Bạo lực là một trong hai phương pháp hành xử xưa nay của chế độ cộng
sản …
…đảng càng lúc càng khiến lực lượng công an mạnh tay với nhân dân bằng
đủ mọi kiểu hành xử bạo tàn và càng lúc càng khiến lực lượng lập pháp mạnh tay
với nhân dân bằng đủ mọi thứ luật lệ ngang ngược.“
Củng cố bạo lực hành chánh!!!
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận 269
Bạo lực là một trong hai phương pháp
hành xử xưa nay của chế độ cộng sản (phương pháp kia là lừa gạt).
Điều này chẳng ai không thấy. Để mặc cho nó một ý nghĩa, người cộng sản gọi nó
là “bạo lực cách mạng” với hai khía cạnh: bạo lực hành chánh và bạo lực vũ khí. Bạo lực vũ khí chủ yếu dùng phương tiện công an, bạo lực
hành chánh chủ yếu dùng phương tiện pháp luật. Công an để đàn áp cuộc sống
xã hội và pháp luật để bức bách tâm trí con người.
Đứng trước nguy cơ bị nhân dân lật đổ, một nguy cơ
ngày càng lớn lao do bao sai lầm, tội ác và thất bại tích tụ từ hơn 70 năm qua
và ngày càng nhiều, đảng càng lúc càng khiến lực lượng
công an mạnh tay với nhân dân bằng đủ mọi kiểu hành xử bạo tàn và càng lúc càng
khiến lực lượng lập pháp mạnh tay với nhân dân bằng đủ mọi thứ luật lệ ngang
ngược.
Ngày 18 tháng 11 năm 2016, Đảng hội dưới cái tên Quốc
hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 02, đã thông
qua Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, và Luật
này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ 01 tháng 01 năm 2018. Nó đã bị nhiều công dân
lẫn tổ chức xã hội phê phán hay từ khước (quyết liệt nhất là Hội đồng Liên tôn
qua Kháng thư ngày 20-10-2016). Mới đây, hôm 01-06-2017, Hội đồng Giám mục, một
định chế quan trọng của Giáo hội Công giáo Việt Nam, qua Nhận định về Luật Tín
ngưỡng Tôn giáo gởi cho Quốc hội, một lần nữa cho thấy bạo lực hành chánh của Cộng
sản đã được vận dụng như thế nào đối với lực lượng tín đồ đông đảo.
Sau khi điểm qua vài chi tiết, Nhận định của Hội đồng Giám mục đã cho thấy Luật Tín
ngưỡng, Tôn giáo thực chất là nỗ lực hợp pháp hóa và củng cố hóa cơ chế xin-cho
hết sức bất công, phi lý và ngang ngược của một nhà cầm quyền luôn tuyên bố là
“của dân, do dân, vì dân”. Việc tráo đổi ngôn từ (từ “xin phép” và “cho phép”
sang “đăng ký, thông báo, đề nghị”) rốt cục vẫn không che giấu được ý đồ làm
cho cơ chế xin-cho càng thêm vững mạnh, thậm chí hơn cả Pháp lệnh tín ngưỡng
tôn giáo 2004. Các vị Giám mục đã nói thẳng: “Cơ chế này cho thấy tự do tín ngưỡng tôn giáo
không thật sự được coi là quyền của con người nhưng chỉ là ân huệ cần phải xin
và được ban phát. Chính cơ chế đó hợp pháp hóa sự can thiệp của chính quyền vào
sinh hoạt nội bộ và kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động tôn giáo” (Nhận
định, số 3). Mục đích là làm cho mọi Giáo hội không ngừng lệ thuộc nhà cầm quyền,
ngoan ngoãn để được ban ơn và cuối cùng trở nên công cụ của chế độ hay chí ít
cũng quên đi bản chất và sứ mạng của mình.
Không dừng lại đó, Hội đồng Giám mục còn cho rằng Luật
Tín ngưỡng Tôn giáo là biểu hiệu của não trạng thâm căn cố đế, thái độ trước
sau như một của Cộng sản là luôn xem mọi tôn giáo và tổ chức tôn giáo như những
lực lượng đối kháng, nghĩa là như những kẻ thù không đội trời chung, vừa từ
quan điểm chính trị độc tài toàn trị vừa từ quan điểm triết lý duy vật vô thần.
Chính vì thế, nhà cầm quyền “đã tiêu tốn biết bao
nhiêu tiền của và nhân lực để theo dõi, dò xét, kiểm soát mọi hoạt động tôn
giáo, đồng thời sử dụng các tổ chức tôn giáo như công cụ của chế độ”; trình
bày các Tôn giáo tại nhiều cơ sở đào tạo cán bộ và sinh viên “với những
thành kiến thù nghịch, tạo nên nhận định sai lầm và hình ảnh biến dạng về Giáo
hội Công giáo [lẫn các Giáo hội khác] nơi thế hệ trẻ”; đã
không đánh giá đúng mức, thậm chí ngăn cản “những hoạt động của các tôn
giáo trong lĩnh vực từ thiện, y tế và giáo dục”; và nay, với những điệp
khúc đậm màu chính trị và những từ ngữ mơ hồ cố ý của Luật Tín ngưỡng tôn giáo,
nhà cầm quyền sẵn sàng quy kết trách nhiệm và lên án bất công các tổ chức lẫn
nhân sự tôn giáo như họ đã và đang làm. “Cách nhìn và cách hành xử như
vậy có nguy cơ làm mất bản sắc đích thực của các tôn giáo, gây chia rẽ trong nội
bộ các tôn giáo cũng như giữa các tín đồ và người ngoài tôn giáo” (Nhận
định, số 4).
Thời gian gần đây, tại Quốc hội, nhân cuộc thảo luận
về việc sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015, hai đại biểu có nguồn gốc công an là Nguyễn
Thị Xuân, Đại tá, Phó Giám đốc công an tỉnh Đak Lắc, và Nguyễn Thị Thủy, công
tác tại Viện Kiểm sát Tối cao, đại biểu tỉnh Bắc Kạn, đã gây sóng gió khi ủng hộ
dự thảo tại Điều 19 Bộ luật Hình sự
là "Luật sư phải tố giác thân chủ khi họ
biết thân chủ phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia…", lấy lý do:
xâm phạm an ninh quốc gia là tội bất trung, đại nghịch mà từ xưa cũng đã trừng
phạt nặng nề. Nhưng ai cũng biết khái niệm “xâm
phạm an ninh quốc gia” bị người cộng sản -do não trạng bảo vệ quyền lực độc
tài của mình- hiểu rất rộng, không những là chuyện phản bội đất nước, làm hại Tổ
quốc, giết hại Đồng bào mà còn là chuyện động tới đảng và chế độ dưới mọi hình
thức, dù chỉ là thành lập một chính đảng hay một tổ chức xã hội dân sự đấu
tranh bất bạo động, dù chỉ là phê bình chính sách sai lầm của đảng, phản đối chủ
trương tai hại của nhà nước trên ngôn từ mà thôi. Đàn áp dân biểu tình khiếu kiện
chính đáng, chặn đường các nhà dân chủ tranh đấu ôn hòa, bắt trước công dân yêu
nước để phòng hậu họa, nhà cầm quyền đều lấy lý do “an ninh quốc gia”….
Nếu đọc qua BLHS 2015, người ta thấy đã có quy định
về đồng phạm ở điều 17 và và che giấu tội phạm ở điều 18. Nhưng nay, với điều 19 (Tội không tố giác tội phạm), Cộng sản làm cho
luật thêm khắt khe và ngang ngược. Khắt khe và ngang ngược ở chỗ Điều 19
Khoản 1 quy định bất kỳ ai nếu biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị thực hiện mà
không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm.
Khoản 2 quy định ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của
người phạm tội phải tố giác các tội đặc biệt nghiêm trọng và các tội xâm phạm
an ninh quốc gia. Và quan trọng nhất, đang gây tranh cãi nhất, là Khoản 3 quy định
Luật sư phải tố giác các tội đặc biệt nghiêm trọng và các tội xâm phạm an ninh
quốc gia của thân chủ mà họ biết được khi thực hiện nghĩa vụ bào chữa. Cả ba
khoản này tần tật công an hóa toàn thể xã hội!
Ai cũng biết việc không tố cáo tội phạm hoàn toàn
khác với việc giúp đỡ, che giấu người phạm tội. Vì người biết về hành vi phạm tội
của một kẻ khác chẳng đồng nghĩa với việc đương sự tham gia và giúp đỡ tội ác
được thực hiện hay cố ý che giấu nó. Mọi pháp chế văn minh trên thế giới đều
công nhận điều này, nên chẳng có việc quy lỗi kẻ không tố giác tội phạm!
Do đó, nhiều đại biểu hiểu biết pháp luật và thành
tâm thiện chí như Đỗ Ngọc Thịnh, Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch và Phó Chủ tịch
Liên đoàn Luật sư VN, Trương Trọng Nghĩa của Sài Gòn đều đã nhấn mạnh: Khoản 3
Điều 19 sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc của các Luật sư, có thể
khiến họ không thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân trong các vụ kiện.
Quan điểm này dựa trên hai nguyên tắc: Một là nghĩa vụ im lặng của Luật sư xuất
phát từ quyền im lặng của bị can, bị cáo. Bị can, bị cáo vốn dĩ không phải khai
báo bất kỳ điều gì về bản thân, bởi lẽ trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc cơ
quan điều tra, nên khi họ cần Luật sư, thuê mướn luật sư, là để bảo vệ quyền của
mình, chứ không phải để Luật sư đem thông tin đi nói cho người khác biết. Hai
là mối quan hệ giữa Luật sư và thân chủ được bảo vệ bởi đặc quyền về bảo mật
thông tin, bất kể là vụ án hình sự, dân sự hay chính trị. Đây cũng là vấn đề
nguyên tắc đạo đức của nghề Luật sư, được các Luật sư đoàn trên thế giới quy định.
Luật sư và thân chủ cần có đặc quyền về bảo mật thông tin, vì đó chính là điều
kiện tối cần thiết để thiết lập sự tin tưởng tuyệt đối giữa họ.
Ngoài ra, quy định như khoản
3 Điều 19 Dự thảo BLHS 2015 sẽ biến luật sư trở thành tội phạm nếu tham gia bào
chữa cho các tội danh liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia (nay được
khoác lên hầu hết cho các vụ án chính trị) và các tội đặc biệt nghiêm trọng
khác. Luật sư sẽ trở thành nạn nhân của điều luật kinh hoàng man rợ, phản khoa
học pháp lý, đi ngược lại văn minh nhân loại. Từ chỗ đang thực thi nhiệm vụ bào
chữa cho thân chủ theo đúng quy định của pháp luật, bỗng dưng luật sư lại trở
thành kẻ bị tình nghi phạm tội. Chỉ có cộng sản mới nghĩ ra điều này!
Để củng cố thêm cho bạo lực hành chánh, “chuyên
chính” pháp luật, sáng ngày 24/5, tại kỳ họp Quốc hội khóa 14, nữ đại tá công
an Nguyễn thị Xuân nói trên lại muốn việc bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo đảng, quan
chức nhà nước CS phải bị xử lý hình sự, nghĩa là phải ngồi tù. Tay nữ công an
này cho rằng, trong điều 155 về tội làm nhục người khác và điều 156 về tội vu
khống cần phải bổ sung thêm việc xuyên tạc, bịa đặt, lan truyền những nội dung
sai sự thật nhằm bôi nhọ, gây mất uy tín lãnh đạo đảng, chính quyền. Theo bà
ta, việc nói xấu, bôi nhọ gây mất uy tín thường diễn ra vào những kỳ đại hội đảng
CS, bầu cử Quốc hội. Việc tung ra những tin tức như thế sẽ gây hoang mang, giảm
sút “niềm tin của nhân dân” đối với các lãnh đạo mà đảng đã chọn. Quả là trong
2 kỳ đại hội đảng gần đây, một số tờ như: Quan làm báo, Chân dung quyền lực, Tư
Sang nham hiểm… đã tung ra rất nhiều thông tin động trời mà ngay các tờ báo
chính thống không thể có được. Công luận đều cho rằng đó là chuyện các phe cánh
trong nội bộ đảng đánh phá nhau. Nhưng dẫu không có những tờ báo ấy, toàn dân
cũng thấy giới lãnh đạo đảng, từ Hồ Chí Minh tới hôm nay, tất cả đều đã chung
tay vào tội ác giết hại đồng bào, tàn phá đất nước, làm đạo đức văn hóa suy đồi,
làm quốc gia lụn bại và bây giờ làm cho Tổ quốc ngày càng lâm nguy trước kẻ thù
truyền kiếp phương Bắc. Nên trúc Trường Sơn không ghi hết tội, nước Biển Đông
chẳng rửa sạch mùi và bao nhiêu nhọ nồi cũng chẳng đủ! Nhưng vấn đề là ở chỗ,
như TS Nguyễn Quang A nói, “Luật pháp phải bình đẳng. Không có chuyện
phân biệt lãnh đạo cấp cao của đảng, của nhà nước với một người dân bình thường.
Trước pháp luật thì một người lao động bình thường, một bà buôn thúng bán mẹt với
ông TBT đảng hay Chủ tịch nước đều ngang nhau”.
Công luận đang phẫn nộ vì công
an TP Hà Nội vào hôm 13/6 đã ra quyết định khởi tố điều tra hình sự vụ việc xảy
ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội ngày 15/4. Báo chí
đã đồng loạt tường thuật việc khởi tố vụ án "nhằm làm rõ các hành vi bắt giữ người trái pháp luật theo Điều 123 và
hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 BLHS",
cho dù chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung đã long trọng cam kết không truy tố dân bằng
thủ bút. Lại một trò bạo hành luật pháp mới của Ba Đình, xuất phát từ thói lật
lọng và lừa đảo là bản chất của mọi chế độ CS từ khi chúng đoạt được quyền trên
toàn thế giới vào năm 1917 ở Nga và sau đó lan rộng khắp hoàn cầu. Với vụ việc mới này, CS thêm lộ nguyên hình là một băng đảng
chủ trương lấy cướp bóc làm mục đích sinh tồn, lấy dối trá và bạo lực làm
phương tiện hành xử. Nhưng nó có nhờ như thế mà tồn tại mãi được
chăng?
Xã
luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 269
(15-06-2017)
Ban
biên tập