Đào
Văn Bình
Đôi Lời Phi Lộ:
Bất cứ một dân tộc nào nếu đã hình thành một nền văn
học, đều có hai loại văn chương bác học và văn chương bình dân. Ngôn ngữ cũng
có ngôn ngữ trí thức và ngôn ngữ đường phố. Phê bình văn học, phê bình cách sử
dụng ngôn ngữ là điều phải có để đất nước tiến lên. Trước đây ở Miền Nam, một số
nhà văn, nhà báo dùng chữ hay viết văn không đúng cũng đã bị phê phán chứ không
phải muốn viết gì thì viết. Ngày nay, ngôn ngữ ít học, đứng bến, mánh mung, đường
phố giống như cỏ dại lan tràn rất nhanh vì nó được phổ biến qua các bản tin,
báo chí, các trang điện tử, truyền hình, đài phát thanh, các diễn đàn… cho nên
nó dễ dàng giết chết ngôn ngữ “văn học” thường phải xuất hiện qua sách vở. Nếu
không ngăn chặn kịp thời, loại ngôn ngữ lai căng, bát nháo, quái đản sẽ trở
thành dòng chính của văn học…và khi đó thì hết thuốc chữa. Việt Nam ngày nay
đang đứng trước thảm họa đó! Ngoài ra, “văn dịch” phần lớn từ các bản tin tiếng
Anh của những người không rành tiếng Anh lại kém tiếng Việt đã phá nát cú pháp
(văn phạm) Việt Nam. Hiện nay BBC Việt Ngữ đã góp phần rất lớn vào việc tàn phá
tiếng Việt truyền thống.
Xin nhớ cho, thay đổi mà tốt hơn, hay hơn thì người
ta hoan nghênh. Thay đổi mà xấu, tệ hơn là phá hoại. Ngoài ra, không có gì “lớn” cho bằng “cầm bút” nhưng cũng không có gì
“xấu xa” cho bằng viết bậy, viết nhảm, viết sai sự thật và nhất là phá hoại
ngôn ngữ truyền thống của dân tộc. Sau hết, tôi xin nhắc những người làm
báo trong nước và cả radio tiếng Việt:
Dân đường phố, mánh mung, đứng bến vì ít học
cho nên ăn nói bậy bạ. Nhà báo là người có học phải hướng dẫn “đường phố” để họ
từ từ tiến lên, ăn nói mẫu mực, viết cho đàng hoàng, thế nhưng lại chạy theo
“đường phố” để phá nát tiếng Việt. Thật đáng buồn!
Dưới đây là bảng so sánh tiếng Việt truyền thống và tiếng Việt đổi đời xếp theo thứ tự A,B,C…
A.
-Ăn uống trở
thành ẩm thực. Thói quen/cách ăn uống trở
thành văn hóa ẩm thực, giống như mấy ông Ba Tàu ở Chợ Lớn
nói chuyện với nhau năm xưa. Các “món ăn miền Bắc” trở thành “Ẩm
thực miền Bắc”. Người ta thích là thích các “món ăn” miền
Bắc chứ miền Bắc có đồ uống (ẩm) gì ra hồn đâu mà thích? Rồi nào
là, “Du khách nước ngoài tham gia tour trải nghiệm ẩm thực tại
Hội An” (Báo Sài Gòn Giải Phóng). Thực ra câu chuyện chỉ là, “Du khách
ngoại quốc vừa du lịch vừa thưởng thức các món ăn ở Hội An”
nhưng lại viết dưới dạng cầu kỳ vì ít học. Xin nhớ cho ăn uống không phải là
văn hóa vì loài thú cũng ăn uống. Con hổ
sau khi ăn thịt con nai xong bèn ra bờ suối uống nước.
Nhưng nếu biết nấu nướng cho đàng hoàng, lịch sự, biết mời chào nhau thì nó
là một nét của văn hóa.
-Ăn mặc dâm ô, ăn mặc hở hang, ăn mặc bẩn
mắt trở thành ăn mặc phản cảm. Một
hình ảnh gây bất bình, xúc phạm, khó chịu cho người ta cũng gọi là phản cảm. Chỗ
nào cũng thấy phản cảm và không còn một tính từ nào
khác. Ăn mặc phản cảm là ăn mặc thế nào? Chẳng hạn một cô gái đến chùa “ăn mặc
phản cảm” thì cô gái đó ăn mặc ra sao? Hoặc váy ngắn quá, hoặc áo hở vú, hở
lưng, hoặc mặc quần đùi (short) hoặc mặc đồ mỏng dính (bây giờ gọi là
xuyên thấu) thì phải nói ra cho người ta biết chứ. Tiếng Việt trong nước
càng ngày càng trở nên nghèo nàn và kho tàng ngôn ngữ truyền thống sẽ
chỉ còn một nửa hay bị hủy diệt bởi những chữ
như: hoành tráng, phản cảm, giải mã, kinh điển, ấn tượng, sốc, kịch tính, kịch
bản, cơ bản, thi công, xử lý, nóng (hot), khắc phục, tiếp cận … Những
danh từ đơn giản, thuần Việt do tổ tiên sáng tạo cả ngàn năm nay từ từ biến mất
để thay thế bằng tiếng Tàu nhức đầu, lạ hoắc… và quá nhiều tiếng lóng, tiếng
Tây, tiếng Anh “ba rọi” chen vào.
B.
-Bạch phiến trở thành ma túy đá
-Bài giải, đáp số trở
thành đáp án. Thật điên khùng quá mức! Thí dụ: “Đáp
án bài toán lớp 7 thử tài tư duy” (VnExpress). Làm
toán mà “tư duy” cái gì? Chì cần nói “giỏi
toán”. Câu văn gọn gàng, sáng sủa mà không bắt độc
giả phải “tư duy” sẽ là: “Thử tài các bạn.
Hãy giải một bài toán Lớp 7.” Nghe nói VnExpress là tờ báo
điện tử được nhà nước/chính phủ cấp bằng khen.
-Bài giảng trở thành giáo án. Soạn bài giảng trở
thành “soạn giáo án”. Nghe thấy mà ghê!
-Ban nghi lễ trở
thành ban lễ tân (ông
nào chế ra chữ này chắc trước đó có học ở bên Tàu thời Mao Trạch Đông hay Đặng
Tiểu Bình). Xin nhớ,”lễ tân” chỉ là tiếp khách. Còn “nghi lễ”
là cả một thể thức có khi vô cùng phức tạp để hoàn tất một buổi lễ lớn hoặc tiếp
đón các vị nguyên thủ quốc gia.
-Bán cá, bán tôm ở
ngoài chợ (mua đi bán lại) ngày xưa gọi là “làm ăn cá thể, manh múm”,
bây giờ gọi là kinh doanh,
giống như làm chủ một công ty xuất cảng tôm đông lạnh có cả trăm nhân công.
-Bản tiếng Việt, bản tiếng
Anh, bản tiếng Hoa (cùa một tờ báo) trở
thành phiên bản tiếng Việt, phiên bản tiếng
Anh, phiên bản tiếng Hoa. Mở các Từ Điển English-Chinese
Dictionary ra sẽ thấy người Tàu định nghĩa “copy” là phiên bản.
Thậm chí “version” là bản mô phỏng, phỏng theo cũng trở thành
phiên bản. Đúng là “điếc không sợ súng”. Không được đi học, không hỏi người lớn,
không tra từ điển, không nghiên cứu mà cứ viết, cứ nói. Một đất nước, một
cộng đồng như vậy thật đáng sợ! Dân tộc Nhật tiến lên là họ biết xấu
hổ (Khổng Tử gọi là tu ố). Khi biết mình sai, họ rất xấu hổ
và có khi phải tự sát. Một dân tộc mà không biết xấu hổ thì hết thuốc chữa.
-Bàng hoàng, choáng váng, hết
sức ngỡ ngàng trở thành sốc (shock)
-Bánh xe/vỏ xe trở thành lốp
-Bao gồm, bao hàm, hàm chứa (một
số vấn đề) trở thành nội hàm. Ông
nào dùng hai chữ này chắc là viện sĩ Viện Hàn Lâm Khoa Học,Văn Chương và Ngôn
Ngữ Việt Nam.
-Bảo đảm trở
thành đảm bảo, bảo hành. Xe
cộ, món đồ, máy móc được bảo đảm (warranty) trong
bao lâu trở thành bảo hành. Hành nghĩa là làm, làm gì ở
đây mới được chứ?
-Bảo trì, giữ gìn trở
thành bảo quản
-Bắp thịt trở
thành cơ bắp. Biểu diễn/khoe bắp thịt trở
thành biểu diễn cơ bắp. Phô diễn sức mạnh quân sự cũng
gọi là biểu diễn cơ bắp. Đúng là loại ngôn ngữ đường phố,
bát nháo, đứng bến, mánh mung.
-Bắt ngay trở
thành bắt khẩn cấp, bắt nóng. Trong
nước cái gì cũng nóng hay lạnh. Ngôn
ngữ truyền thống sẽ lần hồi diệt chủng. Thưởng ngay trở
thành thưởng nóng! Thế mới hay ngu dốt mà làm văn hóa thì
nguy hại ngàn đời!
-Bên trong (của chiếc xe hơi) biến
thành nội thất! Đúng là tiếng Việt kiểu cung vua phủ chúa.
-Bệnh viện nhi đồng cắt
cụt chi còn bệnh viện nhi trong khi từ điển trong nước nói rằng chữ “nhi”
không bao giờ đứng một mình. Nó phải đi kèm với một chữ khác. Như vậy Tết
Nhi Đồng giờ đây chỉ còn Tết Nhi! Đúng là chữ
nghĩa quái đản, muốn viết gì, nói gì thì nói.
-Bích chương (dán
lên tường) trở thành Áp-phích
-Biến cải, thay đổi trở
thành cải tạo. Thí dụ: Trung
Quốc cải tạo bãi đá ngầm thành đảo. Trong nước nên bỏ
hai chữa “cải tạo” vì nó gợi lại hình ảnh cả triệu quân-cán-chính VNCH bị “tù
cải tạo”.
-Biển, tấm bảng trở thành Pa-nô (Panneau)
-Biểu ngữ trở thành Băng-rôn (Bande de role)
-Bình điện trở
thành bình ác quy, nạp điện trở
thành sạc (charge)
-Bổ túc, trau dồi (kiến thức) trở thành bồi dưỡng (giống
như ăn uống để lấy lại sức sau cơn bệnh)
-Bộ đôi, một đôi, một cặp (hai người) trở
thành cặp đôi (bốn người)
- Bộ mặt, dáng vẻ biến
thành ngoại hình. “Cô
ta có dáng vẻ đẹp” nay biến thành “ Cô ta có ngoại hình đẹp”.
Ai dùng hai chữ “ngoại hình” chắc chắn không được cắp sách đến
trường hoặc du học Trung Quốc cho nên tiêm nhiễm tiếng Tàu.
-Buổi trình diễn văn nghệ trở thành show. Ca sĩ hát một lúc hai, ba phòng
trà gọi là “chạy show”. Ngày xưa các chiêu đãi
viên ở các phòng trà đang tiếp khách này, xin lỗi chạy qua tiếp khách kia gọi
là “chạy bàn”.
-Buồn nản, chán đời (depressed) trở
thành trầm cảm . Sao
dùng chữ khó khăn quá vậy? Nếu tôi là một tâm lý gia, một bệnh
nhân tới nói, “Thưa bác sĩ, tôi cảm thấy buồn nản, chán đời”
thì tôi hiểu ngay. Nhưng nếu bệnh nhân nói, “Tôi bị trầm cảm”
thì tôi sẽ phải hỏi lại, “Ông/bà nói thêm về tình trạng tâm lý của
ông/bà thế nào.” Ngoài ra, từ điển Việt Nam trước và sau 1975 không hề
có hai chữ “trầm cảm”.
-Buồng lái /phòng lái trở
thành cabin. Thậm chí
khoang hành khách trên máy bay cũng gọi là cabin (BBC
tiếng Việt)
C.
-Cà-phê cứt chồn trở thành cà-phê chồn. Những người đang chế “cà-
phê cứt chồn” có lẽ trước 1975 họ chưa hề biết gì về loại cà-phê
này cho nên bây giờ mới gọi đó là “cà-phê chồn”.
-Cách chức, bãi chức, cất chức biến
thành miễn nhiệm. Trong
nước không phân biệt được thế nào là nhiệm vụ thế nào
là chức vụ. Nhiệm vụ là các việc hay bổn phận phải
làm. Còn chức vụ là quyền hạn, địa vị để làm những việc đó. Thí dụ: Tổng thống
là chức vụ. Còn nhiệm vụ của tổng thống là thi hành luật pháp, đối nội đối ngoại
để bảo vệ quyền lợi của đất nước trên khắp thế giới…có cả ngàn việc. Ngoài ra,
người ta chỉ nói mãn nhiệm kỳ (hết nhiệm kỳ) chử không
ai nói miễn nhiệm. Miễn có nghĩa là “không” hay “không phải”.
Thí dụ: Miễn thuế là không phải đóng thuế. Miễn dịch là không phải nhập ngũ. Miễn
tố là không truy tố. Miễn chiến bài là treo bảng không đánh nhau. Miễn lễ là
không cần thủ lễ. Do đó, miễn nhiệm có thể gây hiểu lầm
là miễn trừ trách nhiệm cho ai đó.
-Căn bản, chính yếu biến thành cơ bản. Hai tiếng cơ bản được
dùng tràn lan trong mọi lãnh vực. Thí dụ: “Mọi việc gần như /hầu
như đã hoàn thành”, bây giờ trong nước, từ nhà quê đến con nít đều
nói, “Mọi việc cơ bản đã hoàn thành.” Giống như ông “Thạc
Sĩ” nói chuyện vậy. Nhức đầu quá!
-Căn nhà trở thành căn hộ. Căn nhà
đắt giá trở thành căn hộ
cao cấp. Gia đình trở thành hộ dân. Nghe lạ hoắc, giống như người
Tàu nói chuyện với nhau.
-Cảng bốc dỡ các kiện
hàng trở thành cảng container
-Căng
thẳng thần kinh trở thành stress. “Gác
chân lên tường 10 phút mỗi ngày để xả stress” (VnExpress)
Nói như thế người
ta mới nể vì tưởng mình là dân Mỹ, hoặc các chữ “căng thẳng thần kinh/căng thẳng
đầu óc” đã bị xóa mất trong ngôn ngữ Việt Nam?
-Cao
cấp trở thành cấp cao (BBC tiếng Việt): Cố vấn cấp cao.
(Thích đảo ngược chữ nghĩa để làm ra vẻ mình khác đời)
-Cao
Học (Master
Degree) trở thành Thạc
Sĩ (Agregé) trên Tiến Sĩ. Trước 1975, muốn
có bằng Thạc Sĩ, sau khi đậu bằng Tiến Sĩ (Doctor) phải thi để trở thành Giáo
Sư Thực Thụ của các đại học. Miền Nam trước 1975 chỉ có vài giáo
sư Thạc Sĩ như GS. Vũ Văn Mẫu, GS. Nguyễn Cao Hách, GS. Vũ Quốc Thúc, GS. Phạm
Biểu Tâm và Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ nhưng Tiến Sĩ thì khá nhiều. Ngày nay, ở
Việt Nam, hang cùng ngõ hẻm, xã ấp nhan nhản Thạc Sĩ. Ngày xưa “Ra ngõ gặp
anh hùng”. Ngày nay “Ra ngõ gặp Thạc Sĩ”. Thật kinh hoàng!
-Cầu thủ nước
ngoài trở thành ngoại binh. Thí dụ: “Ngoại binh nổ súng, Sài Gòn FC quật ngã
SHB Đà Nẵng” (Đài Tiếng Nói Việt Nam VOV). Đọc tiêu đề giật mình tưởng lính
Nga, lính Mỹ, lính Tàu tiến vào tấn công Việt Nam.
-Cặp tức
hai người trở thành cặp đôi=bốn người. Nếu có học sẽ nói bộ đôi /một
đôi tức hai người. Vì không có học cho nên nói cặp đôi tức bốn người. Xin nhớ
cho đôi là hai người như đôi bạn, đôi lứa, đôi nơi, đôi ngả. Cặp cũng là hai
người. Cặp gà=hai con gà, cặp bánh chưng=hai chiếc bánh chưng, đóng cặp=hai tài
tử thường đóng chung với nhau. Như thế, “cặp đôi” là bốn người chứ không phải
hai người.
-Câu độc giả, câu
khách trở thành câu view. Lai căng mất gốc.
-Cây trở
thành cây xanh.
Trồng cây trở thành trồng cây xanh. Chặt cây trở thành chặt cây xanh. Đúng là
tiếng Việt đổi đời! Nếu theo đúng loại tiếng Việt đổi đời này thì phải nói:
Chúng tôi vừa trồng 100 cây phượng xanh, 50 cây cau xanh , 50 cây dừa xanh và
khoảng 10 cây chuối xanh. Rồi các loại cây ăn trái như ổi,
nhãn, soài, đu đủ…trở thành “cây trồng”. Đúng là loại tiếng Việt điên khùng.
Cây nào mà chẳng phải trồng. Thậm chí hành, ớt, tỏi, cũng phải trồng. Thêm chữ
“trồng” là điên rồ.
-Cây
cảnh, cây kiểng trở
thành bonsai . Nếu cây
trồng trong vườn, công viên cắt tỉa theo kiểu cây cảnh/kiểng thì không thể gọi
là bonsai vì bon sai là bồn tài - nghĩa là “trồng
trong chậu”. Bồn là chậu, tài là trồng.
-Chảo
không dính trở thành chảo chống
dính. Trong nước cái gì cũng chống,
Chẳng hạn, thay vì nói, phòng ngừa ung thư lại
nói phòng chống ung thư. Thay vì nói bài trừ
ma túy lại nói phòng chống ma túy tức chỉ
phòng ngừa và chống lại chứ không bài trừ, tiêu diệt. Rồi “Làm thang sắt để tránh lấn
chiếm vỉa hè” trở thành “Làm thang sắt chống lấn chiếm
vỉa hè”. (Báo Thanh Niên) Cũng giống như “Tôi đội nón để tránh
nắng/che mưa nắng” nay trở thành “Tôi đội nón để chống nắng”.
Thật ngu đần! Làm sao chống được nắng? Chỉ có che nắng hoặc tránh nắng mà thôi.
-Chạy tin
giật gân/đưa tin giật gân/ đưa lên tin hàng đầu trở thành chạy
tít, giựt tít.
-Chết trở thành tử vong. Tai
nạn làm bốn người chết trở thành tai nạn khiến bốn người
tử vong. Nói vậy mới tỏ ra mình giỏi tiếng Tàu à quên “tiếng
Trung”.
-Chết
bất ngờ, chết đột ngột trở thành đột tử. Ngã quỵ, ngất xỉu trở thành đột
qụy.Thích dùng chữ nghĩa khó khăn mà kêu gào tiếng Việt trong
sáng.
-Chết
đuối trở thành đuối nước.
Cả ngàn năm nay cha ông mình, văn chương đều dùng hai chữ “chết đuối” sao
bây giờ bịa đặt thêm để làm gì? Đổi chết đuối ra đuối
nước có làm cho đất nước mình biến thành Mỹ, Âu Châu, Nhật Bản
không? Một trăm năm nữa cũng chưa chắc bằng Tân Gia Ba. Hãy đổi đầu óc, lối sống
sao cho đàng hoàng, tử tế, chân thật và có trách nhiệm. Đừng làm xáo trộn gia
tài ngôn ngữ của tổ tiên.
-Chi
tiền, trả tiền trở thành chi trả. Sao rắc rối quá vậy?
-Chiến
cụ, vật dụng chiến tranh trở thành khí tài. Từ điển Việt Nam trong nước không có danh từ “khí
tài”.
-Chính
sửa, cắt xén trở
thành photoshop
-Cho
lãnh sự tiếp xúc/gặp gỡ trở thành “tiếp xúc lãnh sự” (VOA,
BBC và các bản tin trong nước). Đúng là tiếng Việt đổi đời.
-Cho
máy chạy lại, mở máy lại (restart) trở thành tái khởi động.
Đúng là dốt hay nói chữ.
-Choáng
váng, choáng ngợp chỉ
còn choáng . Bát nháo
quá đỗi! Đây là ngôn ngữ của bọn đứng bến, mánh mung hay buôn lậu. Thế nhưng loại
chữ bát nháo này lại được phổ biến lan tràn trên các diễn đàn Yahoogroups ở
hải ngoại.
-Chữ
nghĩa trở thành con chữ. Thí dụ: Nhà văn bắt đầu từ những con chữ.
Nếu thế thì các triết gia bắt đầu từ những con tư tưởng. Các
nhà tâm lý bắt đầu từ con phân tích (sự phân tích)
-Chưa đầy đủ, còn thiếu sót, còn nhiều khuyết điểm trở thành bất
cập. Đọc đoạn văn “Việc xử lý xe quá tải vẫn còn nhiều bất
cập” tôi thật sự không hiểu người viết muốn gì. Trong nước thích dùng
những chữ “bí hiểm” chỉ
có mình hiểu, không ai hiểu cả hoặc để che dấu sự thật. Chẳng hạn Miền Nam trước
đây giảng dạy môn Việt Văn (Vietnamese Language) cho học sinh từ Tiểu Học
tới Trung Học. Ngày nay các ông trong nước đổi thành Ngữ Văn.
Nhưng định nghĩa
thế nào là Ngữ Văn thì giải thích lung tung. Một số giải thích: “Ngữ
Văn”: Ngữ là ngôn ngữ (Language), Văn là
văn học (Literature) là nghành học nghiên cứu về ngôn ngữ và văn
học Việt Nam. Trong khi đó Ô. Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Đỗ Ngọc Thống lại nói rằng đó
là môn giống như đang được giảng dạy ở Trung Quốc, “Chúng tôi lấy
tên Ngữ Văn vì cho rằng nó có thể bao quát chung cho
cả ngữ và văn.” Giải thích như ông này thì thà
không giải thích còn hơn. Ngữ văn là ngữ và văn thì
chẳng khác nào văn chương là văn và chương.
Thế mà cũng khoe bằng Tiến Sĩ. Đã bao quát nghĩa là bao
gồm rồi, lại còn chung. Ông
này nên học lại Việt Văn bậc Trung Học.
-Chứng
tỏ được trở thành khẳng định.
Thí dụ: Thay vì nói,”Diễn viên X chứng tỏ được tài năng
của mình” lại nói, “Diễn viên X đã khẳng định được
tài năng”. Đúng là ngôn ngữ lộn sòng. Khẳng định là xác định một cách mạnh
mẽ một sự kiện, một lời tuyên bố. Còn tài năng thì phải chứng tỏ cho
người ta thấy.
-Chương trình giảng dạy trở thành giáo
trình. Nghe nói thấy mà mệt!
-Có
thể (possible,
may happen) trở thành có
khả năng.Thí dụ: Trời có thể mưa trở thành trời
có khả năng mưa. Trên diễn đàn của người Việt hải ngoại 25/1/2016:
“Trung Quốc có khả năng trả đũa Hoa Kỳ ở Biển Đông”. Tôi không rõ
người viết tiêu đề này muốn nói, “Trung Quốc có đủ sức mạnh/khả năng đề
trả đũa Hoa Kỳ” hay, “Trung Quốc có thể (possible,
may) sẽ trả đũa Hoa Kỳ”. Xin thưa, khả năng (capable)
là năng lực của một người. Thí dụ: Ông ta không có khả năng làm việc.
-Có
tổ chức, có học, có nghiên cứu, quy củ, đâu vào đó trở thành bài bản. Chỗ
nào cũng nghe nói “bài bản”. Cả dân nuôi cá, nuôi tôm, trồng cây ăn
trái, mò cua bắt ốc cũng nói “bài bản”.
-Cô
lập / để riêng ra trở thành cách ly.
-Cô ta có đôi
mắt đẹp trở
thành Cô ta sở hữu đôi
mắt đẹp. Sao nói năng cầu kỳ quá vậy?
-Coi
trọng trở thành trọng thị. Tiếp đón long trọng trở thành tiếp
đón trọng thị. Xin nhớ cho “thị” là coi, nhìn. Trọng
thị là coi trọng. Một buổi lễ không thể là “coi trọng” mà phải là “long trọng”
hoặc “trọng thể”.
-Cờ
bạc lớn, sát phạt lớn, có tổ chức trở thành đánh bạc
quy mô (Báo Tuổi Trẻ). Thật lạ đời,
đánh bạc mà cũng quy mô như các sòng bài ở Las Vegas vậy.
Đúng là dốt hay nói chữ.
Cỡ
lớn, cỡ nhỏ biến thành kích cỡ
lớn nhỏ. Tôi không hiểu sao lại phải thêm chữ “kích”
vào đây trong khi nói cỡ lớn, cỡ nhỏ là
người ta đã hiểu và hiểu cả ngàn năm nay. Nghe các nông dân ở Miền Tây (bây giờ
gọi là Nam Bộ) nói hai chữ “kích cỡ” tôi vừa cười vừa rơi nước mắt
vì dân Miền Nam trước đây chết hết cả rồi!
-Con
đường, đoạn đường biến thành tuyến đường. Xin nhớ cho “tuyến”
nghĩa là đường. Thí dụ: Cát tuyến=Đường cắt. Trung tuyến=Đường ở giữa. Trực tuyến=Đường
thẳng đứng.
-Công
nhân đổi đời
thành lao động. Rồi chủ
nhân trở thành người sử dụng lao động. Thí dụ:
“Xí nghiệp A có 2000 lao động.” Trong khi từ điển tiếng Việt
trong nước định nghĩa lao động là “Sự khó nhọc đem ra để làm việc như giới
lao động”.
-Công
du trở thành thăm
chính thức, thăm cấp nhà nước. Chỉ cần nói, thủ tướng…sẽ công
du Hoa Kỳ là người ta hiểu rồi…còn bày ra thăm chính thức, thăm cấp
nhà nước. Công du (state visit) là đi thăm một
quốc gia khác vì việc công, việc của đất nước, việc của chính phủ. Chẳng lẽ ông
Chủ Tịch Nước đi chơi, thăm cấp tỉnh, cấp bộ, cấp xã sao? Thật quái đản!
D.
-Dân
du lịch/đi chơi trở thành phượt thủ (VnExpress).
Tôi không hiểu họ lấy chữ “phượt” ở đâu ra. Có thể từ tiếng Miên.
-Dẫn
bóng một mình/đi bóng một mình trở
thành solo. Trong nước ai
cũng giỏi tiếng Anh cả. Thật đáng mừng vì chỉ cần vài chục năm nữa Việt Nam sẽ
giống Phi Luật Tân, tiếng Anh là ngôn ngữ chính, tiếng Việt là ngôn ngữ phụ hay
thổ ngữ. Thật đau buồn! Tiếng Việt- một ngôn ngữ được tổ tiên sáng tạo, dày
công vun đắp, tô bồi với một kho tàng học thuật, văn chương lừng lẫy, nay đang
bị tiếng Anh lấn áp, loại bỏ giống như thời thuộc địa vậy. Nghe các cô
các cậu choai choai trên sân khấu ở Việt Nam nói tiếng Mỹ “ba rọi”, trong khi
khán giả ở dưới toàn là dân ăn nước mắm, nhe răng cười, tôi cảm thấy tủi hổ cho
một đất nước bát nháo, suy đồi quá mức! Tại Mỹ này, trong các buổi lễ, sinh hoạt
cộng đồng, ông/bà dẫn chương trình nào (MC) mà nói chen tiếng Anh vào, chắc
chắn sẽ bị đuổi khỏi sân khấu vì khinh thường khán giả. Ở hải ngoại người ta biết
quý trọng tiếng Việt tại sao trong nước lại chạy theo lai căng, bát nháo, loại
bỏ ngôn ngữ của tổ tiên?
-Diện tích trở thành mặt bằng. Thí
dụ: Tính diện tích của một hình vuông trở thành tính
mặt bằng của một hình vuông. Rồi nào là “máy ủi mặt bằng”. Thật
lạ đời! Đã là “mặt bằng” rồi thì con ủi gì nữa? Do
đó phải nói, “máy ủi, máy ban đất”.
-Diễn
binh, duyệt binh trở thành diễu binh. Hồi nhỏ tôi nghe người lớn
nói diễu phố nay thì có diễu binh.
-Diễn
văn trở
thành bài nói . Cái kiểu
bịa đặt chữ nghĩa này là muốn “thoát Trung” đây.
-Doanh
nhân/doanh gia/công ty trở thành doanh nghiệp (doanh
nghiệp là nghề kinh doanh chứ không phải người kinh doanh/doanh gia). Người ta
nói, doanh nghiệp, ngư nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp…(nghiệp là nghề).
-Dồn
nén, bực tức trở thành bức xúc. Tôi
rất khó chịu với hai chữ này.Cứ mỗi lần nghe ai nói “bức xúc” thì
chính tôi lại “bức xúc”.
-Du
lịch trở thành đi
tour (lai căng)
-Dự định trở thành dự kiến. Dự
định (planned) là chuẩn bị làm gì. Còn dự kiến (foresee)
là nhìn thấy trước, biết trước (nhưng
chưa chắc đã làm gì). Cả nước có bệnh nói như con vẹt mà không hề biết phân biệt
đúng-sai.
-Dự
báo thời tiết trở thành Dự báo khí tượng thủy văn (dài lòng thòng). Ở Mỹ này người ta dùng hai chữ Dự
Báo Thời Tiết cả mấy trăm năm nay mà có cần thay đổi gì đâu. Dự
báo thời tiết bao gồm mưa, gió, nóng, lạnh, bão tố, hạn hán, lụt lội, sóng thần,
động đất. Dự báo thời tiết bao gồm tất cả, giống như tiệm bán lẻ (retailer)
bán cả ngàn thứ, chẳng lẽ phải kê khai hết ra sao?
-Dùng
thuốc kích thích trở
thành doping. (BBC tiếng Việt rất thích loại tiếng Anh “ba rọi”
này)
-Dương
Cầm trở thành Piano
-Dưỡng
khí trở thành ô-xy . Xin nhắc ông Tây về nước lâu lắm
rồi đó.
Đ.
-Đá
dở, đá kém, để mất bóng (bóng tròn) trở thành xử lý
bóng không tốt. Trong nước cái gì
cũng xử lý. Tử hình, bắt giam, giải
quyết công việc cũng gọi là xử lý. Lọc chất thải cũng gọi
là xử lý chât thải. Phơi khô gỗ để làm gì đó cũng gọi
là xử lý gỗ. Xén vỏ cứng trên đầu hạt sen để hạt sen có
thể nảy mầm cũng gọi là xử lý. Giải tỏa hàng
quán choán lề đường cũng gọi là xử lý. Đúng là loại ngôn ngữ điên khùng.
-Đá
phạt đền trở
thành đá penalty (Tây
ba rọi)
-Đã quyết định, dứt khoát quyết định trở thành chốt (như đóng chốt khi giao chiến). ”Chưa chốt án cầu thủ SLNA đấm gãy mũi đồng nghiệp” (VOV). Rồi, “Thủ tướng chốt quyết định nghỉ Tết tám ngày”. Đúng là ngôn ngữ điên khùng. Câu văn đơn giản chỉ là, “Chưa quyết định trừng phạt cầu thủ Sông Lam Nghệ An đấm gẫy mũi đồng nghiệp”, “Thủ tướng đã quyết định nghỉ Tết tám ngày”.
-Đã
từng có bệnh, mắc bệnh trở
thành tiền sử có bệnh (Tiền sử là thời kỳ ăn lông ở lỗ)
-Đài
Truyền Hình Việt Nam trở thành Kênh Truyền Hình Việt
Nam. Nghe tới ”kênh” cứ tưởng Kênh
Nhiêu Lộc, Kênh Xáng Xà No, Kênh Vĩnh Tế. Nếu qua tới Mỹ, Đài
Truyền Hình CNN của người ta mà nói Kênh Truyền Hình
CNN, chắc người ta đuổi về nước quá.
-Đấm
bóp, nghề đấm bóp, xoa bóp trở
thành Mát-xa (Massage).
-Đáng
ghi nhớ, đáng nhớ, lưu luyến, thích thú, lưu lại nhiều kỷ niệm trở thành ấn tượng. Ớ
Việt Nam bây giờ cái gì cũng ấn tượng, hoành
tráng… cả nước nói như những con vẹt và ngôn ngữ rất nghèo nàn, rập
khuôn.
-Đánh cá trở thành đánh bắt. Thí dụ: “Một số tàu
cá Philippines quay lại đánh bắt ở bãi cạn Scarborough”. (BBC Việt Ngữ). Đánh
cá là dùng lưới. Còn bắt cá là dùng tay. Tôi đồng ý là ở vùng nông thôn, người
ta vừa đánh cá vừa bắt cá ở đồng ruộng. Thế nhưng ở Bãi Cạn Scarborough biển cả
mênh mông, sóng to gió lớn làm sao có thể lội xuống biển để “bắt” cá được? Tiếng
Việt trong nước bây giờ có tệ nạn là thêm cái đuôi dư thừa vào. Trong khi một số
khác lại cắt cụt nghe khó chịu vô cùng, như: lệ phí chỉ còn phí, chuyên
môn/chuyên nghành chỉ còn chuyên, nhi đồng chỉ còn nhi, đội tuyển chỉ còn tuyển,
tiêu chuẩn chỉ còn chuẩn như: “Xây dựng trường và đào tạo theo chuẩn Hoa Kỳ”
(Báo Tuổi Trẻ), máy bay săn tàu ngầm chỉ còn máy bay săn ngầm (trong khi đó lại
nói tàu ngầm Kilo mà không nói ngầm Kilo), kinh khủng chỉ còn khủng, rẻ như bèo
chỉ còn bèo…Với cái kiểu cắt cụt tiếng Việt như thế này chỉ vài năm nữa thôi
bánh bao chỉ còn bao, bánh hỏi chỉ còn hỏi, bánh chưng chỉ còn chưng, lợn
quay/heo quay chỉ còn quay và xe bò chỉ còn bò. Thật bát nháo quá đỗi!
-Đánh thuế trở
thành áp thuế.
Thí dụ: “Trump muốn áp thuế nhập khẩu Mexico để trả tiền xây tường” (BBC Việt
Ngữ). Về thuế thì chỉ có: đánh thuế, tăng thuế, giảm thuế…làm gì có áp thuế?
Câu văn đơn giản chỉ là,
“ Ô. Trump muốn
đánh thuế hàng nhập cảng từ Mễ Tây Cơ để lấy tiền xây tường”. Nhưng khi nói “áp
đặt” tức đặt để, ban hành, áp dụng một cái gì không hợp lý, chẳng hạn: Euro đã
áp đặt một thuế xuất không hợp lý trên hàng nhập cảng từ Việt Nam.
-Đạt
đúng chỉ tiêu, thỏa mãn điều kiện trở thành đạt tiêu
chí
-Đau
dữ dội, đau quặn thắt (acute
pain) trở thành cấp tính. Thí dụ: Đau bụng dữ dội biến
thành đau bụng cấp tính.
-Đau
lòng trở thành đắng lòng. Như vậy câu thơ “Nhớ nước đau
lòng con cuốc cuốc” của Bà Huyện Thanh Quan sẽ trở thành, “Nhớ nước đắng
lòng con cuốc cuốc”.
-Đề
nghị trở thành đề xuất.
-Đẹp
lôi cuốn, đẹp hấp dẫn trở thành đẹp khó cưỡng (vì
khó cưỡng cho nên có thể ôm chầm lấy hoặc hiếp dâm người ta)
-Điểm tối thiểu, điểm thấp nhất (để xét tuyển) biến thành điểm sàn. Trình
độ Việt ngữ quá thấp kém.
-Điều
dưỡng, y tá trở thành hộ lý (giống như để giải quyết sinh lý cho người ta)
-Điều
khiển /điều hòa trở
thành điều tiết như điều
tiết giao thông. Trong khi từ điển Việt Nam định nghĩa điều
tiết là tiết chế, điều chỉnh sao cho vừa như cách ăn uống, mắt,
làm việc, tình dục quá độ v.v. Điều tiết không hề có
nghĩa là điều khiển.
-Điều tra, thẩm vấn, lấy cung trở thành làm việc. “Công an mời 'người tình' cô gái chết lõa thể lên làm việc” (VOV).
-Đỡ đầu,
bao che trở
thành bảo kê giống như “bảo tiêu” trong các phim
bộ Hồng Kông.
-Đoạn
phim ngắn, thu hình ngắn trở thành video clip (Hai chữ này lan tràn trên các diễn đàn ở hải ngoại)
-Đối
xử nhân đạo, đối xử có tình người biến thành đối xử
nhân văn. Theo tử điển Tiếng Việt
trong nước xuất bản sau 1975 thì nhân văn là văn minh
loài người, hoàn toàn không có nghĩa là nhân đạo. Nói tóm lại, trong nước muốn
nói gì thì nói, muốn viết gì thì viết mà không cần tra cứu sách vở, từ điển gì
cả.
-Đội Tuyển Việt Nam trở thành Tuyển Việt Nam
-Đội Tuyển
Ba Tây trở thành Tuyển
Ba Tây
Đổi
giống (đàn ông thành đàn bà) trở thành chuyển giới. Giống là giống đực, giống
cái. Còn giới là giới hạn , sự ngăn cấm (giới luật, biên giới). Từ ngàn
năm tới giờ người ta nói “giống đực, giống cái”, không ai nói “giới đực, giới
cái”.
-Đóng thêm bốn chiếc tàu trở thành đóng mới
bốn chiếc tàu. Trồng cây cao-su cũng là trồng
mới. Đúng là tiếng Việt điên khùng. Nếu loại tiếng Việt điên
khùng này tiếp tục lan tràn, trong tương lai trẻ con sẽ nói, “Mẹ cháu
vừa nấu mới nồi cơm”. “Bố cháu vừa mua mới mấy
chiếc tủ”, “Bà cháu vừa gói mới mấy chiếc bánh chưng”.
VietnamPlus ngày 15/3/2107: “Bất chấp dư luận, Trung Quốc vẫn xây
dựng mới trái phép ở Hoàng Sa”. Câu văn không điên khùng và bát
nháo sẽ là, “Trung Quốc xây dựng những công trình mới tại
Hoàng Sa.” Báo Tuổi Trẻ đúng đắn hơn khi đưa tin, “Trung Quốc xây
thêm căn cứ mới ở Hoàng Sa”
-Đồng
bạc Việt Nam, giấy bạc Việt Nam trở thành tiền
Đồng (BBC tiếng Việt)
-Đột ngột, bất ngờ trở
thành đột biến. Thí dụ: “Giá
vàng tăng bất ngờ” trở thành “Giá vàng tăng đột biến”.
Xin nhớ cho”đột biến” là một tình thế bỗng nhiên thay đổi,
rẽ sang một hướng khác. Đột biến nói đến sự khủng hoảng. Khi người ta nói “có
biến” hay “biến động” tức tình hình có thể là một cuộc đảo
chính, lật đổ, kéo quân về làm phản. Còn “bất ngờ” chỉ là sự
không dự liệu và tiên đoán trước. Thí dụ: “Cháu nó bất ngờ đổi
ý kiến không làm cho hãng ấy nữa”. Ngu dốt mà cầm bút làm xáo trộn và phá
hoại ý nghĩa của ngôn ngữ đã có cả ngàn năm nay.
-Đứng đầu, hàng đầu trở thành top (lai
căng mất gốc)
-Đường trở thành phố. Trong nước không phân biệt được thế nào là phố,
thế nào là đường vì thế đã dịch “Wall Street” thành”Phố
U-ôn”. Đây là khu thương mại, tài chính của Mỹ nằm trên “Đường
Wall”chứ nó không phải “Phố U-ôn”. Theo từ điển Việt Nam ở
trong nước “phố” là “nhà ở thành thị” do đó người ta thường nói “một
khu phố”, “một dãy phố”. Vậy “phố” không phải là “đường”. Thí dụ: Đường
Trần Hưng Đạo trên đó có nhiều dãy phố buôn bán nhưng không vì thế mà gọi cả
con Đường Trần Hưng Đạo là “Phố Trần Hưng Đạo”.
-Đường
giây thông báo khẩn cấp/đường giây ứng trực 24/24 trở thành đường
giây nóng. Trong nước cái gì cũng nóng, ghế
nóng, thưởng nóng, tin nóng, bắt nóng…đúng là loại ngôn ngữ điên khùng!
-Đường
hầm trở thành hầm. Đường hầm Thủ Thiêm trở thành hầm
Thủ Thiêm. Xin nhớ cho đường hầm khác với hầm.
Đường hầm là con đường đào xuyên dưới đất. Còn hầm là
một cái hố đào xâu xuống đất để trú ẩn hay cất chứa cái gì như hầm chứa vũ
khí. Báo chí trong nước toàn những người “can đảm” muốn viết gì
thì viết và không sợ người ta chê cười. Nghĩ thật đáng sợ! Nguyên do chỉ vì đất
nước không có một tổ chức tư nhân hay cơ quan nào giám sát, dòm ngó để phê bình
tư cách đạo đức và trình độ văn hóa của báo chí. Tại Hoa Kỳ này, báo chí hay
đài truyền hình nào mà “ăn nói”, viết theo kiểu như vậy thì chỉ có nước về nhà
xin đi làm bồi bàn hay lau chùi quét dọn. Các bài phóng sự của các ký giả gạo cội
gửi về đều có chủ bút (editor) duyệt lại từ nội dung tới văn chương chứ
không phải gửi về là đăng liền. Cứ nhìn vào phần cuối bản tin của AP,
AFP, Reuters, UPI…sẽ thấy. Ôi buồn cho đất nước “Ngàn năm văn hiến”! Văn hiến
không có nghĩa là có nhiều gái đẹp thi Hoa Hậu Hoàn Vũ, hay người mẫu nhố nhăng
quảng cáo quần nọ áo kia, mà là văn chương và các tác phẩm văn học và nhất là
con người sống sao cho thanh cao, khí phách. Văn hiến cũng không có nghĩa là
trùng tu lại một số đình chùa, cung điện, miếu mạo để làm nơi hấp dẫn du lịch để
kiếm tiền…mà là làm sao nối gót và bồi đắp gia tài văn học của tổ tiên.
-Đường
lối, ngõ ngách ngoại giao trở
thành kênh ngoại giao. Trong
nước không rành tiếng Anh cho nên thấy chữ channel bèn
dịch là kênh trong khi channel có
rất nhiều nghĩa. Thí dụ: TV channel là đài truyền hình
(a station) chứ không phải kênh truyền hình.
Tiếng Anh tồi mới dịch “diplomatic channel” là “kênh ngoại giao”.
Nó là đường lối, ngõ ngách ngoại giao bao gồm thương thảo trực tiếp, mật đàm
hay thông qua trung gian của nước thứ ba.
G.
-Gái
vị thành niên rửng mỡ trở thành hot teen
-Gái
xinh, gái nhí nhảnh trở thành “hot girl” trong khi “hot
girl” là gái trông gợi dục, gái trông hấp dẫn về thể xác (thường ăn mặc hở hang, phô
bày thân thể quá mức, cử chỉ lả lơi mời mọc). Cả trong trường học bây giờ cũng
có “hot girl”. Đúng là ngu dốt mà thích dùng tiếng Anh để tỏ ra đây là Mỹ. Báo
Thanh Niên ngày 8/3/2017 đi một tiêu đề, “Quan lộ thần tốc của 'hot girl'
Thanh Hóa”. Một nhân viên giữ chức vụ Trưởng Phòng Quản Lý Nhà và Thị Trường
Bất Động Sản, cho dù có tội mà dùng danh từ “hot girl” để thóa mạ người
ta thì đúng là một nền báo chí bát nháo, không có học.
-Gần
gũi, giao tiếp, tiếp xúc, đến gần trở thành tiếp cận. Khi
Ô. Tillerson- Bộ Trưởng Ngoại Giao Hòa Kỳ thăm các nước Nam Hàn, Nhật Bản đã
không cho báo chí tháp tùng và không tiếp xúc với
báo chí, bèn được các trang tin BBC và VOA nói rằng “không được
tiếp cận”. Đúng là ngôn ngữ bát nháo, dốt thường hay nói chữ và có khi
không hiểu mình viết gì.
-Gây
giống trở thành nhân giống. Gây giống là giữ gìn và gia
tăng giống của một loại cây hay sinh vật nào đó qua một tiến trình khó khăn, có
nghiên cứu chứ không phải cứ muốn tăng lên là tăng, muốn nhân lên là nhân.
-Ghi
danh, ghi tên trở
thành đăng ký. Thí dụ:
Ghi danh dự thi, ghi tên ứng cử. Còn đăng ký, đăng bạ là
ghi tên vào sổ bộ. Thí dụ: Đăng
ký, đăng bạ xe gắn máy.
-Giá
rẻ như bèo/giá rẻ mạt trở thành bèo. “Lương tiếp viên khủng hay
bèo”. Rồi Báo Tuổi Trẻ, “Quảng Ninh chấn chỉnh tour
du lịch giá bèo.” Đây là ngôn ngữ của loại lưu manh đứng bến nói chuyện
với nhau. Vừa lai căng, vừa bát nháo. Ngôn ngữ đứng đắn phải là, “Quảng
Ninh chấn chỉnh lại các chuyến du lịch giá quá rẻ”.
-Giá
vé máy bay mức cao nhất và thấp nhất biến thành giá trần,
giá sàn hàng không (VietnamPlus). Câu văn điên khùng
ở chỗ là, chỉ có vé máy bay chứ làm gì có vé
hàng không. Hàng không là ngành chuyển vận bằng máy bay. Hàng hải là
ngành chuyển vận bằng đường biển. Ngoài ra “giá trần” làm cho người
ta liên tưởng tới “giá trần”, “hành trần” để ăn phở.
Rồi cao độ tối đa (maximum altitude) của máy bay trở thành “trần
bay”.
Trong
nước bây giờ cái gì cũng trần và sàn. Những danh từ như cao nhất, thấp nhất đã
bị xóa trong từ điển Việt Ngữ.
-Gia đình trở thành hộ dân
-Giải trở thành Cup
-Giải
thích, cho biết lý do tại sao trở thành lý giải. “Người Sài Gòn lý giải việc tự
nguyện trả lại vỉa hè”. Tôi không hiểu tại sao trong nước, đa số vừa nghèo,
vừa ít học nhưng rất thích dùng những chữ “đao to búa lớn”.
-Giải
túc cầu/bóng đá thế giới trở thành World Cup
-Giải pháp trở thành kịch bản . Thí dụ: Giải pháp nào cho cuộc xung đột Syria trở thành Kịch Bản
nào cho Syria. Trong nước, chỗ nào, lãnh vực nào, bài báo nào cũng thấy hai chữ
kịch bản, kịch tính giống như phường tuồng, sân khấu vậy. Thậm chí sắp đặt
chương trình cho buổi lễ nhậm chức cũng gọi là lên kịch bản, “lên kịch bản cho
lễ nhậm chức của Tổng Thống đắc cử Mỹ Donald Trump.” Rồi “Việc phát lộc gây lộn
xộn tại chùa Hương không có trong kịch bản" (VietnamPlus) Thật là loại
ngôn ngữ quái đản! Thế mà các diễn đàn ở hải ngoại cũng đua nhau chuyển tiếp
(forward) loại ngôn ngữ điên khùng này. Nếu là một người có học sẽ viết, “Việc
phát lộc gây lộn xộn tại chùa hoàn toàn ngoài ý muốn”.
-Giải phẫu trở
thành phẫu thuật.
Giải mã là bẻ khóa mật mã để đọc một tải liệu mã hóa của đối
phương. Hiện nay trong nước hai chữ “giải mã” được dùng một cách vô tội vạ.
-Giải tỏa trở
thành giải phóng như giải phóng mặt bằng - giống như đem binh sĩ, xe
tăng tấn công vào chiếm cứ một khu vực nào đó.
-Giảm bớt căng thẳng trở thành hạ nhiệt. “Sau khi Malaysia có
những tín hiệu nhằm hạ nhiệt căng thẳng leo thang.” (Báo Tuổi Trẻ) giống như một
người bị sốt, nhiệt độ cơ thể giảm dần. Dường như tất cả các báo ở Việt Nam
không có chủ nhiệm, chủ bút, trưởng ban đọc lại các bản tin do phóng viên gửi về
để cắt xén bớt những câu văn thừa thãi, chỉnh lại văn phạm , cách dùng chữ v.v…
mà cứ thấy bài là đăng lên, chẳng cần biết đúng sai.
-Giảm bớt nhân viên/sàng lọc
lại nhân viên trở thành tinh giản biên chế. Cứ phải đọc những loại chữ
như thế này có ngày nhức đầu mà chết.
-Giao kèo, khế ước/thỏa
thuận (account) để có một khoản/phần/chỗ trên Facebook trở
thành tài khoản trong khi tài khoản
là khoản tiền có trong ngân hàng.
-Giao dịch, liên lạc, hỗ tương, tác động qua lại trở thành tương
tác. Chữ nghĩa thật điên khùng!
Trong nước bây giờ nhiều khi nói mà không biết mình nói gì, giống như những kẻ
mê sảng vậy.
-Giấy chứng nhận
độc thân
(Single Status Certificate)
trở thành “Công hàm độc thân” trong khi
công hàm là văn thư của bộ ngoại giao gửi các quốc gia hay tổ chức quốc tế.
Đúng là chữ nghĩa lộn sòng, bát nháo và “đao to búa lớn”.
-Giờ trở thành “h”
(heure). 8 giờ trở thành 8h. (Lai Tây từ thời thuộc địa). 7 giờ sáng trở thành
7h sáng. Tại sao không viết 7 g. sáng, 5 g. chiều, 9 g. tối, 12 g. khuya?
-Giữ gìn trở
thành bảo lưu. Thí dụ: Giữ gìn một
phong tục trở thành “bảo lưu phong tục” giống như tiếng nói của một hành tinh
xa lạ. Người đàn ông ở Văn Miếu nói câu này bao năm vật lộn với miếng khoai, miếng
sắn và miếng thịt mỡ nhỏ bằng ngón tay của “thời bao cấp” cho nên gần như “quên
mất tiếng người”. Nay thì có thịt có cá, có quần áo đẹp, muốn phục hồi và giữ
gìn phong tục tập quán của tổ tiên nhưng trong đầu không có các chữ “giữ gìn, bảo
tồn” cho nên phải sáng chế ra chữ mới là “bảo lưu”. Nghĩ thật tội nghiệp!
-Giúp đỡ, chia xẻ,
thông cảm, kề vai sát cánh đã
chết bây giờ chỉ còn “đồng hành”.
Chỗ nào cũng thấy “đồng hành”. Cả hải ngoại cũng lây bệnh “đồng hành”. Thậm chí
một phóng viên tới thăm một chủ trại nhỏ muôi ngựa cũng nói “đồng hành”. Thật
điên khùng quá mức! Giống như một con vẹt vậy. Nghĩ cho cùng thật tội nghiệp! “Ở
bầu thì tròn ở ống thì dài”. Cả nước nói vậy thì mình cũng phải nói vậy!
-Gọi điện thoại trở
thành gọi phôn. Số điện thoại trở
thành số phôn (mất gốc rồi)
H.
-Hải
cảng trở
thành cảng biển cũng giống như phi cảng trở thành cảng bay.
-Hạm đội trở thành đội tàu. Thí dụ: Hạm
Đội 7 trở thành Đội Tàu Số 7
-Hầm trú ẩn trở thành Bunker/Boong-ke
-Hàng
đầu, đứng đầu trở thành top. Chữ này thấy nhan nhản trên các diễn
đàn ở hải ngoại.
-Hành
động, chuyển động (move) trở
thành động thái trong
khi tử điển Việt Nam trước và sau 1975 không hề có hai chữ “động thái”. Đây là
sự bịa đặt chữ nghĩa một cách bát nháo.
-Hành
trình khám phá các vụ án trở thành hành trình phá án tức
bác bỏ bản án của tòa dưới. Lên kế hoạch, lập kế hoạch truy bắt/truy
nã hung thủ/bắt trọn ổ trở thành lên kế hoạch phá án.
-Hào
hứng, hấp dẫn, sôi nổi (cuộc đua, trận đá bóng, trình diễn văn nghệ…) trở
thành kịch tính. Rồi
giá vàng lên xuống cũng “kịch tính”. Thậm chí vụ thảm sát tại tòa soạn báo hí họa
Charlie Hebdo (Paris) cũng “đầy kịch tính”. Có lẽ phải cho ông nào sáng chế ra
hai chữ “kịch tính” này vào bệnh tâm thần để chữa trị mới được.
-Hay đẹp trở thành kinh điển.
Một trận đấu hay, đẹp trở thành một trận đấu kinh điển. Đau
đầu quá!
-Hết
hàng trở thành cháy
hàng. Hết vé trở thành cháy
vé. Hết phòng trở thành cháy phòng, trình diễn hết
mình trở thành cháy hết mình. Hết săng trở
thành cháy săng! Đúng là loại ngôn ngữ đường phố và bát nháo
quá đỗi. Cả nước có mấy chục ngàn ông “Tiến Sĩ”, bao nhiêu viện ngôn ngữ, bao
giải thưởng văn chương….mà không thấy ai lên tiếng về vấn đề này.
-Hiện
ra (trên màn ảnh) trở thành hiển thị. Tôi không hiểu sao trong nước
thích dùng tiếng Tàu, trong khi bao tiếng thuần Việt lại không dùng.
-Hiểu ngầm trở
thành mặc định. Sao dùng chữ khó quá? Giới bình dân chịu sao thấu?
Hơn thế nữa, từ điển Việt Nam trước và sau 1975, kể cả Hán-Việt Từ Điển của
Đào Duy Anh cũng không có hai chữ “mặc định”.
-Hình ảnh lấy ra từ máy thu hình biến thành hình ảnh chiết xuất từ camera. Sao dùng chữ
khó khăn quá vậy? Hai chữ “chiết xuất” được dùng cho phòng thí nghiệm.
-Hình
dáng trở thành ngoại hình. Có hình dáng đẹp trở thành Có
ngoại hình đẹp. Hình như những người sáng chế ra những từ ngữ lạ
lùng này không được đi học từ thuở nhỏ hoặc không hề đọc văn chương, sách truyện
Việt Nam.
-Hỗ
tương, qua lại, lẫn nhau trở thành tương tác. Thích
dùng chữ cầu kỳ, khó khăn trong khi kiến thức chẳng bao nhiêu.
-Hồi đáp, trả lời trở
thành phản hồi. Phản là
quay ngược, hồi là lui lại, trả lại. Hai chữ này ghép với
nhau không hề có nghĩa là trả lời hay hồi
đáp mà chỉ là dùng chữ kiểu cọ nhưng lại không rành tiếng Hán-Việt.
-Hợp
chất, vật liệu tổng hợp/hỗn hợp trở thành composite
-Hợp
tác,người hùn hạp, cùng đứng chung, cùng làm ăn buôn bán với mình (partner) trở thành đối tác (làm việc đối nghịch với mình)
như đối phương, đối thủ, đối đầu, đối thoại, đối lập, đối kháng... Từ điển Việt
Nam trước và sau 1975 đều không có hai chữ “đối tác”. Tự Điển Hán-Việt của Đào
Duy Anh cũng không có hai chữ “đối tác”. Chỉ vì ngu dốt tiếng Việt cho nên đã dịch
“partner” thành “đối tác”.
-Hư
hỏng, xập xệ, đã cũ, không được như trước nữa trở thành xuống cấp.
Thí dụ: Bộ ngực bà ta đã xệ, không còn căng nữa trở
thành bộ ngực bà ta đã xuống cấp. (Nếu dùng hai chữ này
trong các màn diễu cợt, chọc cười khán gỉa hoặc chuyện tiếu lâm thì được)
-Huy hiệu trở thành logo
K.
-Kẹt xe trở thành ùn tắc,
ách tắc.
-Kết
hợp, tổng hợp biến
thành tích hợp. Hai chữ tích
hợp không có trong từ điển tiếng Việt của Miền Nam trước đây.
-Khách trở thành khách mời. Tức
là có những vị khách không mời mà đến.
-Khoảng
cách/ chiều
dài /mức độ trở thành cự
ly
-Khởi đầu, mở đầu, mở màn trở thành kích hoạt.
“Triều Tiên kích hoạt chiến thuật đó bằng việc ra thông báo
cấm tất cả người Malaysia…” (Báo VnExpress). Đúng là dốt hay nói chữ, bịa
chữ trong khi tự điển Việt Nam không hề có hai chữ “kích hoạt”.
-Không
khí lạnh sẽ tràn vào phía bắc biến
thành không khí lạnh tăng cường giống
như đổ thêm quân vào trận chiến. Các chữ “trời sẽ lạnh thêm”
vừa dịu dàng, vừa dễ hiểu không chịu dùng mà lại thích “tăng cường”.
-Không
thể tưởng tượng được (unimaginable)
biến thành không tưởng (utopia). Trong nước tiếng Việt quá kém,
không phân biệt được thế nào là không thể tưởng tượng được thế
nào là không tưởng. Không thể tưởng tượng được là sự kiện
đã xảy ra nhưng ngoài dự đoán, ước đoán của mình. Thí dụ: “Thật không thể
tưởng tượng được Đức đã thắng Ba Tây 7-1 trong trận bán kết
2004”. Còn không tưởng là không bao giờ
xảy ra và sẽ không bao giờ xảy ra. Thí dụ: “Trung
Quốc mơ chiếm hết Biển Đông, khống chế Á Châu rồi đánh gục Mỹ. Đúng là
chuyện hão huyền, không tưởng.”
-Khu
nghỉ mát/nghỉ dưỡng trở
thành resort. Du lịch trở thành “đi
tour”. Trong nước cũng như hải ngoại, một số lớn danh từ tiếng Việt sẽ
chết để nhường chỗ cho tiếng Anh. Bố mẹ thích dùng tiếng Anh ba rọi như thế thì
mở Trường Việt Ngữ để làm gì?
-Khu vực chăm sóc bệnh nhân
nguy kịch/khu vực chăm sóc đặc biệt (critical
care, intensive care) trở thành Khu vực
chăm sóc tích cực. Chăm sóc bệnh nhân mà cũng có tiêu
cực và tích cực nữa sao? Bệnh viện có biết
bao nhiêu là bác sĩ mà không có tới một ông có thể dịch “critical care”
ra tiếng Việt? Rồi Bộ Y Tề để làm gì ? Sao không dịch tất cả các thuật ngữ Y
Khoa từ tiếng Anh ra tiếng Việt để phổ biến cho tất cá các bệnh viện trong nước?
Thật đáng buồn. Trong nước có một “bệnh dịch” là đua nhau tặng hoa và chụp hình
để trình diễn, trong khi tình trạng tồi tệ thì phớt lờ rồi báo cáo láo để lừa dối
cấp trên và dân chúng.
-Khu vực đi bộ trở thành không gian đi bộ. Không gian ở ngoài trái đất làm sao có thể đi bộ ở đó được. Nhưng khu vực đi bộ đó chúng ta có thể tạo một không khí yên tĩnh hay một môi trường thoải mái, tươi mát cho người đi bộ. Nhà bếp chật hẹp trở thành “không gian nấu ăn chật hẹp” (Đài Tiếng Nói Việt Nam). Đúng là tiếng Việt điên khùng! Từ xưa đến giờ người ta nói, “Tạo một khung cảnh/ một bầu không khí ấm cúng cho gia đình” chứ người ta không nói. “Tạo một không gian ấm cúng cho gia đình”. Người nào dùng hai chữ “không gian” ở đây tức là không được cắp sách đến trường, không đọc sách vở của tổ tiên.
-Kích thích (kinh tế, tiêu thụ) trở
thành kích cầu trong
khi trong tự điểnViệt Nam hoàn toàn không có hai chữ kích cầu mà chỉ có: kích
thích, kích hỏa, kích động như kích động nhạc.
-Kiểm soát không lưu trở
thành quản lý bay
-Kỹ nghệ trở
thành công nghiệp/công nghệ. Xin
nhớ công nghệ là kỹ nghệ chế tạo máy móc. Còn kỹ
nghệ là chế tác, sản xuất lớn theo khoa học. Chẳng hạn kỹ
nghệ sản xuất rượu bia, kỹ nghệ gái điếm, kỹ nghệ sản xuất xe hơi….Miền
Nam trước đây có Trường Kỹ Sư Công Nghệ để đào tạo kỹ sư chế tạo máy móc.
L.
-Lạ lùng trở thành ngỡ ngàng. Thí dụ: Đẹp lạ lùng trở
thành đẹp ngỡ ngàng. Người viết văn như thế này chắc chắn
chưa được cắp sách đến trường. Ngỡ ngàng là tình cảm
không ưng ý hay trái với dự đoán của minh. Thí du: 1) Sau 25 năm từ Mỹ trở về
tôi thật ngỡ ngàng khi thấy cô nữ sinh khả ái năm xưa nay trở thành một bà già
tiều tụy. 2) Tôi thật ngỡ ngàng khi cô ta nói cô ta là hoa hậu nhưng mở miệng
nói ra toàn chuyện thô tục. (Vì tôi cứ ngỡ cô ta là hoa hậu thì phải ăn nói
lịch sự)
-Lạc tay lái, lạc bánh lái trở thành mất lái, mất phanh
-Làm cho vững
chắc thêm (bằng cách đóng thêm cột, thêm ván,
đắp thêm đất..,) trở thành gia cố chẳng
hạn”gia cố các bờ kè”, “gia cố các thuyền” sao dùng chữ khó
khăn và lạ hoắc như vậy? Chắc phiên dịch từ tiếng Tàu có từ thời Cách Mạng Văn
Hóa của Mao Trạch Đông. Trong tự điển Hán-Việt của Đào Duy Anh không có hai chữ
“gia cố”.
-Làm điếm trở
thành làm gái. Như vậy làm
trai là làm đĩ đực chăng? Nếu nói “làm gái” để chỉ gái
điếm thì chúng ta phải hiểu câu nói này như thế nào, “Làm gái thì
phải biết công-dung-ngôn-hạnh.”
-Làm điệu, làm
dáng, điệu bộ trước ống kính trở thành tạo dáng, thả dáng. Những hình ảnh làm
điệu, làm bộ, làm dáng này lan tràn các báo điện tử lớn như VOV, VnExpress,
VietnamPlus, Thanh Niên, Tiền Phong… đều là những quảng cáo trá hình cho các cô
người mẫu, ca sĩ để kiếm tiền. Đúng là một nền báo chí rẻ tiền.
-Làm hồ sơ giả (để
lấy tiền) trở thành chi
khống, làm hồ sơ khống.
-Làm việc trở
thành thi công. Công nhân đang làm việc trở
thành công nhân đang thi công. Tại sao công nhân phải
thi đua với nhau? Trên thế giới này làm gì có chuyện đó. Công nhân làm hết giờ
thì nghỉ hay về nhà. Nếu làm thêm (overtime) thì phải trả theo giờ
phụ trội, gấp đôi. Điên khùng hay sao mà thi đua?
-Lạnh buốt, lạnh
cắt da trở thành rét đậm rét hại, giống như một bà
nhà quê nói tiếng Việt vậy.
-Lề thói, thói quen, cách thức,
cố tật… trở
thành văn hóa. Thí dụ: Văn
hóa đái bậy ỉa bậy, văn hóa nhận phong bì của bác sĩ, văn hóa du côn, văn hóa
tham nhũng, văn hóa chửi thề, văn hóa nói dối, văn hóa ẩm thực, văn hóa xấu hổ,
văn hóa khinh bỉ…trong khi văn hóa là cái gì tốt
đẹp nhất biểu tượng của một dân tộc.
-Lệ phí, phí tổn cắt
cụt chỉ còn phí như thu
phí qua cầu. Thậm bán vé xe buýt (xe
chuyên chở công cộng) cũng gọi là thu phí. Đúng là
ngôn ngữ điên khùng. Từ ngàn xưa đến giờ người ta nói: sở phí, học phí, lệ
phí, kinh phí, chi phí, chiến phí…nề nếp đâu vào đó. Nay phá nát tiếng
Việt.
-Lịch trình cắt cụt chỉ còn lịch.
“Lịch thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2017” (VietnamPlus). Lịch là cuốn
sách ghi ngày tháng của một năm. Lịch trình là thời biểu ghi rõ ngày nào làm
cái gì giống như thời khóa biểu. Hai chữ này không thể thay thế cho nhau.
-Liên lạc trở thành liên hệ.
Liên lạc là dùng thư từ, điện thoại, điện thư để liên lạc, có thể là thăm hỏi,
lấy tin, làm ăn, buôn bán. Còn liên hệ là có một mối giao tình, hợp tác, dính
líu với nhau. Do đó người ta nói “mối liên hệ vợ chồng” chứ không ai nói, “Mối
liên lạc vợ chồng”.
-Lò lửa trở
thành chảo lửa. Thí dụ: Chảo
lửa Trung Đông. Xin nhớ cho lò lửa khác chảo
lửa. Hơn thế nữa không ai nói chảo lửa mà chỉ
nói chảo dầu. BBC Việt ngữ thích dùng lại tiếng Việt bát
nháo này.
-Lõa thể, cởi truồng trở thành nude
-Lợi dụng/nhân cơ hội trở
thành tranh thủ. Thí dụ:”Nhân
cơ hội mỗi năm có một tháng nghỉ phép...” trở thành “Tranh
thủ mỗi năm có một tháng nghỉ phép…” Tranh thủ ở
trong nước còn có nghĩa là “cố gắng” chẳng hạn như “ Làm
ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”.
-Lợi tức trở
thành thu nhập. Thuế lợi tức trở
thành thuế thu nhậptrong khi theo Từ Điển Việt Nam “thu
nhập” là động từ chỉ việc thu nhận tiền bạc chứ
tự thân “thu nhập” không phải số tiền kiếm được do buôn bán hay
do lương bổng.
M.
-Mánh lới, thủ đoạn trở thành chiêu trò.
Thí dụ: “Chiêu trò rút tiền của bà Sáu Phấn” (Báo Thanh Niên). Đây là ngôn ngữ
của bọn buôn lậu, mánh mung.
-Mặt chưa trang điểm trở
thành mặt mộc
-Máy bay riêng, máy bay đặc
biệt (của tổng thống chẳng hạn) trở thành chuyên cơ tức máy móc đặc biệt.
-Máy điện tử trở
thảnh điện toán (Tôi có
máy điện tử từ năm 1995 nhưng có bao giờ tính toán hoặc làm toán trên máy điện
tử đâu.)
-Máy hình, máy thu hình
trở thành camera. Thí dụ: Gắn camera xử phạt vi
phạm dọc trục buýt BRT (Báo An Ninh Thủ Đô). Câu văn vừa lai căng vừa
lủng củng. Câu văn không lai căng và gẫy gọn sẽ là: “Gắn máy thu hình phạt
vi phạm dọc theo tuyến xe chuyên chở công cộng BRT”
-Máy tự chụp hình trở thành chụp hình tự sướng, thật thô tục quá đỗi!
-Metro!
(Metro Bà Quẹo, Metro Bình Phú) Cả nước không biết dịch metro là “xe điện ngầm” cho nên các trạm xe điện ngầm đều
trương bảng “metro”. Tinh thần nô lệ như thế mà đòi độc lập tự chủ.
-Minh
họa (illustrated)
được dùng loạn xạ. Trong nước không hiểu hai chữ
“minh họa” là gì. Minh họa có nghĩa là vẽ ra,
chẳng hạn như truyện bằng tranh, hình bìa và một số trang trong một cuốn truyện
do một họa sĩ vẽ , người Mỹ gọi là “illustrated”. Còn nếu là bức ảnh thì
nhà xuất bản sẽ ghi chú “photograph by…” tức “hình của”.
Ngày nay, tất cả những tấm hình đi kèm với một bải viết nào đó mà không ăn nhập
chi với đề tài, mà chỉ lấy một hình tượng trưng - đều được ghi chú là “minh họa”.
Đúng là điếc không sợ súng! Chẳng hạn bài viết có đề tài “Đánh Ghen” mà không
có một bức họa/tranh nào về đánh ghen cả, tác giả có thể lấy một bức hình hai
người đàn bà đang túm tóc nhau, nhưng không được ghi chú “hình ảnh minh họa”
mà có thể ghi, ”Đây là hình đánh ghen được đăng trên báo ABC” hoặc “Đây
là hình ảnh tượng trưng các bà đánh ghen”.
-Môi giới, dắt mối trở
thành cò. Tại bệnh viện cũng có “cò” để môi giới
với y tá, bác sĩ chữa bệnh cho đàng hoàng, nếu không cho mày ra nghĩa địa. Nhiều
báo còn dùng hai chữ “cò mồi”. Cò mồi là cùng băng đảng nhưng
đóng giả để lường gạt người ta, hoàn toàn khác với môi giới, dắt mối để kiếm tiền.
-Mới
sinh được tám tháng trở
thành tám tháng tuổi. Cây đa cổ thụ
100 năm trở thành Cây đa cổ thụ 100 năm tuổi. (Bắt
chước tiếng Anh thêm chữ old vào)
-Món hàng bán được giá trở
thành “giá trị kinh tế cao”.
Thích dùng chữ khó khăn.
-Một con hổ trở thành một cá
thể hổ
-Một con khỉ
Voọc trở thành một
cá thể Voọc
-Một con
bò, 1300 con bò trở thành “1300 cá thể bò nhập khẩu từ Mỹ” (Báo Tiền Phong). Cứ cái điệu viết văn nhảm
nhí như thế này, trong tương lai gần sẽ là: Mẹ tôi đi chợ mua một cá
thể gà. Đám cưới rất lớn có tới chục cá thể heo quay. Chục
cá thể lợn xổng chuồng làm tôi đuổi hết hơi. Bán cho tôi một cá
thể ngựa. Mạo tự “con” để chỉ các con vật, đồ vật như :
Con chó, con mèo, con chim, con cá, con trâu, con bò, con dao, con quay, con
thoi, con cúi, con diều…rồi sẽ chết trong ngôn ngữ Việt Nam. Người nào dùng hai
chữ “cá thể” ở đây chắc chắn không được cắp sách đến trường. Cá
thể là đơn lẻ khác với tập thể. Thí dụ: Làm ăn cá thể. Nó
không phải là mạo tự để chỉ các con vật, đồ vật.
-Một
số hình ảnh, một loạt hình ảnh trở thành chùm ảnh (giống
như chùm khế ngọt). Một số bài thơ trở thành chùm
thơ. Nếu vậy một mớ sách vở sẽ trở thành một
chùm sách vở!
-Mũ/nón
an toàn trở thành mũ/nón bảo
hiểm. (Bảo hiểm là bỏ tiền ra để nhờ một công ty trả tiền mình
trong trường hợp có tai nạn, nhà cháy, hàng hóa hư hỏng v.v..)
-Mức nợ tối đa trở thành nợ trần giống như nợ trần gian, nợ đời. Chữ
“ceiling” của Mỹ nghĩa bóng ở đây có nghĩa là chạm mức
tối đa chứ không phải trần nhà. Bất cứ ở quốc
gia nào, một danh từ đều có nghĩa đen và nghĩa bóng. Thí dụ: Hot issues không
phải là “những đề tài nóng” mà là những vấn đề được bàn cãi sôi nổi
thường xuất hiện trong những cuộc bầu cử, sau bầu cử thì lại ”chìm xuồng”.
-Muốn trừng trị, trừng phạt phải biết sai phạm ở chỗ nào biến thành “Xử
lý phải có địa chỉ rõ ràng”. Đó
là tiếng Việt điên khùng của ông Tiến Sĩ Nguyễn Viết Chức đăng trên VOV ngày
30/3/2017.
N.
-Nam
Hàn trở thành Hàn Quốc. Bắc Hàn trở thành Triều
Tiên. Lộn xộn quá, nhớ không nổi!
-Nạn
nhân trở thành bị hại. Hung thủ, kẻ sát
nhân trở thành kẻ thủ
ác.
-Ngày
hội trở thành lễ hội. Trong nước không phân biệt được thế nào là ngày lễ,
thế nào là ngày hội. Ngày lễ để kỷ niệm một biến cố lịch
sử, hay khánh thành một công trình lớn: Như Lễ Hai Bà Trưng, Lễ Giỗ Trận Đống
Đa, Lễ Quốc Khánh, Lễ Khánh Thành…Còn ngày hội chỉ là tụ
họp vui chơi, không phải là ngày nghỉ lễ chính thức của học sinh hay công
chúng. Chẳng hạn như: Hội Lim, Ngày Hội Thả Diều Đà Nẵng, Ngày Hội Cà-Phê Ban
Mê Thuột, Ngày Hội Hoa Đà Lạt, Hội Đua Thuyền…Nhưng một ngày lễ nếu quy tụ đông
đảo tín đồ, người hành hương thì có thể gọi là lễ hội như Lễ Hội Chùa Hương, Lễ
Hội Đền Hùng.
-Nghi
ngờ trở thành nghi án. Thí dụ: Nghi án đập
đá (Nghi ngờ có sử dụng bạch phiến)
-Ngoại tệ trở thành ngoại hối. Dự
trữ ngoại tệ trở thành dự trữ ngoại hối. Ngoại tệ gửi về nước trở thành kiều hối. Trong khi theo tự điển Việt
Nam, nội hối là “đổi tiền trong nước”. Còn ngoại
hối là “đổi tiền với nước khác”. Nói tóm lại, trong nước bịa
đặt ra chữ mới mà không cần tra cứu tự điển gì cả. Đúng là điếc không sợ súng!
-Ngũ
Giác Đài trở thành Lầu Năm
Góc do các ông bà ở hải ngoại
lấy nguyên những bản tin trong nước rồi đua nhau chuyển tiếp lên các diễn
đàn…khiến tiếng Việt đổi đời trở thành tiếng Việt chính thống.
-Người dân bị thiệt hại (vụ Formosa) trở thành những người dân bị hại (VOV) Đúng là tiếng Việt điên khùng.
Xin nhớ cho, bị thiệt hại thuộc về dân sự như bị thiệt
hại về tài sản, nghề nghiệp sinh sống. Còn “bị hại” là bị sát hại,
giết.
-Người hâm mộ, kẻ hâm mộ/khán giả hâm mộ trở thành fan.
“Á hậu H.O chia sẻ chuyện gia đình trong lần đầu họp fan” (Đài Tiếng Nói Việt
Nam). Tiếng Việt lai căng, bát nháo không thể tưởng tượng được, nhất là lại được
đưa lên một trang thông tin tiêu biểu cho tiếng nói của một quốc gia.
-Người ngoại quốc trở thành tây. Báo chí trong nước bây giờ
rất lạ. Tất cả người ngoại quốc dù là Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hòa Lan đều
được đổ đồng bằng hai chữ “ông Tây”. Đọc bản tin “Ông Tây lấy vợ Việt” tôi cứ
nghĩ rằng đây là một người Pháp lấy vợ Việt Nam nhưng lại là một ông người Hà
Lan lấy vợ Việt Nam. Rồi “Một ông Tây hát cải lương” hóa ra một thanh niên Mỹ
hát cải lương. Ngày xưa, cho tới năm 1954, ở ngoài Bắc, lính Pháp mình gọi là
lính Tây, khu phố mà người Pháp ở gọi là Phố Tây. Tây Đen là lính Maroc, Algerie,
Senegal, Tunisie…mấy người Pháp mình gọi là “mấy thằng Tây” (Westerner) vừa căm
thù vừa khinh ghét. Chính tôi ở ngoài Bắc trước 1954 cũng gọi “mấy thằng Tây”,
kính trọng lắm là “mấy ông Tây”. Nhưng nay thời thuộc địa qua rồi, mọi danh từ
có vẻ như căm ghét, khinh thị phải quên đi. Thế giới này cần chung sống hòa
bình và kính trọng lẫn nhau. Mình nên bỏ chữ “Tây” và thay bằng “người Pháp”,
“người Mỹ”. “người Tây Ban Nha”, “người Hà Lan” cho lịch sự.
-Người
trong gia đình nay
trở thành thành viên của gia đình. “ Cháu
là người trong gia đình” nay thời kỳ “hội nhập” phải nói, “Cháu là
thành viên của gia đình” giống như thành viên của một tổ chức nào đó.
-Người
viết chuyên đề trở
thành blogger. Trang tin chuyên đề trở thành trang blog
-Nguy nga, tráng lệ, đồ sộ,
trang trọng, lộng lẫy nay chết hết chỉ còn có hoành tráng
-Nhà để xe trở thành garage
-Nhà Trắng hay Tòa Bạch Ốc? Trong thời kỳ chiến tranh,
danh từ The White House được hai miền nam-bắc dịch khác
nhau. Miền Nam dịch là Tòa Bạch Ốc. Miền Bắc dịch với tính
cách khinh thị (coi nhẹ) là Nhà Trắng. Dù người Mỹ
dùng chữ “house” thí dụ, House of Representatives nhưng
không thể dịch là “Nhà Đại Biểu” mà phải dịch là Hạ
Nghị Viện. Theo tôi nghĩ, nơi ở, nơi làm việc của các vị nguyên thủ quốc
gia không thể gọi là “nhà” mà phải dịch là Dinh, Điện
hay Phủ. Thí dụ: Điện Kremlin, Điện Versailles, Dinh Độc Lập, Phủ Toàn
Quyền, Phủ Thống Sứ, Phủ Chủ Tịch…Chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm, hai bên đã
khép lại quá khứ. Việt-Mỹ đã ký thỏa ước hợp tác toàn diện (Comprehensive
Partnership) . Hợp tác toàn diện cũng có nghĩa là hai bên phải tôn trọng lẫn
nhau. Chúng ta nên tôn trọng người Mỹ và người Mỹ dĩ nhiên cũng phải tôn trọng
Việt Nam. Do đó, danh từ Nhà Trắng nên bỏ đi, không nên có thái độ khinh thị.
Theo tôi, The White House nên dịch là: Tòa Bạch Ốc, Bạch Cung hay Bạch
Dinh. (Vũng Tàu có Bạch Dinh là nơi nghỉ mát của Vua Bảo Đại)
-Nhạc Trịnh Công Sơn trở thành nhạc Trịnh. Trong khi nhạc Phạm
Duy lại không nói là nhạc Phạm, nhạc Phan
Đỉnh Điểu lại không nói nhạc Phan
-Nhân đạo trở thành nhân văn. Xin
nhớ nhân đạo khác nhân văn.
-Nhanh lên, mau lên trở
thành khẩn trương lên
-Nhập lượng-xuất lượng, vốn-thành
phẩm trở thành đầu ra-đầu vào (input-output) nghe sao
thô tục quá.
-Nhập viện.
Trong nước bây giờ, tường thuật bất kỳ một biến cố nào có người bị thương đều
thêm hai chữ “phải nhập viện” (phải vào bệnh
viện). Trên thế giới này không hề có kiểu tường thuật như vậy. Thí dụ:
Phóng viên đưa tin người chồng vũ phu đã đánh đập người vợ dã man vì ngăn cản
không cho uống rượu, hoặc một tai nạn xe hơi khiến bốn người trọng thương. Như
thế là đủ. Còn chuyện có vào nhà thương hay không, không phải chuyện của phóng
viên. Dĩ nhiên, nếu bị thương nặng thì người ta đương nhiên đi
bác sĩ hoạc vào bệnh viện, phóng viên khỏi tường thuật chuyện đương nhiên. Đúng
là một nền báo chí kém cỏi.
-Nợ chạm mức giới hạn trở thành nợ trần giống
như nợ đời, nợ trần ai. (VOA)
-Nói không biết ngượng trở thành mồm không biết ngượng. Đây là ngôn ngữ của
mụ bán “bún mắng cháo chửi” ở Hà Nội được tường thuật trên CNN.
-Nơi du lịch/địa điểm
du lịch trở thành điểm đến. Thí dụ: “Thành Phố HCM là một điểm
đến thu hút du khách quốc tế”. (VnPlus) Câu nói bình thường chỉ là, “Thành Phố
HCM là địa điểm du lịch thu hút du khách quốc tế”.
-Nổi bật trở
thành nổi cộm. Hai chữ này VOA và BBC
tiếng Việt rất thích dùng, làm ra vẻ như ta đây là “bác học”.
-Nông phẩm biến thành sản phẩm nông nghiệp , dã thú biến thành động vật hoang dã tức kéo dài tiếng
Việt ra một cách thừa thãi.
-Nồng độ rượu trong
máu (để phạt lái xe) trở thành nồng độ cồn. (Ảnh hưởng thuộc địa Pháp vẫn
còn dai dẳng)
-Nữ công nhân trở
thành lao động nữ. Nam công nhân trở
thành lao động nam. Đúng là đổi đời.
-Nữ ký giả /nữ phóng viên trở thành nhà báo nữ. Nếu như vậy thì nữ thủ tướng sẽ trở thanh thủ tướng nữ, bà bộ trưởng sẽ trở thành bộ trưởng nữ và nữ quân nhân sẽ trở thành quân nhân nữ hay lính gái/lính trai.
-Nữ quân nhân hải quân trở
thành “phụ nữ quân chủng hải quân”. Sao dùng chữ khó khăn quá vậy?
-Nước dâng cao trở
thành triều cường. “Người
dân TP.HCM dầm mình lội triều cường” (Báo Tuổi Trẻ).
-Nuôi và gây giống trở
thành nuôi trồng. Thí dụ:
Nuôi trồng thủy sản. Thật không thể tưởng tượng được người ta có
thể “trồng” tôm, cá v.v…Thế mà cả nước nói như vẹt mà không một ý
thức gì cả.
O.
-Ông/Bà trở thành Mr.
& Mrs.
-Ống
sắt trở thành tuýp,
ống tuýp (Tiếng Pháp là
tube):
P.
-Phái
tính (phái nam,
phái nữ) trở thành giới tính. Giới có
nghĩa là giới hạn, ngăn cấm hoàn toàn không có nghĩa là đàn ông/đàn bà,
trai/gái hay nam/nữ.
-Phẩm
chất trở thành chất lượng. Ngày xưa Miền Nam phân biệt phẩm và lượng.
Phẩm thì gọi là phẩm chất. Còn lượng thì gọi là số
lượng. Thí dụ: Số lượng thì nhiều
nhưng phẩm chất không bao nhiêu.
-Phân
phát, phân phối, lan truyền trở thành phát tán.
-Pháo
hạm trở thành tàu pháo
-Phạt
ngay tại chỗ trở
thành phạt nóng. Thưởng ngay trở
thành thưởng nóng. Gửi giấy phạt về nhà trở thành phạt
nguội. Thật khôi hài quá mức!
-Phát
thanh thì
nói phát thanh. Còn đài truyền hình thay
vì phát hình lại nói phát sóng, phủ sóng. Điên
rồ quá!
-Phê
bình, chỉ trích, công kích trở thành ném
đá (giống như hình phạt ném đá thời Trung Cổ).
-Phê
bình cắt cụt chỉ còn phê (giống
như phê vào công văn)
-Phi công chính trở thành cơ trưởng tức
phụ trách máy móc chính
-Phi công phụ trở thành cơ
phó tức phụ máy móc
-Phi đạn trở thành rocket
-Phi
hành đoàn trở
thành tổ bay, tổ lái
-Phải
chịu thuế/ đánh thuế trở thành áp thuế. Bản
tin trong nước do bà con “chống cộng” lấy rồi phổ biến rộng rãi
trên Yahoo Groups ở hải ngoại: “Trump đe dọa áp thuế quyết liệt, lên
tới 35% với các nhà sản xuất ô-tô ở nước ngoài rồi đem vào Mỹ bán.”
Tôi không hiểu “áp thuế quyết liệt” là đánh thuế như thế nào? Đúng là
ngu dốt lại hay “đao to búa lớn”. Đánh thuế thì hoặc “đánh thuế cao”
hoặc “giảm thuế” chứ làm gì có “ quyết liệt ở
đây?
Trong nước bị di
truyền và ám ảnh bởi những từ ngữ chiến tranh, tuyên truyền, kích động có từ 70
năm trước trong cuộc sồng hằng ngày. Một đất nước như vậy làm sao có thể yên
bình được? Muốn người dân điên cuồng lao vào chém giết chỉ cần tuyên truyền,
kích động bằng những ngôn từ hận thù, sắt máu - dù dân chủ, tự do như Hoa Kỳ.
Xin nhớ những chủ nghĩa gây thảm họa cho loài người đều phát xuất từ Âu Châu.
Chính vì thế mà thế giới ngày hôm nay, người ta quý trọng lập trường ôn
hòa (moderate) và sợ hãi lập trường quá khích (extremist)
và cực hữu (far right). Ngôn ngữ cũng vậy, phải
hòa nhã, dịu dàng, lịch sự mới chinh phục được lòng người. Lão Tử nói rằng người
ta sợ hãi cái gì sắc nhọn, thích cái gì vuông vức, tròn trịa. Cái gì cứng quá
thì gẫy, cái gì mềm mại thì còn “Răng cứng thì rụng, lưỡi mềm thì còn”.
Một cơn bão lớn thổi tới, cây cổ thụ khổng lồ 100 năm ở Mỹ cũng trốc gốc, nhưng
cây tre biết ngả nghiêng theo chiều gió thì vẫn đứng khơi khơi. Lãnh đạo một đất
nước cũng vậy, phải tránh những lời nói kích động, đao to búa lớn, mị dân, rỗng
tuếch mà người Mỹ gọi là “rhetoric”. Kích động lòng dân thì dễ
nhưng an dân, giữ được lòng dân mới khó. Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo đã
dạy “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân.”
-Pháo bây giờ phân ra pháo nổ và pháo hoa (VietnamPlus). Thí dụ: “Nghệ An: Dân tự phát đốt
pháo nổ, pháo hoa tự chế tại vùng quê”. Đúng là loại ngôn ngữ điên khùng. Từ
ngàn xưa tới giờ, nói “đốt pháo” là người ta hiểu loại pháo gì. Còn pháo
hoa/pháo bông thì gọi là “bắn” chứ không gọi là “đốt”, chẳng hạn như bắn pháo
sáng (hỏa châu)
-Pháo tháp, đồn canh trở
thành lô-cốt
-Phát động phong trào
trở thành khởi động phong trào, (Diễn Đàn
YahooGroups ở hải ngoại cũng đã lây bệnh trong nước rồi.)
-Phạt nặng, lên một bản án nặng nề biến thành
“xứ lý nghiêm”. Thí dụ: “Xử lý nghiêm xe chạy
ngược chiều, xử lý nghiêm lấn chiếm vỉa hè”. Thật tình tôi không hiểu “xử lý
nghiêm” là xử lý như thế nào. Là người học Luật, tôi thấy câu nói này mơ hồ.
Thi hành luật pháp thì phải nghiêm minh. Còn hình phạt thì nặng hay nhẹ chứ
không phải nghiêm. Thí dụ: Phạt nặng những xe chạy ngược chiều. Phạt nặng xe vận
tải quá trọng lượng. Lên một bản án nặng nề cho kẻ dâm ô/hãm hiếp trẻ em. Phạt
nặng những chủ nhân lấn chiếm vỉa hè trái phép.
-Phổ biến/mở rộng trở
thành nhân rộng
-Phong tỏa (tài
sản) trở thành đóng băng (Freezing of asset. Chữ “freezing” ở đây có nghĩa là
ngăn không cho chuyển dịch một tài sản, trương mục, tài khoản…chứ không phải bỏ
vào tủ lạnh để cho nó thành đông đá/đóng băng.
-Phòng tập thể dục trở
thành gym
-Phỏng vấn, lấy
tin, săn tin, thu hình, làm phóng sự trở thành tác nghiệp giống như ký giả Tàu
Hồng Kông hay Đài Loan nói chuyện với nhau.
-Phụ tá trở thành trợ lý. Thí dụ: Trợ lý tổng thống
(phụ tá tổng thống), trợ lý bộ trưởng (phụ tá bộ trưởng, thứ trưởng)
-Positive =có dấu
hiệu… như ung thư chẳng
hạn trở thành dương tính. Trong khi theo từ
điển tiếng Việt trong nước “dương tính” là “tính chất mạnh của giống đực”.
Negative = không có dấu hiệu…như ung thư chẳng hạn trở thành âm tính. Trong khi
từ điển tiếng Việt Nam trước và sau 1975 không hề có hai chữ “âm tính”. Thật bừa
bãi quá mức! Ở Việt Nam bây giờ tha hồ nói và viết, không cần biết đúng sai,
không cần biết sách vở có dạy như vậy hay không và cũng có ai phê phán hay dòm
ngó tới.
Q.
-Quan điểm trở thành góc nhìn (BBC tiếng Việt)
-Quan
thuế trở thàng hải quan. Tại
Phi Cảng Tân Sơn Nhất hay Phi Trường Nội Bài tôi có thấy biển
(hải) gì đâu? Ngày xưa chưa có phi trường, hải quan được đóng ở cửa biển để thu
thuế. Ngày nay quan thuế thu ở hải cảng, phi trường, biên giới… có còn nằm ở cửa
biển nữa đâu mà cứ dùng mãi?
-Quần
áo lót, đồ lót trở thành nội y giống như ngôn ngữ của các thái
giám Trung Hoa gọi quần áo lót của các bà hoàng hậu, quý phi.
-Quân
cảng trở thành cảng quân sự.
-Quân
chủ biến thành phong
kiến. Trong nước không phân biệt
được thế nào là chế độ quân chủ (Monarchy) và thế nào là chế độ phong kiến
(Feudalism). Phong kiến là cắt đất, phong
hầu để thành lập một quốc gia riêng (kiến quốc) đã
chấm dứt khi Nhà Chu tiêu vong. Từ Tần, Hán trở đi, chế độ phong kiến không còn
mà chỉ còn chế độ quân chủ giống như chế độ quân chủ trên toàn thế giới. Ở Việt
Nam làm gì có chế độ phong kiến. Dĩ nhiên một số tập tục của thời phong kiến
còn rơi rớt lại khi Trung Hoa chuyển sang chế độ quân chủ, nhưng không thể gọi
đó là chế độ phong kiến, nhất là ở Việt Nam.
-Quang
đãng trở thành thông
thoáng. Thí dụ: “Đường phố
quang đãng” trở thành “Đường phố thông thoáng”. Thậm chí
thủ tục, giấy tờ dễ dãi cho người dân cũng gọi là “thông
thoáng”.
-Quy
mô, cỡ lớn/ lớn trở
thành đại trà. Sản xuất lớn trở
thành sản xuất đại trà.
-Quyền
Anh đã chết chỉ
còn boxing.
R.
-Rau (vegetable,
légume) biến thành rau xanh.
Như vậy rau tía tô màu đỏ tía, hành củ và tỏi màu trắng, sà-lách/rau diếp Đà Lạt
màu mỡ gà, cà tím, cà-rốt, củ cải đỏ, rau dền đỏ, bắp cải màu trắng…có trồng
không và gọi là rau gì? Trong nước có tật thêm cái đuôi vào các danh từ đã có từ
ngàn năm nay rồi. Nói trồng rau là người ta hiểu rồi lại còn bịa đặt ra trồng “rau
xanh”.
-Rau không bón phân hóa học trở
thành rau sạch làm người
ta nghĩ tới rau nhơ bẩn có dính phân vào đó. Khi sáng chế ra chữ mới phải suy
nghĩ cẩn thận để tránh sự liên tưởng tới nghĩa xấu.
S.
-Sân khấu trở thành sàn diễn. Võ
đài trở thành sàn đấu. Bục trình diễn thời trang trở
thành sàn catwalk. Nơi mua bán chứng
khoán trở thành sàn chứng khoán, phòng họp của thượng
viện Mỹ (Senate Floor) trở thành sàn
thượng viện….Rồi mai đây diễn đàn Liên Hiệp Quốc sẽ
thành sàn Liên Hiệp Quốc, phòng họp của quốc hội (House
Floor) thành sàn quốc hội…cái gì cũng
là sàn tất cả. Ngôn ngữ truyền thống
nằm chình ình trong sách vở nhưng chết lần chết mòn chỉ vì ngu dốt tiếng Anh lẫn
tiếng Việt.
-Sinh đôi trở
thành song sinh. Thích
dùng tiếng Tàu mà đòi thoát Trung. Giống như thấy hàng Trung Quốc rẻ dù độc hại,
tranh nhau mua rồi khoe mà đòi chống Trung Quốc. Nghe hai chữ “sinh đôi”
nó đẹp và thuần Việt làm sao. Truyện Kiều trở thành bất tử và thấm vào
máu thịt Việt Nam là vì Cụ Nguyễn Du dùng ít điển tích và dùng những chữ thuần
Việt.
-Sinh Vật Học (biology)
trở thành Sinh Học (Cắt
cụt tiếng Việt cho mày chết luôn!)
-Số lần xuất hiện trở
thành tần xuất
-Sở thích thành gu (gout)
-Soạn bài giảng trở
thành soạn giáo án, nghe
thấy mà ghê, giống như án lệnh của tòa.
-Sòng bài trở
thành casino
-Sức vóc trở
thành thể hình thể lực. Thí
dụ: Các cầu thủ Việt Nam thể hình thể lực kém so với
các cầu thủ Âu Châu. Miền Nam có hai chữ sức vóc rất
hay tại sao không dùng? Sức là sức khỏe, vóc là chiều cao, lớn bé.
-Suy nghĩ trở thành tư duy. Thích
dùng chữ khó khăn để chứng tỏ ta đây là người trí thức. Nhưng thực ra người trí
thức đạt đạo lại bình dị, không làm dáng, rởm đời. Miền Nam trước đây, khi nói
chuyện với bạn bè mà dùng hai chữ “tư duy” chẳng hạn như,
“Chuyện đó tao phải suy nghĩ nhức đầu.” mà lại
nói, “Chuyện đó tao phải tư duy nhức đầu.” chắc bạn nó
chửi vào mặt mình là thằng phách lối. Nói năng với bạn bè, hay trước công chúng
mà dùng những chữ kiểu cọ, xổ Nho, đao to búa lớn, khó khăn, nhức đầu thì người
ta sẽ nghĩ mình là kẻ đầu óc không bình thường hoặc phách lối, dạy đời. Xin nhớ
cho ngôn ngữ là truyền đạt vừa tư tưởng lẫn tình cảm.
Ngôn ngữ phải dùng đúng nơi, đúng chỗ. Cái quý nhất là đơn giản, dễ hiểu, thông
dụng, lịch sự và lễ độ. Đừng chế bậy.
T.
-Tác động qua lại trở
thành tương tác. Ngay
chính bản thân tôi, nghe hai chữ “tương tác” tôi vẫn không hiểu
nghĩa là gì.
-Tài liệu trở
thành tư liệu (tư liệu
là tài liệu riêng của một người)
-Tài tử điện ảnh, người mẫu,
ca sĩ nổi tiếng trở
thành sao, các sao. Cho nên
tôi tạm có câu đố chơi cho vui:Các sao ra xem sao. Sao? Nói sao?
-Tài xế trở thành lái xe (Tài xế là danh từ, còn lái xe là
động từ). Đào tạo tài xế trở thành đào tạo
lái xe. Đúng là tiếng Việt điên khùng.
-Tái bổ nhiệm trở thành bổ nhiệm lại nghe
quê mùa làm sao ấy. Thí dụ: “Bổ nhiệm lại hai thứ trưởng Bộ
Công An và Bộ Quốc Phòng. (VOV)” Người ta nói: tái đấu chứ
không nói đấu lại, tái cử chứ không
nói ứng cử lại, tái xuất giang hồ, tái diễn chứ
không nói xảy ra một lần nữa.
-Tân trang/làm
mới trở
thành nâng cấp (upgrade)
-Tăng tốc độ cắt cụt chỉ còn tăng tốc. Như thế, lái với tốc
độ lớn trở thành lái với tốc lớn. Xin nhớ cho
chữ tốc đứng một mình có nhiều nghĩa. Thí dụ: Mái
nhà bị bão thổi tốc lên. Váy cô ta bị gió thổi tốc lên.
-Tập họp/biểu tình trở
thành mít tinh
-Tay đua xe đạp trở
thành cua-rơ
-Tay lái /bánh lái trở
thành vô-lăng
-Tây
Ban Cầm đã
chết chỉ còn Guitar
-Thăm
viếng, du ngoạn trở
thành tham quan. Muốn
thoát Trung mà lại ôm cứng tiếng Tàu.
-Thản
nhiên biến thành vô tư. “Người dân vô tư hành hạ
hoa ở Lễ hội hoa hồng Bulgaria” (VOV). Xin nhớ cho vô tư là
công bình (Chí công vô tư). Vô tư lự là không lo
nghĩ gì.Còn thản nhiên là làm mà không cần biết hậu quả,
không cần biết người chung quanh, bất chấp luật lệ. Thí dụ: Ông ta thản
nhiên đổ rác ngay dưới tấm bảng “Cấm Đổ Rác”. Người nào dùng hai
chữ “vô tư” ở đây chắc chắn không được cắp sách đến trường.
-Tháng
Giêng trở thành Tháng Một. Tháng Chạp cũng
chết luôn chỉ còn Tháng 12.
-Thắng hai trái trở thành làm cú
đúp
-Thắng
ba trái trở
thành hat trick
-Thắng
rõ rệt, thắng áp đảo/ trên chân rõ ràng trở thành thắng
thuyết phục (thuyết phục ai ở đây?)
-Thế
lực trở thành quyền lực.
Thí dụ: “Quen biết trở thành thứ quyền lực mà người ta có
thể mang ra để thách thức luật pháp.” (VnExpress) Ở đây không phải
là quyền lực mà là thế lực. Quyền
lực là sứ mạnh của người nắm quyền . Còn thế lực là
sức mạnh dựa vào một người có quyền …chẳng hạn như vợ con, anh em, người tình của
người nắm quyền. Thí dụ: “Ông ta là người rất có thế lực vì
là bố vợ của ông giám đốc công an tỉnh.”
-Thế
Vận Hội trở
thành Olympic
-Thị
trường chứng khoán/ trụ sở mua bán chứng khoán/nơi mua bán chứng khoán trở thành sàn chứng
khoán. Trong nước thấy chữ “floor” tưởng
đó là “sàn” thực ra “floor” còn có nghĩa là địa điểm,
chỗ. Thí dụ ”Senate
Floor” tức địa điểm, phòng hội của Thượng Nghị Viện Hoa Kỳ.
-Thổ sản trở thành đặc sản. Xin
nhớ cho thổ sản khác đặc sản. Thổ sản là chỉ nơi đó mới có. Còn đặc sản thì chỗ
nào cũng có. Thí dụ “nhãn Hưng Yên” là thổ sản của Hưng Yên mà
nơi khác không có. Trong nhãn Hưng Yên có thể có nhiều đặc sản/đặc
biệt, chẳng hạn nhãn giống này, nhãn giống kia, nhãn có hột, nhãn không
hột…
-Thời tiết khắc nghiệt, thời tiết tệ hại trở thành thời tiết
cực đoan
-Thù nghịch trở
thành khắc tinh . VOA tiếng Việt, “Tân tư lệnh hải quân TQ: ‘Khắc tinh’ của Việt Nam?”
Người viết bài này tiếng Việt quá kém không phân biệt được nghĩa của hai chữ “thù nghịch” và “khắc tinh”. Phó Đô Đốc Thẩm Kim Long của Trung Quốc, người đã từng chỉ huy Hạm Đội Nam Hải, cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974 và Gạc Ma năm 1988, nay được đề cử làm tư lệnh hải quân Trung Quốc, thì viên tướng hải quân này có quá khứ thù nghịch/ tội ác với Việt Nam chứ sao gọi là khắc tinh? Xin nhớ cho tất cả các danh tướng Việt Nam như Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ đều là khắc tinh của các danh tướng Trung Quốc. Nói khác đi, các danh tướng Tàu dù chinh đông, chinh tây, nổi danh khắp thế giới nhưng tới Việt Nam thì hoặc bị chém đầu, treo cổ tự sát hay chui vào ống đồng mà chạy. Tức danh tướng Việt Nam là khắc tinh của tất cả các danh tướng Tàu…chứ làm gì có tướng Tàu là khắc tinh của các tướng Việt Nam. Xin người viết bài này học lại lịch sử Việt Nam đã được dạy từ bậc Tiểu Học.
-Thủ
quân (một đội bóng) trở thành đội trưởng. Tranh bóng trở
thành tranh chấp bóng (giống
như tranh chấp quyền lực). Các cầu thủ gạo
cội, các tuyển thủ trở thành các cao thủ.
(ảnh hưởng bởi phim bộ Hồng Kông) Thật là “nhà quê” khi gọi các tuyển thủ
bóng đá là các cao thủ. “Một đường truyền rất tốt/thuận lợi cho…”
trở thành “Một đường truyền thông thoáng”. Tường thuật các trận
túc cầu bây giờ toàn là dân Miền Bắc thiếu kiến thức, thiếu ngữ vựng về môn túc
cầu. Một trận đấu 90 phút mà phải nghe cả ngàn lần các từ ngữ như “thi đấu”
“xử lý bóng không tốt”, “xử lý bóng tốt”, “tình
huống” làm cho người nghe bực cả mình. Rồi tài năng, tài nghệ trở
thành tố chất (tố chất của Công Phượng), giao
trả gắn bó (theo thuật ngữ rất sống động của ký giả Huyền Vũ)
trở thành “bật nhả”, đưa bóng xuyên qua hàng phòng vệ
của đối phương nay được các ông Bắc Kỳ gọi là “chọc khe”
sao thô tục quá. Rồi “một đường truyền thiếu suy tính” trở thành
“một đường truyền thiếu cảm giác”. Ở trong nước không phân biệt
được thế nào là thành phần thế nào là đội hình cho nên cái gì cũng dùng hai chữ
“đội hình”. . Thành phần là danh sách cầu thủ.
Còn đội hình là
chiến thuật, chẳng
hạn đá với chiến thuật 4-2-4. Tường thuật một trận túc cầu bao gồm cả phần bình
luận. Cầu thủ đá hay, đá dở như thế nào…chẳng hạn khéo léo lừa qua
hàng phòng vệ đối phương, dàn xếp ăn ý, khôn ngoan đưa bóng cho đồng đội làm
bàn, dứt điểm đúng lúc, thừa lúc sơ hở của thủ môn...thì nói ra. Dùng
các chữ “xử lý bóng tốt, xử lý bóng không tốt” chỉ để che dấu kiến
thức nghèo nàn về môn túc cầu của mình. Rồi “trọng tài biên” trở
thành “trợ lý trọng tài”. Rồi “người bị đốn ngã” ,
“người bị chèn lấn trái phép”, “bị níu áo” ‘bị
xô ngã”, “bị đối phương vào bóng quá nguy hiểm” trở thành
“ người bị phạm lỗi”. Đúng là loại ngôn ngữ điên khùng. Nó
điên khùng ở chỗ, thay vì nói, “người nằm sân, người bị thương là
Công Phượng ” lại nói, “người bị phạm lỗi là Công Phượng”.
Rồi tranh bóng ở trên cao trở thành “không chiến”!
-Thư
thả, nghỉ ngơi, cho bớt căng thẳng trở thành thư giãn.
-Thử để biết/trải
qua/ nếm mùi/ thưởng thúc trở thành trải nghiệm. Chỗ nào cũng thấy trải nghiệm,
nói như vẹt vậy. Thí dụ: Thay vì nói, “Sinh viên quốc tế hào hứng thưởng thức
(enjoy) hương vị Tết Việt Nam” lại viết, “Sinh viên quốc tế hào hứng trải nghiệm
hương vị Tết Việt Nam” (VOV). Chúng ta hãy so sánh hai câu sau đây:
1. “Chúng
tôi đã trải qua (trải nghiệm) bốn ngày Tết ở Hà Nội.” Câu nói này không hàm ý Tết
ở Hà Nội như thế nào.
2. “Chúng tôi đã thưởng thức bốn ngày Tết ở Hà Nội.” Câu
nói này hàm ý tác giả vui vẻ thưởng thức hương vị Tết ở Hà Nội. Do đó dùng hai
chữ trải nghiệm chỉ có nghĩa là trải qua, đi qua, kinh qua chứ không có bất cứ
một ý nghĩa gì khác.
Khi mà hệ thống
truyền thông độc quyền thì hệ quả của nó là người dân sẽ nói như những con vẹt
vì không có bất cứ một tiếng nói thứ hai hay đẹp hơn. Muốn hay đẹp thì phải
“trăm hoa đua nở”. Dĩ nhiên khi “trăm hoa đua nở” sẽ có hoa thúi, hoa cứt lợn,
hoa hèn… nhưng sẽ có những loài hoa quý và người dân có học sẽ biết chọn thế
nào là loài hoa quý. Một đất nước mà không phân biệt được thế nào là văn
chương, ngôn ngữ trí thức, thế nào là văn chương bát nháo, thì đó là một đất nước
văn hóa kém, hổ lốn, dù có một triệu tiến sĩ cũng vất đi. Sau đây là một thí dụ
viết văn rất bát nháo của BBC Việt ngữ: Thay vì viết, “Lãnh sự quán Việt Nam
chưa tiếp xúc với Đoàn Thị Hương”, BBC tiếng Việt viết, “Chưa tiếp xúc lãnh sự
với Đoàn Thị Hương” Rồi cũng BBC tiếng Việt ngày 22/3/2017: “Mỹ và Anh cấm
laptop lên cabin máy bay vì lo khủng bố”. Câu văn không pha tiếng Anh “ba rọi”
chỉ là, “Mỹ và Anh cấm đem máy điện tử xách tay lên máy bay vì sợ khủng bố.”
-Thua ngược, không đáng thua mà thua trở thành thua sốc.
-Thuốc quá hạn trở thành thuốc hết đát. Thí dụ: “bác sĩ
người Hàn Quốc dùng thuốc hết “đát“. (Đài Tiếng Nói Việt Nam). Chưa thấy một loại
tiếng Việt nào quái đản như thế này!
-Thủy thủ đoàn biến
thành kíp tàu. Tại sao dùng chữ lạ
lùng như vậy?
-Tìm hiểu trở thành soi, săm soi. Thí dụ; Săm soi chuyên cơ (phi cơ riêng) của Tổng Thống Obama. Đọc hai chữ “săm soi” tôi có cảm tưởng lấy cái que chọc vào đâu đó.
-Tiến
hành cuộc điều tra nay thêm cái
đuôi “điều tra làm rõ”. Làm rõ
cái gì mới được chứ? Trên thế giới này, sau khi có một vụ án mạng hay tai nạn lớn
xảy ra, cơ quan công lực thường tới thu thập chứng cớ ở hiện trường, phỏng vấn
nhân chứng (nếu có) rồi tiến hành cuộc điều ra để truy tầm thủ phạm, đồng phạm…sau
đó họp báo công bố kết quả cho công chúng biết. Nay trong nước không hiểu vì
sao, các ông phóng viên lại thêm hai chữ “làm rõ” rất thừa thãi
và vô duyên. Truyền thông có học hành đàng hoàng chỉ cần viết, “Nhà chức
trách đang tiến hành cuộc điều tra” là người ta hiểu rồi. Thêm hai chữ
“làm rõ” vào khiến câu văn trở nên quê mùa.
-Tiền
trà nước trở
thành tiền bo (pour
boire). Tiền thưởng Tết cũng gọi là tiền bo.
-Tiếng
Hoa, tiếng Tàu trở thành tiếng Trung (tiếng Trung, tiếng Nam, tiếng
Bắc)
-Tiếp xúc trở thành tiếp cận. Ông
bộ trưởng không muốn tiếp xúc với báo chí trở thành Ông
bộ trưởng không muốn tiếp cận với báo chí. Không cho đến gần trở
thành không được tiếp cận. Đúng là tiếng Việt điên khùng.
-Tiết
kiệm (economy) hạng
ba, giá rẻ trở thành kinh tế. Thay
vì nói, “Mua cái này rẻ/tiết kiệm được tiền” lại nói “Mua
cái này kinh tế lắm. Đúng là tiếng Việt điên khùng.
-Tiết
lộ thành rò rỉ. Tiết lộ là để lộ, bị lộ ra ngoài
hay “bật mí” cho người ta biết. Còn rò rỉ có ý nghĩa
khác. Chẳng hạn chiếc thùng bị rò ở đáy cho nên nước rỉ ra ngoài. Rò rỉ có thể
âm thầm, không ai biết. Vì tiếng Việt không rành cho nên trong nước và BBC tiếng
Việt đã dùng rò rỉ để thay thế tiết lộ thế
mà cũng được hải ngoại đua nhau bắt chước.
-Tiêu chuẩn, mẫu mực trở
thành chuẩn mực. Bịa thêm ra
chữ mới để làm gì trong khi chữ cũ đầy rẫy ra đó?
-Tiêu đề,
nhan đề trở
thành tít (titre)
-Tiêu
thụ trở thành tiêu
dùng
-Tiểu thương biến thành doanh
nghiệp nhỏ. Hai chữ “tiểu thương” đã có cả trăm năm
nay sao còn bịa đặt ra “doanh nghiệp nhỏ” làm gì nữa?
-Tìm
cách/phương thức giải quyết trở
thành khắc phục. Đôi
khi khắc phục có nghĩa là ráng chịu cho quen, đừng kêu la, khiếu nại gì cả. Thí
dụ: Bộ Nội Vụ tới thăm một trại giam, tù nhân than đói quá. Cán bộ nói, “Các
anh cố gắng khắc phục.” Điều đó có nghĩa là Bộ Nội Vụ chẳng giải quyết
gì cả. Tù nhân ráng mà lo lấy. Đói ráng chịu, đừng kêu la.
-Tin
tức trở thành thông
tin trong khi thông
tin là loan truyền tin tức như Bộ Thông
Tin, Cơ Quan Thông Tin. Còn những gì liên quan đến một cá nhân thì gọi là “dữ
kiện” hay “chi tiết” chứ không phải “thông tin”.
-Tin
nóng! Trong nước lẫn
hải ngoại tràn ngập tin nóng nhưng tôi thật tình không
hiểu tin nóng là tin gì. Tin nóng là tin hấp dẫn, tin mới nhất, tin động trời
hay tin có liên quan đến xác thịt? Xin những ai dùng hai chữ “tin nóng”
giải thích dùm cho, tôi hết lòng cảm ơn.
-Tờ truyền đơn trở thành tờ
rơi. Truyền đơn đôi khi phát tay chứ có rơi rớt trên đường
đâu. Còn tờ rơi là vứt rơi rớt trên đường.
-Tòa
Bạch Ốc trở thành Nhà Trắng do các ông bà ở hải ngoại lấy nguyên bản tin
trong nước rồi đua nhau chuyển tiếp lên các diễn đàn YahooGroups…khiến tiếng Việt
đổi đời trở thành tiếng Việt chính thống ở hải ngoại.
-Tổng
Sản Lượng Quốc Gia trở
thành GDP (người kém tiếng
Anh không hiểu gì cả)
-Trả lời, lên tiếng/đóng góp ý kiến trở thành phản hồi. Thí dụ: “Bộ Công Thương phản hồi việc
kê khai tài sản của bà HTKT” (VnPlus). Trong nước thích dùng chữ nghĩa khó khăn
học được từ đời Mao Trạch Đông. Câu văn đơn giản chỉ là, “Bộ Công Thương lên tiếng/trả
lời về việc kê khai tài sản của Bà HTKT”
-Trạm, ga chuyển tiếp trở thành trạm, ga trung chuyển
-Trận
đấu hay, đẹp mắt trở thành trận đấu kinh điển (giống như ở Hàn Lâm Viện vậy)
-Trao đổi, tiếp xúc trở thành giao lưu, hiệp
thông (hình như là danh từ riêng
của Thiên Chúa Giáo)
-Trẻ
em/trẻ con bị bệnh biến
thành bệnh nhi. Bệnh viện nhi đồng cũng biến thành bệnh nhi. Đúng là
hỗn loạn, không còn ra thể thống gì nữa.
-Chích ngừa, chủng ngừa trở thành tiêm vaccine
-Trình
bày quan điểm đối nghịch/ ý kiến đối nghịch, không đồng ý trở thành phản biện.
Thật đao to búa lớn!
-Trồng
cây trở thành trồng cây xanh. (tiếng
Việt có thêm đuôi)
-Trục
trặc/ trở ngại trở
thành sự cố
-Trực
thăng/máy bay săn tàu ngầm chỉ còn trực
thăng/máy bay săn ngầm (cắt cụt tiếng Việt)
-Trung
Học Chuyên Ngành/chuyên môn trở thành Trung Học Chuyên (cắt cụt tiếng Việt)
Trung
Học Đệ I Cấp (Lớp 6 tới Lớp 9) trở thành Trung Học Cơ Sở. Tôi thật tình không hiểu tại
sao trong nước dùng danh từ Cơ Sở cho các trường Trung
Học Đệ I Cấp hay Trung Học Chuyển Tiếp mà
người Mỹ gọi là Middle School hay Internediate School.
Trước đây Miền Nam mô phỏng theo nền giáo dục của Pháp, phân chia trung học
ra thành hai bậc gọi là: Trung Học Đệ I Cấp (Lớp 6-9) và Trung Học Đệ II Cấp (Lớp
10-12).
-Trung Quốc, Trung Hoa, Tàu, Hoa Lục trở thành China. Như
vậy tại sao không nói nước USA hay nước
France cho nó gọn?
-Trung
Ương (T.Ư) viết tắt thành TW. Đúng là
tiếng Việt quái đản!
-Truyền
hình trở thành Tivi
Truyền
hình đời sống thực (Reality
TV.) biến thành Truyền
hình thực tế. Dịch như vậy quá ngây ngô, thế mà cả nước
không ai có ý kiến gì khác.
-Tự
nhiên/thản nhiên trở
thành vô tư. Cứ tự nhiên trở
thành cứ vô tư đi (VOV Đài Tiếng Nói Việt
Nam). Xin nhớ cho vô tư là không
thiên vị. Còn vô tư lự là không lo nghĩ gì cả.
Còn Thản nhiên là làm mà không cần để ý đến những người
chung quanh, không cần biết đến luật pháp là gì. Ở Việt Nam bây giờ có báo là cứ
viết, có đài phát thanh, truyền hình là cứ nói …không cần biết đúng sai và cũng
không có ai đế mắt tới. Có lẽ cả nước chỉ lo kiếm tiền, ăn nhậu, vui
chơi, giải trí, làm tình, bài bạc, xì ke ma túy, chuyển tiền ra ngoại quốc và ước
mơ đi Mỹ…ngoài ra thì sống chết mặc bay.
-Tuổi
vị thành niên trở thành tuổi
teen. Tây đô hộ 100 năm mà tiếng Việt chưa mất gốc. Mỹ mới vào từ
1995 (bình thường hóa) mà tiếng Anh đang trở thành ngôn ngữ chính, giống
như Phi Luật Tân. Còn tiếng mẹ đẻ đang trở thành ngôn ngữ phụ (second
language). Nghẻo hèn quá cho nên bắt chước kẻ hùng mạnh cũng là niềm hãnh
diện. Nếu có mắt nhìn ra hải ngoại phải biết xấu hổ vì lớp người sống xa Tổ Quốc
một đại dương mênh mông lại mở các Trường Việt Ngữ để bảo tồn tiếng Việt cho
con cháu trong khi ở trong nước lại hãnh diện vì lai căng, giống Mỹ.
V.
-Vào
bệnh viện, vào nhà thương trở thành nhập viện (viện dưỡng lão, viện mồ
côi, viện hàn lâm, viện tế bần…biết nhập viện nào đây? Tôi không hiểu sao một
nước còn đói nghèo mà lại thích dùng chữ “đao to búa lớn” như thế.
-Vào các trang thông tin điện tử trở thành truy
cập. “Truy” là “đuổi”
như truy nã, truy kích, truy sát. Tại sao “vào” một trang thông
tin điên tử để xem, để tìm hiểu, để lấy tin tức lại gỏi là “đuổi theo”.
-Vẻ
mặt biến thành ngoại
diện. Thí dụ: “Bạn muốn có khuôn mặt/vẻ mặt giống
con gái Tổng Thống Donald Trump” biến thành, “Bạn muốn
có ngoại diện giống con gái Tổng thống Mỹ Donald Trump”.
(VOA tiếng Việt). Đúng là dốt hay nói chữ. Rồi “có
bộ mặt” biến thành “ngoại hình”
(VOA tiếng Việt). Đúng là tiếng Việt truyền thống đã chết và được thay thế bằng
tiếng Việt lai căng, bát nháo.
-Vi khuẩn, siêu vi trùng trở thành vi-rút
-Vĩ Cầm trở thành Violon.
-Việc trở thành công đoạn. Thí
dụ: “Việc đầu tiên là mài dao với nước lạnh và đá mài.“
trở thành, “Công đoạn đầu tiên là mài dao với nước lạnh
và đá mài.” Rồi “cỡ” như cỡ lớn, cỡ
nhỏ trở thành “kích cỡ”. Tôi không hiểu tại sao
trong nước thích dùng chữ cầu kỳ trong khi kêu gào “tiếng Việt trong sáng”.
-Viện
bảo tàng, khu vực bảo tàng chỉ còn bảo tàng.
Xin nhớ, viện bảo tàng là danh từ. Còn bảo
tàng là động từ. Trong nước hiện có khuynh hướng “cắt cụt” tiếng
Việt khiến nhiều danh từ trở nên vô nghĩa hoặc trùng với danh từ khác nhưng
khác nghĩa. Thí dụ: Lệ phí chỉ còn phí, săn
tàu ngầm chỉ còn săn ngầm, choáng váng chỉ
còn choáng, bệnh viện chỉ còn viện. Nhưng
một số lại thêm “cái đuôi” vào làm tiếng Việt trở nên dị hợm. Thí dụ: đóng
tàu trở thành đóng mới, xây nhà trở
thành xây mới, trồng cây trở
thành trồng cây xanh.
-Vụ tai tiếng trở thành scandal
-Vượt
mức quy định trở
thành vượt ngưỡng. Vượt
ngưỡng gì mới được chứ? Ngưỡng cửa chăng? Đúng là bạ gì viết nấy, không thèm ra
cứu từ điển hay hỏi người lớn xem có đúng không.
X.
-Xa
lộ trở thành đường cao tốc. Ở Mỹ này người ta phân biệt Xa
Lộ (Freeway) và Đường Tốc Hành (Expressway).
Xa Lộ xuyên bang hay xuyên thành phố chạy tới 80 dặm/giờ. Còn Đường Tốc
Hành/Cao Tốc chỉ là đường nối hai đầu của một thành phố chạy với vận tốc tối đa
50 dặm/giờ.
-Xác định trở thành khẳng định. “Việt Nam khẳng định Đoàn Thị Hương là công dân VN”. BBC Việt ngữ và Việt Nam không phân biệt được thế nào là xác định, thế nào là khẳng định. Khi có sự tranh cãi, nếu thấy dữ kiện đúng thì mình khẳng định, nói dứt khoát là đúng. Còn xác định là xác nhận một sự kiện mà không có tranh luận. Khi đến gặp Cô Đoàn Thị Hương, tòa lãnh sự xác nhận cô đúng là công dân Việt Nam chứ không khẳng định vì không có sự tranh cãi về quốc tịch với các giới chức Mã Lai. Câu văn trên cho thấy trình độ Việt ngữ của BBC và trong nước quá kém. Trình độ của VOA khá hơn một chút khi dùng hai chữ “xác nhận”.
-Xây gấp, hoàn thành sớm biến thành đẩy nhanh tiến độ
thi công. Sao dùng chữ dài lòng thòng và cầu kỳ quá vậy? Hãy so
sánh hai câu: 1) “Công nhân đang cố gắng để sớm hoàn thành Cầu Cần Thơ.” 2)
“Công nhân đang đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn thành Cầu Cần Thơ.” Xem
câu văn nào giản dị hơn?
-Xây thêm bốn căn nhà trở thành xây mới bốn căn hộ.
-Xe cộ trở thành phương
tiện. Thí dụ: Cấm các phương tiện lưu thông ở một
số tuyến đường. Rồi, “Phương tiện đổ về Thủ đô tăng đột
biến trong ngày 4 Tết” (VnPlus) Thay vì nói, “Dòng xe cộ đổ
về thủ đô tăng bất thường ngày Mùng 4 Tết”, hoặc “Cấm xe cộ
lưu thông ở một số tuyến/đoạn đường”.
-Xe
buýt: Việt Nam bây giờ không phân biệt được thế nào là xe chở
học sinh, xe chuyên chở công cộng, mà đều gọi tất cả các loại xe này là xe buýt.
Xe đang chạy trong thành phố phải mua vé đó là “xe
chuyên chở công cộng”, còn xe chở học sinh là “xe đưa rước học sinh”.
-Xe
hơi trở thành xe ô-tô.
-Xe gắn máy trở thành xe mô-tô
Xe
phế thải trở
thành xe quá đát. (Báo
Thanh Niên) Thật ngu dốt không thể tưởng tưởng tượng được. Quá hạn chỉ
dùng cho thực phẩm, thuốc men. Còn xe cộ, máy bay, máy móc quá cũ không dùng nữa
thì gọi là “phế thải”.
-Xe pick-up, xe chở hàng nhỏ trở thành xe bán tải. Xe
thì chở ít hoặc chở nhiều, hoặc hạng nặng, hạng nhẹ sao lại là “bán”
tức một nửa?
-Xe vận tải trở
thành xe tải (cắt cụt tiếng Việt). Như vậy “liên đoàn/công
đoàn vận tải trở thành “liên đoàn tải” và “ngành vận tải”
trở thành “ngành tải”. Thật quái đản!
-Xe vận tải hạng nặng trở
thành xe siêu trường siêu trọng, xe
container
-Xuồng
máy trở thành ca-nô
Chúng tôi còn tiếp tục cập nhật cho cuốn tự điển
này thêm phong phú. Nhưng càng viết lại càng đau lòng. Tiếng Việt đổi đời, buồn
ơi chào mi! Và buồn cho nhiều thế hệ mai sau.
Đào Văn Bình
(California ngày 21/4/2017)