyên bố chủ quyền của Trung Cộng tại Hoàng Nham đảo là phi lý và vô căn cứ. Trung Cộng tuyên bố gần như 85% vùng biển Đông là thuộc chủ quyền của mình khi in ra bản đồ chính thức cho quốc gia, và do đó, Trung Cộng ngang nhiên coi mình có toàn quyền trên mọi quần đảo tại biển Đông trong phạm vi mà bản đồ đã vạch định, bao gồm luôn cả bãi đá Hoàng Nham.

Tòa án PCA ở Hague đã khẳng định bãi đá Hoang Nham nằm ngoài 200 dặm hải lý đặc quyền kinh tế EEZ của Trung cộng. EEZ là khu kinh tế hải duyên 200 dặm tính từ bờ mà trong phạm vi này, quốc gia có chủ quyền sẽ có toàn quyền đánh cá và khai thác quặng mỏ.

Trung Cộng đã nhiều lần cố tình muốn lấn chiếm vùng bãi đá Hoàng Nham bằng cách cho phun cát để mở rộng diện tích các mõm đá như đã từng làm trước đây tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Trung Cộng cho xây dựng đài giám hải ở bãi đá Hoang Nham chính là công khai khẳng định chủ quyền của mình tại nơi này.

Cuối cùng rồi chẳng đặng dừng, ít nhất là một lần vào tháng Ba năm ngoái, tổng thống Obama cũng buộc phải lên tiếng cảnh cáo thẳng thừng Tập Cận Bình, buộc ông ta phải chấm dứt ngay mọi hành động xây dựng mở rộng nối liền các bãi đá ở Hoàng Nham cũng như các hành động nạo vét phun cát tại nơi này. Để xoa dịu tình hình, Trung Cộng lùi lại và cho rút các tàu bơm cát.

Theo tờ nhật báo Hainan phân tích vào tuần rồi, nay Obama rời khỏi Tòa Bạch Ốc, Bắc Kinh lại mon men toan tính tái diễn trò xâm lấn ở nơi này một lần nữa để dò xét phản ứng của tổng thống Trump.

Cũng phải nói thêm, vào tháng Sáu năm 2012, Obama đã đứng ra dàn xếp để cả hai nước Trung Cộng và Phi cùng rút hải quân của mình ra khỏi nơi này để làm dịu bớt căng thẳng. Phi đã làm theo lời hứa còn Bắc Kinh thì không, khiến nơi này vẫn bị kiểm soát chặt bởi Hải quân Trung Cộng.

Hoa Thịnh Đốn lúc đó đã quyết định không nện cho Trung Cộng để dằn mặt thái độ hiếu chiến của quốc gia này vì cho rằng vấn đề tranh chấp quá nhỏ nhoi không đáng. Đây rõ ràng là một sự lầm lẫn rất tai hại vì chứng tỏ cho giới lãnh đạo Trung Cộng thấy sự hung hãn hiếu chiến sẽ đạt được hiệu quả dã tâm bành trướng như mong muốn.

Chỉ trong vòng vài tháng sau khi cưỡng chiếm bãi đá Hoàng Nham của Phi, Trung Cộng nhanh chóng xâm nhập vào phạm vi quần đảo Senkaku đang do Nhật kiểm soát cũng như cố tình muốn nuốt luôn bãi đá Second Thomas thuộc Phi.

Nếu Trung Cộng có thể cưỡng chiếm bãi đá Hoàng Nham thành công thì coi như quốc gia này hoàn toàn khống chế toàn bộ vùng biển Đông Nam rộng lớn từ Hải Nam đến Hoàng Nham. Theo như lời của thứ trưởng bộ Tư Pháp Antonio Carpio của Phi vào tuần trước thì “có được trạm hải giám tại bãi đá Hoàng Nham sẽ giúp Trung Cộng có khả năng phủ sóng radar toàn bộ vùng biển Đông Nam rộng lớn này." Cũng theo ông, "từ đó, Trung Cộng có đủ khả năng thiết lập vùng cấm bay và có khả năng phản kích nếu ai vi phạm lệnh cấm bay tại vùng biển này.”

Và đây chỉ là bước đầu của sự tai hại do lầm lẫn để yên cho Trung Cộng bành trướng xâm thực từ từ mang lại. Nếu không phản ứng mạnh trước sự bành trướng xâm thực từ từ của Trung Cộng tại bãi đá Hoàng Nham, Bắc Kinh sẽ tiếp tục gia tăng bành trướng và buộc Nhật phải rút khỏi vùng biển Okinawa cũng như toàn bộ vùng biển thuộc quần đảo Ryukyu. Trung Cộng từ lâu vẫn khẳng định những vùng biển này là thuộc chủ quyền của mình.

Một điều thực tế rất lo lắng là tham vọng bành trướng lãnh hải của Trung Cộng tiếp tục ngày một gia tăng không bao giờ dừng lại. 

Có thể nói ngày hôm nay, tham vọng bành trướng lãnh hải của Trung Cộng mà chúng ta đang chứng kiến là sự tái diễn của những gì xảy ra vào những năm 1930, khi đế quốc Nhật Bản muốn thôn tính Trung Hoa ở châu Á và Đức Quốc Xã muốn nuốt chửng các quốc gia lân cận ở châu Âu. Nêu lên như vậy ở đây không phải chụp mũ Trung Cộng là một nước đế quốc như Nhật hay quốc xã như Đức vào những năm 1930, mà chỉ nhấn mạnh chiều hướng cuồng vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Cộng ngày hôm nay giống y chang như đã từng xảy ra trước đó trong lịch sử để rồi dẫn đến Thế chiến thứ Hai.(*)

Tuy nhiên, Hoa Kỳ hiện nay lại quên đi bài học lịch sử quan trọng này. 

Một viên chức quân sự cao cấp của Mỹ lại đi tuyên bố trên tờ Washington Post năm 2012 là: “Tôi nghĩ chúng ta không việc gì phải đi đổ máu chỉ vì một vài con cá hay chì vì một vài mõm đá ở bãi đá Hoang Nham cả!" Viên chức này còn khẳng định tiếp, "bảo vệ đồng minh không có nghĩa là cho phép đồng minh đẩy chúng ta vào chiến tranh chỉ vì một vài mõm đá, và tôi nghĩ rằng mọi người đồng ý về việc này."

Hoa Kỳ, vào lúc lời tuyên bố trên được loan báo (2012), đã thật sự không coi trọng sự cam kết đồng minh Mỹ-Phi, nhưng điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ muốn né tránh đối đầu với Trung Cộng. Người Mỹ chỉ trì hoãn sự đối đầu này mà thôi. 

Điều đáng lo là Trung Cộng không hề trì hoãn tham vọng bành trướng lãnh hải của mình cho đến khi nào chế độ Cộng Sản này thật sự bị nện thẳng tay buộc phải từ bỏ tham vọng.

Trung Cộng cần phải bị nện ở một nơi nào đó để buộc phải từ bỏ tham vọng bành trướng lãnh hải của mình. Nơi đó chính là bãi đá Hoàng Nham. Và bây giờ là thời điểm cần phải nện.

(*) Ý của luật sư Gordon Chang muốn nhắc lại bài học lịch sử cổ điển là khi Đức Quốc Xã xé bỏ hiệp ước Versailles tái võ trang hay thậm chí, ngay cả khi Đức Quốc Xã chiếm từ từ các quốc gia lân bang như Áo hay Tiệp chẳng hạn, Đồng Minh và hai nước Anh Pháp cần phải phản ứng nện Đức Quốc Xã thẳng tay để Đức Quốc Xã phải chùn bước ngay từ đầu, thay vì cứ hòa hoãn mãi để rồi đến khi Ba Lan bị tấn công mới tuyên chiến, lúc bấy giờ thì đã quá muộn. Đức đã quá lớn mạnh. Thế chiến thứ Hai vì thế mà bắt đầu và Anh Pháp bị thảm bại tại chiến trường Pháp ngay sau đó, một cái giá quá đắt phải trả cho sự sai lầm do trì hoãn trừng phạt Đức ngay từ đầu.


Nguyễn Trọng Dân