26.05.2017

Tin Tổng Hợp Liên Quan đến Biển Đông và Trung Cộng (ngày 26.05.2017)

Tin Tổng Hợp Liên Quan đến Biển Đông và Trung Cộng
(ngày 26.05.2017)


Trung cộng: Không sử dụng Vành Đai-Con Đường cho quân sự
Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình chào đón các lãnh đạo tham gia diễn đàn Vành Đai và Con Đường tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 14 Tháng 5 năm 2017. AFP photo

Trung cộng không có ý định sử dụng sáng kiến Vành đai - Con đường cho mục đích quân sự hay gây ảnh hưởng đến các vấn đề quốc tế. Đó là tuyên bố được người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung cộng đưa ra hôm 25 tháng 5.


Nói tại buổi họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Trung cộng cho biết Trung cộng không tìm cách để lèo lái những vấn đề quốc tế hay gây ảnh hưởng và sẽ không can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước khác.

Sáng kiến Vành đai - Con đường được Tập Cận Bình đề xướng và được coi như là một chính sách quan trọng mở rộng kết nối giữa châu Á, châu Âu và châu Phi.

Tại thượng đỉnh Sáng kiến Vành đai Con đường diễn ra vào hồi giữa tháng này, Trung cộng cam kết đầu tư 124 tỷ đô la cho kế hoạch, hứa là sẽ thúc đẩy con đường hòa bình và tự do thương mại.

Tuy nhiên tham vọng của Trung cộng đã khiến một số nước lo ngại, đặc biệt là Ấn Độ và một số nước châu Âu. Những nước này nghi ngờ Trung cộng đang sử dụng kế hoạch này để tạo ảnh hưởng, thiết lập các cơ sở quân sự tại nước ngoài bằng việc xây dựng các cảng biển ở Pakistan, Sri Lanka và Hy Lạp.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung cộng cho biết cáo buộc này là không có căn cứ.


Biển Đông: Tàu chiến Hoa Kỳ tuần tra sát Đá Vành Khăn (Trường Sa)
Khu trục hạm hỏa tiễn hành trình USS Dewey quá cảnh Biển Đông ngày 06/05/2017. Ảnh tư liệu của Hải Quân Mỹ.Kryzentia Weiermann/Courtesy U.S. Navy/Handout via REUTERS

Một viên chức Hoa Kỳ, không nêu tên, cho Reuters biết, vào sáng sớm theo giờ địa phương, ngày 25/05/2017, một chiến hạm Mỹ trong khuôn khổ chiến dịch khẳng định quyền tự do lưu thông hàng hải tại các vùng đang có tranh chấp, đã đi sát một hòn đảo nhỏ mà Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền ở Biển Đông.

Tàu chiến USS Dewey, đã đi sát, cách « chưa đầy 12 hải lý » Mischief Reef - Đá Vành Khăn – trong khu vực quần đảo Trường Sa.

Ngũ Giác Đài cho biết mục đích cuộc tuần tra là nhằm gửi đi một tín hiệu về chủ trương của Mỹ muốn duy trì tự do đi lại trên các tuyến hàng hải trọng yếu trong khu vực. Cuộc tuần tra vì tự do hàng hải nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung cộng, gọi tắt là FONOP, diễn ra hôm thứ Tư trong vùng 12 hải lý quanh Đá Vành khăn, còn gọi là Mischief Reef, một trong những thực thể đang trong vòng tranh chấp ở Biển Đông.
Đại tá Jeff Davis, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, từ chối bình luận về cuộc tuần tra. Trong một tuyên bố, ông nói: “Chúng tôi hoạt động ở châu Á-Thái Bình Dương hàng ngày, kể cả ở Biển Đông. Chúng tôi hoạt động theo luật quốc tế”. Ông nói thêm rằng các cuộc tuần tra “không nhằm vào riêng một nước nào, riêng một vùng biển nào”.
Đây là lần đầu tiên hoạt động FONOP được thực hiện từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống hồi tháng 1 năm nay, và cũng là cuộc tuần tra đầu tiên từ tháng 10 năm ngoái.
Theo một bài báo gần đây của New York Times, dẫn lời các quan chức Mỹ, kể từ khi giữ chức tổng thống, ông Trump đã 3 lần từ chối tiến hành tuần tra FONOP.
Bắc Kinh đã có phản ứng. Theo phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung cộng, các tàu chiến của Trung cộng đã cảnh cáo tàu chiến Mỹ xâm phạm vùng lãnh hải 12 hải lý của Đá Vành Khăn.

Còn đại diện bộ Ngoại Giao Trung cộng kêu gọi Mỹ không nên tiếp tục các cuộc tuần tra ở vùng biển này và khẳng định những hành động như vậy có thể dẫn đến những sự cố trên biển và trên không.

Bất chấp các tranh chấp với một số nước Đông Nam Á như Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, chính quyền Bắc Kinh đơn phương tuyên bố có chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, đồng thời tiến hành bồi đắp các đảo nhân tạo, xây dựng trên đó các cơ sở hạ tầng cơ sở có thể phục vụ mục đích quân sự, coi vùng biển 12 hải lý xung quanh các thực thể nhân tạo này là lãnh hải của Trung cộng.

Một nhóm thượng nghị sỹ lưỡng đảng hồi đầu tháng này hối thúc Tổng thống Trump tái tục các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải. Các nghị sỹ nói Biển Đông có tầm quan trọng quyết định đối với các lợi ich an ninh quốc gia của Mỹ cũng như đối với hòa bình ở châu Á-Thái Bình Dương.
(theo WSJ, Reuters, AP, Kyodo, truyền thông Việt Nam)

Trung cộng tuyên bố đã điều 2 hộ tống hạm mang hỏa tiễn đuổi chiến hạm Mỹ
Giới chức Mỹ cho biết một tàu khu trục của hải quân nước này đã tiến hành "hoạt động tự do hàng hải" trong khu vực 12 hải lý xung quanh một đảo nhân tạo do Trung cộng bồi đắp trái phép trên biển Đông, khiến Trung cộng phải điều 2 tàu hộ vệ tên lửa tiến hành nhận dạng, kiểm tra, cảnh cáo và trục xuất tàu khu trục tên lửa USS Dewey của Mỹ.
Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Trung cộng Nhậm Quốc Cường (Ảnh: BQPTQ)

Theo ông Nhậm, Hải quân Trung cộng ngày 25/5 đã điều động hai tàu hộ vệ tên lửa Liuzhou và Luzhou "tiến hành nhận dạng, kiểm tra, cảnh cáo và trục xuất" tàu khu trục tên lửa USS Dewey của Mỹ.

Đại diện chính phủ Trung cộng chỉ trích chiến hạm Mỹ tiến vào khu vực 12 hải lý của Đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và bị Bắc Kinh chiếm đóng, bồi lấp trái phép).

"Hành động phô trương sức mạnh, thúc đẩy quân sự hóa khu vực của quân đội Mỹ rất dễ dẫn đến những sự cố trên không và trên biển. Quân đội Trung cộng đã tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ với phía Mỹ," Nhậm Quốc Cường tuyên bố.

Ông Nhậm "yêu cầu Mỹ có các biện pháp thiết thực để sửa đổi sai lầm, tăng thêm năng lượng tích cực cho quan hệ hai nước phát triển".

"Hành động sai lầm của quân đội Mỹ sẽ chỉ thúc đẩy quân đội Trung cộng tăng cường sức mạnh," ông này đe dọa.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung cộng Lục Khảng chỉ trích cuộc tuần tra biển Đông của USS Dewey là "tổn hại nghiêm trọng tiến trình đối thoại, hiệp thương giữa các bên, gây thiệt hại cho người khác và cũng bất lợi cho Mỹ".

Liên quan đến chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và lập trường của Việt Nam về vấn đề biển Đông, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

Việt Nam đề nghị các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố DOC, kiềm chế và không có các hành động gây căng thẳng làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết các tranh chấp liên quan bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế".

Mỹ muốn Úc giúp trong vấn đề Biển Đông 
Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain trả lời câu hỏi của các phóng viên tại Điện Capitol ngày 25/4/2017.
Úc sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong kế hoạch về châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Trump để chống lại thái độ hung hăng của Trung cộng tại Biển Đông.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo The Úc, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện nói việc tăng cường lực lượng hải quân sẽ được Hoa Kỳ và Úc thực hiện nhằm mục tiêu “hòa bình bằng sức mạnh” tại Thái Bình Dương.
Thượng nghị sĩ John McCain, tuần tới sẽ đến Úc để gặp Thủ tướng Malcolm Turnbull. Ông cho biết Úc sẽ đóng một vai trò lớn hơn theo chiến lược mới của Hoa Kỳ.
Ngân sách 2018 mà Tổng thống Trump đề nghị kêu gọi gia tăng chi tiêu quân sự lên thành 574 tỉ đô la, hơn năm ngoái 10%.
Thượng nghị sĩ McCain cũng hoan nghênh việc Thủ tướng Turnbull quyết định sử dụng 89 tỉ đô la để thay thế và tân trang hạm đội của Hải quân Hoàng gia Úc.
(Daily Telegraph/The Úc)


ASEAN-Trung cộng: Đường đến giải pháp cho Biển Đông còn xa vời
Tàu Trung cộng đào đắp tại Đá Vành Khăn (Mischief Reef), Trường Sa. Ảnh do một phi cơ trinh sát P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ chụp ngày 21/05/2015.U.S. Navy/Handout via Reuters
Trung cộng và ASEAN ngày 18/05/2017 đã nhất trí trên một bản dự thảo khung của một bộ Quy Tắc Ứng Xử hầu phòng ngừa xung đột tại Biển Đông. Chi tiết thỏa thuận không được tiết lộ, nhưng nhiều người nhìn thấy đấy là dấu hiệu tiến bộ đối với một văn kiện đã được gợi lên từ 15 năm nay. Câu hỏi đặt ra là liệu dự thảo khung đó có thể dẫn tới một thỏa thuận mang tính ràng buộc chấm dứt tranh chấp hay không ?
Trả lời phỏng vấn của truyền thông Đức Deutsche Welles, Bill Hayton, một chuyên gia nổi tiếng về châu Á, hoài nghi về khả năng hai bên đạt được một thỏa thuận thực thụ khả dĩ chấp nhận được trong thời gian trước mắt, đàm phán sẽ còn gay go, và điểm tích cực duy nhất theo chuyên gia này việc hai bên thảo luận với nhau sẽ cho phép xây dựng sự tin tưởng, và dù tranh cãi, điều đó vẫn tốt hơn nhiều so với không nói năng gì cả.
Trung cộng chiêu dụ các láng giềng ?
Về tình hình tại Biển Đông tương đối lặng sóng trong vài năm gần đây sau cơn sốt giàn khoan HD-981, chuyên gia Hayton cho rằng đó chủ yếu vì Bắc Kinh đang tung chiến dịch chiêu dụ các nước Đông Nam Á, và dồn sức vào việc bồi đắp các thực thể mà họ kiểm soát tại vùng Trường Sa.
Ông nhận thấy có một số chuyện diễn ra cùng lúc. Một là Trung cộng đang mở chiến dịch chiêu dụ Đông Nam Á và cố tránh làm những điều có thể khiến cho các láng giềng tức giận.
Từ gần 3 năm nay tình hình khá yên ắng. Từ khi căng thẳng bùng lên với Việt Nam sau khi Trung cộng triển khai giàn khoan trong vùng biển tranh chấp, Trung cộng dường như hành xử tốt hơn nhiều. Chuyên gia này cho rằng Bắc Kinh đã cảm thấy đã thua thiệt nhiều trong vụ đó và từ đấy đã không làm như thế nữa.
Nhưng cùng lúc thì Trung cộng cho ồ ạt bồi đắp các đảo trong vùng. Có lẽ việc đó đã hút hết nghị lực của Trung cộng. Khi mà các đảo này xây xong thì có thể thấy Trung cộng có thái độ hung hăng trở lại.
Một điểm khác cần lưu ý là Trung cộng cũng có tranh chấp với Nhật Bản và đang dồn nhiều sức lực vào tranh chấp về Senkaku/Điếu Ngư. Trên mặt lịch sử, Trung cộng chưa bao giờ tiến hành dồn sức vào hai mặt trận cùng một lúc. Thông thường nếu mặt trận này tích cực thì mặt trận kia kém năng động hơn. Và dường như đó là điều đang diễn ra hiện nay.
Vả lại Trung cộng sẽ tiến hành Đại Hội Đảng trong năm nay, và có thể là giới lãnh đạo Bắc Kinh không muốn gây xáo trộn, làm mất ổn định khu vực trước lúc diễn ra một sự kiện then chốt như thế.
Hơn nữa Trung cộng đang vận động để nhiều người ủng hộ kế hoạch con đường tơ lụa mới OBOR của ông Tập Cận Bình, đó cũng là lý do khác khiến cho Trung cộng kềm giữ cho tình hình yên tĩnh vào lúc này.
Trung cộng đã thực hiện những gì muốn làm ?
Theo quan điểm nhiều người hiện nay, Trung cộng đã hoàn tất những gì họ muốn hoàn tất ở Biển Đông, cho nên tình hình hiện tại yên ắng hơn một chút.
Đối với chuyên gia Hayton lập luận này có phần đúng : Trung cộng đã chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, họ đang xây dựng căn cứ của họ ở đấy.
Họ cũng đang xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông, nhưng công trình xây cất chưa xong hẳn. Đó sẽ là những căn cứ rất hùng mạnh. Nhiều chuyên gia nghĩ là Trung cộng cũng muốn xây dựng cơ sở trên bãi Scarborough nữa, và đó là điểm thứ 3 trong tam giác sắt ở Biển Đông.
Trung cộng có nhiều lý do để muốn xây dựng các đảo này. Một số đảo là do vấn đề lịch sử, lãnh thổ, còn một số khác là nhằm che giấu tàu ngầm nguyên tử ở Biển Đông hay để làm bàn đạp tung lực lượng ra gần eo biển Malacca, ngăn ngừa Mỹ phong tỏa đường tiếp tế của họ trong trường hợp nổ ra chiến tranh.
Dự thảo khung COC không dẫn đến đâu ?
Riêng về sự kiện Trung cộng và ASEAN vừa thông báo đạt thỏa thuận trên dự thảo khung bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông, ông Bill Hayton cho rằng từ lúc có dự thảo khung cho đến khi đạt được thỏa thuận thực thụ trên một bộ quy tắc ứng xử, con đường còn rất nhiều chông gai, nhất là khi Trung cộng vẫn muốn bồi đắp bãi Scarborough thành một cứ điểm quân sự để khống chế Biển Đông.
Do đó ông không nghĩ là bản thân dự thảo khung này sẽ dẫn đến một cái gì sắp tới đây. Nhưng các cuộc thảo luận trên vấn đề này là một phương thức tốt xây dựng sự tin tưởng. Việc mọi người ngồi vào bàn và thảo luận với nhau về những chuyện này là tốt hơn không nói gì cả.
Ông Hayton phân tích lý do khiến ông không nghĩ là các bên sẽ đạt một thỏa thuận.
Một là Trung cộng vẫn giữ ý muốn xây dựng trên bãi Scarborough. Và họ sẽ không ký bất kỳ một cái gì có thể ngăn chặn không cho họ làm việc này.
Điểm khác nữa là Trung cộng rất ghét bị một thỏa thuận trói buộc về mặt pháp lý, trong lúc mà ASEAN thì lại muốn điều này. Đối với các nước ASEAN ký một bộ quy tắc ứng xử mà không có « răng » (tức là không có tính ràng buộc) thì không có ý nghĩa gì cả. Họ muốn có một loại công cụ để kiểm soát hành vi của Trung cộng, Bắc Kinh thì không muốn điều này chút nào.
Một điểm bất đồng thứ ba là Trung cộng muốn giới hạn việc áp dụng bộ quy tắc ứng xử ở Trường Sa trong lúc những nước như Việt Nam và Phi Luật Tân muốn đưa Hoàng Sa và bãi Scarborough vào. Hiện chưa thấy hướng giải tỏa bất đồng này là như thế nào.
Chính sách của Mỹ gây bất an
Đối với chuyên gia Hayton, chính sách chưa rõ ràng về Biển Đông của chính quyền Mỹ hiện nay đang khiến cho đồng minh và đối tác của Mỹ trong vùng bất an, nhất là khi có dấu hiệu là ông Donald Trump có khả năng nhẹ tay với Trung cộng trên hồ sơ Biển Đông để tranh thủ Trung cộng trên vấn đề Bắc Triều Tiên.
Trước hết ông Hayton nêu lên vấn đề liên quan đến hành trình của chiếc tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson, thoạt đầu được cho là đi về phía bán đảo Triều Tiên nhưng lại không đi đến đó như theo thông báo ban đầu tiên mà chỉ đến khu vực sau đó. Trên nguyên tắc con tàu có con đường ngắn hơn để đến vùng bán đảo Triều Tiên là đi xuyên qua Biển Đông, nhưng Mỹ lại không chọn con đường đó mà lại đi vòng.
Điều đó khiến người ta tự hỏi liệu đó cũng là động thái thiện chí của Mỹ đối với Trung cộng để Bắc Kinh mạnh tay hơn với Bắc Triều Tiên hay không.
Theo Bill Hayton những gì mà chính quyền Trump đang làm đã tạo ra nhiều cảm giác bất ổn nơi các quốc gia Đông Nam Á. Họ cảm thấy vững tâm hơn với chính sách tổng thống Mỹ tiền nhiệm Barack Obama.
Các quốc gia này muốn Mỹ cam kết, dấn thân nhiều hơn, và với ông Obama, họ cũng thấy rõ hơn điều Mỹ chuẩn bị thực hiện. Nhưng bây giờ thì họ không biết cam kết của Mỹ đối với họ như thế nào, ông Trump có gạt qua một bên quyền lợi của họ để chỉ tập trung vào Bắc Triều Tiên hay không. Đó là điều có lẽ hiện đang xẩy ra.
Trong tình hình mơ hồ, bấp bênh đó, những nước trong vùng đang nghĩ đến việc dựa vào các tác nhân khác như Nhật Bản, đang gia tăng những cam kết dấn thân như cung cấp tàu, hỗ trợ tài chính, tập trận chung chẳng hạn.
Việt Nam - Trung cộng, quan hệ hữu nghị nhưng sẵn sàng đối phó vũ trang
Riêng về Việt Nam, ông Bill Hayton ghi nhận hai hướng hành động song song : xây dựng lại quan hệ với Trung cộng, nhưng tăng cường võ trang để sẵn sàng đối phó với Bắc Kinh khi cần.
Một điều rõ ràng là Việt Nam đang xây dựng lại mối quan hệ với Trung cộng. Đã có những cuộc gặp song phương, Việt Nam đang hàn gắn lại quan hệ. Yếu tố hai nước cùng là cộng sản cũng là điều kiện thuận lợi. Mối liên hệ giữa hai đảng thân mật hơn trước nhiều, và cho phép những thảo luận cởi mở hơn là thảo luận giữa hai chính quyền với nhau.
Nhưng Việt Nam đồng thời cũng nâng cấp quân đội, mua một loạt trang thiết bị quân sự kể cả tàu ngầm có thể đe dọa tàu Trung cộng.
Tóm lại Việt Nam đang làm hai chuyện cùng một lúc : xây dựng quan hệ hữu nghị với Trung cộng trong lúc vẫn nâng cao khả năng quân sự, theo hướng xây dựng một khả năng đe dọa quân sự đáng kể đối với Trung cộng nếu phải đi đến một cuộc đối đầu.
 BBC

Việt Nam - Nam Dương 'tiếp cận ngoại giao' vụ đụng độ trên biển
Bản quyền hình ảnh JAKARTA POST Image caption Báo Nam Dương cáo buộc tàu Cảnh sát biển Việt Nam 8005 đâm chìm tàu cá Việt Nam đang bị nhà chức trách Nam Dương lai dắt về căn cứ

Tin tức nói giới chức Nam Dương và Việt Nam nhất trí dùng cách tiếp cận ngoại giao nhằm giải quyết vụ đụng độ trên biển.

Vụ xung đột xảy ra giữa cơ quan hàng hải của hai nước tại vùng biển mà hai bên đều nói là thuộc nước mình.

Bộ trưởng Hàng hải và Ngư nghiệp Nam Dương hôm thứ Ba nói các tàu cá Việt Nam bị chặn ở khu vực gần quần đảo Natuna của Nam Dương, trong lúc Hà Nội nói các ngư dân đang trong vùng biển Việt Nam vào thời điểm xảy ra đụng độ hôm 21/5, Straits Times tường thuật.

Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Nam Dương tuyên bố Việt Nam đang cầm giữ một viên chức Nam Dương trong khi phía Nam Dương bắt giữ 11 ngư dân người Việt mà họ nói là xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Truyền thông Nam Dương nói ông Gunawan Wibisono thuộc lực lượng ngư nghiệp trên tàu tuần tra bị lực lượng tuần duyên Việt Nam bắt làm con tin.

'Vấn đề chính trị'

Phó Chánh Văn phòng hải quân Nam Dương, ông Achmad Taufieqoerrochman được dẫn lời cho biết quân đội Nam Dương đang phối hợp với chính phủ Việt Nam về vấn đề này.

"Vụ việc đang trở thành vấn đề chính trị," Taufiqoerrochman, người cũng là người chỉ huy đội đặc nhiệm tiêu diệt tàu cá bất hợp pháp của Nam Dương, nói.

Tàu tuần tra KM Hiu Macan 001 thuộc Cục Hàng hải và Ngư nghiệp (PSDKP) bắt giữ năm tàu đánh cá Việt Nam bị cho là đang đánh cá bất hợp pháp tại vùng biển Nam Dương.

Tuy nhiên, báo Nam Dương cáo buộc một tàu tuần tra Việt Nam, mang số hiệu 8005, đã "giải vây" và giúp 44 trong số 55 ngư dân Việt Nam bị bắt trốn thoát.

Jakarta Post dẫn nguồn báo cáo quân sự cho hay "các cuộc đàm phán để thả ông Wibisono thất bại khi họ [Việt Nam] yêu cầu thả thuyền viên và tàu cá Việt Nam bị bắt".

Bản quyền hình ảnh ULET IFANSASTI/GETTY IMAGES Image caption Tàu cá Nam Dương trên một đảo ở Natuna

"Không đánh nhau trên biển"

Hồi tháng Ba năm ngoái, một vụ tương tự cũng từng xảy ra giữa lực lượng tuần duyên Trung cộng và Nam Dương. Phía Trung cộng khi đó cũng đã giải thoát cho một tàu cá sau khi tàu này bị lực lượng tuần tra Nam Dương bắt giữ.

Jakarta sau đó triệu đại diện Trung cộng lên để đòi giải thích.

Tuy nhiên, trong vụ vừa xảy ra, Straits Times dẫn lời Tổng thư ký Hàng hải và Ngư nghiệp Nam Dương Rifky Effendi Hardijanto tại cuộc họp báo hôm 23/5 tại Jakarta, tuyên bố Nam Dương và Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề một cách hòa bình, thông qua các kênh ngoại giao.

Tin tức nói ông Hardijanto đã gặp Đại sứ Việt Nam Hoàng Anh Tuấn để thảo luận, và hai bên đồng ý là "sẽ không đánh nhau trên biển".

Cũng trong hôm 24/5, BBC đã gọi điện và email đến Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Dương nhưng chưa nhận được phản hồi.

Theo truyền thông Việt Nam, tàu mang số hiệu 8005 là một trong những tàu hiện đại nhất của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, có lượng giãn nước 2.400 tấn.

VietnamNet nói rằng tàu này có trang bị nhiều vũ khí hiện đại và có cả sân đỗ máy bay trực thăng.

Trao trả người

Tình trạng ngư dân Việt Nam đi đánh bắt xa bờ đang gia tăng, chủ yếu vì nguồn cá trong vùng biển Việt Nam ngày càng ít ỏi.

Con số ngư dân bị bắt khi vào các vùng biển của nước ngoài cũng tăng lên nhanh chóng.

Tin cho hay hôm 23/5, trong một diễn biến riêng rẽ, chính quyền Nam Dương hoàn tất thủ tục trao trả cho Việt Nam 100 ngư dân.

Đây là đợt trao trả thứ năm trong năm nay, với tổng cộng 340 người được đưa về nước.

Thông Tấn Xã Việt Nam hôm 24/5 dẫn lời một ngư dân quê ở Quảng Ngãi cho biết: "Lực lượng chức năng của Nam Dương khi bắt các tàu thuyền của Việt Nam thì đều dắt vào vùng biển của họ từ 5-10 hải lý mới lập biên bản, trong khi họ không thể xác định chính xác tọa độ tàu thuyền đánh bắt do bản đồ cũ."

"Ngoài ra, từ một năm rưỡi trở lại đây, phía Nam Dương đã tăng cường bắt giữ ngư dân Việt Nam, thậm chí một số trường hợp còn vào cả vùng biển Việt Nam để bắt giữ tàu cá của ta."

Hồi tháng 3/2017, giới chuyên gia về an ninh hàng hải cho hay chứng kiến thuyền cá Việt Nam, đôi khi có kiểm ngư đi kèm, đánh bắt gần bãi cạn Scarborough tranh chấp giữa Phi Luật Tân và Trung cộng.


Tổng hợp tin, bình luận từ RFA, RFI, VOA, BBC…