Buổi tọa đàm ở Hà Nội về vấn nạn bạo lực
của chính quyền Việt Nam đối với giới bất đồng chính kiến vào chiều ngày
26/6/2017 tại Hà Nội. RFA
Hội Cựu Tù nhân Lương tâm vào chiều ngày 26/6/2017,
tại Hà Nội, tổ chức buổi tọa đàm về vấn nạn bạo lực của chính quyền Việt Nam đối
với giới bất đồng chính kiến.
Nội dung chi tiết
Tham gia buổi tọa đàm ở Hà Nội có sự góp mặt của các
cựu tù nhân lương tâm, các nhà hoạt động xã hội, đấu tranh cho dân chủ - nhân
quyền, nhà báo độc lập và một viên chức của Đại sứ quán Thụy Sỹ.
Ông Nguyễn Vũ Bình - cựu tù nhân lương tâm, nhà báo
độc lập cho biết thêm thông tin về buổi tọa đàm này:
“Hiện nay chúng ta biết, nhà cầm quyền
Việt Nam đã chuyển phương thức sử dụng bạo lực là một trong những công cụ chính
để đàn áp giới đấu tranh, thì chúng ta biết là dư luận xã hội rất đang quan tâm
và hội tù nhân lương tâm hôm nay tổ chức là góp phần làm cho dư luận hiểu thêm
được về hành xử của nhà cầm quyền đối với giới bất đồng chính kiến.”
Tham gia tọa đàm, các nhà
hoạt động, cựu tù nhân lương tâm đưa ra phân tích các trường hợp nạn nhân bị bạo
hành bởi lực lượng thân chính quyền trong nhiều năm trở lại đây. Qua đó, họ
cùng nhau bàn thảo phương cách nào để giảm bớt vấn nạn bạo hành ngày càng gia
tăng một cách công khai, coi thường luật pháp và các giá trị nhân bản.
Theo ông Nguyễn Vũ Bình, dưới sức ép của cộng đồng
quốc tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế, thương mại toàn cầu của Việt Nam, buộc
phía chính quyền phải tuân thủ theo cam kết quốc tế, giảm bớt án tù.
“Thế thì bây giờ người ta chuyển sang
phương thức dùng bạo lực mà đánh đập tại chỗ trực tiếp đối với những người đấu
tranh. Thế thì những bạo lực người ta sử dụng chúng ta thấy là thường xuyên và
liên tục, đến mức mà chúng ta thấy là những cuộc biểu tình bị hạn chế rất là
nhiều so với một hai năm trước, xu hướng sử dụng bạo lực hiện nay rất là mạnh mẽ
và không có giới hạn.”
Các trường hợp nổi bật bị bạo hành trong
những năm qua là các nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến, Trịnh Anh Tuấn, Lã Việt Dũng, Trần Thị Nga, Lê Mỹ Hạnh…
những người biểu tình ôn hoà vì môi trường tại Sài Gòn và gần đây nhất là Luật
sư Lê Quốc Quân ở Hà Nội, bạn trẻ Nguyễn Peng bị hành hung ở Buôn Mê Thuột,
Huỳnh Anh Tuấn bị tấn công tại Sài
Gòn ngày 25/6/2017 vừa qua.
Ngoài việc bị tấn công về thể xác gây tổn
hại sức khoẻ, các nhà hoạt động còn bị bao vây về kinh tế, khủng bố về tinh thần,
bị ly gián trong quan hệ với gia đình, họ hàng, làng xóm, đồng nghiệp, bạn bè…
Đặc biệt, đối với các nhà hoạt động nữ, theo luật sư
Lê Thị Công Nhân - một cựu tù nhân lương tâm chia sẻ, ngoài “bạo lực cú đấm”,
còn là sự sỉ nhục về mặt danh dự, nhân phẩm và hình ảnh.
“Tôi thấy với đàn ông ít có điều đó lắm.
Ví dụ như là xé rách quần áo chẳng hạn hoặc là cào xước người rồi tóc tai, làm
cho người ta trở nên một cái hình ảnh vô cùng thê thảm và sỉ nhục người ta.
Trong lúc hỗn loạn mà chúng tôi bị đánh đập như vậy chúng tôi yếu thế tuyệt đối.
Tôi thấy rất rõ sự lợi dụng và tất nhiên đây là một chủ ý rằng họ sẽ đánh đập bạo
lực vào các vùng nhạy cảm trên cơ thể của phụ nữ.”
Hai nhà hoạt động tham gia buổi tọa
đàm RFA
Tất cả các hành động khủng bố, hành hung từ phía những
người thân chính quyền có tác động lớn đến tâm lý của những người hoạt động xã
hội, đấu tranh cho dân chủ - nhân quyền, cũng như thân nhân của họ và cộng đồng
xung quanh.
“Hiệu quả của biện pháp bạo lực nó làm
cho người ta cảm thấy kinh hãi đến mức độ nào. Nó kinh hãi đến mức sự việc đã
trôi qua mà nỗi sợ vẫn còn rất là lâu. Và chính vì cái hiệu quả như vậy mà một
người đấu tranh, một người hoạt động bị đàn áp về bạo lực đó thì cả gia đình họ
cũng cảm thấy đau đớn là chia sẻ cái nỗi đau và đương nhiên chia sẻ luôn cái nỗi
sợ đó, điều này là không thể tránh khỏi.”
Tác động quốc tế
Theo anh Vũ Quốc Ngữ, các nạn nhân cần phải có tiếng
nói, lập hồ sơ báo cáo sự việc cho cộng đồng quốc tế một cách công khai, rõ
ràng.
“Tất nhiên là nhiều trường hợp, chính
quyền Việt Nam lờ đi các báo cáo của quốc tế, của chính phủ Mỹ chẳng hạn hoặc
là các tổ chức quốc tế. Họ cũng nói rằng là những thông tin trên đều là sai lệch
nhưng mà ta có nhân chứng đầy đủ, có những thông tin hình ảnh bằng báo viết thì
ta có thể đối chứng với luận điệu của nhà cầm quyền.”
Dù hiệu quả từ sự tác động của cộng đồng
quốc tế đối với vấn nạn bạo hành giới bất đồng chính kiến là chưa rõ ràng,
nhưng việc cung cấp thông tin liên tục, chính xác là hoàn toàn cần thiết.
“Cộng đồng quốc tế có thể là họ sẽ đưa
ra bản báo cáo thực tế về tình trạng đàn áp tại Việt Nam. Bằng cách nào đó họ
tác động lên chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam dù nhiều hay ít nhưng họ có
những tác động nhất định.”
Còn đối với người dân trong nước, các nhà hoạt động
mong đợi một sự thay đổi trong nhận thức về vấn nạn bạo hành này và hiểu rõ
thêm về thực tế đang diễn ra hàng ngày tại Việt Nam.
“Chúng ta biết là theo thời gian
thì sự thật sẽ được bộc lộ, đó là một quy luật và cách thức chúng ta
tác động vào thì hằng ngày chúng ta vẫn tác động để cho mọi người dân hiểu được
những sự đàn áp của nhà cầm quyền đối với giới đấu tranh.”
Song song với buổi tọa đàm như vừa nêu tại
Hà Nội, một số cựu tù nhân lương tâm và các nhà hoạt động độc lập vì dân chủ-
nhân quyền tại Sài Gòn cũng có sinh hoạt tương tự. Một đại diện của
Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ cũng có mặt tham gia là bà Pamela Pontius.
Đây là năm thứ ba Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam
tổ chức thảo luận nhằm phản đối tình trạng sử dụng bạo lực đối với giới bất đồng
chính kiến trong nước.
Thống kê đưa ra cho thấy có đến 70-80% những
người bất đồng chính kiến, đấu tranh cho dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam từng
bị đánh đập bởi chính lực lượng công an và thành phần mặc thường phục được nói
do công an chỉ đạo.
Các nhà hoạt động xã hội, đấu tranh cho dân chủ -
nhân quyền mà chúng tôi tiếp xúc đều khẳng định sẽ vẫn tiếp tục con đường họ đã
chọn, vì một đất nước Việt Nam tốt đẹp hơn, bất chấp mọi đe dọa về mặt sức khỏe,
tinh thần và kinh tế.
RFA